Một con voi ma mút lông xoăn trong vòng đời 28 năm của mình đã di chuyển trên quãng đường với chiều dài tương đương 2 vòng quanh Trái Đất.
Một con voi ma mút lông xoăn trong vòng đời 28 năm của mình đã di chuyển trên quãng đường với chiều dài tương đương 2 vòng quanh Trái Đất.
Phát hiện thú vị bất ngờ này đã được các nhà khoa học công bố trên tạp chí uy tín Science ngày 12/8.
Phó Giáo sư Clement Bataille thuộc Đại học Ottawa và là một trong những tác giả đứng đầu nghiên cứu này, cho biết: “Voi ma mút thường di chuyển rất nhiều nhưng không có lý do rõ ràng về việc tại sao chúng di chuyển trên những quãng đường xa như vậy bởi vì loài động vật khổng lồ như vậy khi di chuyển phải cần rất nhiều năng lượng.”
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích ngà của một con voi ma mút đực lông xoăn sống vào cuối kỷ Băng hà gần đây nhất. Họ đã đặt tên cho con voi này là “Kik” theo tên một dòng sông ở địa phương.
Chú voi Kik sống ở Alaska cách đây 17.000 năm và xác của nó được tìm thấy gần dãy núi Brooks ở bang Alaska.
Ngà của voi ma mút gần giống như vân gỗ của cây trong việc ghi lại thông tin về quá trình sinh trưởng của con vật.
Thêm vào đó, một số nguyên tố hóa học được tích hợp vào ngà khi con vật còn sống có thể đóng vai trò như những chiếc đinh ghim trên bản đồ, thể hiện nơi con vật đã đi qua.
Các nhà khoa học đã “theo vết” hành trình của con vật bằng cách nghiên cứu các loại nguyên tố hoặc đồng vị của stronti và oxy có trong chiếc ngà dài 1,5m. Kết quả dữ liệu phù hợp với các bản đồ dự đoán các dạng đồng vị trên khắp Alaska.
Các các nhà khoa học rất ngạc nhiên khi phát thấy con voi Kik có thể đã di chuyển được khoảng 70.000km (trong khi chu vi của Trái Đất là 40.000km) và không chỉ sinh sống ở vùng đồng bằng Alaska như họ từng nghĩ.
Con vật này đã thường xuyên trở về một số vùng, nơi mà nó có thể sinh sống trong vài năm. Song sự di chuyển của nó cũng thay đổi tuỳ thuộc vào tuổi tác, thậm chí ngay cả trước khi nó chết vì đói.
Con voi ma mút lông xoăn này trong vòng đời của mình đã 3 hoặc 4 lần thực hiện hành trình dài tới 500, 600 hoặc 700km chỉ trong vài tháng.
Theo các nhà khoa học, con voi này có thể phải di chuyển từ bầy đàn này sang bày đàn khác liên quan tới sinh sản, hoặc có thể phải tìm vùng đất sinh sống mới có nhiều thực ăn hơn để tránh hạn hán hoặc mùa Đông khắc nghiệt.
Theo các nhà khoa học, phát hiện này có thể làm sáng tỏ nguyên nhân khiến loài voi khổng lồ này bị tuyệt chủng.
Việc hiểu biết nguyên nhân khiến loài voi ma mút bị tuyệt chủng sẽ giúp bảo vệ quần thể các động vật lớn khổng lồ khác đang bị đe doạ, như voi, tuần lộc caribu./.
Theo Minh Châu/TTXVN - Vietnam+