Khám phá

Phát hiện “nắp magma biết thở” dưới siêu núi lửa Yellowstone: Manh mối giúp dự đoán đại thảm họa

DNVN - Một phát hiện chấn động dưới siêu núi lửa Yellowstone (Mỹ) có thể trở thành chìa khóa giúp giới khoa học sớm phát hiện dấu hiệu cảnh báo trước những vụ phun trào thảm khốc trong tương lai.

Nghiên cứu quy mô toàn cầu vén màn sự thật bất ngờ về bệnh gút: Không chỉ do ăn uống / CLIP: Thoát chết kỳ diệu khi bị cá voi sát thủ khổng lồ đè trúng thuyền

Theo Live Science, các nhà khoa học vừa công bố bằng chứng về sự tồn tại của một lớp magma đặc biệt nằm ở độ sâu khoảng 3,8 km dưới bề mặt đất, được ví như một “nắp magma đang thở”. Cấu trúc này, thay vì là dấu hiệu nguy hiểm, lại mở ra hy vọng cho việc hiểu rõ hơn về cơ chế điều tiết năng lượng bên trong một trong những hệ thống núi lửa nguy hiểm nhất hành tinh.

Cảnh quan tuyệt đẹp tại khu vực siêu núi lửa Yellowstone ở Mỹ - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC

Cảnh quan tuyệt đẹp tại khu vực siêu núi lửa Yellowstone ở Mỹ - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC

Được phát hiện ở khu vực Đông Bắc của miệng núi lửa Yellowstone nơi từng được nghi ngờ là điểm nóng địa chất lớp “nắp magma” này là phần trên cùng của hồ chứa magma khổng lồ bên dưới. Nhờ sử dụng kỹ thuật địa chấn tiên tiến cùng xe thăm dò vibroseis nặng 24 tấn, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các sóng chấn nhỏ để "soi" sâu vào lòng đất. Kết quả giúp họ vẽ nên bản đồ chi tiết về các lớp vật chất ẩn giấu, hé lộ cấu trúc mà trước đây chỉ có thể suy đoán.

Điều đặc biệt ở lớp magma này là khả năng giải phóng khí, nhiệt và áp suất tương tự như một van xả áp tự nhiên. Chính nhờ đặc tính “thở” này, áp lực bên trong hệ thống magma không bị tích tụ đến mức gây ra các vụ phun trào đột ngột, theo phân tích của Giáo sư Brandon Schmandt (Đại học Rice, Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature.

“Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi biết magma tồn tại dưới Yellowstone, nhưng cấu trúc cụ thể và ranh giới trên cùng của nó vẫn là điều bí ẩn. Giờ đây, chúng tôi có thể hình dung được cách mà năng lượng di chuyển trong lòng núi lửa này”, GS. Schmandt cho biết.

Yellowstone từng trải qua ba vụ phun trào siêu lớn trong 2,1 triệu năm qua, với lần gần nhất cách đây khoảng 640.000 năm – sự kiện đã tàn phá khu vực rộng hơn 7.500 km². Dù hiện tại giới khoa học không dự đoán một vụ phun trào tương tự sẽ xảy ra trong hàng nghìn năm tới, song không thể loại trừ khả năng đó hoàn toàn.

 

Phát hiện về “nắp magma biết thở” không chỉ giúp cải thiện khả năng dự báo tại Yellowstone mà còn mở ra triển vọng áp dụng mô hình nghiên cứu này tại các núi lửa khác trên thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các hiện tượng địa chất ngày càng khó lường, đây là bước tiến quan trọng nhằm chủ động phòng ngừa những thảm họa thiên nhiên quy mô lớn trong tương lai.

Như Ý (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm