Trong khi đó, cuộc sống của chúng ta lại bị chi phối bởi các con số. Các con số xuất hiện trong hầu hết trường hợp: tuổi tác, số dư trong tài khoản ngân hàng, cân nặng… Những con số chính xác có ảnh hưởng đến lịch trình lẫn lòng tự trọng của mỗi người. Trên thế giới tồn tại hơn 7.000 ngôn ngữ và cách sử dụng con số trong những ngôn ngữ này cũng cực kì khác nhau.
Những bộ tộc không sử dụng số lượng cho chúng ta một cái nhìn về vấn đề: việc phát minh ra các con số đã thay đổi kinh nghiệm của con người như thế nào. Phát minh ra chữ số là một cột mốc đáng nhớ của loài người, nó là mầm mồng khai sinh ra nông nghiệp cũng như chữ viết.
Các nền văn hoá không tồn tại chữ số, hoặc chỉ có một hoặc hai con số gồm Munduruku và Pirahã ở Amazonia. Các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên cứu một số người lớn ở Nicaragua – họ cũng chưa bao giờ được dạy về các chữ số.
Những người lớn ở các bộ tộc này phải vật lộn rất vất vả khi đụng đến các con số, dù những con số đó có giá trị thấp như số 4. Trong một thí nghiệm, một nhà nghiên cứu đặt các hạt đậu vào hộp cùng một lúc, sau đó lấy từng hạt ra. Những người quan sát được yêu cầu ra tín hiệu khi tất cả các hạt đã được lấy ra. Kết quả cho thấy họ gặp vấn đề trong việc xem có bao nhiêu hạt đậu còn lại trong hộp, dù trong đó chỉ còn có 4 đến 5 hạt.
Trường hợp này và những thí nghiệm khác đã giúp các nhà nghiên cứu rút ra một kết luận đơn giản: Khi một người không có từ để chỉ các con số, họ gặp khó khăn trong việc đếm số – một điều dường như rất tự nhiên đối với những người như chúng ta.
Mặc dù chỉ có một phần nhỏ các nền văn hóa trên thế giới không tồn tại các chữ số, nhưng nó chứng minh một điều rằng: các con số không phải là điều hiển nhiên đối với loài người.
Có một điều cần lưu ý, những người thuộc các bộ tộc kì lạ này có nhận thức hoàn toàn bình thường. Họ thích nghi rất tốt với môi trường mà họ đã sống hàng thế kỉ qua.
Là con của nhà truyền giáo, nhà khoa học nghiên cứu về những nền văn hóa này đã dành một phần tuổi trẻ để sống với người bản địa – những người Pirahã chưa từng biết đến chữ số trong đời. Họ sống dọc theo bờ sông hẹp của con sông Maici đen. Giống như những người khác, nhà nghiên cứu bị ấn tượng cực kì mạnh mẽ bởi sự hiểu biết vượt trội về hệ sinh thái ven sông của họ.
Tuy nhiên, những bộ tộc này rất “mệt mỏi” khi phải đụng đến những công việc đòi hỏi sự phân biệt số lượng một cách chính xác. Điều này quả thật không có gì ngạc nhiên. Rốt cuộc, nếu không biết đếm, làm sao người ta có thể nói được là có bảy hay tám trái dừa trên cây? Những sự phân biệt đơn giản này dường như lại quá phức tạp với những đôi mắt của những người không có khái niệm về số lượng.
Kết luận này cũng được củng cố khi người ta dạy số cho trẻ em trong xã hội công nghiệp hóa. Trước khi được dạy bài bản về số lượng, trẻ em có thể đếm đến ba. Chúng phải nhận biết được những công cụ liên quan đến số lượng trước khi có thể đếm các số lớn hơn một cách liên tục và dễ dàng.
Trong thực tế, trẻ con phải mất một thời gian dài mới nắm được chính xác ý nghĩa các con số. Ban đầu, trẻ em học được số giống như chúng học chữ cái. Chúng nhận ra rằng, các con số được tổ chức theo thứ tự nhưng không biết được mỗi con số có ý nghĩa gì. Qua thời gian, chúng bắt đầu hiểu ra một con số nhất định có giá trị lớn hơn con số liền trước nó. "Nguyên tắc kế tiếp" này là một phần của nền tảng để nhận thức được số học, nhưng để hiểu được thì chúng ta phải thực hành.
Không ai trong chúng ta là người sinh ra đã có thể nhận biết các chữ số. Nếu nền văn hóa của chúng ta không dạy ta cách đọc các chữ số ngay từ thuở bé, thì tất cả chúng ta cũng phải vật lộn để nhận biết những khái niệm cơ bản về số lượng.
Chúng ta đã được bố mẹ, giáo viên và những người xung quanh dạy về số và dần dần nó trở thành trải nghiệm nhận thức của mỗi chúng ta. Quá trình này có vẻ bình thường đến nỗi đôi khi con người nghĩ nó là một phần tự nhiên của sự trưởng thành, nhưng không phải. Sự thật là bộ não con người được trang bị một số bản năng định lượng nhất định, nhưng những bản năng này rất hạn chế. Và con người không phải là loài duy nhất được “ban” cho những bản năng tự nhiên này. Một số loài chim cũng có khả năng ấy.