Những trẻ vị thành niên trở thành Anh hùng Liên Xô
Bí mật vụ phóng vệ tinh Liên Xô khiến nước Mỹ choáng váng / Vì sao Hồng quân Liên Xô đơn độc đánh chiếm Berlin của Đức Quốc xã?
Marat Kazei, 14 tuổi
Thành viên của đội du kích mang tên 25 năm Cách mạng Tháng Mười, trinh sát viên của Lữ đoàn du kích số 200 mang tên Rokossovsky (Belarus).
Marat sinh năm 1929 tại làng Stankovo, vùng Minsk, học xong lớp 4 tại một trường làng. Cha Marat từng phục vụ trên thiết giáp hạm Marat, nên lấy tên đó đặt cho cậu con trai của mình. Trước chiến tranh, cha mẹ Marat đã hai lần bị bắt vì tội phá hoại và theo "Trotskyism". Nhưng gia đình Kazeev đã không thù hận chế độ Xô viết. Năm 1941, khi Belarus bị chiếm đóng, mẹ của Marat đã che giấu và điều trị cho những người du kích bị thương trong nhà mình, vì vậy, bị bọn Đức xử tử. Một năm sau, Marat và chị gái Ariadne tham gia du kích.
Mùa đông năm 1943, chị Ariadne của Marat bị tê cóng nghiêm trọng và phải cắt cụt đôi chân, sơ tán. Marat còn bé được sơ tán cùng chị nhưng cậu bé đã xin ở lại đội du kích. Cùng với các đồng đội lớn tuổi hơn của mình, Marat đi trinh sát, tham gia vào hàng chục vụ phá hoại trên đường sắt và các cơ sở khác có tầm quan trọng đặc biệt đối với Đức quốc xã. Trong một trận đánh vào tháng 1/1943, dù bị thương, Marat đã xốc các đồng đội tấn công và vượt qua vòng vây của kẻ thù. Khi mới 14 tuổi, Marat đã được trao tặng Huân chương “Chiến tranh Vệ quốc” hạng nhất, huy chương "Vì lòng dũng cảm" và "Vì thành tích chiến đấu".
Anh hùng Liên Xô Marat Kazei; Nguồn: polk.inter.ua |
Tháng 12/1943, trong một trận chiến đấu, Marat đã thu được các tài liệu quý giá - bản đồ quân sự và kế hoạch của Bộ chỉ huy Đức quốc xã. Tháng 5/1944, Marat đi làm nhiệm vụ trở về cùng với chỉ huy trinh sát, tình cờ gặp bọn Đức gần làng Horomitsky, vùng Minsk. Người chỉ huy bị trúng đạn hy sinh, còn Marat bị thương nặng vẫn kiên cường chống trả. Hết đạn, Marat đã sử dụng 2 quả lựu đạn cuối cùng - một quả ném vào bọn Đức; quả thứ hai - chờ bọn Đức đến rất gần rồi cho nổ cảm tử. Marat được chôn cất tại làng quê của mình.
Năm 1965, Marat Kazei được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, 21 năm sau khi hy sinh.
Valya Kotik, 14 tuổi
Trinh sát - thành viên của biệt đội du kích mang tên Karmelyuk (Ukraine), là anh hùng trẻ nhất Liên Xô.
Valya sinh năm 1930 tại làng Khmelevka, quận Shepetovsky, vùng Kamenetz-Podolsky. Trước chiến tranh, Valya học xong lớp năm. Trong chiến tranh, tại ngôi làng bị quân Đức chiếm đóng, cậu bé Valya đã bí mật thu thập vũ khí, đạn dược và chuyển cho du kích, đồng thời, vẽ và dán tranh châm biếm bọn Đức quốc xã ở những nơi công cộng.
Năm 1942, Valya liên lạc với tổ chức đảng bí mật của Shepetovskaya và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát bà giao. Mùa thu năm đó, Valya cùng với các đồng niên của mình nhận nhiệm vụ chiến đấu thực sự đầu tiên - trừ khử tên đứng đầu đội hiến binh Đức. Đội du kích đã phục kích và khi bọn hiến binh với súng ống, vũ khí đầy đủ đi ô tô đến, đã tấn công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - giết tên Trung úy chỉ huy hiến binh, bảy lính Đức và làm 30 tên bị thương.Anh du kích trẻ Valya đã trinh sát vị trí của cáp điện thoại ngầm của sở chỉ huy của bọn Hitler và cho nổ tung, tham gia phá hủy sáu đoàn tàu hỏa và một nhà kho.
Anh hùng Liên Xô Valya Kotik; Nguồn: twitter.com |
Tháng 10/1943, khi đang làm nhiệm vụ, Valya phá hiện được bọn Đức Quốc xã bí mật đột kích căn cứ biệt đội. Giết tên sĩ quan phát xít, Valya báo động, nhờ đó, các du kích quân đã kịp chuẩn bị để chiến đấu. Ngày 16/21944, năm ngày sau sinh nhật thứ 14, người lính trinh sát trẻ Valya đã bị trọng thương trong một trận chiến tại thành phố Izyaslav, Kamenetz-Podolsk (nay thuộc vùng Khmelnytsky) và hy sinh vào hôm sau đó.
Valya Kotik được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1958.
Lenya Golikov, 16 tuổi
Trinh sát viên biệt đội số 67 Lữ đoàn du kích số 4 của Leningrad.
Lenya sinh năm 1926 tại làng Lukino, quận Parfino, tỉnh Novgorod, trong một gia đình công nhân. Học xong lớp 7, cậu bé Lenya làm việc tại nhà máy gỗ dán số 2 ở làng Parfino. Khi chiến tranh nổ ra, Lenya tham gia du kích. Mảnh khảnh, tầm vóc nhỏ bé, Lenya anh thậm chí còn trẻ hơn những đứa bé 14 tuổi. Dưới vỏ bọc của một người ăn xin, Lenya đi qua các ngôi làng, thu thập dữ liệu cần thiết về vị trí của quân đội phát xít và về số lượng thiết bị quân sự của họ, sau đó báo cho du kích.
Anh hùng Liên Xô Lenya Golikov; Nguồn: trudovoe-znamja.ru |
Lenya tham gia vào 27 trận đánh, tiêu diệt 78 binh sĩ và sĩ quan Đức, giật nổ 2 tuyến đường sắt và 12 cây cầu trên đường cao tốc, 9 ô-tô chở đạn dược..., đã được trao tặng Huân chương Lenin, Huân chương Cờ đỏ, Huy chương "Vì lòng can đảm" và Huy chương Du kích Chiến tranh Vệ quốc hạng 2. Ngày 12/8, tại một địa bàn chiến đấu mới của lữ đoàn, Lenya đã cùng đồng đội tiêu diệt một chiếc xe trong đó có thiếu tướng Công binh Đức Richard Wirtz, thu được cặp tài liệu có bản vẽ và mô tả về các mẫu mìn mới của Đức và các tài liệu quân sự quan trọng khác.
Từ tháng 12/1942 đến tháng 1/1943, biệt đội du kích của Golikov đã phải chiến đấu rất ác liệt do bị bao vây. Chỉ có một số ít sống sót thoát khỏi vòng vây, nhưng Lenya không nằm trong số đó, anh đã ngã xuống trong một trận chiến với quân phát xít vào ngày 24/1/1943 gần làng Ostraya Luka, vùng Pskov, trước khi tròn 17 tuổi.
Theo sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Liên Xô tối cao Liên Xô ngày 2/4/1944, Leonid Golikov đã được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Liên Xô.
Sasha Chekalin, 16 tuổi
Thành viên của đội du kích "Tiền phong" của vùng Tula.
Sasha sinh năm 1925 tại làng Peskovatskoye, nay là huyện Suvorov, vùng Tula; trước chiến tranh, Sasha học xong lớp 8. Tháng 10/1941, Sasha cùng bố mình gia nhập nhóm du kích "Tiền phong", tham gia thu thập thông tin về việc triển khai và số lượng các đơn vị Đức, vũ khí và tuyến đường vận chuyển của chúng; tham gia các trận phục kích, phá đường, phá liên lạc của kẻ thù và làm các đoàn tàu trật bánh… gây thiệt hại đáng kể cho Đức quốc xã.
Đầu tháng 11/1941, Sasha bị cảm lạnh và ngã bệnh. Đồng chí Chính ủy cho phép anh nghỉ nghơi tại nhà một cơ sở tin cậy ở ngôi làng gần nhất. Nhưng có một kẻ đã phản bội đã chỉ điểm và vào ban đêm, Đức quốc xã đã đột nhập vây ráp và kêu gọi Sasha đầu hàng, nhưng anh cự tuyệt. Sau khi bắn hết đạn, Sasha đã ném quả lựu đạn nhưng không nổ, anh đã cố gắng, nhưng không chạy thoát... Sau nhiều ngày tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, bọn phát xít Đức đã treo cổ người du kích-thiếu niên ở quảng trường trung tâm Likhvin.
Anh hùng Liên Xô Sasha Chekalin; Nguồn: gazeta-bam.ru |
Đứng với một cái thòng lọng quanh cổ, Chekalin đã hất tấm gỗ dán với dòng chữ “Một kết cục như thế này đang chờ đợi tất cả những người du kích”, sau đó hát Quốc tế ca. Cuối cùng, người đứng trên giá treo cổ hét lên: “Chúng tao rất đông, chúng mày không thể treo cổ hết được!”. Trong hơn 20 ngày, bọn phát xít khát máu đã không cho phép ai mang xác người du kích trẻ gan dạ đi khỏi giá treo cổ. Chỉ khi thành phố được giải phóng, các bạn chiến đấu của du kích quân Chekalin mới có thể mai táng anh theo nghi thức quân đội.
Chekalin được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1942. Năm 1944, thành phố Likhvin được đổi tên thành Chekalin, đường phố ở nhiều thành phố của Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ được đặt theo tên người du kích dũng cảm hy sinh khi còn rất trẻ. Chiến công của đoàn viên Komsomol Alexander Chekalin là chủ đề của nhiều tác phẩm văn học và bộ phim "Mùa xuân thứ mười lăm" (Liên Xô, 1972).
Zina Portnova, 17 tuổi
Thành viên của tổ chức thanh niên Komsomol bí mật "Những kẻ báo thù trẻ", trinh sát viên của đội du kích mang tên Voroshilov, Belarus.
Zina sinh năm 1926 tại Leningrad trong một gia đình công nhân. Chiến tranh nổ ra khi cô đi nghỉ hè tại nhà bà ngoại ở làng Zuya, vùng Vitebsk (Belarus). Năm 1942, cô gia nhập tổ chức thanh niên Komsomol bí mật "Những kẻ báo thù trẻ" và tham gia tích cực vào việc phát truyền đơn cũng như các hoạt động phá hoại chống lại quân xâm lược.
Theo lịch sử Liên Xô, làm việc trong nhà ăn của các huấn luyện dành cho các sĩ quan Đức và theo hướng dẫn của những người hoạt động bí mật, Zina đã đánh độc món súp làm hơn một trăm sĩ quan Đức Quốc xã thiệt mạng. An ninh Đức bắt đầu cuộc tìm kiếm thủ phạm, Zina cũng bị nghi ngờ, và bị người Đức ép ăn bằng chính món súp đó. Cô không nhớ mình đã đến hiên nhà bà ngoại như thế nào, nhưng bà đã cho cô uống một loại thuốc thảo dược và váng sữa, kết quả là, cô gái vẫn còn sống. Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra, rất nguy hiểm khi ở lại làng vì vậy, Portnova được chuyển hẳn đến biệt đội du kích.
Anh hùng Liên Xô Zina Portnova; Nguồn: fishki.net |
Từ tháng 8/1943, Zina là trinh sát viên của đội du kích mang tên Voroshilov. Tháng 12/1943, cô được giao nhiệm vụ xác định nguyên nhân thất bại của tổ chức "Những kẻ báo thù trẻ" và thiết lập mối liên hệ với các cơ sở bí mật. Trên đường trở về biệt đội, Zina đã bị bắt. Trong lúc bị thẩm vấn, cô cướp khẩu súng lục của một điều tra viên phát xít, bắn hắn và hai tên phát xít khác, cố gắng trốn thoát, nhưng không thành công.
Những gã đồ tể Đức đã dùng các biện pháp tinh vi nhất thẩm vấn cô và tra tấn cô một cách dã man, tàn bạo. Chúng hứa sẽ cứu mạng cô nếu cô thú nhận tất cả, khai ra tên của tất cả những cán bộ hoạt động bí mật và du kích. Nhưng bọn mật vụ Đức chỉ gặp phải sự kiên quyết không lay chuyển của cô gái bướng bỉnh, mà trong hồ sơ, chúng gọi cô là “tên cướp Liên Xô”. Không khuất phục được cô Đoàn viên Komsomol bất khuất, ngày 10/1/1944, tại làng Goryany, nay thuộc quận Shumilinsky vùng Vitebsk (Belarus), bọn Đức quốc xã đã hèn hạ sát hại Zina, khi cô 17 tuổi.
Zinaida được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1958.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào