Khám phá

Những đôi tai dưới chân tường Berlin

Đó là một trong những thất bại nặng nề nhất, suốt lịch sử đầy chiến công của ngành tình báo Liên Xô.

Những sự kiện thần bí gây rúng động thế giới / Chuyện bi thảm đằng sau chuyến bay lịch sử lên Mặt Trăng 50 năm trước

"Kế hoạch Vàng" (Operation Gold) - chiến dịch hợp tác giữa Cục Tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) và Cục tình báo mật Vương quốc Anh (MI-6) đã chỉ có thể bị phát giác một cách muộn màng, cho dù nó được tiến hành theo cách tương đối mạo hiểm là nghe lén, để thu thập những thông tin quan trọng ngay ở phần đất mà Hồng quân kiểm soát: Đông Berlin.

Tiến thoái lưỡng nan

Tháng 4/1956, một đường dây điện thoại nối Đông Berlin với Moskva bị trục trặc. Công tác sửa chữa được tiến hành, và đòi hỏi phải được tiến hành gấp rút, với công tác kiểm tra kỹ càng những đoạn nằm dưới lòng đất.

Trong lúc thực thi nhiệm vụ này, ngày 21/4/1956, những người lính thông tin của Hồng quân bất ngờ phát hiện một đoạn dây cáp ngầm có thêm đầu mối nối. Lần theo đường dây, họ bất ngờ phát hiện một đường ngầm khổng lồ.

Công binh và cả lính xung kích (của Hồng quân và CHDC Đức) lập tức có mặt tại hiện trường. Họ sử dụng một lượng lớn thuốc nổ để mở đường, và rồi bước chân vào những căn phòng chất đầy các thiết bị kỹ thuật hiện đại. Khi đó, trong đường hầm vẫn còn vài người, nhưng họ đã kịp tẩu thoát về hướng Tây Berlin, qua một lối thoát bí mật.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một hệ thống "nghe trộm" được xây dựng công phu, bởi những kẻ thù từ bên kia "bức màn sắt" (thuật ngữ chỉ tình trạng chia rẽ thế giới thành hai phe, sau Đại chiến thế giới lần thứ hai).

George Blake bên mẹ của mình, khi còn chưa bị phát hiện.
George Blake bên mẹ của mình, khi còn chưa bị phát hiện.

Các nhà lãnh đạo Xô viết lập tức đăng đàn, lên án những gì đã tìm thấy là "sự chà đạp lên luật pháp quốc tế", và là "hành động của lũ gangster". CIA không chối bỏ trách nhiệm. Với họ, những gì đã thu được xứng đáng với cái giá phải trả.

Song, đó là câu chuyện đến với công chúng ở phía Đông bức tường Berlin, vào thời điểm ấy. Còn ở phía Tây, như tờ Daily Mail (Anh) tiết lộ năm 2017, ngày 21/4/1956 ấy chỉ là thời điểm được Liên Xô chọn, để chính thức triệt tiêu các công trình trong đường hầm của "Kế hoạch Vàng".

Bởi thực ra, cơ quan tình báo Liên Xô đã biết được rằng mình "bị dẫn trước" từ khá lâu, và dường như điều này có một phần nguyên nhân từ sự tự mãn cũng như chủ quan của họ.

Một "con chuột chũi" (từ lóng chỉ điệp viên hai mang), tên là George Blake, nhân viên của MI-6, người có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản, đã sớm cảnh báo phía Liên Xô về hệ thống nghe lén khổng lồ này, "ngay từ khi những vốc đất đầu tiên được âm thầm chuyển đi". Tuy nhiên, không hiểu sao, những tin tức ấy lại không được coi trọng đúng mức.

Daily Mail lý giải rằng Liên Xô cũng như CHDC Đức (Đông Đức) làm thế để tránh cho sự việc bung vỡ quá lớn. Nhưng có lẽ, cách giải thích này tương đối thiếu cơ sở. Nhìn vào những gì mà CIA và MI-6 thu được, sẽ là quá mạo hiểm để "Kế hoạch Vàng" ung dung triển khai suốt chừng ấy thời gian.

 

Xem ra, sự lơ là và thiếu sáng suốt có vẻ là nguyên nhân hợp lý hơn. Và theo một hướng phân tích khác, Liên Xô cố tình công bố rằng họ đã biết về những hoạt động nghe trộm này từ lâu, rồi "tương kế tựu kế", phát đi khá nhiều thông tin giả nhằm đánh lừa địch thủ. Dù sao, đó cũng là một cách "gỡ gạc thể diện" có thể chấp nhận.

Ở hai phía của Bức màn sắt

"Kế hoạch Vàng" bắt đầu dưới hình thức xây dựng những nhà kho và các trạm thông tin điện đài ở tây Berlin. Toàn bộ công việc này được công binh Mỹ đảm nhiệm.

Cơ quan an ninh Liên Xô (KGB) lúc đầu cũng có chú ý tới những công trình ấy, nhưng rồi nhanh chóng bỏ qua. Có thể, công đoạn ngụy trang kỹ càng, dựa trên nhu cầu có thật về việc triển khai các cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ, đã khiến lời cảnh báo của George Blake bị bỏ qua.

Từ địa điểm đầu tiên, một căn nhà kho nằm ở quận Neukoelln/Rudow (Tây Berlin), công binh Mỹ đào sâu xuống 7m. Trong lòng đất, họ tiếp tục hướng về phía một trạm thông tin quan trọng của Liên Xô ở bên kia giới tuyến, đã được chỉ điểm bởi Reinhard Gehlen, một sĩ quan quân đội Đức Quốc Xã cũ.

 

Gehlen cũng như CIA hay MI6 đều dễ dàng dự đoán được rằng Hồng quân sẽ tận dụng trạm thông tin có sẵn ấy để phục vụ những nhiệm vụ mới.

Hàng tấn đất đá được đóng thùng kỹ lưỡng, để chuyển khỏi các "nhà kho" hay "trạm thông tin" mà không đập vào mắt bất cứ ai hiếu kỳ. Và rồi, những đường hầm tiếp tục vươn sâu vào lãnh thổ Đông Đức, tiếp cận mạng lưới đường dây điện thoại của phía bên kia.

Giới tuyến chia đôi thành phố Berlin, trước khi có Bức tường Berlin.

Chính thức hoạt động từ tháng 2/1955, nhưng ngay cuối năm 1954, "Kế hoạch Vàng" đã thu thập được một tin tức vô giá: Bộ chỉ huy Hồng quân Liên Xô truyền đạt chỉ thị của Điện Kremlin, "yêu cầu Hồng quân trú đóng tại Đông Đức duy trì kỷ luật cao, duy trì quan hệ phối hợp hài hòa với chính quyền sở tại, nhằm cải thiện quan hệ với Tây Đức".

Điều này có nghĩa là có rất ít khả năng Liên Xô và Đông Đức bất ngờ tấn công quân sự Tây Đức. Ngoài ra, còn khá nhiều ý đồ chiến lược (như bố trí các thiết bị quân sự hiện đại hay điều chuyển các đơn vị binh sĩ) bị phương Tây nghe được.

 

Đó chính xác là những gì các nhà lãnh đạo phương Tây muốn có, và là lý do để họ phác thảo đại kế hoạch này ngay từ những năm 1948-1949.

Trước khi Đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc với sự sụp đổ của nước Đức Quốc xã (cũng như nước Nhật Bản quân phiệt), phe Đồng Minh đã bộc lộ những dấu hiệu rạn nứt, để rồi cả thế giới cũng bị chia rẽ theo họ.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai phe tác động đến mọi quốc gia trên thế giới, mà đỉnh điểm là việc xây dựng Bức tường Berlin hữu hình năm 1961. Trong sự ganh đua đó, mọi thông tin tình báo quan trọng đều quý như vàng - hàm ý của cái tên "Operation Gold".

Cũng nhờ sự hiện diện của Bức tường Berlin, những huyền thoại về "Kế hoạch Vàng" (với những đường hầm nằm lấp dưới chân) lại càng trở nên bí ẩn, mà cho đến gần đây mới bắt đầu được hé lộ. Quân đội Liên Xô, năm 1961 ấy, tổ chức họp báo quốc tế công bố những gì đã bị khám phá, và coi đó là một thắng lợi lớn trong chiến tranh phản gián.

Trong đường hầm kiên cố của "Kế hoạch Vàng".

Ngược lại, phương Tây lưu truyền những tin đồn rằng Hồng quân mới chỉ phát hiện được một phần hệ thống đường hầm, và vẫn còn những cơ sở nghe lén tiếp tục hoạt động đến mãi về sau này. Những câu chuyện cứ được kể theo hai hướng, ở hai phía của thế giới như vậy.

 

Có điều, mọi chuyện có thể xem là đã khép lại trên phương diện truyền thông chính thống, ngày 21/4/1956 đó. Thật "ngẫu nhiên", công binh Liên Xô lại tiến vào đường hầm đúng thời điểm Tổng Bí thư Nikita Khrushchev công du tới nước Anh, và hội kiến với Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị tại cung điện Windsor. Một "món quà" đầy ẩn ý, trên phương diện ngoại giao chăng?

* Tổng cộng chiều dài các đường hầm trong "Kế hoạch Vàng" là khoảng 450m. Các đường hầm rộng tới 1,8m, đều được bọc thép kiên cố, và có thể chịu được trọng lượng của một xe tăng 60 tấn tràn qua.

* Suốt thời gian hoạt động trong hai năm 1954-1955, "Kế hoạch Vàng" đã mang về cho CIA cũng như MI-6 tổng cộng khoảng 50.000 đoạn băng ghi âm, 443.000 đoạn hội thoại được giải mã hoàn chỉnh, thu được từ 40.000 giờ điện thoại, trong khoảng 6 triệu giờ thông tin hỗn hợp trên sóng.

* George Blake, điệp viên hai mang, bị phát hiện năm 1961, và bị kết án 42 năm tù giam. Song, năm 1966, ông vượt ngục thành công và trốn sang Liên Xô. Hiện tại, ông 97 tuổi.

 

* Để thực hiện "Kế hoạch Vàng", nước Mỹ và nước Anh đã bỏ ra 6,5 triệu USD, chi phí tương đương với 2 máy bay do thám Lookheed U-2.



Theo An Ninh Thế Giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm