Khám phá

Phát hiện phòng ngủ dành cho nô lệ ở ngoại ô Pompeii

Căn phòng đã hé lộ điều kiện sống khổ sở của những nô lệ trong thế giới cổ đại.

Danh họa Da Vinci là con ngoài giá thú của một nô lệ? / Lần đầu phát hiện xác tàu chở nô lệ Maya

Căn phòng có hai chiếc giường, một chiếc không có nệm. Ảnh: Bộ Văn hóa Ý/EPA
Căn phòng có hai chiếc giường, trong đó một chiếc không có nệm. Ảnh: Bộ Văn hóa Ý/EPA

Các nhà khảo cổ đã phát hiện một phòng ngủ nhỏ trong một biệt thự La Mã ở ngoại ô Pompeii. Họ gần như chắc chắn rằng đây là căn phòng dành cho nô lệ. Bộ Văn hóa Ý cho biết, khám phá mới đã giúp các nhà khảo cổ hiểu hơn về hoàn cảnh sống khắc nghiệt của những người nô lệ trong thế giới cổ đại,

Căn phòng được tìm thấy tại biệt thự Civita Giuliana, cách khu di tích Pompeii khoảng 600 mét về phía bắc - nơi đã bị xóa sổ bởi vụ phun trào núi lửa Vesuvius cách đây gần 2000 năm.

Trong phòng có hai chiếc giường, chỉ một trong số đó có nệm, ngoài ra còn có hai chiếc tủ nhỏ và một loạt bình, hộp đựng bằng gốm, trong đó người ta tìm thấy những phần còn lại của xác ba con chuột.

“Những chi tiết này một lần nữa hé lộ điều kiện sống bấp bênh và điều kiện vệ sinh kém mà tầng lớp thấp hơn trong xã hội phải chịu đựng trong giai đoạn đó”, Bộ Văn hóa Ý cho biết trong thông cáo.

Không có dấu vết của lưới, ổ khóa hay dây xích để giam giữ nô lệ trong phòng. “Có vẻ như [người chủ] kiểm soát chủ yếu qua việc quản lý trong nội bộ nô lệ, thay vì phải giam cầm bằng các công cụ”, ông Gabriel Zuchtriegel, giám đốc Công viên Khảo cổ học Pompeii, nhận định.

 

Các nhà khảo cổ khai quật biệt thự Civita Giuliana lần đầu vào năm 1907-1908. Đến năm 2017, khi cảnh sát nhận thấy địa điểm này đang bị những kẻ đào bới trái phép cướp bóc, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật lần thứ hai.

Nhóm nghiên cứu cho biết những tên trộm đã đào một đường hầm xuyên qua đây nhằm tiếp cận các phòng khác trong căn biệt thự, điều này gây hư hại một phần của chiếc giường.

Núi Vesuvius phun trào vào năm 79, chôn vùi thành phố La Mã cổ đại Pompeii. Vụ phun trào đã phủ lên thành phố một lớp tro dày, bảo tồn nguyên vẹn các tòa nhà và những bộ hài cốt của người dân trong lớp tro bụi núi lửa.

Trước đó, vào năm 2021, các nhà khoa học đã tìm thấy một căn phòng hoàn toàn nguyên vẹn từng là nơi ở của nô lệ trong một căn biệt thự ở ngoại ô Pompeii. Trong căn phòng chật chội có ba chiếc giường gỗ, một chiếc bô và một chiếc rương gỗ đựng các vật dụng bằng kim loại và vải.

Một bộ phận xe ngựa cũng được tìm thấy trong căn phòng, điều này khiến các nhà khảo cổ suy luận rằng đây có thể là nơi ở của một gia đình nhỏ phụ trách công việc chuẩn bị và bảo trì cỗ xe ngựa cho chủ nhân căn biệt thự.

 

Ảnh: Science Museum of Virginia
Núi Vesuvius nhìn từ khu di tích Pompeii. Ảnh: Science Museum of Virginia

Ngày nay, Pompeii là một trong những điểm thu hút khách du lịch đông nhất của Ý. Tuy nhiên, năm 2008, chính phủ Ý đã ban bố "tình trạng khẩn cấp" tại đây. Vài năm sau, một loạt công trình kiến ​​trúc, bao gồm cả một ngôi nhà cổ từng được các võ sĩ giác đấu sử dụng tại Pompeii, bị sập. Năm 2013, UNESCO cảnh báo sẽ thêm “Pompeii vào danh sách các di sản thế giới đang bị đe dọa, trừ khi chính quyền nước Ý cải thiện việc bảo tồn nó."

Phải đến năm 2021, khi ông Gabriel Zuchtriegel được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc công viên khảo cổ Pompeii, khu di tích mới bắt đầu cân nhắc việc sử dụng các công nghệ mới như drone, cảm biến, vệ tinh, robot... để nâng cao khả năng quản lý, bảo tồn di sản.

Bộ trưởng Văn hoá Ý Gennaro Sangiuliano cho biết nước này sẽ tiếp tục tiến hành các dự án bảo tồn và nghiên cứu xung quanh khu vực Pompeii: “Những thông tin chúng ta có được về điều kiện vật chất và tổ chức xã hội của thời đại đó sẽ mở ra những chân trời mới cho các nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học [trong tương lai].”

- Video: Những cổ vật mang lời nguyền chết chóc ám ảnh nhất lịch sử. Nguồn: Tiền phong/CNN/The Sun.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm