Khám phá

Vì sao Hồng quân Liên Xô đơn độc đánh chiếm Berlin của Đức Quốc xã?

Mỹ và Anh cũng định công phá Berlin nhưng rốt cuộc chỉ có quân đội Liên Xô mới thực hiện được việc đánh chiếm thành phố này trong Thế chiến 2.

Kinh nghiệm 19 ngày Liên Xô khống chế ngoạn mục dịch đậu mùa / Liên Xô đã tạo ra hệ thống dịch vụ vệ sinh dịch tễ tốt nhất thế giới

Trận chiến Berlin là chiến dịch quân sự quy mô lớn cuối cùng diễn ra ở châu Âu trong Thế chiến 2. Lực lượng đồng minh Anh và Mỹ đã không tham gia chiến dịch này, nên quân đội Liên Xô đã một mình tiến công Berlin (Đức).

vi sao hong quan lien xo don doc danh chiem berlin cua duc quoc xa? hinh 1
Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô chiến đấu trên đường phố Berlin vào tháng 4/1945. Ảnh: DPA.

Trận Berlin cũng là một trong các trận đánh lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Trận này bắt đầu vào ngày 16/4/1945 ở ngoại ô Berlin. Vào ngày 25/4/1945, binh sĩ Xô viết đã vào đươc bên trong thủ đô của Đệ tam Đế chế (tức chế độ phát xít Đức Quốc xã). Khoảng 3,5 triệu người lính thuộc hai phe tham gia trận chiến này, sử dụng hơn 50.000 vũ khí và 10.000 xe tăng.

Vì sao các lực lượng Đồng minh khác không tham chiến ở Berlin?

Quân Liên Xô công kích Berlin khi lực lượng còn lại của phe Đồng minh vẫn nằm ở vị trí hơn 100km bên ngoài thủ đô Berlin.

Vào năm 1943, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tuyên bố rằng “Mỹ phải chiếm được Berlin”. Thủ tướng Anh Winston Churchill nhất trí rằng thủ đô Đức Quốc xã không được rơi vào tay Liên Xô. Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 1945, các lực lượng Đồng minh này đã không có động thái nào để chiếm thành phố này. Sử gia Anh John Fuller gọi đây là “một trong các quyết định kỳ lạ nhất từng thấy trong lịch sử quân sự”.

Dẫu vậy, quyết định trên của Anh và Mỹ là có của nó. Trong một cuộc phỏng vấn với Russia Beyond, sử gia Nga Andrei Soyustov cho biết, có ít nhất 2 lý do khiến họ quyết định như vậy. Thứ nhất, theo các thỏa thuận sơ bộ, bao gồm thỏa thuận đạt được ở Yalta, Berlin nằm trong khu vực tác chiến quân sự của Liên Xô. Đường phân giới giữa Liên Xô và phần còn lại của phe Đồng minh đi dọc theo sông Elbe. “Việc cố xông vào Berlin chỉ để giành vị thế có thể phản tác dụng và khiến Liên Xô quyết định không tiến đánh phát xít nữa” – sử gia này giải thích. Lý do thứ hai để Anh và Mỹ không tiến công đô thị lớn này là quân Đồng minh đã hứng chịu nhiều thương vong vào cuối Thế chiến 2. Trong thời kỳ từ cuộc đổ bộ Normandy đến tháng 4/1945, phe Đồng minh thấy mình “có thể tránh việc phải tiến công vào các thành phố lớn”.

 

Trong khi đó thương vong của Liên Xô trong trận chiến Berlin thực sự rất cao, với 80.000 quân nhân bị thương và ít nhất 20.000 người bị chết (chưa kể nhiều người bị mất tích – ND). Phía Đức cũng chịu tổn thất lớn tương tự.

Tiến công trong đêm với sự hỗ trợ của đèn pha cực mạnh

Thủ đô Berlin bị tiến đánh bởi 3 phương diện quân Liên Xô. Nhiệm vụ khó khăn nhất được giao cho Phương diện quân Belarus số 1, do Georgy Zhukov chỉ huy. Họ phải tấn công các vị trí kiên cố của Đức ở Cao nguyên Seelow nằm ở ngoại vi Berlin. Cuộc tiến công bắt đầu vào đêm 16/4 với loạt đạn pháo bắn cấp tập mạnh mẽ chưa từng có. Sau đó không cần đợi đến sáng, xe tăng (có bộ binh đi kèm) xung trận. Cuộc tiến công diễn ra với sự hỗ trợ của các dàn đèn pha cực mạnh được bố trí phía sau lưng lực lượng xung kích. Nhưng ngay cả khi áp dụng chiến thuật khôn ngoan này, phía Liên Xô cũng vẫn mất vài ngày mới chiếm xong Cao nguyên Seelow.

vi sao hong quan lien xo don doc danh chiem berlin cua duc quoc xa? hinh 2
Các pháo đội Hồng quân ở khu vực Cao nguyên Seelow, tháng 4/1945. Ảnh: Getty.

Ban đầu có tới 1 triệu quân Đức được tập trung quanh Berlin. Tuy nhiên chúng đã gặp phải một lực lượng Hồng quân đông gấp 2,5 lần.

Ngay từ đầu chiến dịch Berlin, quân Liên Xô đã chia cắt thành công đa phần lực lượng quân Đức này với thành phố Berlin. Do vậy, Hồng quân chỉ vấp phải khoảng vài trăm ngàn quân địch ở trong nội đô Berlin, bao gồm cả lực lượng dân quân (Volkssturm) và lực lượng thuộc Đoàn Thanh niên . Ngoài ra còn các đơn vị SS (Đức) được kéo về từ các nước châu Âu khác nhau.

 

Vai trò đặc biệt của xe tăng Liên Xô trong thành phố Đức

Lực lượng quân sự của Hitler tổ chức 2 tuyến phòng ngự bên trong Berlin. Nhiều ngôi nhà ở đây có cả boong-ke. Với lớp tường dày, các ngôi nhà này trở thành các thành trì vững chắc, khó công phá.

Mối đe dọa lớn đối với lực lượng Xô viết tiến phía trước là các vũ khí chống tăng, súng bazooka, và lựu đạn của địch do phía Liên Xô chủ yếu dựa vào các xe thiết giáp trong chiến dịch này. Trong môi trường tác chiến đô thị, nhiều xe tăng đã bị đối phương phá hủy.

Sau chiến tranh, các tư lệnh của chiến dịch công phá Berlin thường bị chỉ trích là dựa quá nhiều vào xe thiết giáp. Tuy nhiên theo phân tích của sử gia Soyustov, trong điều kiện cụ thể khi ấy, việc sử dụng xe tăng là hợp lý. “Nhờ có việc sử dụng lượng lớn xe thiết giáp, quân đội Liên Xô đã tạo ra được một bộ phận cơ động mạnh hỗ trợ cho các binh sĩ tiến ở tuyến trước, giúp họ đột phá qua các chướng ngại vật để vào trung tâm thành phố”.

Chiến thuật sử dụng trong trận Berlin dựa trên kinh nghiệm từ trận . Quân Liên Xô lập ra các đơn vị tấn công đặc biệt, trong đó xe tăng đóng vai trò trọng yếu. Hoạt động cơ động điển hình như sau: Bộ binh di chuyển dọc hai bên phố, kiểm tra cửa sổ ở hai bên, để nhận diện các trở ngại nguy hiểm đối với xe tăng, như là các vũ khí được ngụy trang, các chướng ngại vật, và các xe tăng ẩn mình dưới đất. Nếu bộ binh phát hiện ra các mối nguy hiểm như vậy ở phía trước, họ sẽ đợi pháo tự hành hoặc xe tăng tiến tới. Khi tới nơi, các xe thiết giáp này sẽ nỗ lực tiêu diệt các công sự Đức bằng hỏa lực bắn thẳng ở cự ly gần. Tuy nhiên có những tình huống bộ binh không theo kịp xe thiết giáp và do vậy, xe tăng bị cô lập với lực lượng yểm trợ và dễ dàng trở thành mồi ngon cho pháo chống tăng của Đức.

 

Đánh chiếm trụ sở Quốc hội Đức

Đỉnh điểm chiến dịch Berlin là trận chiến ở trụ sở Quốc hội Đức Quốc xã (Reichstag). Khi ấy, đây là tòa nhà cao nhất ở trung tâm thành phố Berlin và việc đánh chiếm nó có ý nghĩa biểu tượng cao.

Nỗ lực đánh chiếm Reichstag vào ngày 27/4/1945 đã thất bại và giao tranh kéo dài thêm 4 ngày nữa. Bước ngoặt xảy đến vào ngày 29/4 khi Hồng quân chiếm được trụ sở Bộ Nội vụ Đức nằm trên một khoảnh đất lớn. Quân Liên Xô cuối cùng chiếm được trụ sở Quốc hội Đức vào tối ngày 30/4.

Sáng sớm ngày 1/5, lá quân kỳ của Sư đoàn Súng trường số 150 được phất cao trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức. Lá cờ này về sau được gọi là Lá cờ Chiến thắng.

vi sao hong quan lien xo don doc danh chiem berlin cua duc quoc xa? hinh 3
Lá cờ Chiến thắng của Hồng quân được phất trên nóc trụ sở Quốc hội Đức Quốc xã vào năm 1945. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Đa phương tiện Moscow.

Vào ngày 30/4, trùm phát xít Adolf Hitler tự sát bên trong boong-ke cố thủ. Cho đến phút cuối, Hitler vẫn hy vọng lực lượng quân sự ở các khu vực khác trên lãnh thổ Đức sẽ đến giải cứu y ở Berlin nhưng điều này đã không xảy ra. Quân đội Đức đầu hàng vào ngày 2/5.

 

Giải đáp câu hỏi về tính cấp thiết của trận đánh Berlin

Khi tính toán thương vong trong trận chiến Berlin đẫm máu, một số sử gia nghi ngờ về tính cần thiết của một cuộc tiến công như vậy.

Theo ý kiến của sử gia Yuri Zhukov, sau khi quân Liên Xô và quân Mỹ gặp nhau tại sông Elbe, vây quanh các đơn vị Đức ở Berlin thì có thể Hồng quân không cần phải tiến công vào thủ đô Đức Quốc xã.

Sử gia Yuri Zhukov cho rằng: “Tư lệnh Georgy Zhukov… có lẽ chỉ cần siết chặt phong tỏa từng giờ… Nhưng trong cả một tuần lễ, ông ấy đã hy sinh không thương tiếc hàng ngàn người lính Xô viết… Ông đạt được mục tiêu buộc Berlin đầu hàng vào ngày 2/5. Nhưng nếu việc này xảy ra không phải vào ngày 2/5 mà là ngày 6/5 hoặc 7/5 thì hàng chục ngàn binh sĩ của chúng ta có thể đã được cứu sống”.

Tuy nhiên có các quan điểm phản bác lại cách nhìn nhận này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nếu Hồng quân chỉ dừng lại ở việc bao vây Berlin, họ có thể đánh mất thế chủ động chiến lược trước quân Đức. Các nỗ lực của phát xít Đức trong việc phá vây từ trong ra và từ ngoài vào có thể dẫn tới mức độ thương vong tương tự cho quân đội Xô viết, theo sử gia Soyustov. Hơn nữa cũng không rõ sẽ phải mất bao lâu nếu tiến hành một cuộc phong tỏa như vậy.

 

Soyustov chỉ ra rằng nếu trì hoãn chiến dịch Berlin thì có thể nảy sinh các vấn đề chính trị giữa các lực lượng Đồng minh. Rõ ràng vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, các đại diện của Đệ tam Đế chế đã cố gắng đàm phán một thỏa thuận hòa bình riêng rẽ với Mỹ và Anh. Soyustov tin rằng trong hoàn cảnh đó, “không ai có thể dự báo việc phong tỏa Berlin sẽ phát triển theo hướng nào”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm