Những câu chuyện quanh Kim tự tháp
Rendlesham, nơi gặp gỡ bí hiểm của người ngoài hành tinh / Sự thật chết chóc trên hành tinh "song sinh" quay sát Trái Đất
Viết về Kim tự tháp thì biết bao nhiêu chuyện cho hết, từ nguồn gốc, cách thức xây dựng là bí ẩn ra sao, tới việc các Pharaon chuẩn bị xây Kim tự tháp cho mình ngay từ khi đăng quang cho tới chuyện thế hệ con cháu của vương triều tiếp tục xây như thế nào, tất cả những câu chuyện đó đều đã được in thành sách báo cả trăm, cả nghìn năm nay và xuất hiện đầy khắp trên các trang mạng. Ở đây tôi chỉ muốn kể vài chi tiết liên quan tới hoạt động du lịch và những câu chuyện khác.
1.Theo sách vở tôi đọc được, kỹ thuật xây dựng của người Ai Cập cổ đại đã đạt tới trình độ cao siêu không tưởng, tới mức những phiến đá từ 2-15 tấn được xếp lên nhau mà không thể nhét vào khe tiếp xúc một lưỡi dao lam. Nghe rất hay, thật sự thì cũng không hẳn là như thế.
Tại Kim tự tháp Kheop, các phiến đã được xếp thụt vào đều đặn, đủ để con người leo trèo trên các bậc thang đó và khe hở của các tảng đá là có chứ không hoàn toàn liền mạnh. Nhưng hở thì hở, chỉ là chuyện "bới bèo ra bọ thôi", còn ngày nay chắc Mỹ hay Nga hay Nhật cũng khó mà thi công được dạng công trình này mà không có máy móc hỗ trợ.
Con đường hầm xuyên từ ngoài vào hầm mộ chính được lát bậc thang gỗ, có chỗ gần như dốc ngược để dẫn du khách vào một căn phòng trống trải. Cũng là chuyện sách vở, nhiều tài liệu nói ba Kim tự tháp Giza thẳng hàng với ba ngôi sao lớn của chòm Orion.
Kể cũng hay đấy, nhưng theo hiểu biết của tôi thì mỗi chòm sao có lẽ bao hàm vài vạn ngôi, vậy việc thẳng hàng kia hoàn toàn có thể ứng với những ngôi sao bất kỳ nào chứ? Các tài liệu còn đặt câu hỏi về vị trí và sự thẳng hàng của Kim tự tháp lớn nhất với hướng chính Bắc, đây là ẩn số của lịch sử, bởi vào thời kỳ cổ Ai Cập chưa có la bàn; rồi huyền thoại về những căn phòng bên trong được một năng lực siêu nhiên nào đó giữ cho nhiệt độ luôn ở khoảng 20 độ C, rồi ngày trước Napoleon đã qua đêm trong căn phòng này và chút nữa thì hóa điên bởi ông ta nhìn thấy những bóng đen đi lại xung quanh và nhìn thấy ảo ảnh về tương lai.
Tôi thì nghĩ, nhét ai vào cái hầm mộ chỉ vài tiếng thôi cũng đã muốn điên rồi, còn danh tướng kia chưa phát rồ mới là chuyện lạ khi ngủ trong căn phòng kín mít không thông gió.
Thú vị nhất là bản thân người Ai Cập hiện đại hoàn toàn không tỏ ra một chút năng lực nào có thể khiến người ta tin tổ tiên họ đã xây nên Kim tự tháp. Giống hệt câu chuyện ở Campuchia, sau khi António da Madalena, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đặt chân tới Angkor ngủ yên trong rừng già vào năm 1586, nhưng phải tới giữa thế kỷ 19, khi Hanri Mouhot, gã phiêu lưu, nhà nghiên cứu người Pháp công bố cho thế giới sự tồn tại của một thánh địa bị lãng quên, cả thế giới mới chấn động và chính người Campuchia cũng không thể tin nổi cha ông mình đã từng có một kinh thành vĩ đại như vậy.
Điều này người ta thấy giống câu chuyện những hình vẽ trên mặt đất ở Peru hay Kim tự tháp Maya, dường như trong lịch sử xa xưa đã từng xảy ra những chuyện khá giống nhau khiến nền văn minh nhân loại ở từng khu vực biệt lập đồng loạt rời bỏ đỉnh cao để quay về trạng thái… nguyên thủy (?).
Tuy nhiên, với Ai Cập thì tất nhiên người hiện đại không bao giờ nguôi cơn hào hứng với Kim tự tháp bởi đó là điều khiến mỗi năm có hàng chục triệu du khách tìm đến và góp phần nuôi dưỡng nền kinh tế đất nước này.
Trong các tài liệu đã từng đọc, tôi ấn tượng nhất với cuốn "Bức thông điệp bi thảm của cổ nhân" của tác giả người Nga Enoro Munbasep, trong đó ông ta đã cố gắng chứng minh bằng toán học để đưa ra luận thuyết về một nền văn minh cổ xưa đã lập một hệ thống các Kim tự tháp và công trình bí ẩn trên địa cầu.
Với khoảng cách từ Kim tự tháp Ai Cập tới Bắc cực là 6.666km, bằng khoảng cách từ Kailash tới Bắc cực. Rồi độ cao của Kailash là 6.666m, quả là những con số ấn tượng. Tác giả Munbasep còn giới thiệu hàng loạt tam giác khác được tạo thành bởi những điểm nổi danh trên Trái đất như Bermuda; Kim tự tháp Mexico; đảo Stonehange… nhằm mục đích tạo sự liên kết về năng lượng hoặc truyền tải thông tin gì đó…
Còn có luận điểm cho rằng Kim tự tháp về bản chất là… một phần của lưới điện cao thế khổng lồ và từ thời cổ đại, người Ai Cập đã biết tới điện. Nghe rất hay và kỳ bí, nhưng nếu chúng ta đưa vấn đề này ra hỏi các bạn lụng thụng áo chùng đang dắt lạc đà chắc chắn sẽ chỉ nhận được nụ cười và những cái nhún vai.
2. Nhưng, đến Kim tự tháp, nhìn ngắm, chụp ảnh, tận hưởng những huyền thoại về Kim tự tháp là một việc, vắt óc nghĩ cách đối phó với đủ mọi chiêu trò vẫn diễn ra hàng ngày ở đây lại là việc khác. Dù đã từng nếm trò lừa đảo ở đây rồi, lần này tôi và những người bạn trong nhóm vẫn cứ phải nhức đầu với các kiểu dọa dẫm, nài nỉ vòi tiền.
Chỉ bước chệnh ra khỏi đám đông đang quần tự dưới chân Kim tự tháp, giơ máy ảnh lên chụp đám ngựa và lạc đà là đã có ngay 1 gã nhào ra bắt trả tiền. Cạnh đó, một gã khác đeo lủng lẳng thẻ tên, chẳng biết thẻ của tổ chức nào cũng xấn tới chỉ dẫn các vị trí chụp mà theo hắn sẽ có hiệu ứng ảnh rất hay.
Gặp mấy trường hợp đó tất nhiên tôi sẵn sàng trợn mắt lên nhìn và đi ngay, không hơi đâu dây dưa với họ. Nhưng vừa tức vừa buồn cười là ông nhóc dắt lạc đà. Dù đã được hướng dẫn địa phương đứng ra giao dịch và dặn không cần đưa thêm tiền, khách nào lên lưng lạc đà rồi cũng cứ phải móc tiền ra đưa mới xuống được.
Tôi ngồi trên lưng lạc đà cao lênh khênh và nghe ông nhóc kỳ kèo "tip, tip" mà điên ruột. Chỉ sau khi nghe tôi quát, cậu nhóc này mới chịu cho lạc đà quỳ xuống. Chỉ cần vào mạng và gõ chữ "lừa đảo, Ai Cập", chúng ta sẽ choáng váng khi nhìn thấy kết quả tìm kiếm của google. Nhưng thôi, cũng nên an ủi là ở đâu có đông du khách thì chả thế.
Như một trò chơi mà các thành viên đã có quy ước với nhau, khách du lịch đi lại gần đâu đó sẽ có những gã ất ơ nhào ra bắt tay với câu cửa miêng "Helo my friend".
Hầu hết du khách đều nhất quyết lảng đi, bỏ qua không có bắt tay bắt chân gì hết. Ai lớ ngớ dừng lại bắt chuyện thì hỡi ôi, thảm ngay. Các loại lừa đảo rủ đi cưỡi ngựa cưỡi lạc đà, dẫn tới góc chụp đẹp, các kiểu bán chác hàng hóa linh tinh và tất nhiên giá cả và chi phí cho việc dẫn đi sẽ là trên trời dưới đất không ai biết đâu mà lần.
Đã có buổi tôi dại dột đi tìm mua thuốc lá mà bị chủ một tiệm bé tẹo hét 7USD cho một bao thuốc giá thường chỉ 1USD. Tồn tại song hành với một nền văn hóa cổ vĩ đại luôn có một nền văn hóa lừa khách đến mức tồi tệ. Đọc trên các trang mạng thấy Chính phủ Ai Cập cũng nỗ lực chấn chỉnh hình ảnh trong mắt khách quốc tế nhưng đúng là không xuể, bởi đâu thể đặt cảnh sát suốt ngày đứng ở mỗi góc đường, đối phó với khủng bố và bất ổn chính trị đã đủ mệt rồi.
Tại nhiều điểm như Kim tự tháp; Bảo tàng và ở nhiều khách sạn lớn đều lắp cửa từ nhưng quả thực, chỉ có chỗ nào quan trọng mới có nhân viên thao tác soi chiếu. Khách sạn tôi ở lần trước mọi người đi ra đi vào chẳng ai buồn soi chiếu và chú an ninh gác cửa cũng chỉ bận rộn với việc bắt quen và sau đó xin những thứ gì hay hay. Lần đó tôi bị xin mất cái bút. Đúng là kỷ niệm không thể nào quên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính