Khám phá

Phát hiện hai vật thể bí ẩn nghi là “băng của người ngoài hành tinh” ngoài vũ trụ sâu thẳm

DNVN - Trong một khám phá gây chấn động giới thiên văn học, kính thiên văn ALMA đặt tại Chile đã ghi lại hình ảnh hai vật thể kỳ lạ nằm cách Trái Đất khoảng 30.000 đến 40.000 năm ánh sáng – những vật thể mà các nhà khoa học mô tả là “không thể lý giải bằng kiến thức hiện tại”.

CLIP: Đang nằm nghỉ ngơi, chó nhà bị báo hoa mai tập kích bất ngờ và cái kết / CLIP: Đi nhầm vào lãnh thổ của đàn rái cá, cá sấu bị kẻ thù cắn chết

Theo báo cáo đăng tải trên SciTech Daily, hai vật thể này được xác định là các khối băng liên sao. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn khác biệt so với bất kỳ dạng băng nào từng được ghi nhận. Không có lớp bụi vũ trụ bao quanh, chúng phát ra tín hiệu năng lượng bất thường và đặc biệt sở hữu lượng lớn silicon monoxide một hợp chất hiếm thấy với mật độ cao bất ngờ.

Hai vật thể lạ do ALMA chụp lại đã khiến các nhà khoa học bối rối - Ảnh: ALMA

Hai vật thể lạ do ALMA chụp lại đã khiến các nhà khoa học bối rối - Ảnh: ALMA

Điều khiến giới khoa học bối rối là: Chúng ta chỉ có thể đưa ra hai giả thuyết khả dĩ. Hoặc đây là một loại vật thể liên sao hoàn toàn mới, chưa từng được mô tả trong bất kỳ tài liệu khoa học nào; hoặc táo bạo hơn chúng là sản phẩm của một nền văn minh ngoài hành tinh.

Dù giả thuyết về người ngoài hành tinh luôn thu hút trí tò mò, các nhà nghiên cứu vẫn nghiêng về khả năng đầu tiên: đây có thể là một hiện tượng thiên văn tự nhiên nhưng chưa từng được con người biết đến.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Niigata và Đại học Tokyo (Nhật Bản), những vật thể này nhiều khả năng tồn tại trong một môi trường chưa từng được khám phá – nơi các hợp chất nền tảng của sự sống có thể hình thành. Phân tích vận tốc cho thấy hai vật thể không liên kết với nhau, mà hoạt động độc lập, nằm ở những khoảng cách khác nhau so với Trái Đất.

Lang thang ở những khu vực vũ trụ trống trải, không liên quan đến các vùng hình thành sao đã biết, hai vật thể chỉ phát ra tín hiệu phân tử từ carbon monoxide và silicon monoxide những chỉ dấu thường được săn lùng trong hành trình truy tìm sự sống ngoài Trái Đất.

 

Điều đặc biệt là: mật độ cao bất thường của silicon monoxide thường chỉ được ghi nhận tại những nơi mà bụi vũ trụ bị xé toạc bởi sóng xung kích mạnh một hiện tượng hiếm và dữ dội, ám chỉ sự hiện diện của nguồn năng lượng cực lớn.

Đối chiếu với các mẫu băng vũ trụ đã biết từ đĩa tiền hành tinh quanh sao trẻ, đến các lớp băng của sao già đang mất khối lượng không một mô hình nào lý giải được bản chất của hai vật thể này.

Hy vọng được đặt vào những công cụ quan sát tân tiến như ALMA hay Kính viễn vọng Không gian James Webb. Giới khoa học tin rằng trong tương lai gần, những vật thể tương tự sẽ dần được hé lộ, mở ra một chương mới trong cuộc hành trình giải mã nguồn gốc sự sống và có thể, cả câu hỏi muôn thuở: Chúng ta có cô đơn trong vũ trụ hay không?

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm