Thiết bị thăm dò Nga - châu Âu "Exomars-TGO" đã lập được bản đồ chi tiết về các vùng có nước trên bề mặt sao Hỏa.
Tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng vũ trụ Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, các nhà khoa học Nga cho biết thiết bị thăm dò Nga - châu Âu "Exomars-TGO" đã lập được bản đồ chi tiết về các vùng có nước trên bề mặt sao Hỏa và phát hiện được một số "trữ lượng khổng lồ nước ở dạng băng".
Theo người đứng đầu Ban địa cầu hạt nhân của Viện Nghiên cứu vũ trụ Nga Igor Mitrofanov, thiết bị thăm dò này đã phát hiện trên "Hành tinh Đỏ" có nhiều vùng lớn với 1/3 diện tích là nước ở dạng băng. Hai vùng nằm đối diện nhau ở bán cầu Bắc và Nam. Vùng thứ ba nằm cạnh đường kinh tuyến số O và đường xích đạo của sao Hỏa và được các nhà khoa học Nga gọi là "Vùng nước lớn".
Những quan sát mới đây đối với sao Hỏa từ kính viễn vọng mặt đất cho thấy 3,7 tỷ năm trước, hành tinh này đã mất đi cả một đại dương nước vốn đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt sao Hỏa bằng lớp nước dày 140 m. Nước đã biến đi đâu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải và một trong những nhiệm vụ của thiết bị thăm dò "Exomars-TGO" là tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này. Trước đó, các nhà khoa học Nga đã mất hơn một năm để quan sát sự thay đổi của nồng độ nước trong khí quyển sao Hỏa và lập bản đồ chi tiết trữ lượng nước trong lòng hành tinh này nhờ hai thiết bị của Nga là máy dò neutron FREND và máy quang phổ ACS.
Theo ông Mitrofanov, cả hai thiết bị đã thu thập được các thông số lớn hơn cả các thông số thu thập được trong 10 năm gần đây. Nhờ độ phân giải cao của FREND (gấp 10 lần các thiết bị thăm dò trước đó), các nhà khoa học Nga đã nhìn thấy được một số đường nét địa hình sao Hỏa, chẳng hạn như hẻm núi trong thung lũng Mariner, theo giả thuyết dưới đáy có tích tụ số băng lở từ vách núi xuống. Cũng tương tự như vậy, họ đã nhìn thấy các đỉnh núi lửa khô ráo Olimp. Những nhà khoa học này bày tỏ hy vọng rằng những bản đồ nói trên sẽ trở nên hữu ích đối với giới khoa học cũng như các nhà chinh phục "Hành tinh Đỏ" trong tương lai khi sự sinh tồn của họ phụ thuộc vào các nguồn nước lộ thiên trên sao Hỏa.
Theo TTXVN