Nhuộm răng đen Ohaguro: Phong tục xưa của phụ nữ Nhật Bản
Bí ẩn rùng mình về 'ngôi trường tròn' bỏ hoang nổi tiếng nhất Nhật Bản / Khám phá xưởng tàu ngầm mini của đế chế Nhật Bản
Ohaguro là một phong tục đã có từ lâu đời, trong đó mọi người (thường là phụ nữ) nhuộm răng của họ thành màu đen. Mặc dù Ohaguro cũng xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới bao gồm Đông Nam Á, các đảo trên Thái Bình Dương, nhưng nổi tiếng nhất là tại Nhật Bản.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng tiêu chuẩn về cái đẹp thay đổi theo thời gian, địa điểm, và nó phụ thuộc vào quan niệm của những người sống trong xã hội đương thời. Đến cuối thế kỷ 19, phụ nữ Nhật Bản coi hàm răng đen là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu của vẻ đẹp hình thể. Ngoài ra, việc nhuộm răng đen cũng phục vụ một số mục đích khác.
Phương pháp nhuộm răng đen
Phương pháp truyền thống của phụ nữ Nhật Bản để có được hàm răng đen liên quan đến việc điều chế một loại thuốc nhuộm dạng nước gọi là Kanemizu.
Trước tiên, người ta ngâm bột sắt trong trà hoặc rượu sake cùng với giấm. Khi sắt bị oxy hóa, chất lỏng chuyển sang màu đen. Mùi vị của loại thuốc nhuộm này khá kinh khủng nên một số hương liệu như quế, đinh hương và hồi được thêm vào để tạo hương thơm.
Những người muốn răng chuyển sang màu đen sẽ uống Kanemizu mỗi ngày một lần hoặc vài ngày một lần để màu đen trở nên đậm dần và không bị phai màu. Sau một thời gian, răng của họ sẽ có màu đen vĩnh viễn. Các nhà khảo cổ từng phát hiện một số bộ cài cốt có niên đại từ thời kỳ Edo vẫn giữ được hàm răng đen cho đến ngày nay.
Lịch sử hình thành và phát triển
Hiện tại, chúng ta không biết rõ về nguồn gốc của truyền thống nhuộm răng Ohaguro ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Ohaguro đã xuất hiện trong thời kỳ Heian (kéo dài từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12 sau Công nguyên). Vào lúc này, nhuộm răng là một phong tục phổ biến trong giới quý tộc, đặc biệt là những phụ nữ trẻ tới tuổi kết hôn.
Heian còn là thời kỳ thịnh hành lối trang điểm với khuôn mặt trắng. Đáng tiếc là lớp trang điểm màu trắng làm từ bột gạo sẽ khiến răng của một người trông vàng hơn so với thực tế. Vì vậy để che đi khuyết điểm này, phụ nữ bắt đầu nhuộm răng của mình thành màu đen tương phản, bắt mắt. Khi họ cười, người đối diện đứng từ xa sẽ có cảm giác họ nở một nụ cười tươi mà không để lộ hàm răng khấp khểnh hoặc ố vàng.
Ngoài tác dụng làm đẹp, phong tục nhuộm răng Ohaguro còn giúp răng chắc khỏe hơn, ngăn ngừa sâu răng, nướu răng và các vấn đề răng miệng khác. Không giống với giới quý tộc, các samurai nhuộm răng đen để thể hiện lòng trung thành đối với chủ nhân của họ.
Ohaguro tiếp tục tồn tại và phát triển trong các giai đoạn tiếp theo của lịch sử Nhật Bản. Đến thời kỳ Edo (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 sau Công nguyên), phong tục này đã lan rộng từ tầng lớp quý tộc sang nhiều tầng lớp khác của xã hội. Những người nhuộm răng đen bao gồm phụ nữ đã lập gia đình, các cô gái trên 18 tuổi nhưng chưa kết hôn, kỹ nữ và geishas [nghệ sĩ vừa có tài ca múa nhạc lại vừa có khả năng trò chuyện mua vui cho khách hàng]. Vì vậy, răng đen còn được coi là đặc điểm thể hiện sự trưởng thành của nữ giới.
Đây có thể là sự tiếp nối của phong tục Ohaguro trong thời kỳ Muromachi trước đây. Theo đó, con gái của các vị chỉ huy quân đội nhuộm răng đen để chứng tỏ họ sắp đến tuổi trưởng thành. Các bé gái sẽ nhuộm răng khi ở độ tuổi từ 8 đến 10 tuổi.
Ngoài phụ nữ, những người đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc và có liên quan đến hoàng gia cũng nhuộm răng trong thời kỳ Edo.
Trong suốt thời kỳ Minh Trị, phong tục nhuộm răng đen không còn thịnh hành và trở nên lỗi thời. Là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa đất nước, Chính phủ Nhật Bản thậm chí đã cấm người dân nhuộm răng đen năm 1870. Xu hướng mới ở Nhật Bản là giữ cho răng trắng. Vào năm 1873, sự kiện nữ hoàng Nhật Bản xuất hiện trước công chúng với hàm răng trắng bóng đã khởi đầu cho trào lưu này.
Không lâu sau, hàm răng trắng được coi là một trong những nét đẹp tiêu chuẩn, đồng thời tập tục nhuộm răng đen Ohaguro dần mất đi giá trị trong đời sống của người dân Nhật Bản. Ngày nay, chúng ta chỉ nhìn thấy phụ nữ Nhật Bản nhuộm răng đen trong các bộ phim, vở kịch hoặc một số lễ hội truyền thống, chẳng hạn như lễ hội matsuri. Trong các sự kiện và dịp đặc biệt, bạn vẫn có thể bắt gặp hình ảnh các nghệ sĩ Geisha nhuộm răng đen nếu đến những khu phố dành riêng cho Geisha ở Kyoto, Nhật Bản.
Huyền thoại về ma nữ răng đen
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, người ta lưu truyền những câu chuyện đáng sợ về ma nữ Ohaguro Bettari [được dịch là “không có gì ngoài răng đen”]. Ohaguro Bettari là linh hồn của một phụ nữ xấu xí không thể lấy được chồng. Cô thường xuất hiện gần các đền thờ vào ban đêm. Cô thích mời gọi những người đàn ông trẻ tuổi độc thân đến với mình, và họ hiếm khi có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của cô. Tất nhiên, cho đến khi họ tiến lại quá gần.
Nhìn từ xa, Ohaguro Bettari trông giống một phụ nữ xinh đẹp mặc bộ kimono trong ngày cưới. Lúc đầu, cô ấy che giấu phần đầu của mình và quay lưng lại với bất kỳ người xem nào. Tuy nhiên, khi những người đàn ông tiến lại gần để nhìn rõ hơn thì cô ấy sẽ quay lại, để lộ khuôn mặt đáng sợ với làn da trắng bệch, miệng rộng chứa đầy răng đen, không có mắt và mũi. Cô tiếp nối cú sốc ban đầu này bằng một tiếng kêu thảm thiết, khiến người đàn ông bỏ chạy.
Ngoài việc khiến những người đàn ông sợ hãi, Ohaguro Bettari dường như không làm hại ai. Bởi vì không có câu chuyện nào nói rằng cô làm bị thương hoặc khiến người khác tử vong.
End of content
Không có tin nào tiếp theo