Khám phá

Phải chăng ngày tàn của IS đã điểm?

Ở Ai Cập, gần khu kim tự tháp nổi tiếng Giza có một bức tượng nhân sư (đầu người mình sư tử) với những câu đố bí ẩn không lời đáp từ hàng ngàn năm nay.

Ukraine chôn nhà máy hạt nhân Chernobyl trong "Quan tài thép" / "Con lai" siêu độc đáo giữa xe tăng T-64 và T-55

Vụ khủng bố man rợ

Cũng chính ở gần khu kim tự tháp Giza ấy, 29/12/2018 đã diễn ra một vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào chiếc xe khách chở du khách Việt Nam khiến 3 du khách người Việt và 1 hướng dẫn viên Ai Cập thiệt mạng. Vụ việc đã gây nên sự phẫn nộ trên toàn thế giới khi những tên khủng bố tiến hành vụ khủng bố bạo lực, tước đoạt sinh mạng của những thường dân vô tội.

Ngay sau đó, theo thông báo của giới chức Ai Cập, đúng một ngày sau vụ tấn công nhằm vào chiếc xe bus chở khách du lịch người Việt ở gần khu kim tự tháp Giza, các lực lượng an ninh Ai Cập đã tiêu diệt 40 phần tử vũ trang liên quan đến các hoạt động khủng bố trong 3 cuộc đột kích riêng rẽ ở phía bắc bán đảo Sinai.

Du khách bên tượng nhân sư và kim tự tháp Giza. Ảnh: L.G.
Du khách bên tượng nhân sư và kim tự tháp Giza. Ảnh: L.G.

Có thể vì lý do an ninh, không một tuyên bố nào chính thức xác nhận có sự liên quan trực tiếp giữa những đợt đột kích này với vụ đánh bom nhằm vào xe chở du khách người Việt, thế nhưng một tuyên bố của Bộ Nội vụ Ai Cập đã khẳng định rằng có ít nhất 2 vụ đột kích ở khu vực Giza tiêu diệt 30 phần tử tình nghi khủng bố tại nơi ẩn náu là do các phần tử này có liên quan tới việc tấn công khủng bố nhằm vào khách du lịch Việt Nam.

"Lực lượng an ninh chúng tôi nhận được những thông tin cho thấy một nhóm khủng bố đã lên kế hoạch tấn công hàng loạt nhằm vào các mục tiêu là cơ sở chính quyền, khách du lịch, lực lượng vũ trang, cảnh sát và các địa điểm đón Giáng sinh" - tuyên bố viết.

Trong 2 vụ đột kích, lực lượng an ninh Ai Cập còn thu được số lượng lớn các vũ khí, chất nổ, vật liệu chế tạo bom của các nghi can khủng bố.

Ngoài ra, cũng theo giới chức Ai Cập, trong một vụ đột kích riêng rẽ ở thành phố Arish phía bắc Sinai, lực lượng an ninh Ai Cập đã tiêu diệt 10 nghi can khủng bố khác. Đây là địa bàn hoạt động quen thuộc của các nhóm vũ trang có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã bị đánh dạt ra khỏi nhiều căn cứ chiến lược quan trọng mà chúng đã chiếm giữ trước đây ở Iraq và Syria.

Không ai biết chắc liệu có thực sự tồn tại những đợt đột kích như vậy không hay đó chỉ là động thái nhằm trấn an khách du lịch sau vụ tấn công đẫm máu chiếc xe chở du khách Việt Nam.

 

Nhưng dù có hay không thì kể từ năm 2011, khi mà làn sóng khủng bố nhằm vào khách du lịch nước ngoài do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành bắt đầu bùng nổ thì giới chức Ai Cập vẫn thường xuyên tổ chức các đợt đột kích nhằm vào các phần tử cực đoan.

Đó là câu trả lời mạnh mẽ và quyết đoán đối với các hoạt động của các tổ chức vũ trang chuyên tiến hành các hoạt động khủng bố tàn bạo nhằm vào dân thường cả trong nước và ngoài nước ở Ai Cập.

Mà một trong những mục tiêu chúng thường xuyên nhắm tới là ngành công nghiệp du lịch của Ai Cập.

Mục tiêu của khủng bố là ngành du lịch Ai Cập

Du lịch là một trong những nguồn thu ngân sách lớn, góp phần vực dậy nền kinh tế Ai Cập sau những biến động hồi năm 2011.

 

Theo số liệu thống kê, năm 2017, du lịch đã đóng góp 375 tỷ bảng Ai Cập (16 tỷ bảng Anh), đóng góp vào 11% tổng sản phẩm nội địa GDP, 12% việc làm và 14,4% nguồn thu ngoại tệ của Ai Cập.

Quần thể kim tự tháp, một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với mọi du khách trên thế giới. Đó là chưa kể những đền đài, lăng tẩm, pháo đài cổ, tượng nhân sư, trải nghiệm cưỡi lạc đà hay các trung tâm mua sắm tấp nập... cũng là nguồn cảm hứng vô tận mang du khách đến với đất nước Ai Cập. Đỉnh điểm của ngành du lịch Ai Cập là vào năm 2010, có tới 14,7 triệu du khách đã tới Ai Cập.

Tuy nhiên, những biến động chính trị trong năm 2011, đặc biệt là phong trào “Mùa xuân Arập”, đã dẫn tới hàng loạt bất ổn, trong đó nổi lên là mối đe dọa từ các nhóm vũ trang cực đoan. Một trong những mục tiêu hàng đầu mà các nhóm này nhắm tới để tiến hành các hoạt động khủng bố là ngành du lịch Ai Cập.

Các vụ tấn công nhỏ lẻ nhằm vào khách du lịch thường xuyên diễn ra nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ. Đỉnh điểm của các hoạt động khủng bố này là tháng 10/2015, bọn khủng bố đã làm nổ một máy bay chở khách du lịch Nga, cướp đi mạng sống của 217 khách và 7 nhân viên phi hành đoàn sau khi chiếc máy bay này cất cánh từ sân bay Sharm el- Sheikh ở bán đảo Sinai.

Vụ tấn công này đã giáng đòn chí mạng vào ngành du lịch Ai Cập, khiến cho số du khách đến với đất nước của các Pharaon suy giảm một cách đáng kể. Năm 2016, số lượng khách du lịch tới Ai Cập tụt xuống chỉ còn 5,6 triệu lượt, hết năm 2017 tăng lên 8,2 triệu lượt, vẫn còn kém xa mức lỷ lục năm 2010.

 

Tuy nhiên đà thăng tiến của khách du lịch tới Ai Cập đó lại bị giáng một đòn nặng nề với cuộc tấn công nhằm vào chiếc xe chở khách du lịch Việt Nam vừa qua, là vụ tấn công khủng bố nhằm vào khách du lịch nước ngoài đầu tiên sau hơn một năm qua ở Ai Cập, kể từ vụ 2 du khách Đức bị một kẻ cầm dao tấn công tại khu nghỉ dưỡng Hurgada bên Biển Đỏ hồi tháng 7/2017.

Nó cho thấy các phần tử khủng bố sẵn sàng cướp đi tính mạng của những thường dân vô tội để bằng mọi cách phá hoại sự ổn định ở Ai Cập.

Nó cũng cho thấy khủng bố và chống khủng bố ở Ai Cập nói riêng và toàn vùng Trung Đông nói chung vẫn là một cuộc chiến dằng dai chưa tìm thấy điểm kết thúc.

Ngày tàn của IS?

Nói đến khủng bố ở Trung Đông là nói đến IS. Thoát thai từ một tổ chức khủng bố khác cũng không kém ghê gớm là Al Qaeda, IS đã biết lợi dụng “Mùa xuân Arập”, nhân tố dẫn tới cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria và tình trạng hỗn loạn ở Iraq để nhanh chóng gây dựng lực lượng, đánh chiếm lãnh thổ, giành đất giành dân với tham vọng xây dựng một Nhà nước Hồi giáo Caliphate.

 

Đến khi các cường quốc nhận ra rằng IS là một con quái vật, “căn bệnh ung thư” của thời đại thì nó đã di căn, trở thành mối hiểm họa với nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông như Syria, Iraq.

Hiện trường vụ đánh bom xe chở khách du lịch tại Ai Cập.

Những đòn tiến công của Mỹ cùng các đồng minh, sau đó là sự tham chiến của các lực lượng Nga ở Syria bắt đầu từ tháng 9/2015 đã giáng cho IS những đòn chí mạng. Các vùng lãnh thổ do IS chiếm giữ bị thu hẹp lại một cách đáng kể. Lần lượt các thành phố trọng yếu mà IS chiếm giữ như Raqqa ở Syria hay Mosul ở Iraq, dù chỉ còn là những đống gạch hoang tàn, bị quân chính phủ giành lại.

Tháng 12/2017, quân đội Nga tuyên bố đã đánh bại hoàn toàn IS tại Syria. Đúng một năm sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một dòng tweet để bảo vệ cho quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria, cũng nói rằng cuộc chiến chống IS ở Syria đã “thắng lợi hoàn toàn”.

Phải chăng ngày tàn của IS đã điểm?

Câu hỏi chưa có lời giải đáp

 

Có vẻ như không phải thế. Với các lãnh đạo IS, xây dựng một vương quốc Hồi giáo là cuộc chiến trăm năm, khi những thất bại trên chiến trường không có nghĩa là tổ chức này từ bỏ các tham vọng cực đoan của nó. IS đã chuẩn bị cho một hình thái “Nhà nước Hồi giáo” phi nhà nước, phát triển các chân rết ở khu vực Trung Đông cũng như mở rộng ra nhiều địa bàn khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Điều nguy hiểm là IS đã truyền cảm hứng cực đoan bạo lực đến các tổ chức khác trên khắp thế giới, kêu gọi tiến hành các hoạt động khủng bố nhỏ lẻ mà không cần đến những mệnh lệnh trực tiếp từ trung ương IS.

Đây chính là điều khiến các cơ quan an ninh nhiều quốc gia đau đầu, bởi đối phó với những cá nhân bị cực đoan hóa trên mạng, với những tổ chức tuyên bố trung thành với IS chỉ trên bình diện tư tưởng, khó hơn nhiều so với chiến đấu trực tiếp trên chiến trường.

Đó cũng là điều đã xảy ra với Ai Cập.

Sau nhiều năm điêu đứng vì tình trạng bất ổn kéo dài, du lịch Ai Cập bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong hai năm 2017 và 2018, tìm lại vị thế huy hoàng xưa kia.

 

Và như một quy luật, mỗi khi lĩnh vực trụ cột của kinh tế Ai Cập này có những dấu hiệu cải thiện là các phần tử cực đoan lại tiến hành những vụ tấn công nhằm vào khách nước ngoài, không ngoài mục tiêu nhằm làm cho các công ty lữ hành và khách du lịch hoảng sợ, đánh vào nền kinh tế, gây bất ổn bầu không khí chính trị ở Ai Cập.

Như vậy, lại thêm một câu hỏi khó có lời giải đáp nữa mà con nhân sư khổng lồ gần kim tự tháp Giza đưa ra cho giới chức Ai Cập: đến bao giờ thì cuộc chiến này mới chấm dứt?

Theo An Ninh Thế Giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm