Phát hiện "siêu quái thú" dài 12 mét giữa vùng đất ma cà rồng Transylvania
DNVN - Transylvania – vùng đất nổi tiếng với những truyền thuyết về ma cà rồng – vừa bất ngờ trở thành tâm điểm của giới khoa học khi một sinh vật khổng lồ cổ đại được khai quật tại đây.
Loài chim khiến cả sư tử và hổ cũng phải dè chừng! / Đây là huyện có diện tích lớn nhất Việt Nam: Rộng gấp gần 3,5 lần tỉnh Bắc Ninh, dân số cực kỳ thưa thớt
Hóa thạch của loài khủng long mới, dài tới 12 mét, đã được phát hiện tại lưu vực Hațeg – một vùng đất từng là đảo biệt lập giữa siêu đại dương Tethys hàng chục triệu năm về trước.
Phát hiện này đến từ nhóm nghiên cứu quốc tế do tiến sĩ Verónica Díez Díaz thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Viện Nghiên cứu Tiến hóa và Đa dạng sinh học Leibniz (Đức) dẫn đầu. Họ đã tìm thấy tàn tích của một loài Titanosaurus – hay còn gọi là thằn lằn hộ pháp – chưa từng được biết đến trước đây. Loài này được đặt tên khoa học là Uriash kadici, thuộc nhóm Lithostrotia – một nhánh của các loài khủng long sauropod khổng lồ.
Kẻ khổng lồ hiền lành giữa kỷ Phấn Trắng
Thằn lằn hộ pháp là những sinh vật ăn cỏ khổng lồ, có thân hình đồ sộ với chiếc cổ dài vươn cao, đuôi thô dài, bốn chân lớn như cột đình và trọng lượng có thể lên đến hàng chục tấn. Uriash kadici – dù “khiêm tốn” hơn các họ hàng Nam Mỹ của nó – vẫn là một sinh vật khổng lồ, nặng từ 5 đến 8 tấn và dài khoảng 12 mét, tức lớn gấp nhiều lần một con voi trưởng thành.
Trong số các loài sauropod từng được tìm thấy tại châu Âu, Uriash kadici hiện chỉ đứng sau Abditosaurus về kích thước – loài đạt tới 17,5 mét chiều dài và 14 tấn trọng lượng. Các "gã khổng lồ" lớn nhất trong họ này – nặng tới 60-70 tấn – thường được phát hiện tại Argentina và các vùng khác ở Nam Mỹ.
Phá vỡ quy tắc tiến hóa trên đảo biệt lập
Điều đặc biệt khiến Uriash kadici trở thành một phát hiện gây sửng sốt là: nó phá vỡ "quy tắc đảo" – quy luật tiến hóa cho rằng các loài động vật sống trên đảo có xu hướng tiến hóa thành phiên bản nhỏ hơn so với họ hàng sống trên lục địa. Trong khi đa số khủng long ở Hațeg thời đó có xu hướng nhỏ đi vì môi trường hạn chế, thì Uriash kadici lại giữ nguyên kích thước khổng lồ, gây thách thức cho các giả thuyết tiến hóa hiện tại.
Theo công bố trên Journal of Systematic Palaeontology, loài khủng long này có nguồn gốc từ siêu lục địa Gondwana – mảnh đất cổ đại đã tách ra để hình thành nên Nam Mỹ, châu Đại Dương, Nam Cực và tiểu lục địa Ấn Độ ngày nay.
Dựa vào niên đại của lớp đất chứa hóa thạch, Uriash kadici được xác định đã sống khoảng 70 triệu năm trước, vào cuối kỷ Phấn Trắng – thời kỳ hoàng kim của loài khủng long trước khi tuyệt chủng.
Như Ý (t/h)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
Quái thú Transylvania là một trong những loài thằn lằn hộ pháp lớn nhất từng sinh tồn ở châu Âu cổ đại - Ảnh: ABelov