Nơi hổ thần ngự trị và quả núi rùng rợn không ai dám vào ở Sơn La
Bị tấn công, người đàn ông chém bay đầu rắn hổ mang / Rợn người trước cảnh đại chiến giữa rắn hổ mang và đại bàng săn rắn
Từ núi Xa Lạc ẩn hiện trong mây, là dòng thác nhỏ, tuôn ra dòng nước trong vắt, tạo nên con suối Bướt quanh co hữu tình, ôm trọn bản Bướt nhỏ xinh của người Thái.
Bản Bướt có lẽ là bản hiếm hoi cả nước chưa có điện lưới. Người dân vẫn dùng đèn dầu, nến thắp sáng. Vài nhà khá giả sắm được “thủy điện mini” lấy ánh sáng đỏ lòm leo lét từ sức nước của con suối.
Bản Bướt hữu tình với suối khoáng nóng phun lên giữa mảnh ruộng nơi chân núi và con suối đầy cá mú, nhao nhao đớp mồi đen đặc trong dòng nước trong vắt.
Nguồn nước kỳ lạ trong vắt tuôn chảy nuôi dưỡng loài “cá thần” kỳ lạ từ ngàn năm qua, bắt nguồn từ thác nước tuôn ra từ lòng núi gắn với những câu chuyện đầy liêu trai huyền hoặc.
Anh Ngần Văn Tươm chỉ tay về phía dãy núi Xa Lạc bảo: “Trên núi đó toàn cây gỗ lớn, măng mọc nhiều, hoa lan nở bung bét, nhưng người dân ở bản không ai dám vào cả. Chỗ ấy là nơi có linh hồn con hổ dữ ở, vào đó mất mạng như chơi”.
Là người từng đi rừng nhiều, xó xỉnh nào cũng chui rúc, tôi không sợ gì mấy chuyện đồn đại đó, thế nhưng, việc người dân ở bản sợ linh hồn con hổ thì là thật, rất lạ lùng, chưa đâu có chuyện như vậy. Cả ngày lang thang ở bản Bướt, với mấy chục nóc nhà, nhưng tôi không nhờ được ai dẫn đường ngược suối Bướt, đi tìm thác nước bí ẩn, bởi câu chuyện khá kỳ dị về cái “dớp” trên núi Xà Lạc.
Anh Ngần Văn Tươm bảo tôi ngồi chờ ở đầu con suối, chạy đi một lát, rồi dẫn về một người đàn ông có tuổi, nhưng dáng dấp khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nước da lên màu bóng như đồng. Ông là Ngần Văn Tình, người Thái ở bản Bướt, nắm rất rõ về “cái dớp” và chuyện con hổ hiển linh trên núi Xà Lạc.
“Tôi sống ở đây đã 66 năm, đi rừng đi núi nhiều lắm rồi, nhưng thú thực, một lần bạo gan trèo lên núi Xà Lạc, đến chỗ “dớp”, thì rồi không bao giờ dám bén mảng đến chân núi lần nữa, chứ đừng nói trèo lên núi. Các cụ ở bản đều dặn con cháu không được bén mảng đến núi ấy nữa, kẻo mất mạng như chơi” – ông Ngần Văn Tình, 66 tuổi, chỉ tay về dãy núi âm u rậm rạp trước mặt nói như vậy.
Ông Tình dẫn tôi ra mép ruộng, chỗ thoáng, không bị cây cối che khuất, rồi chỉ cho tôi thấy một mảng cỏ nhỏ xíu trên lưng núi và bảo đó chính là cái “dớp”, nơi linh hồn hổ khổng lồ trú ngụ, và cũng là nơi mà thần hổ hiện hình từ ngày 29 đến ngày mùng 4 tết âm lịch hàng năm.
“Cái dớp” là câu chuyện ly kỳ và thương tâm về những cái chết do bị hổ ăn thịt ở núi Xà Lạc, là cách mà người Thái ở bản Bướt hay nhắc đến, trong những câu chuyện bên bếp lửa cho đám con trẻ trong những đêm trăng, nhất là những ngày tết sum họp.
Lịch sử bản Bướt còn hiển hiện trong đầu các cụ già bản Bướt, bởi nó không quá xa xôi, mới khoảng 100 năm đổ lại.
Xưa kia, đây là nơi sinh cư của người Mường. Người Mường ở đất này từ khi nào không rõ, nhưng ngay phía bên kia những dãy núi, là những bản làng người Mường, người Thái ở xen kẽ nhau. Người Mường bám trên sườn núi, trong các thung lũng, người Thái bám theo dòng sông Đà, những con suối nhiều cá.
Truyền thuyết kể rằng, núi Xà Lạc là nơi bầy hổ dữ trú ngụ. Chúng ở đấy cả đàn, đêm xuống tiếng rống của chúng vang động núi rừng, rất kinh sợ. Cứ sáng sớm, hoặc chiều tối, người Mường lại thấy hổ mò cá dưới suối Bướt để ăn. Thi thoảng, chúng lại mò xuống bản bắt người tha lên núi ăn thịt. Điều kỳ lạ, là chúng chỉ ăn thịt người ở cái chỗ “dớp” đó.
Trong văn hóa người Mường, thì khi hổ ăn thịt người, thì linh hồn người đó sẽ biến thành “ma trành”, đi theo hầu hạ con hổ, rồi dẫn dắt các con mồi đến cho hổ tiếp tục ăn thịt. “Ma trành” khiến con người mê lú, lạc bước đến vị trí đó để hổ ăn thịt, hoặc người lạc vào đó, mà quên đường về, bị hổ vồ, nên vị trí đó gọi là “dớp”. Ở vùng xuôi “dớp” ám chỉ những vị trí hay có tai nạn, chết người.
Vì bị hổ ăn thịt nhiều quá, lại sợ hãi dãy núi với cái “dớp” rợn tóc gáy nên người Mường đã quyết định bỏ lại mảnh đất đẹp đẽ, thanh bình đi đâu không rõ.
Thấy thung lũng đẹp, lại có ruộng, sẵn nương, nên nhóm người Thái đã chọn làm nơi lập bản, giờ có tổng số 40 hộ dân, với hơn hai trăm người.
Các cụ kể rằng, hồi người Thái mới đến bản định cư, cũng nghe chuyện rùng rợn về núi Xà Lạc, nhưng không tin lắm. Thế nhưng, mấy mạng người vào núi hái măng, đốn củi, bị hổ ăn thịt thì mới hãi hùng, không dám bén mảng lên núi. Chỉ khi có việc trọng đại, thì cả bản mới tổ chức đi lên.
Ngay trong nhà ông Ngần Văn Tình, cũng có người thân bị hổ ăn thịt ở đúng chỗ “dớp”, đó là người cô ruột của ông, tên Ngần Thị Ba.
Đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, bà Ngần Thị Ba, khi đó tầm 30 tuổi, cùng với 2 người trong bản khoác gùi lên núi Xà Lạc kiếm măng, kiếm củi.
Lên núi rồi mỗi người đi một hướng. Đến trưa, hai người về bản, riêng bà Ngần Thị Ba thì không thấy về. Chiều tối, đèn lên như đom đóm lập lòe nơi các ô cửa nhà sàn, mà bà Ba vẫn chưa về nhà, khiến gia đình lo lắng. Nghĩ có điềm không lành, dân bản đốt đuốc, tổ chức lên núi Xà Lạc. Mọi người mang theo dao, súng, chiêng trống đi theo đoàn.
Đến chỗ bãi cỏ, gọi là “dớp” thì thấy cây cỏ rạp xuống, tướp đi. Dấu chân hổ chi chít, to bằng miệng bát tô. Mọi người thất kinh khi nhận ra bà Ngần Thị Ba qua cái đầu bê bết máu và một cái chân. Con hổ đã ăn gần hết bà Ba, chỉ để lại cái đầu và một cái chân.
Một là sợ hãi quá, hai là nghĩ đến truyền thuyết của người Mường, rằng hổ ăn thịt người thì linh hồn người đó biến thành “ma trành”, mọi người không dám đưa phần xác còn lại của bà Ngần về bản, sợ “ma trành” tiếp tục dắt người đi, nên đã đào mộ chôn luôn bà ở chỗ “dớp” trên núi Xà Lạc.
Từ khi bà Ngần bị hổ ăn thịt ở chỗ “dớp”, đến nay, mấy chục năm, người dân ở bản không dám đến địa điểm ấy nữa. Họ sợ, đặt chân đến đó sẽ bị ma trành làm lạc lối, dẫn dắt hổ về ăn thịt.
Từ khi bà Ngần bị hổ ăn thịt ở núi Xà Lạc, người Thái ở bản Bướt không dám lên núi nữa, nên không có thêm ai bị mất mạng, tuy nhiên, bò thì mất nhiều. Vài năm trước, năm nào người dân bản Bướt cũng mất vài con bò.
Hễ cứ nghe bò rống, là y rằng đã bị hổ ăn thịt. Nhiều khi, con hổ khổng lồ mò xuống tận ven bản, cắn chết bò rồi lôi xác lên tận chỗ “dớp” ngồi ăn. Ăn no, nó kéo lá cây đắp lại, hôm sau đến ăn tiếp.
“Cách đây hơn chục năm, dân bản thiệt hại nặng nhất, khi con hổ cắn chết liền lúc 4 con bò. Hôm đó, chập tối, cả đàn bò trăm con của dân kêu rống làm loạn cả bản. Nhiều con phá rào phi ầm ầm quanh bản. Có con sợ hãi cứ nép ở gầm nhà sàn. Chúng tôi biết là hổ về, nhưng sợ lắm, toàn đóng cửa kín mít không dám ra ngoài. Hôm sau, trời sáng, mới tổ chức lên núi Xà Lạc, thì đếm được 4 con bò đực rõ to chỉ còn vai, đầu, khung xương. Tôi cũng không hiểu nổi con hổ phải to thế nào mới quắp được con bò đực lôi lên núi để ăn. Chắc phải có cả đàn hổ to” – ông Ngần Văn Tình kể lại.
Theo lời ông Tình, mấy năm nay, không thấy hổ về bản ăn bò nữa, nhưng điều kỳ lạ, vẫn như cả trăm năm nay, là cứ đến 29 tết, là hổ về núi Xà Lạc, quanh quẩn ở chỗ “dớp”. Có người nhìn thấy bóng dáng hổ, có người nghe thấy tiếng “à ừm”, có người nghe thấy tiếng hổ giả tiếng nai cứ kêu “tác, tác”. Những hôm đó, người dân đều không vào rừng nữa, chỉ ăn nhậu ở nhà, quanh quẩn ở bản. Sau ngày mùng 4 tết, là không thấy bóng dáng hổ đâu nữa. Dưới chân núi, người dân dễ dàng bắt gặp những dấu chân hổ to bằng miệng bát tô. Người có kinh nghiệm đoán con hổ phải nặng 2-3 tạ.
“Tôi thì đoán là ở đây vẫn còn hổ thật. Vì dãy núi Xà Lạc giáp với rừng Mai Châu, và rừng Pù Luông. Phía rừng Pù Luông thì đúng là còn hổ, vì nhiều người đi rừng nhìn thấy, gặp liên tục. Tuy nhiên, các cụ lại bảo, con hổ khổng lồ chỉ hiện ra ở núi Xà Lạc từ ngày 29 đến mùng 4 tết là thần hổ, tức là linh hồn con hổ khổng lồ” – ông Ngần Văn Tình nhận định.
Chuyện hổ thật xuất hiện ở thời điểm bây giờ thật khó tin, và hổ thần thì mang hơi hướng huyền thoại. Núi Xà Lạc và hổ thần bí hiểm, là câu chuyện đường rừng thú vị hấp dẫn người nghe bên bếp lửa hồng ở miền rừng chưa có bóng điện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo