Nơi đón tia nắng đầu tiên trên đất Việt
Clip: Sư tử dùng sở đoản để săn giết trâu rừng / Clip: 15 con linh cẩu vây giết sư tử
Mũi Điện nằm về phía bắc đèo Cả còn có tên Mũi Đại Lãnh, là mũi đất nhô ra từ dãy Trường Sơn hướng ra Bãi Môn thuộc xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Gần 20 năm trước, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công nhận Mũi Điện là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng chục năm đổ lại đây giới dã ngoại chuyên nghiệp lại chỉ ra rằng tia nắng mặt trời chiếu đến nơi này sau Mũi Đôi nằm phía nam đèo Cả 0,4 - 0,5 giây. Gần đây, nhiều sách vở địa lý bắt đầu đưa thông tin điểm cực Đông nằm ở bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đó chính là vị trí Mũi Đôi hay còn gọi là Hòn Đầu hiện nay.
Cách Nha Trang khoảng 100km, anh hướng dẫn đón tôi bằng xe máy, chở vào khu vực Đầm Môn, bắt đầu cho cuộc đi bộ ra Mũi Đôi. Nhiều nhóm trẻ chạy xe máy, gửi tại nhà người dân trong vùng và tự khám phá cung đường mà không cần hướng dẫn. Họ mang theo lều bạt và đồ ăn khô, chuẩn bị cho đêm cắm trại bên bãi biển chờ ngắm bình minh.
Cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ dọc đường vào Mũi Đôi. Biển một bên, vách đá một bên.
Giới trekking chuyên nghiệp chia sẻ rằng tránh mùa mưa bão tại miền Trung từ tháng 9 đến 12, thời gian còn lại đều phù hợp để khám phá nơi này. Đó là thời gian sóng êm, độ ẩm phù hợp, biển đẹp. Nắng khá gắt quãng tháng 6 đến tháng 8, nhưng những cơn gió biển giúp xua bớt oi bức, và không quá khắc nghiệt với người có sức khỏe tốt.
Việt Hưng, một thanh niên ngoài 30 từ Sài Gòn ra, là dân trekking chuyên nghiệp, kể lần đầu tự dùng định vị để khám phá Mũi Đôi quãng năm 2013, Hưng mất hai ngày tìm đường đi và về: “Nhưng rất thú vị, chỉ cần chuẩn bị đủ đồ ăn nước uống và túi ngủ, đi đến đâu đánh dấu xác định đường đi đến nó. Mạo hiểm nhưng rất thú vị”. Hưng khoe đã đi cung đường này vài lần vào các mùa khác nhau, và mỗi lần là một trải nghiệm độc đáo. Lần này, Hưng làm “hướng dẫn” cho mấy người bạn sống ở nước ngoài về Việt Nam dã ngoại. Giờ đường đi đã thành lối mòn, nên cũng không khó khăn nữa.
Bia khắc vị trí cực Đông nằm ngay dưới chân tảng đá lớn.
Từng đến cả hai điểm được cho là cực Đông, Hưng nhận định đường đến Mũi Điện hiện thuận tiện hơn vì được đầu tư để du khách đại trà có thể đến, cũng như leo lên ngọn hải đăng kế cận được xây dựng từ thế kỷ trước ngắm cảnh khu vực. Lối mòn đã được gia cố, kết nối với bằng hệ thống bậc và đường bê tông. Ngoài ra, nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí đã có mặt tại Mũi Điện, trong khi ở Mũi Đôi, mọi thứ còn rất hoang sơ, thích hợp cho những người thích dành nhiều thời gian đắm mình vào thiên nhiên.
“Với những ai còn yêu thích tính hoang dã, nhiều thử thách, hành trình trekking Mũi Đôi thú vị hơn nhiều. Cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ dọc con đường đi là phần thưởng xứng đáng. Vào mùa xuân, khu vực này nhiều hoa, đi giữa rừng còn ngửi thấy hương hoa thoang thoảng, cực thích”, Hưng cười kể.
Thang dây leo lên đỉnh hòn đá ngắm bình minh.
Chuyến dã ngoại của tôi diễn ra sau khi Việt Nam trải qua hai năm đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Con đường ra Mũi Đôi vẫn còn dấu tích của một vùng đất từng thu hút nhiều người đến, nhưng rồi đột ngột bị bỏ hoang. Một số lối mòn băng rừng bị cây mọc kín, cỏ cũng phủ nhiều đoạn của lối mòn. Tôi chỉ gặp vài con bò đang gặm cỏ ở một bãi đất phẳng dưới một chân đồi, vài điểm giếng đào nước ngọt hay hệ thống dẫn từ các vách đá xuống dọc đường đi.
“Mọi người bắt đầu quay trở lại, và hình như họ đang đi bù cho những năm tháng bị phong tỏa, tôi đã được họ đặt kín lịch trong tháng, nhưng phần lớn là đi lẻ”, anh hướng dẫn cho biết. Nhưng khác với tôi, phần lớn giới trekking chọn đi cuối tuần vì thường khá vắng.
Đỉnh hòn đá với mặt phẳng rộng, được gắn kim tự tháp thép ghi chú cực Đông tại Mũi Đôi.
Sau hơn 5 tiếng đi bộ, chúng tôi đến Bãi Rạng, dựng lều nghỉ đêm sau một quãng đường vượt đồi cát, leo các triền dốc đá, lang thang thung lũng, và xuyên qua một khu rừng thưa, thấp.
Bãi Rạng có địa hình khuất gió vừa có triền đồi vách đá, vừa có bãi cát thoải, thuận tiện cho cắm trại, nghỉ ngơi hay đốt lửa, giao lưu. Ngâm mình dưới làn nước trong vắt cho bớt mệt, chúng tôi ăn tối, chuyện trò rồi nghỉ ngơi sẵn sàng cho cuộc ngắm bình minh. Phía xa xa tiếng sóng va vào đá, trườn vào bãi cát trắng. Trên đầu là bầu trời đầy sao và một vầng trăng khuyết của một đêm đầu tháng.
Bãi Rạng, khu vực giới trekking có thể nghỉ đêm.
Đây là điểm dừng chân lấy sức để sáng sớm hôm sau đi thêm một quãng đường, chủ yếu là leo vách đá ra đến điểm được xác định là cực Đông. Vì đi chậm, nên tôi dậy sớm và đi trước nhóm chuyên nghiệp một tiếng đồng hồ. Khoảng cách không xa, nhưng đường đi đầy thử thách do phải nhảy và len lỏi giữa nhiều tảng đá. Khu vực này chủ yếu là hệ thống các hòn đá lớn nhỏ chen nhau nhô ra biển.
Thách thức cuối cùng chính là leo lên chiếc thang dây vắt cheo leo từ một mỏm đá rất cao, thả lòng thòng xuống phía dưới, có kèm một sợi dây an toàn quấn quanh eo. Leo lên đến đỉnh hòn đá, đó chính là nơi đón chờ những tia nắng đầu tiên chiếu vào đất liền Việt Nam mỗi ngày mới, và đặc biệt là có cột mốc khắc dấu vị trí cực Đông. Rất nhiều người đã dừng lại ngay dưới hòn đá này, chấp nhận không thể đi tới đích khi chạm tay vào chiếc thang dây.
Hành trình vượt đồi cát.
Anh hướng dẫn kể, mấy năm trước dịch, đã bắt đầu có nhiều người đến Mũi Đôi check-in. Nhiều bạn trẻ còn thuê tàu của ngư dân trong vùng ra thẳng Mũi Đôi, leo lên cột mốc đón bình minh, bỏ qua hành trình đi bộ hơn chục cây số xuyên rừng. Nhưng phần lớn giới trekking chuyên nghiệp chọn đi từ chiều tối, trải nghiệm băng rừng đêm dưới ánh trăng, ra đến Mũi Đôi kịp trời sáng, hoặc đi sớm và cắm trại nghỉ đêm trước khi leo lên điểm cực Đông. Hành trình dài nhất cũng chỉ là một ngày một đêm.
Bảng hướng dẫn lối vào Mũi Đôi.
Đi bộ chỉ hơn chục cây số, nhưng bạn có cơ hội trải nghiệm nhiều địa hình khác nhau như đi qua các đầm phá, vượt những bãi cát rộng trắng muốt như sa mạc, xuyên qua những cánh rừng ven biển, đi dọc con đường mòn, một bên là triền đồi, vách đá, một bên là biển, leo đá, nhảy ghềnh, ngủ đêm ngay bãi biển và đu dây leo lên những tảng đá lớn. Bên cạnh những bước chân bị lún xuống cát, bị trượt vì đá trơn, bị vấp vì dây rừng, thậm chí té ngã thì sự bù đắp là những cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ tràn ngập tầm mắt, hay những cành cây, tán lá, bông hoa, chùm quả nhỏ xíu khoe hình dạng phong phú mà người đi qua phải thật tinh tế mới nhận ra.
Nhưng trải nghiệm không bao giờ quên chính là giây phút ngồi như bất động, hướng mắt về phía Đông, chờ những tia nắng đầu tiên của mặt trời chiếu đến nơi đón ngày mới sớm nhất cả nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính