Khám phá

Những kho báu vô tiền khoáng hậu của thế giới cổ đại

Nhiều thế kỷ qua, con người luôn bị hấp dẫn bởi cuộc tìm kiếm những kho báu thất lạc. Những bi kịch cũng như câu chuyện huyền hoặc đã được viết ra từ những vụ cướp mộ, đào mộ để tìm báu vật. Lịch sử loài người đã ghi nhận mười báu vật tuyệt diệu nhất của thế giới cổ đại được phát hiện ra đến nay.

10 hòn đảo cất giữ kho báu nổi tiếng nhất thế giới / Đào được chiếc hũ dưới móng nhà, "kho báu" đầy ắp bên trong khiến không ai dám tin vào mắt mình

Nửa tỷ USD dưới đáy biển

Kho báu này gồm 24 tấn bạc đúc thành 1038 thỏi, 180 nghìn đồng peso bằng bạc, 582 thỏi đồng, 125 thỏi và đĩa vàng, 350 rương chàm (từ lá chàm để nhuộm quần áo), 525 kiện thuốc lá, 20 khẩu đại bác bằng đồng, và 1.200 đồ tạo tác bằng bạc. Số hàng hóa này được chở trên con tàu Nuestra Senora de Atocha, thuộc hạm đội Tierra Firme gồm 20 chiếc tàu, rời cảng Havana của Cuba vào ngày 4/9/1622 để đến Tây Ban Nha. Đây là một phần tài sản của hoàng gia, được vận chuyển cùng với binh lính và hành khách. Ngày hôm sau, khi đang lênh đênh trên biển, đoàn tàu bị bão tấn công khi đang tiến vào eo biển Florida (Mỹ). Cho đến sáng hôm sau nữa, tám con tàu đã nằm rải rác dưới đáy đại dương từ Marquesas Keys cho đến Dry Tortugas, những hòn đảo san hô ngoài khơi nước Mỹ về phía đông nam.

kb_tau-1598866404938.jpg
Vàng bạc trên con tàu Nuestra.

Lực lượng cứu hộ Tây Ban Nha đã tìm kiếm con tàu trong suốt 60 năm, nhưng không thể nào tìm ra. Năm 1985, một nông dân chuyển nghề sang làm thợ lặn biển là Mel Fisher đã cất công tìm kiếm một lần nữa kho báu khổng lồ này. Vào tháng 7/1985, gia đình ông đã bất ngờ tìm thấy con tàu Nuestra Senora de Atocha cùng với toàn bộ kho báu. Tất cả các đồ tạo tác, vàng bạc… trị giá khoảng nửa tỷ USD đã được đưa lên khỏi mặt nước, đánh dấu một trong những vụ đắm tàu có giá trị lớn nhất được tìm thấy trong lịch sử. Các đồ tạo tác trong con tàu sau đó trở thành hiện vật của Bảo tàng Di sản xã hội tại Florida.

stonehenge-1598866278844.jpg

Một số đầu đinh tán nhỏ xíu trên cán dao găm.

Những tạo tác thời đồ đồng gần Stonehenge

 

Năm 1808, William Cunnington, một trong những nhà khảo cổ học chuyên nghiệp sớm nhất ở Anh đã phát hiện ra vương miện trang sức của vị vua của Stonehenge. Những báu vật này được tìm thấy trong một ụ chôn cất đồ đồng lớn, chỉ cách Stonehenge khoảng nửa dặm, nay gọi là Bush Barrow, có niên đại khoảng 4.000 năm.

Hiện vật được tìm thấy bao gồm đồ trang sức được chế tác công phu, một hình thoi để gắn vào áo choàng, và một con dao được trang trí tinh xảo. Điểm đặc biệt của con dao găm là 140 nghìn đầu đinh tán bằng vàng nhỏ xíu, chỉ dày hơn một chút so với sợi tóc được tán vào cán dao. Người ta ước tính rằng, để tạo ra được một cán dao như thế này, mất khoảng 2.500 giờ đồng hồ, tương đương với hơn ba tháng.

Những kho báu vô tiền khoáng hậu của thế giới cổ đại -0 Một chiếc mặt nạ vàng từ nền văn minh Malagana.

Vàng từ nền văn minh đã mất Malagana

 

Vào năm 1992, một công nhân trang trại mía ở Hacienda Malagana, gần thung lũng Cauca (Colombia) đang lái máy kéo trên cánh đồng bỗng dưng bị lật nhào. Nhảy xuống xem xét nguyên nhân, anh phát hiện ra những vật màu vàng lấp lánh trong lòng đất. Không phải mất nhiều thời gian để nhận ra đó là những phần lộ ra của một kho báu, anh chàng công nhân này đã ngay lập tức đào bới và đem đi rất nhiều thứ, bao gồm những mặt nạ vàng, đồ trang sức, cùng các đồ quý khác… Không lâu sau đó, nghe thấy thông tin phát hiện kho báu, rất nhiều dân địa phương khác cùng với công nhân đã đổ xô vào đào bới khắp cánh đồng và mang đi nhiều hiện vật quý. Ước tính trong khoảng từ tháng 10-12/1992, khoảng 5.000 người đã đào bới nơi này, khiến Malagana gắn với tên gọi “Cơn sốt vàng Malagana”.

Khoảng bốn tấn đồ tạo tác quý thời tiền Columbia đã bị đưa đi khỏi Malagana, hoặc bị nung chảy, hoặc rơi vào tay các nhà sưu tầm cổ vật. Hàng trăm ngôi mộ bị phá hủy.

Bảo tàng Bogota được cho là đã thu mua lại một số đồ quý từ Malagana vào cuối năm 1992. Khoảng 150 miếng vàng Malagana được bảo tàng mua lại với giá khoảng 500 triệu peso (tương đương với khoảng 300 nghìn USD) trong nỗ lực giữ lại các bảo vật từ nền văn minh này. Không may, nạn đào bới vàng ở Malagana vẫn tiếp tục diễn ra cho đến tận cuối năm 2012.

Eberswalde Hoard – Bộ sưu tập vàng lớn nhất của Đức

 

Eberswalde Hoard là một kho vàng được khai quật gần phía đông bắc Berlin vào năm 1913. Đây là một trong những kho báu vô giá nhất của Đức, và cũng là một trong những bộ sưu tập vàng lớn nhất được phát hiện ở Đức cho tới nay. Kho báu này bao gồm 81 hiện vật bằng vàng, gồm dây vòng tay, bát và vàng thỏi nặng khoảng 2,6 kg, có niên đại vào khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 10 trước Công nguyên.

Những kho báu vô tiền khoáng hậu của thế giới cổ đại -0 Vòng tay và bát vàng trong bộ sưu tập từ Eberswalde Hoard.

Một số chuyên gia cho rằng, những hiện vật của kho báu Eberswalde Hoard để phục vụ cho việc cúng tế. Kho Eberswalde được cho là thuộc về người thợ kim hoàn có tên Villena, có nguồn gốc từ bán đảo Iberia, vì giống với Kho báu của Villena.

Kho báu của vua Priam từ thành Troy huyền thoại

Trong suốt thế kỷ 19, nhà khoa học người Đức bắt tay vào nhiệm vụ chứng minh rằng thành Troy huyền thoại thực sự tồn tại. Sau một thời gian khai quật, ông đã tìm ra thành Troy huyền thoại nằm tại Hisarlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, Heinrich Schliemann đã tìm thấy một kho báu, được coi là Kho báu của vua Priam.

 

Những kho báu vô tiền khoáng hậu của thế giới cổ đại -0 Những đồ tạo tác tuyệt đẹp từ thành Troy huyền thoại.

Ngày 31/5/1873, Schliemann đã bất ngờ phát hiện ra kho báu, với vũ khí, vạc và chảo đồng, ấm đồng, cùng rất nhiều đồ tạo tác bằng bạc và vàng, trong đó có cả đồ trang sức, đai đeo tay… Ngày nay, các hiện vật của kho báu này đang được lưu giữ tại Nga.

Mặt nạ vàng của Agamemnon

Sau khi đã khám phá ra vị trí thực sự của thành Troy huyền thoại, dự án tiếp theo của Heinrich Schliemann là khám phá nơi an nghỉ cuối cùng của Agamemnon, vua của Mycenae, người lãnh đạo quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy. Schliemann đã có một phát hiện ấn tượng khác trong dự án này, đó là “Mặt nạ của Agamemnon”.

Những kho báu vô tiền khoáng hậu của thế giới cổ đại -0 Chiếc mặt nạ được cho là của vị vua huyền thoại trong sử thi Hy Lạp.

 

Năm 1876, Schliemann bắt đầu khai quật Mycenae với danh nghĩa Hiệp hội khảo cổ Hy Lạp. Các công nhân khi đó đã phát hiện ra những tấm bia đánh dấu ranh giới một ngôi mộ rộng khoảng 27,5m2, với năm ngôi mộ thuộc thời kỳ đồ đồng muộn. Schliemann khám phá ra rằng những di cốt trong đó đều thuộc về các tướng lĩnh của Mycenaean, và cả năm đều đeo mặt nạ vàng. Khi đó, nhà khảo cổ đã kết luận ba trong số đó là Agamemnon, Cassandra và Eurymedon, còn lại là tùy tùng hoặc thuộc hạ, bị Clytemnestra và người tình là Aegisthos đầu độc trong một bữa tiệc.

Nhà khảo cổ kết luận, một trong số những chiếc mặt nạ này thuộc về Agamemnon, là loại mặt nạ dành cho người chết, được tạo tác từ lớp vàng dày đóng trên gỗ. Lý do ông kết luận chiếc mặt nạ thuộc về Agamemnon vì trong số năm chiếc, đây là mặt nạ duy nhất có râu.

Đây là khám phá đáng chú ý, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi và chưa có hồi kết.

Những kho báu vô tiền khoáng hậu của thế giới cổ đại -0 Một hiện vật trang trí tinh xảo thời Anglo-Saxon.

Hơn 3.500 hiện vật vàng bạc thời Anglo-Saxon ở Staffordshire

 

Vào ngày 5/7/2009, tay săn kho báu không chuyên Terry Herbert đã sử dụng một máy dò kim loại tìm kiếm trong khu vực cánh đồng thuộc ngôi làng Hammerwich, ở Staffordshire, Anh. Anh đã bất ngờ tìm thấy rất nhiều vàng và đồ tạo tác được chôn dưới đất, và chỉ trong năm ngày, số vàng và đồ vật này đã chất đầy 244 chiếc túi. Khi đó Terry Herbert nhận ra có thể mình đã đào được một kho báu vô giá của lịch sử, và đã báo với nhà chức trách địa phương. Cơ quan khảo cổ Birmingham đã nhanh chóng đến đó để chính thức khai quật, phát hiện khoảng hơn 3.500 hiện vật, gồm 5 kg vàng và 1,3 kg bạc, có niên đại vào khoảng thế kỷ 7 sau Công nguyên.

Đây là số lượng vàng bạc lớn nhất từ thời Anglo-Saxon được phát hiện ra cho đến nay. Hiện nay, một số hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng và Phòng trưng bày nghệ thuật Birmingham, với tổng trị giá khoảng 5,4 triệu USD, được tuyên bố là tài sản của Hoàng gia.

Người đàn ông Varna và số vàng “khủng”

Vào năm 1970, các nhà khảo cổ ở Bulgaria đã phát hiện ra một nghĩa địa thời đồ đồng từ thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên, chứa những đồ tạo tác bằng vàng ở gần thành phố Varna ngày nay. Nhưng phải đến ngôi mộ số 43, họ mới nhận ra ý nghĩa thực sự của phát hiện này. Bên trong ngôi mộ là hài cốt của một người đàn ông có địa vị cao và vô cùng giàu có. Rất nhiều vàng được tìm thấy tại ngôi mộ, nhiều hơn so với số vàng được phát hiện còn lại trên thế giới vào lúc bấy giờ.

Những kho báu vô tiền khoáng hậu của thế giới cổ đại -0
Số đồ tùy táng trong ngôi mộ người đàn ông ở Varna.

Nền văn hóa Varna, xuất hiện tại khu vực trên bờ các hồ của Biển Đen, cách đây khoảng 7.000 năm và nhanh chóng biến mất trong các trang lịch sử. Varna là một nền văn minh tiên tiến đáng kinh ngạc và là nền văn hóa đầu tiên biết chế tác các đồ bằng vàng.

 

Kho báu trong hố chôn người Scythian

Năm 2013, một kho báu chứa vàng với dấu vết của cần sa và thuốc phiện được phát hiện trong một ngăn bí mật tại nấm mồ chôn của một người cổ đại Scythian gần Strovopol, Nga. Được mô tả là khám phá chỉ có một lần trong thế kỷ, kho báu này chứa các đồ tạo tác bằng vàng vô cùng tinh xảo, cùng với ma túy, từng được sử dụng trong các nghi lễ và chiến tranh thời cổ đại, được sử gia Hy Lạp Herodotus ghi lại.

scythian-1598871266924.jpg
Những bát vàng được cho là chứa thuốc phiện trong nghi lễ cổ của người Scythia.

Mộ của người tiền sử Scythia được phát hiện trong quá trình thi công đường dây điện ở vùng núi Caucacus, miền nam nước Nga. Khi được phát hiện ra, có vẻ như nơi này đã bị cướp phá và không có nhiều thứ còn lại bên trong khu mộ. Tuy nhiên, sau đó các nhà khảo cổ phát hiện ra một căn phòng ẩn bên trong hầm mộ có chưa một kho báu bằng vàng có niên đại khoảng 2.400 năm. Vàng trong hầm mộ ước tính nặng khoảng gần 3,2kg gồm vàng nguyên khối, đồ trang sức như vòng tay, nhẫn, vòng cổ, một số bình, lọ bằng vàng… Trên những chiếc bình được trang trí vô cùng tinh xảo bằng rất nhiều chi tiết, mô tả con người, động vật, cảnh vật, các chiến binh đang chiến đấu và hy sinh…, thậm chí tỉ mỉ đến từng kiểu quần áo, kiểu tóc, kiểu vũ khí được mô tả sống động như thật…

 

Bên trong các bình vàng có chứa các cặn màu đen. Các nhà khoa học đã phân tích và tìm ra đó là thuốc phiện và cần sa. Điều này chỉ ra rằng có vẻ người Scythia cổ đại đã sử dụng các đồ tạo tác này trong một nghi lễ sử dụng thuốc phiện, như sử gia Herodotus đã ghi chép.

Gia tài sang thế giới bên kia của Chúa tể Sipan

Năm 1987, một quần thể khổng lồ các lăng mộ từ nền văn hóa Moche (còn gọi là Mochica - nền văn hóa phát triển vào khoảng từ năm 100-750 sau Công nguyên, dọc theo dãy núi Andes của Peru) được khai quật tại di chỉ khảo cổ Huaca Rajada, gần Sipan, trên bờ biển phía bắc của Peru. Ngôi mộ nổi tiếng nhất trong số này thuộc về El Señor de Sipán (Chúa tể Sipan), một chiến binh, người cai trị nền văn mình Moche, được chôn cất cùng với nhiều vàng bạc châu báu chưa từng thấy ở vùng này. Các ngôi mộ dài 5x5m được tìm thấy với quan tài gỗ ở giữa, lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy loại mộ này ở châu Mỹ. Trong quan tài là hài cốt của một người đàn ông mặc trang phục vương giả, chung quanh là rất nhiều lễ vật để người chết mang theo về thế giới bên kia.

sipan-1598870746577.jpg
Gia tài về thế giới bên kia của Chúa tể Sipan.

Phân tích các biểu trưng trên trang phục và đồ tùy táng trong ngôi mộ, các nhà khoa học cho rằng đây phải là người có địa vị rất cao thời Moche. Ông ta được chôn cùng rất nhiều đồ vàng, bạc, đồng, cùng đồ trang sức, một chiếc mũ lưỡi liềm lớn gắn lông vũ, một mặt nạ, một số tấm che ngực được cẩn bằng hàng trăm vỏ ốc xà cừ, vòng cổ, khuyên tai, khuyên mũi, một quyền trượng bằng vàng và bạc, những dài vải mạ vàng được may trên trang phục, những tấm chắn lưng dập bằng vàng dùng cho các chiến binh… Những chiếc vòng cổ được gắn các hạt vàng và bạc hình hạt lạc (đậu phộng), một loại lương thực quan trọng của người Moche. Mười hạt bên phải bằng vàng biểu thị nam tính và thần Mặt trời, mười hạt bên trái bằng bạc biểu thị nữ tính và thần Mặt trăng.

 

Trong mộ chôn cùng với Chúa tể Sipan còn có nhiều loại vật dụng dành cho các nghi lễ như vỏ sò biển, lục lạc bằng vàng và bạc, dao, mặt nạ Thần chết bằng vàng, những chiếc chuông vàng khắc hình một vị thần đang chặt đầu người, ba chiếc mũ và hằng trăm chuỗi hạt. Tổng cộng có 451 đồ tùy táng với đủ các chất liệu đã được chôn cùng Chúa tể Sipan để ông dùng ở thế giới bên kia.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm