Khám phá

Ông vua đầu tiên của Nhật Bản là người Trung Quốc?

Từ Phúc, người vâng lệnh Tần Thủy Hoàng ra biển tìm thuốc trường sinh, được một số học giả Trung Quốc khẳng định chính là Thần Vũ thiên hoàng, vua khai quốc của Nhật Bản. Thực hư ra sao.

Người lính Liên Xô từng "tay không" thu phục 5.000 lính Nhật Bản là ai? / Ảnh 'cực độc' về trẻ em Việt Nam năm 1968 của lính Mỹ

Thiên hoàng Thần Vũ là ai? Từ Phúc là ai?

Thần Vũ (Jimmu) là thiên hoàng đầu tiên của Nhật, được coi là vị vua truyền thuyết vì ngoài những thông tin trong truyện dân gian, chưa có một sử liệu xác thực nào về ông. Thực ra, phải đến vị thiên hoàng thứ 29 là Kimmei (thế kỷ thứ 6), các nhà sử học mới xác định được niên đại và thẩm tra bằng các chứng cứ lịch sử.

Người Nhật Bản coi thiên hoàng này là hậu duệ của Thái Dương thần nữ (vị thần trong Thần đạo Nhật Bản). Hiện ở tỉnh Nara vẫn có lăng mộ được coi là của Thần Vũ thiên hoàng. Hoàng gia Nhật Bản vẫn tuyên bố mình là hậu duệ của Thần Vũ.

Còn Từ Phúc? Ông ta là người nước Tề, quê ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, được Tần Thủy Hoàng sai ra biển tìm thần tiên để cầu thuốc trường sinh vào cuối thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Sau chuyến đi đầu tiên, Từ Phúc tâu đã tìm được núi tiên Bồng Lai, tận mắt trông thấy thuốc trường sinh nhưng không thể lấy đem về vì các vị tiên chê lễ vật quá ít. Tần Thủy Hoàng liền thể theo yêu cầu của các vị tiên, sai Từ Phúc đóng đội thuyền lớn, đem theo 500 đồng nam, 500 đồng nữ cùng nhiều thợ giỏi, những cung thủ xuất sắc và nhiều vũ khí, lương thực đi ra biển. Từ Phúc lại xuất hành và không bao giờ trở về nữa.

Bức tượng Từ Phúc vượt biển tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.org.

Bức tượng Từ Phúc vượt biển tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.org.

Từ Phúc đi đâu? Sách “Sử ký” viết, Từ Phúc tìm được vùng bình nguyên quảng trạch, ở lại làm vua không về nữa. Sách “Tam quốc chí” của Ngô Thư và sách “Hậu Hán thư” đều viết là ông đến Đản Châu. Nhiều người cho rằng Đản Châu là Nhật Bản; còn bình nguyên quảng trạch (nghĩa là vùng đồng bằng, có nhiều hồ rộng) thì xét từ bờ biển nơi Từ Phúc ra đi, chỉ có vùng Bản Châu của Nhật là mang địa hình như vậy.

Thế kỷ thứ 10, hòa thượng Nghĩa Sở cũng khẳng định Từ Phúc đem 500 đồng nam và 500 đồng nữ đến Nhật Bản, hậu duệ vẫn còn nhiều, đều gọi là Tần Thị (họ Tần) cả. Từ đó, truyền thuyết Từ Phúc đến Nhật ngày càng thịnh hành, có những truyền thuyết khẳng định ông chính là vị vua khai quốc của Nhật – thiên hoàng Thần Vũ. Niềm tin càng trở nên mạnh mẽ trước việc ở Nhật Bản có mộ Từ Phúc, đền Từ Phúc, cung Từ Phúc, đá Từ Phúc. Các truyền thuyết về ông cũng được lưu hành từ xưa ở Nhật, thậm chí người Nhật còn coi ông là vị thần về nghề nông và nghề thuốc, hằng năm tế lễ long trọng. Năm 1991, một công viên mang tên “Con đường Từ Phúc” cũng được xây dựng ở nước này.

Các “chứng cứ” về việc Từ Phúc làm vua nước Nhật

Để chứng minh giả thuyết Từ Phúc chính là thiên hoàng Thần Vũ, giới học giả Trung Quốc đưa ra nhiều lập luận trong các bài viết, công trình nghiên cứu của mình. Trong đó, Vệ Đình Sinh, học giả Hong Kong, là người tin tưởng mạnh mẽ nhất vào điều đó. Ông đưa ra nhiều điều trùng hợp, trước hết là về địa hình (về bình nguyên quảng trạch như đã nói ở trên), về thời đại (lúc Từ Phúc ra đi và khi Thần Vũ lên ngôi).

Theo truyền thuyết, Thần Vũ lái thuyền đi chinh phục, trong khi các chứng cứ khảo cổ cho thấy ngay trước đó, Nhật Bản vẫn ở thời đồ đá, không thể đùng một cái phát triển nhảy vọt, chế tạo được ngay đội thuyền chiến hùng mạnh, nếu không phải Từ Phúc đưa từ Trung Quốc sang. Trên đường chinh chiến, Thần Vũ cho dừng quân để chế tạo vũ khí, tu sửa thuyền bè, điều cũng không thể làm nổi với trình độ ở Nhật thời đó. Thiên hoàng Thần Vũ cũng sử dụng đội quân nam và nữ, phù hợp với chi tiết Từ Phúc đem các đồng nam, đồng nữ ra biển.

 

Có 6 trong số 7 thần ngũ hành xã tắc của nước Tề (quê Từ Phúc), 7 trong 8 thần đặc hữu nước Tề có mặt ở thần thoại Nhật Bản. Vệ Đình Sinh cho rằng, sự trùng hợp như vậy khó có thể coi là ngẫu nhiên. Lại nữa, theo kết quả khảo cổ, nền văn hóa cổ đại Nhật Bản chia thành hai hệ thống rõ rệt: một là nền văn hóa có từ trước trên đảo, hai là nền văn hóa tiếp sau nó, nhưng không kế thừa thành tựu cũ mà có trình độ cao vọt hẳn lên, với nhiều nét tương đồng với văn hóa Tề, Yên cuối thời Chiến quốc.

Một số nhà khoa học Nhật Bản hứng thú với giả thuyết này đã thực hiện cuộc khảo sát trắc định chỉ số xương chóp đầu của người Nhật. Trong 5 năm, họ đo xương chóp đầu của 70.000 người sống ở 280 huyện thị, đủ để đại diện cho dân Nhật. Kết quả là chỉ số xương chóp đầu của đa số người Nhật hiện đại hoàn toàn giống chỉ số xương chóp đầu của người Trung Quốc các tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang… Họ rút ra kết luận: tổ tiên của nhiều người Nhật từng cư trú ở ven bờ biển phía đông Trung Quốc.

Người Trung Quốc thời đó có khả năng vượt biển đến Nhật không? Các học giả chứng minh là có, bởi trình độ đóng thuyền thời đó rất khá. Mặt khác, lúc đó đã có một tuyến đường biển từ bờ biển phía đông Trung Quốc đến các đảo Nhật Bản, và khoảng cách từ quê Từ Phúc đến miền nam nước Nhật không xa, các dòng hải lưu cũng rất thuận lợi cho hành trình này.

Vẫn chỉ là truyền thuyết?

Trong giới học thuật Trung Quốc, nhiều người “bĩu môi” cho rằng những luận cứ chứng minh Từ Phúc chính là Thần Vũ quá sức khiên cưỡng. Ngay cả việc thiên hoàng Thần Vũ là ai, bản thân người Nhật còn hiểu biết rất ít. Từ Phúc sau khi từ biệt Tần Thủy Hoàng đã đi đến đâu cũng không ai biết, tất cả chỉ là suy đoán. Đem hai câu chuyện mơ hồ ở hai đất nước để ghép vào nhau, chẳng qua cũng chỉ là cố chắp nối, gò ép để tin vào điều họ muốn tin mà thôi. Điều dễ tin hơn là: Từ Phúc không tìm được thuốc tiên, sợ bị Tần Thủy Hoàng trị tội nên không dám quay về nữa, thậm chí ông ta thừa biết không thể tìm được thuốc tiên nên chỉ giả vờ xuất hành chứ thực sự chả đi đâu xa.

 

Cũng có thể đoàn thuyền của Từ Phúc đã đến được Nhật Bản, sinh sống và sinh con đẻ cháu ở đó; nhưng việc cố gán ông ta vào với thiên hoàng Thần Vũ – một nhân vật không chắc đã có thật – thì quá sức hoang đường. Đó là chưa kể niên đại của vị vua này cũng chỉ là truyền thuyết, không chứng minh được bằng lịch sử.

Nhiều người Nhật hiện đại có tổ tiên xa xưa là người Trung Quốc, điều đó cũng bình thường bởi người ở Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt biển di cư sang Nhật và để lại hậu duệ, nhưng đó không nhất thiết phải là Từ Phúc và những người đi cùng ông ta.

Còn chuyện ở Nhật có rất nhiều di tích của Từ Phúc? Theo nhiều học giả, mộ Từ Phúc và các di tích liên quan nhiều khả năng chỉ là sự ngụy tạo của những người thích vẽ chuyện đời sau. Ngay nàng Vương Chiêu Quân cũng có vài ba ngôi mộ đó thôi! Những truyền thuyết về Từ Phúc lưu hành trong dân gian Nhật Bản có thể cũng được truyền từ Trung Quốc sang vào các đời sau lắm chứ, và từ đó dần dần làm mọc lên những ngôi đền hay “di tích” liên quan đến họ Từ.

Tóm lại, chuyện Từ Phúc chính là thiên hoàng khai quốc của Nhật Bản vẫn chỉ là truyền thuyết, không có chứng cứ xác thực nào. Việc người ta thực hiện bao nhiêu nghiên cứu, cố chứng minh giả thuyết đó là thật, chẳng qua cũng xuất phát từ tâm lý “thiên triều”, thích nhận về mình vai trò khai hóa văn minh cho các dân tộc khác mà thôi.

Theo Phan Trần/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm