DNVN - Ngoài việc dự trữ năng lượng và một số chất thiết yếu cho cuộc sống, cái bướu trên lưng còn giúp lạc đà điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng việc ngăn cản tiết mồ hôi…
Theo các nhà khoa học, lạc đà đã có mặt trên Trái Đất từ 45 triệu năm trước. Kể từ đó cho tới nay, chúng sinh sôi, phát triển và tiến hóa để trở thành một trong những loài động vật kỳ lạ nhất trên Hành tinh xanh với cái bướu khá lớn trên lưng. Vậy bộ phận này có tác dụng gì? Mời quý độc giả cũng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời.
Bướu của lạc đà chứa đầy nước?
Trước đây, nhiều người tin rằng, bướu của lạc đà có chứa rất nhiều nước và nó có tác dụng dự trữ nước khi chúng thường sinh sống ở các hoang mạc khô cằn. Thế nhưng, điều đó hoàn toàn sai sự thật bởi bộ phận này có chứa nhiều tế bào máu hình bầu dục, có chức năng giúp lạc đà tăng sức chịu đựng trong quãng thời gian không có nước.
Ngoài ra, bướu cũng chứa nhiều chất béo và một số khoáng chất thiết yếu giúp lạc đà sinh sống được khá lâu trong điều kiện khan hiếm thức ăn, nước uống. Đây cũng là tiêu chí để những người buôn lạc đà tìm ra những cá thể khỏe mạnh nhất. Cụ thể, bướu càng to thì cá thể lạc đà càng khỏe mạnh, được nuôi dưỡng tốt.
Bướu lạc đà giúp chúng điều chỉnh nhiệt độ
Theo các nhà khoa học, các mô mỡ có trong bướu giúp lạc đà chống lại sự tăng giảm nhiệt độ cực kỳ đáng sợ ở sa mạc. Cụ thể, nó có tác dụng hạn chế tiết mồ hôi giúp lạc đà giữ nước khi thời tiết quá nóng vào ban ngày. Đồng thời, tạo ra năng lượng giúp lạc đà giữ ấm trong thời tiết quá lạnh vào ban đêm.
Một số lạc đà có 2 cái bướu thì tác dụng của chúng là gì?
Thật không may là cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chính xác nhất cho tác dụng của bướu trên lạc đà 2 bướu. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, chúng có tác dụng giúp lạc đà 2 bướu có thể sinh sống trong điều kiện khắc nghiệt hơn so với bình thường.
Như Ý (Theo TFS)