Khám phá

Những vị vua huyền thoại của vương triều Angkor (I)

Suryavarman I là một vị vua của Đế quốc Khmer từ năm 1113 đến 1149 và là vị vua đã cho xây dựng đền và thành Angkor Wat.

Để chống nạn “sâu mọt” đục khoét của nhân dân, vua Minh Mạng đã làm điều đáng sợ này / Tìm thấy hóa thạch “vua thỏ” khổng lồ

Có dịp đến Campuchia ngày nay để tham quan khu vực Hoàng cung vương quốc Campuchia, thăm chùa Vàng, chùa Bạc xong, mọi người men theo một lối đi dài để ra phía cổng sẽ gặp bức tượng đá khá cao tạc thờ vua Suryavarman II, vua Jayavarman VII đang tọa thiền nhập định, với tấm bản đồ bờ cõi đế chế Khmer sau lưng rất rộng lớn.

Nhưng chắc chắn mọi người sẽ phải đặt một câu hỏi rằng: Vì sao hai vị vua vĩ đại nhất, tài ba lỗi lạc nhất trong lịch sử dân tộc Khmer, người đã kiến trúc và xây dựng nên Angkor Wat, Angkot Thom, Bayon… người đã có công mở rộng đế chế Khmer bằng những cuộc chinh phạt hùng mạnh mà tượng thờ không có hai cánh tay? Tất nhiên, không phải vì chiến tranh hay do con người làm hư hỏng hai cánh tay. Giả dụ, nếu có điều ấy, những nghệ nhân điêu khắc đá tài hoa của đất Chùa Tháp sẽ dễ dàng làm hai cánh tay cho những vị vua thần thánh này, điều đó không phải là chuyện khó. Nhưng vì sao bức tượng không có hai cánh tay?

Vị vua huyền thoại xây dựng Angkor Wat bất tử với thời gian

Suryavarman II (thụy hiệu Paramavishnuloka) là một vị vua của Đế quốc Khmer từ năm 1113 đến 1149 và là vị vua đã cho xây dựng đền và thành Angkor Wat thờ thần Hindu Vishnu. Thành tựu rực rỡ của ông được thể hiện qua những kiến trúc tuyệt mỹ của tôn giáo dân tộc Khmer và nhiều chiến dịch quân sự vang dội, cùng việc phục hồi chính quyền cực mạnh của thời đại Angkor đã khiến cho nhiều nhà lịch sử xếp Suryavarman II là một trong vị vua vĩ đại nhất của đế quốc này.

Toàn bộ khu vực Angkor Wat có chu vi gần 6km và diện tích khoảng 200ha, nơi cao nhất là đỉnh tháp của ngôi đền chính, có độ cao 65m. Angkor Wat là đền núi duy nhất ở đất nước Campuchia có lối vào chính ở hướng Tây, hướng mặt trời lặn. Theo kiến trúc và tín ngưỡng tôn giáo, cửa Tây là cửa tử, cửa ma quỷ. Dấu ấn này dễ nhìn thấy trên tất cả đền tháp Hồi giáo và Ấn Độ giáo ngày nay. Tất cả cổng chính đều quay về hướng Đông, hướng của Đấng Tối cao và Thánh Ala ngự trị. Cửa Tây, hầu hết là cửa giả, xây kín, không sử dụng nhằm tránh tà khí và yêu ma.

Thế nhưng, Angkor Wat lại chọn hướng Tây làm cổng chính. Sự bí hiểm này rất có thể là một kiến thiết đặc biệt về quân sự, nhằm bảo vệ kinh đô huyền thoại. Vì phía Tây Angkor Wat ngày nay là một khu rừng già nguyên sinh, nối tiếp các khu vực đền tháp liên hoàn. Trước đó, người Chiêm Thành, Java liên tục đánh phá các kinh đô Chân Lạp, dựa vào thủy quân đi ngược sông Mê Kông lên Biển Hồ Tonle Sap trực diện tấn công vào các kinh đô của Angkor.

Angkor Wat

Angkor Wat

Angkor Wat (tiếng Khmer nghĩa là thành phố chùa) từ lâu đã trở thành biểu tượng huy hoàng của đất nước Campuchia. Ngay sau khi được phát hiện vào năm 1861, Angkor Wat đã làm cho các nhà nghiên cứu bàng hoàng. Lúc đó người ta đã đặt ra nhiều giả thuyết kỳ lạ. Người cho rằng chính chủ nhân của những kim tự tháp Ai Cập đã đến đây và xây dựng nên Angkor Wat. Người khác lại phỏng đoán có bàn tay của người Hy Lạp cổ đại trong việc tạo dựng nên ngôi chùa đá kỳ diệu này. Còn truyền thuyết của người Khmer thì cho rằng Angkor Wat có nguồn gốc từ thần linh trợ giúp.

Truyền thuyết về Angkor Wat kể lại rằng: Ngày xưa, vị thần tối thượng Indra có quan hệ với một người đàn bà dưới trần gian. Người đàn bà này đã hạ sinh ra một hoàng tử tên là Preah Két Mêalêa (ánh sáng thiên thần). Vì được Hoàng hậu sinh ra, nên Preah Két Mêalêa trở thành hoàng tử kế vị ngôi vua ở Indra Prast (Campuchia cổ). Thần Indra nhìn thấy vẻ khôi ngô tuấn tú của chú bé nên đã đem chú về trời.

Các thiên thần không bằng lòng cho con của người dưới trần gian chung sống với mình trên thượng giới, nên đòi Indra phải trả Preah Két Mealêa xuống hạ giới làm người phàm. Tuy rất thương hoàng tử, nhưng vị thần tối thượng không thể làm trái các quy định nơi thượng giới và làm mích lòng các thiên thần. Thần nảy ra ý định sai một vị kiến trúc sư vĩ đại của các thần là Preah Pisnuka xây ngay ở hạ giới một lâu đài tráng lệ giống hệt lâu đài của thần Indra trên thượng giới cho hoàng tử sống, làm nguôi ngoai nỗi nhớ thượng giới.

Chỉ một đêm, các thiên thần đã trợ giúp xây xong tòa lâu đài, đó chính là Angkor Wat ngày nay. Trên các phiến đá ở Angkor Wat còn hằn rõ những lỗ tròn chính là những dấu tay bê đá của các thần. Và trên núi Kulen còn in dấu hai bàn chân khổng lồ của những thiên thần vác đá khối xây thành Angkor Wat. Chính vì vậy mà ngày nay, con người không thể lý giải những tảng đá nặng cả chục tấn được đưa lên cao bằng cách nào và đá xanh quý hiếm này được khai thác từ nơi đâu…

Người đời sau lần theo dấu vết của những dòng bia đá ở các đền đài để tìm trong sâu xa những bí ẩn người xưa để lại và lịch sử về Angkor Wat đã hiện dần lên. Cùng với tục thờ Thần - Vua, một loại hình kiến trúc kỳ lạ của người Khmer ra đời: đền núi. Mỗi ngôi đền mộ là hình ảnh của quả núi vũ trụ Mêru, nơi ngụ của thần linh theo Ấn Độ giáo.

Sau khi lên ngôi vào năm 1113, Vua Suryavarman II chọn một khu đất rộng và thoáng đãng ở góc Đông Nam đô thành Yasodharapura để xây đền núi cho mình. Đó chính là kỳ quan thế giới Angkor Wat ngày nay. Công trình được khởi công vào năm 1122 và hoàn thành vào năm vua mất, khoảng năm 1150. Angkor Wat nằm trong khu đất thiêng rộng 1500 x 1300m và bị giới hạn bởi một hồ nước rộng. Không ai biết vì sao nhà vua chọn cửa đền chính mở về hướng Tây - nơi có hồ lớn, cũng là hướng tới đô thành, chứ không mở về hướng Đông như mọi đền núi Khmer khác.

Khu đền chính bao gồm 398 gian phòng với nghệ thuật chạm trổ, khắc đá độc đáo cả trên trần phòng, hành lang, các lan can... tất cả thể hiện sức mạnh phi thường và bàn tay điêu luyện của người Khmer cổ đại. Cũng chưa có một tài liệu nào nói về số lượng nhân công xây dựng Angkor Wat cũng như những kỹ thuật được sử dụng vào thời này ra sao.

Xung quanh đền, có hào rãnh bao bọc, bên ngoài bức tường có nhiều hồ chứa nước, sự thiết kế của ngôi đền này rất cân đối và lung linh rực rỡ. Toàn bộ khu vực nằm trong vòng tường thành rộng tới 83.610m². Hai bên phía trong cổng chính có hai nhà dạng tháp nhỏ đối xứng nhau, tương truyền là nơi các quan lại dừng chân trước khi vào đền và cũng là nơi nhà vua và hoàng tộc ngự giá.

Trung tâm của thánh điện là một tòa tháp cao 61m. Con người muốn đi tới đó phải qua mấy bậc cửa, một bậc thềm cao và một khu sân rộng. Cấu trúc các tòa tháp còn lại luôn ở vị trí thấp hơn. Trên những bức phù điêu đá, các nghệ nhân tài ba đã miêu tả rất sinh động những cảnh tượng trong sử thi Ấn Độ. Rất nhiều thần linh nam và nữ vui vẻ nhảy múa với nhau trong tư thế trêu chọc. Qua bốn góc hành lang dài hun hút tầm mắt, lộng gió là các phù điêu nối tiếp nhau, chạy dài đến mấy trăm thước, đã thể hiện nhiều nhân vật lịch sử, cũng như đời sống, tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, quân sự rất thật trong lịch sử của Campuchia suốt các triều đại Angkor.

Qua một khoảnh sân rộng như một quảng trường, lô nhô hình rắn thần Nagar và các tượng thần binh, dẫn vào cửa chính môn Angkor Wat cũng được làm bằng đá tảng dài 230m, mặt lộ rộng gần 10m, cao 5m so với mặt nước hồ trong xanh ở hai bên. Sự thật không phải là hồ nước mà là con hào đào hình vuông như một con sông nhân tạo vuông vức bao bọc quanh kinh đô Angkor Wat. Hào nước bao bọc Angkor Wat rộng 190m tạo nên một hình vuông dài một cây số rưỡi.

Tương truyền quanh con hào sâu và rộng này, nhà vua Suryavarman II đã thả xuống hàng triệu con sấu hung dữ để bảo vệ vòng ngoài cho kinh đô. Trong một trận chiến ác liệt với người Chiêm Thành tại con hào này, người Chiêm Thành đã dùng bè tre kết thành mảng lớn, bốn mặt đốt dầu tẩm chất độc đặc chế từ cây trái mã tiền và mủ cây mít độc làm “đội thủy binh sấu” chết, không gây trở ngại cho đoàn quân thiện chiến và dũng mãnh của Chiêm Thành vượt hào đánh chiếm Angkor, bắt luôn cả vua Chân Lạp.

Khu đền chính được xây dựng theo hình Kim Tự Tháp, với 5 tháp chính tượng trưng cho núi vũ trụ Mêru của Ấn Độ và được chia làm ba cấp độ cao, độ cao thứ nhất tượng trưng cho địa ngục hay là đất, tầng hai tượng trưng cho đất liền hay là đất nơi cư ngụ con người, cỏ cây, muôn loài, độ cao thứ ba tượng trưng cho quyền năng thần bí, của gió, nơi cư ngụ của thần thánh như đỉnh Olympia trong thần thoại Hy Lạp. Tầng trên cùng được xem là cao nhất với độ cao tuyệt đối là 65m, có 7 vòng tượng trưng cho 7 rặng núi thiêng của Mêru vươn lên giữa rừng già. Mỗi tháp có hình dáng một đóa hoa sen đang nở.

Chính điện Angkor Wat là một kiến trúc ba tầng, kết nối với nhau nhờ những hành lang sâu thẳm. Toàn bộ kiến trúc Angkor Wat là những phiến đá xanh, ở đâu cũng thấy chạm trổ hoa văn, phù điêu theo truyền thuyết và các tích cổ xưa mà các chuyên gia nghiên cứu, khảo cổ đều cho rằng nguồn gốc xuất phát từ sử thi Ấn Độ Mahabharata và Raymana và toàn cảnh lịch sử về chiến công, đất nước và con người Chân Lạp dưới thời vua Suryavarman II trị vì.

Tầng một có tên là Địa ngục, là công trình được xây dựng vào nền cực thịnh của Angkor. Có lẽ độc đáo nhất là những bức tranh điêu khắc trên tường của dãy hành lang tầng thấp nhất. Đây có thể xem là bức tranh điêu khắc trên đá to nhất, dài nhất của thế giới được điêu khắc hoàn toàn bằng đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Khmer trong hàng chục năm. Với bề cao 2,5m và chạy dài hơn 800m miêu tả những điển tích trong kinh điển Bà La Môn, những chiến công lừng lẫy của vua huyền thoại Suryavarman II - người tạo dựng ngôi đền.

Tầng hai có tên gọi là Trần gian là một khoảng sân rộng được bao bọc bởi dãy tường thành, bên trong là các gian điện thờ các vị thần, khu vực tầng tháp thứ hai là nơi có hệ thống thoát nước cho cả ngôi đền. Tại các gian điện thờ các vị thần Visnu theo Ấn Độ giáo to lớn bằng loại đá đen tuyền, hiện đang bị người dân Campuchia lầm tưởng là Phật Thích Ca nên đã mặc áo bào vàng và thờ cúng. Sự lầm tưởng về vị thần của Hindu giáo và Phật giáo cũng dễ hiểu vì trong quá khứ, lịch sử đã có sự pha trộn.

Tầng ba của Angkor Wat có tên gọi là Thiên đường. Đây là tầng cao nhất, nơi được xem là nơi trú ngụ của các thần linh trong truyền thuyết với độ cao 65m. Các cầu thang đi lên các tháp trung tâm chia làm bốn mặt. Tầng thứ ba gồm hai hành lang chữ thập cắt nhau thẳng góc ở giữa. Ở điểm giao tiếp của hai hành lang là trung tâm đền Angkor Wat. Xưa kia trung tâm đền có tượng thờ bằng vàng thần Visnu, nhưng tượng đã bị kẻ xấu lấy mất. Ngày nay, trung tâm đền chỉ có các tượng thờ Phật.

Tháp ở trung tâm đền là tháp cao nhất Angkor Wat, chung quanh tháp là bốn hành lang hình vuông. Ở mỗi góc hành lang là một tháp. Tháp trung tâm và bốn tháp chung quanh tạo thành tòa chân trời nổi tiếng của Angkor Wat khi ta nhìn từ đằng xa hay lúc gần đến khuôn viên đền. Các cầu thang đi lên dốc đứng gần như 45 độ, hẹp và vô cùng khó leo. Vào năm 2010, công việc tu sửa và tôn tạo di tích kỳ quan thế giới được tiến hành nên du khách đến Angkor Wat tham quan không được lên tầng Thiên đường.

Trong những gian phòng lớn của ngôi đền, có một gian rất huyền bí, du khách thường đến đó đứng hơi sát tường, nắm chặt bàn tay và vỗ lên ngực nhẹ nhẹ thì lập tức có tiếng vang vọng với âm thanh rất rõ, hệt như mình đang đánh trống. Với rất nhiều hình ảnh các tiên nữ được điêu khắc trên tường, nếu để ý sẽ nhìn thấy có một tiên nữ há miệng nửa kín nửa hở giống như cô này đang mắc cỡ vì mới tiến cung nên đứng thầm cười một mình, thập thò bên phải sát cánh cửa. Đền Angkor là một thành tựu kiến trúc huy hoàng, nó thể hiện một trình độ sâu sắc về thể tích, không gian và sự tổ hợp kỷ hà.

Vị vua huyền thoại với trận chiến bi thảm

Theo lịch sử, dưới triều đại cai trị của vua Suryavarman II, ngôi đền lớn nhất Angkor Wat (Đế Thiên) đã được vua ra lệnh xây dựng trong kinh đô Angkor trong khoảng thời gian 37 năm. Cũng trong thời gian này, Suryavarman II đã phát động cuộc xâm lăng các quốc gia lân cận. Đầu tiên là vương quốc Haripunjaya của dân tộc Môn (nay là miền Trung Thái Lan).

Tiếp đến là một phần đất khá rộng về phía Tây thuộc vương quốc Pagan (nay là Myanma) cũng bị đội quân dũng mãnh của Suryavarman II thôn tính xác nhập vào bản đồ đế chế Khmer (Chân Lạp). Phía Nam, vương quốc Grahi (nay là tỉnh Nakhon SiTham Marat Thái Lan) thuộc khu vực bán đảo Malay cũng bị Suryavarman II chiếm đất. Một phần đất Chiêm Thành phía Đông cũng bị chiếm mất và uy hiếp cả Đại Việt về phía Tây.

Cũng cần nhắc lại một giai đoạn lịch sử, vào năm 1080, sau khi vương quốc Chiêm Thành hòa hoãn với Đại Việt, vua Chiêm Thành Harivarman IV đã dốc toàn lực hùng mạnh tràn sang đánh chiếm đế quốc Chân Lạp. Quân Chiêm Thành chiếm Sambor (phía Bắc Phnompenh và phía Đông Biển Hồ Tonle Sap), giết vua Chân Lạp Harshavarman III, tàn phá kinh đô Somesvara (Angkor), bắt mang về nước rất nhiều tù binh Chân Lạp.

Để trả mối thù cao hơn núi này, năm 1145, vua Suryavarman II của Chân Lạp phục thù đánh chiếm thành Đồ Bàn của Chiêm Thành và tàn phá khu Thánh địa Mỹ Sơn tan tành mà ngày nay chúng ta nhìn thấy đống đổ nát hoang tàn như vậy. Cho mãi đến năm 1149, vua Chiêm Thành mới đủ sức đánh đuổi người Khmer xâm lược, giành lại đất nước.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1128, hơn hai vạn quân Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Đoàn quân xâm lược hùng mạnh này do đích thân vua Suryavarman II thân chinh. Vua Lý Nhân Tông sai Nhập nội Thái phó Lý Công Bình cùng các đô chức Nghệ An đi đánh giặc.

Vào thời điểm này, vua Lý Nhân Tông lâm bệnh, có di chiếu để lại luôn dặn dò các quan tướng trong triều lập thái tử Dương Hoán lên ngôi hoàng đế khi mới 12 tuổi và tổ chức tang lễ bình thường trong ba ngày, chuyên tâm mài gươm, mài giáo chuẩn bị đánh giặc Chân Lạp quay lại. Ba tháng dốc tâm đánh giặc, Thái phó Lý Công Bình đã đánh tan tành quân Chân Lạp tại Nghệ An.

Bị thua quá đau, chưa quá nửa năm sau, vua Suryavarman II tức tối huy động thêm thủy binh trên 700 thuyền chiến quay lại đánh phá vào hương Đỗ Gia thuộc châu Nghệ An (nay là Hà Tĩnh) báo thù thất bại lần trước. Vua Lý Thần Tông hạ lệnh cho Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hóa, tướng Dương Ổ ở châu Nghệ An đánh giặc Chân Lạp. Lúc này, hoàng đế Suryavarman II gửi quốc thư cho vua Lý Thần Tông yêu cầu cử sứ giả sang Chân Lạp, vua Lý nhận thư nhưng không thèm trả lời.

Năm Nhâm Tý 1132, vua Suryavarman II hội quân với Bắc Chiêm Thành, hợp nhau tấn công vào châu Nghệ An của Đại Việt. Hoàng đế Lý Thần Tông xuống chiếu cho Thái úy Dương Anh Nhĩ huy động toàn bộ quân binh ở Thanh Hóa, cùng với quân binh châu Nghệ An hợp sức đánh tan tành quân xâm lược Chân Lạp và Chiêm Thành.

Sau thất bại thảm hại, Chân Lạp và Chiêm Thành đều cử sứ giả đến Đại Việt cầu thân, thuần phục. Nhưng chỉ hai năm sau, Suryavarman II lại sai tướng Phá Tô Lăng mang thêm mấy vạn quân vào đánh Nghệ An lần thứ ba. Lần này, vua Lý Thần Tông hạ lệnh cho Thái úy Lý Công Bình mang quân tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược.

Trong khoảng thời gian từ năm 1145 - 1149, đế quốc Chân Lạp hùng mạnh đã nuốt chửng Chiêm Thành vùng đất phía Bắc, xem như đã tiếp giáp biên giới Đại Việt ở phía Nam. Năm 1150, vua Suryavarman II thân chinh mang quân tấn công vào Đại Việt. Lúc bấy giờ, vua Lý Anh Tông mới 10 tuổi, nhưng dưới trướng có rất nhiều quan văn, quan võ tài ba lỗi lạc như Thái phó Tô Hiến Thành, Thái úy Mậu Du Đô… nên việc canh phòng biên giới rất cẩn mật.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn bia đá khắc trên tường thành Angkor Wat ghi lại cho thấy: Vào năm 1149, vị vua Chiêm Thành anh hùng Jaya Harivarman IV đánh bộc hậu từ phía Nam tiến ra phía Bắc vương quốc Chiêm Thành để đánh quân xâm lược Chân Lạp, giành lại lãnh thổ phía Bắc. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ ghi lại quân xâm lược và vua Chân Lạp Suryavarman II gặp phải bệnh tật, chướng khí trong rừng núi nên tử vong rất nhiều và tự tan vỡ.

Nhưng nếu xét ở thế, vua Chân Lạp “lưỡng đầu thọ địch” trong hoàn cảnh vô cùng bất lợi: không gặp thiên thời – năm đó hạn hán kéo dài từ mùa xuân đến mùa thu lại gặp phải mùa gió phơn Tây Nam (gió Lào) rất khắc nghiệt. Không gặp địa lợi, quân Chiêm Thành hùng mạnh đang ráo riết tấn công từ phía Nam, quân Đại Việt phòng bị cẩn mật, vững chắc phía Bắc. Và cuối cùng là yếu tố nhân hòa, quân đội xâm lược của Suryavarman II luôn bị người Chiêm Thành và Đại Việt oán ghét, căm hận nên chỉ riêng cuộc chiến tranh du kích cũng đủ làm quân binh Chân Lạp suy yếu dần từng ngày.

Trong một cuộc chiến không đánh mà tan, vị vua vĩ đại, tài giỏi và cường quyền tham vọng nhất của đế chế Khmer Suryavarman II cùng đoàn quân xâm lược hùng mạnh của ông ta đã có kết cục rất bi thảm tại vùng núi lam chướng tử địa ở núi Vụ Thấp, còn gọi là núi Vụ Ôn tức Vụ Quang (Hương Khê - Hà Tĩnh) ngày nay.

Vị vua huyền thoại của người Chân Lạp đã bỏ mạng giữa núi rừng sâu thẳm từng là nơi giáp ranh giữa hai quốc gia Chiêm Thành và Đại Việt. Một nhà kiến trúc vĩ đại tạo nên kỳ quan nhân loại Angkor Wat và nhiều đền đài khác, chỉ vì tham vọng bành trướng cả khu vực châu Á, đã đi đến kết cục rất bi thảm. Không ai biết thân xác nhà vua vĩ đại ở đâu và cũng không ai biết gì những bí mật về Angkor Wat mà ông mang theo vào cõi vĩnh hằng. Một vương triều hùng mạnh nhất trong lịch sử chấm dứt vĩnh viễn, mãi sau này, đời cháu của ông mới khôi phục lại đế chế cường thịnh.
Kỳ 2: Vì sao tượng vua Jayavarman VII vĩ đại không có hai cánh tay?
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm