Những cuộc xả súng tiêu diệt rắn khổng lồ ở rừng Phú Quốc
Kinh hoàng chim hồng hoàng xơi tái rắn độc châu Phi / Ảnh động vật: Rắn đuôi chuông hai đầu khám phá kỳ thú
Trong nhưng ngày đi khắp miền tây sưu tầm những câu chuyện nửa thực nửa hư về rắn hổ mây khổng lồ, chúng tôi nhận được nhiều nguồn thông tin về chúng. Người thì bảo chúng đã bị giết sạch, người thì bảo chúng đã bỏ vùng Bảy Núi trốn xuống tận rừng tràm U Minh Thượng rộng mênh mông, người lại khẳng định loài rắn khổng lồ hổ mây đã bơi ra biển trốn vào đại ngàn Phú Quốc.
Thầy giáo ăn thịt hổ mây
Trước khi ra đảo Phú Quốc, tôi gặp anh Phạm Văn Hạnh, ở cơ quan Thi hành án tỉnh Kiên Giang. Nói chuyện rắn hổ mây, anh Hạnh hào hứng hẳn lên. Anh bảo, anh vốn là người ngoài Bắc, quê Thái Bình, lúc mới vào vùng đất tận cùng Tổ quốc, thi thoảng nghe người nọ, người kia kể về rắn khổng lồ, thân to bằng cây dừa, anh cũng không tin lắm. Tuy nhiên, được nghe kể nhiều quá, từ miệng toàn những người lớn tuổi, có tri thức đàng hoàng, nên khiến anh tò mò.
Anh Hạnh chỉ tôi đến gặp ông Trần Văn Nhâm, người từng kể rõ ràng, chi tiết với anh về loài rắn hổ mây khổng lồ. Sở dĩ anh Hạnh tin lời ông Nhâm, vì ông Nhâm là giáo viên đáng kính. Hiện ông Nhâm đã về hưu, sống tại xã Tân Thạnh, vùng ven của rừng quốc gia U Minh Thượng, thuộc huyện An Minh (Kiên Giang).
Nhắc đến chuyện rắn hổ mây khổng lồ, ông Nhâm tỏ ra rất giận những người cho chuyện rắn hổ mây là chuyện phóng đại của bác Ba Phi. Ông Nhâm đã lấy danh dự của một nhà giáo về hưu khẳng định rằng, rắn hổ mây không phải là chuyện bịa đặt, vớ vẩn. Rắn hổ mây khổng lồ là loài có thật. Bản thân ông không những tận mắt thấy nó, mà con tham gia bắt, làm thịt một con hổ mây khá lớn.
Chuyện ấy xảy ra cách nay đã tròn 30 năm. Khi đó, ông Nhâm mới ra ở riêng. Vợ chồng ông dựng một ngôi nhà lá ở bìa rừng U Minh Thượng để ở. Hôm đó, đang ngủ trưa, giấc ngủ chưa sâu, thì choàng tỉnh giấc bởi mái nhà rung lắc. Con chó săn của ông mọi khi hung dữ là vậy, mà chui tọt vào gầm giường, ánh mắt rất sợ hãi. Ông chột dạ, chẳng lẽ có ông hổ nào mò về bắt người.
Ông với con dao, lò dò ra bên ngoài ngó nghiêng. Thế nhưng, tuyệt nhiên không thấy ông hổ nào cả. Nhìn lên mái nhà, ông cứng người khi thấy một con rắn khổng lồ, thân to bằng cây chuối, da hơi mốc vàng nằm trên mái nhà ông. Nó đang dũi dũi cái đầu, đục thủng mái nhà, để chui xuống tóm con chó. Ông nhẹ nhàng chạy ra ngõ, tri hô hàng xóm. Dân ấp thấy ông tri hô rắn khổng lồ, tức thì người mang dao, người mang gậy, người mang xiên cá, chĩa ba ngạnh cùng bao vây, tấn công con rắn.
Hàng chục chiếc chĩa phóng tới tấp, xuyên thủng mình con rắn. Mấy thanh niên can đảm xông vào dung dao chém con rắn tới tấp. Con rắn to là vậy, nhưng không thể chống cự với mấy chục người hung hăng. Nó đã bị chém chết. Xác con rắn nằm vắt ngang sân, dài ngót chục mét. Cả xóm cùng lột da, xẻ thịt con rắn hổ mây khổng lồ. Bữa đó, mỗi gia đình trong ấp được chia khúc thịt rắn, cùng thưởng thức linh đình.
Ông Nhâm tâm sự: “Về rắn hổ mây, tui xin khẳng định là có thật một trăm phần trăm. Không chỉ tui nhìn thấy hắn, ăn thịt hắn, mà nhiều người cũng từng bắt gặp hắn, thậm chí bắt được hắn. Rừng U Minh Thượng bị cháy khủng khiếp quá, loài rắn khổng lồ cũng bỏ đi hết trơn rùi. Tui nghĩ có 2 nơi chúng đi, một là kéo sang rừng U Minh Hạ, hai là bơi qua biển ra đảo Phú Quốc. Rắn hổ mây ở Phúc Quốc mới khủng khiếp. Đời làm nhà giáo của tui cũng dăm lần bảy lượt được ra đảo Phú Quốc. Đồng nghiệp dạy ở các điểm trường lẫn trong rừng Phú Quốc cũng kể nhiều về rắn hổ mây lắm”.
Thợ săn hạ sát hổ mây
Tôi đã đặt chân đến hầu hết các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia trên khắp đất nước, song chưa từng thấy ở đâu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt như ở đảo ngọc Phú Quốc. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát gắt gao của lực lượng kiểm lâm, có lẽ địa hình giữa biển khơi, người dân cũng thuần, nên rừng tự nhiên được bảo vệ rất tốt.
Kiểm lâm viên Lưu Đức Tuấn cho biết, Vườn quốc gia Phú Quốc có tổng diện tích 31 ngàn héc-ta, trải rộng trên toàn bộ huyện đảo. Rừng già tràn ra tận ven biển, sát nách thịt trấn Dương Đông. Rừng được thành lập năm 2001, chưa được khảo sát, nghiên cứu nhiều, các loài động, thực vật cũng chưa biết hết, nên vẫn còn nhiều bí ẩn.
Về chuyện rắn hổ mây, kiểm lâm viên Lưu Đức Tuấn khẳng định rằng, đó là loài rắn có thật. Không chỉ hổ mây, mà rừng Phú Quốc là môi trường có rất nhiều loài rắn. Rắn độc trong lõi vườn quốc gia còn rất nhiều. Anh em kiểm lâm ngày nào cũng tuần rừng, và không chuyến đi nào không gặp một vài con rắn lớn.
Anh Tuấn kể: “Rắn hổ mây tôi gặp nhiều rồi, nhưng đáng tiếc là chỉ gặp những con nhỏ, thân cỡ cái ống bơ sữa, dài 5-6m, nặng trên dưới 20 ký. Không chỉ hổ mây, mà hổ chúa ở Vườn quốc gia Phú Quốc cũng to như thế (điều lạ là kiểm lâm Phú Quốc phân biệt giữa hổ mây và hổ chúa). Còn những con rắn mà các cụ kể to bằng khạp da bò, bằng cây thốt nốt, nặng vài trăm ký thì chúng tôi chưa gặp bao giờ, chỉ nghe các cụ già kể lại. Tôi cũng không rõ chuyện này thực hư ra sao nên không dám phát ngôn. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, thì các cụ toàn phóng đại lên”.
Cũng theo anh Tuấn, anh từng có mấy năm trời phục vụ chị Cúc ở Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật ngoài Hà Nội nghiên cứu các loài đặc hữu ở Vườn quốc gia Phú Quốc. Chị Cúc nói với anh rằng, qua nghiên cứu, chị thấy hầu hết các loài rắn ở Phú Quốc đều to hơn rắn cùng loài ở nơi khác rất nhiều. Do đó, anh suy đoán rằng, có thể Phú Quốc cũng tồn tại những con rắn lớn khác thường.
Anh Tuấn kể rằng, trong đời anh, lần tận mắt con hổ mây lớn nhất là vào năm 1991. Quê anh Tuấn ở mãi Hà Giang. Cuộc sống vùng núi miền biên ải khó khăn quá, nên anh theo anh chị vào Kiên Giang, rồi ra đảo Phú Quốc làm thuê làm mướn. Trước anh làm công cho một trang trại trồng hồ tiêu. Sau này, có duyên với việc đi rừng, nên xin vào ngành kiểm lâm.
Đó là hồi cuối năm 1991, khi anh Tuấn đang làm vườn hồ tiêu ở bìa rừng già, thì gặp ông Tư Hùng, thợ săn nổi tiếng Phú Quốc hớt hải chạy ra, mặt mũi vẫn còn tái nhợt. Anh liền theo ông Tư Hùng vào rừng. Anh cũng lạnh cả người khi tận mắt con rắn khổng lồ, thân to bằng cái phích, dài ngót chục mét. Con rắn nằm trên vũng máu, nhưng đuôi vẫn ngoe nguẩy. Con chó săn của ông Tư Hùng nằm chết thẳng cẳng ngay miệng nó.
Ông Tư Hùng kể rằng, ông dắt 2 con chó vào rừng đi săn như mọi hôm. Vừa vào bìa rừng khu vực Bãi Thơm, thì con chó đi trước kêu ẳng một cái. Không rõ chuyện gì, ông xách súng xông lên. Con chó thứ hai đi theo ông chạy lên, rồi cúp đuôi trốn phía sau lưng ông. Con rắn khổng lồ đang ngoạm ngang lưng con chó săn của ông và tìm cách nuốt chửng.
Sau khi hoàn hồn, ông Tư Hùng giương súng ngắm bắn. Phát đạn của ông trúng sống lưng con rắn. Con rắn tức giận nhả chó lao đến phía ông, tuy nhiên, viên đạn trúng sống lưng khiến nó không bò được nữa. Ông Tư Hùng bình tĩnh lên đạn, bồi phát nữa trúng đầu. Con rắn hổ mây chết ngay tại chỗ.
Ông Tư Hùng và anh Tuấn đã đẵn một đoạn cây, vắt con rắn lên, rồi khênh ra khỏi rừng. Hai người khiêng được con rắn ra khỏi rừng thì mệt nhoài, phải để con rắn lại rồi gọi thêm người. Sau đó, mấy người trong nhà ông Hùng đến khiêng rắn về. Anh Tuấn tiếp tục công việc làm thuê của mình. Sau đó, anh nghe kể lại rằng, ông Tư Hùng đặt con rắn lên cân, và nó nặng đúng 51 ký. Việc con rắn có nặng đến nửa tạ hay không, thì anh Tuấn không rõ, nhưng ông Tư Hùng kể lại như vậy.
Để xác thực chuyện anh Tuấn kể, tôi tìm đến khu vực Kho Đạn, đường K8, để tìm gặp ông Tư Hùng. Ông Tư Hùng sống trong một nông trang với rừng rú vây quanh. Trong nhà ông nuôi cả bầy khỉ do ông săn được. Tiếc rằng, chỉ có người con trai của ông ở nhà. Ông Hùng đi dự đám cưới mãi trong đất liền, không biết khi nào mới ra Phú Quốc. Chuyện ông Tư Hùng săn được vô số rắn, trong đó có cả rắn hổ mây khổng lồ được người con trai của ông xác nhận.
Sau này, khi thành cán bộ kiểm lâm, anh Tuấn rất quan tâm đến rắn hổ mây, đặc biệt là hổ mây khổng lồ. Anh đã gặp nhiều cụ già ở đảo và điều tra về loài rắn mang tính huyền thoại này. Trong số những người mà anh gặp gỡ, thì có cụ Tám Đô, nhà ở ngay bìa rừng Phú Quốc.
Nã đạn giết rắn khổng lồ
Đứng trên con đường mới tinh từ thị trấn Dương Đông vào Ban quản lý Vườn Quốc gia Phú Quốc nhìn thấy ngôi nhà của ông Tám Đô, nhưng tôi tìm mãi mà chẳng thấy ngõ vào. Tôi phải cắt vườn một gia đình hàng xóm để vào nhà ông. Bà cụ, vợ ông Tám Đô nằm đung đưa thảnh thơi trên võng. Thấy khách lạ, bà nhỏm dậy ngơ ngác một lúc rồi mới cất tiếng gọi chồng.
Ông Tám Đô năm nay đã 90 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn, hoạt bát. Bà vợ bị bệnh, nằm một chỗ, không làm được gì nhiều năm nay, một tay ông vẫn chăm bẵm bà chu đáo. Ông bảo, không phải nhà ông không có ngõ, cũng có một cái lối đi, nhưng cả tháng ông bà chẳng ra khỏi nhà lấy một lần, con cái mải làm ăn, thi thoảng mới qua nhà, nên cỏ mọc bít hết, chẳng biết đâu là ngõ, đâu là vườn nữa. Ông bà sống đơn giản, vui vẻ, xa lánh trần tục, chả khác gì cao nhân ẩn tu… bìa rừng.
Nhắc đến chuyện rắn hổ mây khổng lồ, ông Tám Đô hào hứng hẳn lên. Ông bảo, có hai chuyện ông say mê kể cho con cháu bao năm nay, ấy là chuyện ông đánh Pháp, đánh Mỹ, và chuyện rắn hổ mây khổng lồ ở Phú Quốc. Theo ông, ở vùng Phú Quốc này, ông chính là người nắm được nhiều chuyện nhất về rắn khổng lồ. Ngoài ra, còn một người nữa, cũng biết khá nhiều chuyện về rắn hổ mây, là Sáu Mẫn và Bảy Hải, hiện đang sống ở thị trấn Dương Đông. Những người tìm hiểu về rắn hổ mây đều gặp ông và Sáu Mẫn hoặc Bảy Hải. Tuy nhiên, gặp ông mới chuẩn xác. Ông Sáu Mẫn và Bảy Hải tuy cũng biết nhiều chuyện, nhưng chỉ là cháu gọi ông bằng cậu, ít tuổi hơn ông, ít lăn lộn trong rừng hơn ông và đặc biệt là tận mắt rắn hổ mây khổng lồ cũng ít hơn ông.
Ông Tám Đô kể rằng, từ tổ tiên đến đời ông, là đã có tổng cộng 9 đời ở hòn đảo này rồi. Tổ tiên ông ra đảo từ lúc đào còn hoang sơ, người ít, rắn rết thì nhiều. Sống kham khổ giữa rừng, nhưng ông và người cha của mình đều là lão thành cách mạng sừng sỏ ở đất Phú Quốc. Ba ông từng là du kích chống Pháp, thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng, tiêu diệt không biết bao nhiêu kẻ địch. Tuy nhiên, giặc Pháp đã bắt được ba ông. Tra khảo không được gì, chúng đánh ba ông đến chết.
Căm thù giặc, nên 17 tuổi, Tám Đô đã tình nguyện theo bộ đội đánh giặc. Ông từng làm nhiệm vụ bảo vệ nhiều cán bộ cấp cao, các chí sĩ cách mạng, cả những tù nhân Phú Quốc. Chiến đấu từ thời trai trẻ đến khi hòa bình, trải qua kháng chiến chống Pháp, rồi Mỹ - Ngụy, ông được chúng “tặng” vài viên đạn vào người. Bao năm chiến đấu trong rừng, ông có cả ngàn cơ hội giáp mặt rắn hổ mây khổng lồ.
Theo ông Tám Đô, toàn bộ rừng rú Phú Quốc có tổng số 99 quả núi. Loài hổ mây khổng lồ tập trung nhiều nhất ở núi Hòn Chảo, Hòn Nhặt và đặc biệt là những quả núi ở khu vực núi Hàm Rồng thuộc Bãi Thơm. Những quả núi ở Bãi Thơm có rất nhiều hang động vừa rộng, vừa sâu. Thời kỳ kháng chiến, du kích của ta thường trú ngụ ở trong những hang động này để tránh sự truy lùng, càn quét của địch.
Ông Tám Đô kể lại lần kinh hãi khi gặp một con rắn hổ mây lớn chưa từng có ở khu vực núi Hàm Rồng: “Ngày đó, cỡ năm 1960, tui và bác sĩ Dũng, bác sĩ Dư cùng một số du kích, sau khi tấn công địch, đã rút vào khu vực Hàm Rồng để trốn sự truy lùng của giặc. Ngày đó, khu vực lẩn trốn là một rừng mây chằng chịt, ken đặc, nên tui cùng mấy đồng chí mang dao phát mở lối. Bỗng nhiên, từ phía xa tiếng lao xao vang lên, dơi và quạ bay nháo nhác. Từ trong rừng mây, một con rắn khổng lồ xuất hiện, ngóc đầu lên. Mấy người chứng kiến sợ quá chui hết vào hang tránh để con rắn khổng lồ nhìn thấy. Đến giờ nghĩ lại lần gặp con rắn ấy tui vẫn còn hãi hùng”.
Lần khác, đầu năm 1968, ông Tám Đô và ông Ba Cường vào núi Hàm Rồng hoạt động cách mạng cũng đã gặp rắn khổng lồ. Ông Tám Đô và Ba Cường đã hạ thủ con rắn đó.
Ông Ba Cường quê ở Bãi Thơm, cũng là một chí sĩ cách mạng yêu nước. Thời trẻ, ông tham gia cách mạng ở bên Campuchia, lập được nhiều thành tích lớn. Lần vượt biển về thăm nhà, dính địch càn quét, nên ông Tám Đô và Ba Cường xách súng trốn vào rừng. Lúc đi đến sông Cửa Cạn, hai ông dừng chân. Ông Tám Đô kêu: “Quái lạ, sao mùa nước cạn mà dòng sông đục ngàu thế này”.
Vừa nói dứt lời, thì bỗng mặt nước xao động, những “thân cây” chỗ đen chỗ vàng quấn cuộn hiện lên mặt sông. Hóa ra là một đàn hổ mây khổng lồ mò xuống sông dầm mình. Một con ngóc đầu lên khỏi mặt nước, rồi phóng vào bờ, chực đớp ông Tám Đô và Ba Cường. Hai ông không kịp suy nghĩ nhiều, giương súng AK nhả đạn xối xả. Con rắn trúng đạn như mưa, nên vừa lao lên bờ thân thì chết tại chỗ. Đàn rắn nghe tiếng súng sợ quá lặn mất tăm dưới sông. Ông Tám Đô đo thân nó bằng cái phích đựng nước nóng.
Thời điểm đó, giặc đang săn lùng du kích ráo riết, nên hai ông không dám về ấp gọi mọi người vào rừng kéo rắn về. Ông Ba Cường hì hục xả thịt, lóc lấy xương rắn. Mấy ngày sau, địch rút đi, hai ông mới dám mò về. Ông Ba Cường và Tám Đô vác theo bộ xương rắn. Sau này, ông thầy thuốc ở ngay cạnh nhà ông Tám Đô, nghe tin ông Ba Cường có xương rắn khổng lồ, đã tìm đến hỏi mua. Tuy nhiên, ông Ba Cường đã nấu cao một nửa. Ông thầy thuốc này mua nốt phần xương còn lại về nấu được nồi cao. Kể đến đây, ông Tám Đô cứ tiếc rẻ, vì ông Ba Cường đã mất mấy năm trước, coi như mất đi một nhân chứng đối mặt rắn khổng lồ. Mấy khúc xương cũng không giữ được để làm vật trưng bày cho mọi người biết rắn hổ mây khổng lồ là có thực.
Gặp rắn tưởng… tàu ngầm
Theo ông Tám Đô, rắn hổ mây bây giờ chỉ gặp những con nhỏ. Những con rắn hổ mây khổng lồ không rõ đi đâu sạch. Đảo Phú Quốc tuy còn rừng, nhưng là đảo nhỏ, xưa kia, anh giết được rắn, thì cư dân trên đảo biết cả.
Cha ông Tám Đô cùng các chiến sĩ du kích đã hạ cùng lúc 2 con rắn hổ mây lớn chưa từng có. Chuyện này, những người lớn tuổi ở đảo Phú Quốc đều biết đến.
Hồi Tám Đô mới lên 10 tuổi, cha Tám Đô cùng 20 chiến sĩ cách mạng trên đường ra đảo Trà Lơn, vừa định bước xuống thuyền thì thấy hai vệt đen ẩn hiện dước nước. Nghĩ là tàu ngầm của địch tấn công, cha ông Tám Đô cùng các chiến sĩ cách mạng người vãi đạn, người quăng mìn về phía “tàu ngầm” đang tiến sát hòn đảo. Trúng đạn và mìn xối xả, hai chiếc “tàu ngầm” nổi trương bụng. Khi đó, mọi người mới biết là hai con hổ mây lớn khủng khiếp.
Một sự kiện nữa về chuyện tiêu diệt rắn hổ mây khổng lồ, mà có cả trăm người chứng kiến. Những người chứng kiến giờ đều đã lớn tuổi, nhưng vẫn còn sống và kể cho con cháu nghe về huyền thoại hổ mây.
Đó là hồi đầu những năm 60, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Mỹ kéo đến khu vực gần nhà ông Tám Đô để đóng quân. Một buổi chiều, trong rừng bỗng vang lên tiếng súng. Nhóm thủy quân lục chiến tưởng bộ đội từ trong rừng tấn công kiểu du kích, nên đã xách súng vào rừng càn. Vào đến nơi, họ hãi hùng trước cảnh tượng con rắn khổng lồ vừa giết hại 2 lính Mỹ. Ngay lập tức, ngót 100 khẩu, gồm cả pháo và đại liên nhả đạn như mưa về phía con rắn. Người dân trong vùng được phen khiếp vía, vì tưởng một cuộc tấn công quy mô lớn diễn ra trên đảo.
Sau khi tiếng súng im bặt, dân làng túa ra xem, thì thấy xác một con rắn vắt ngang lộ ven rừng. Lính Mỹ đã đào hố chôn con rắn. Chuyện lính thủy đánh bộ của Mỹ tiêu diệt một con rắn khổng lồ, thì hỏi bất kỳ người già nào ở huyện đảo Phú Quốc đều biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Người đàn ông vớt được vật lạ dưới sông, không phải cục vàng, đó là gì?
Con trăn đắt nhất thế giới trị giá 3,5 triệu USD, giống sinh vật thần tiên nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng!
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu