Theo Space, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hai hành tinh giống Trái Đất và rất gần Hệ Mặt Trời. Chúng có vị trí hoàn hảo để nước tồn tại ở dạng lỏng, điều kiện cho sự sống sinh sôi.
Hai hành tinh này quay quanh ngôi sao có tên "Teegarden", cách Trái Đất 12,5 năm ánh sáng (một năm ánh sáng tương đương khoảng 10.000 tỷ km).
"Hai hành tinh này giống các hành tinh bên trong Hệ Mặt Trời chúng ta", tác giả chính Mathias Zechmeister - nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Vật lý thiên văn Đại học Gottingen, Đức - cho biết. "Chúng chỉ nặng hơn Trái Đất một chút, nằm trong khu vực nước tồn tại ở dạng lỏng và loài người có thể sinh sống".
Việc tìm thấy các hành tinh này là kết quả dự án tìm kiếm CARMENES. CARMENES là viết tắt của "Calar Alto high-Resolution search for M dwarfs with Exoearths with Near-infrared and optical Échelle Spectrographs" (Tìm kiếm các hành tinh sinh sống được trong những hệ sao xếp loại M - hệ sao phổ biến nhất vũ trụ).
Các hành tinh mới được tìm thấy quay quanh ngôi sao mẹ của chúng với chu kì tương ứng là 5 và 11 ngày. Tốc độ này rất nhanh so với những hành tinh quay quanh Mặt Trời chúng ta (hành tinh quay quanh Mặt Trời chúng ta nhanh nhất là Thủy tinh mất 88 ngày cho một chu kì quay, tức một năm).
Teegarden là sao lùn M, loại sao tạo ra ít ánh sáng và năng lượng hơn Mặt Trời chúng ta. Bất kỳ hành tinh nào có thể sống được cũng sẽ nằm gần ngôi sao này hơn khoảng cách giữa Trái Đất với Mặt Trời, nếu không nước của chúng sẽ đóng băng. Do đó, chu kỳ quay sẽ nhanh hơn nhiều.
Nhiều hành tinh khác có thể ở đâu đó trong Hệ Mặt Trời Teegarden đang chờ được tìm thấy, vì các ngôi sao thường có nhiều hành tinh quay quanh chúng.