Khám phá

Phụ nữ 'tiết hạnh, nghĩa liệt' được nêu gương ra sao dưới triều Nguyễn?

Dưới thời nhà Nguyễn, các vua thường nêu gương những người phụ nữ tiết hạnh, nghĩa liệt, biểu dương công trạng để dân chúng noi theo.

Khám phá về người phụ nữ từ kỹ nữ trở thành bá tước quyền lực nhất nước Pháp / 'Hãi hùng' trước sự thật về 7 vị vua 'điên loạn' nhất trong lịch sử thế giới

Phàm những trường hợp tôi trung con hiếu, đàn bà tiết liệt, đàn ông, phụ nữ nghĩa khí… khi được địa phương tâu báo về kinh đều được vua ban thưởng để khuyến khích nêu gương.
Bảng vàng Tiết hạnh khả phong của vua triều Nguyễn.
Bảng vàng Tiết hạnh khả phong của vua triều Nguyễn.
Theo Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua ban dụ rằng: “Ta nghe trăm tuổi là kỳ, thật là điềm tốt của nước. Vua trọng người già thì dân không dám thờ ơ với cha mẹ, ấy là dạy dân biết hiếu vậy. Tôi trung con hiếu, đàn bà tiết liệt, đàn ông nghĩa khí, rất nên khuyến khích. Từ xưa kính trọng tuổi tác, ưu đãi bậc già, cất nhắc người hiếu, nêu khen người liêm, đều là để rèn luyện phong hoá cho dân, sáng tỏ trị giáo của nước, để dẫn cuộc đời đến chốn nhân thọ. Trẫm kính nối nghiệp lớn, mở rộng đạo trị, phàm là trung thần thì phong tước mà thờ cúng, là liệt nữ thì ban biển mà nêu khen, điển lệ có đủ. Nhưng còn những người thọ đến tuổi kỳ [trăm tuổi ] cùng là hiếu tử nghĩa phu thì được nêu thưởng, cái đạo dạy dân gây tục e còn chưa đủ. Từ nay, quan các thành dinh trấn đều phải dụng tâm tìm hỏi dân gian, có ai trăm tuổi trở lên, cùng là con hiếu thờ cha mẹ, có thực trạng rõ rệt, như tối hỏi, sớm thăm, đón trước ý muốn, noi theo chí hướng, sống nuôi thờ, chết chôn cất, hết đạo làm con, mà châu xã đều khen là hiếu, người nghĩa thì thấy lợi không động lòng, như bắt được vàng mà trả lại chủ, của không muốn có vì may, lợi không muốn được hú hoạ, từ hay nhận, lấy hay cho, đều là hợp nghĩa, già trẻ đều tin là liêm, thì đều cho hương lý kết trình quan sở tại, kể đủ thực trạng, làm sách tâu lên, do bộ Lễ đề đạt để chờ ban thưởng, để biểu dương điểm tốt thanh bình, chấn hưng thói tốt hiếu đễ, cho xứng cái ý thiết tha dạy bảo và sửa tục của trẫm”.
Mộ bà Dương ngày nay.
Mộ bà Dương ngày nay.
Đối với phụ nữ, triều Nguyễn cũng đặc biệt nêu gương những liệt nữ (phụ nữ kiên trinh), tiết phụ (người đàn bà chồng chết không lấy chồng khác), nghĩa phụ (người đàn bà làm các việc nghĩa)… Phần thưởng cho những trường hợp này có khi là ruộng đất tự điền (để thờ cúng), có khi là vàng bạc, gấm lụa, có khi là bảng vàng được vua sắc tứ (chiếu sắc của vua ban cho). Và đối với những gia đình có phụ nữ hạnh nghĩa được ban thưởng, phần thưởng quý giá nhất chính là bảng vàng để lưu dấu đời đời.
Theo sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tấm bảng vàng đầu tiên của triều Nguyễn ban cho nữ giới là bảng “Nguyễn Thị Trinh Nữ” ban cho trinh nữ Nguyễn Thị Phiễu ở Bình Định vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820). Từ đó về sau, thể thức của bảng vàng cũng theo mẫu ấy mà tạo tác. Sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết mẫu bảng phía trên có khắc 2 chữ “Sắc tứ”, giữa khắc 4 đại tự. Niên hiệu, ngày tháng, quê quán, công trạng… bên dưới, chung quanh biển chạm trổ, vẽ hoa, sơn son thiếp vàng.
Ở Đồng Tháp (thời nhà Nguyễn thuộc hai tỉnh An Giang - Định Tường) đất “địa linh nhân kiệt”, không chỉ có những trang hào kiệt nam nhi mà còn có những bậc nữ trung hạnh nghĩa.
Theo sách Sa Đéc xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh xuất bản năm 1971 cho biết ở Châu thành Sa Đéc có ngôi cổ mộ của bà Dương. Mộ nằm trên một gò đất cao ráo rộng chừng 500 thước vuông, bao quanh những tảng đá xanh to lớn. trước đầu mộ có bia chữ Nho bằng đá nhưng do lâu ngày chữ mờ không đọc được. Tương truyền lúc Nguyễn Ánh lập căn cứ chống lại nhà Tây Sơn tại Hồi Oa (Nước Xoáy) được bà Dương là một người hào sản dâng cơm cháo, thiết đãi ba quân tướng sĩ. Chẳng những vậy, bà đóng góp công lao tiền của giúp đỡ Nguyễn Ánh trong lúc dừng chơn ở Sa Đéc. Việc làm này được nhà vua khen tặng “Háo Nghĩa Khả Gia”.
Một số tác giả khác cũng mô tả về ngôi mộ bà Dương này với những thông tin tương tự. Tuy nhiên, điều thắc mắc là người phụ nữ này sao được gọi là bà Dương? Vậy bà họ Dương hay tên Dương? Với công lao như vậy sao sử sách nhà Nguyễn thời Gia Long không thấy nhắc tới. Chúng tôi đã tra cứu kỹ trong hai bộ sách lớn do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn là Đại Nam Thực Lục chính biên và Đại Nam liệt truyện nhưng đều không thấy nhắc tới trường hợp này.
Trang sách Minh Mạng chánh yếu nói về trinh phụ Dương Thị Ư.
Trang sách Minh Mạng chánh yếu nói về trinh phụ Dương Thị Ư.
May thay, trong sách Minh Mạng chính yếu cũng do Quốc Sử Quán biên soạn, trong quyển XIII, Thiên thứ mười hai về “Giáo hóa” có viết:
“…Minh Mạng năm thứ 10 (1829)…Lại có người đàn bà họ Dương, người huyện Vĩnh An, thành Gia Định, chồng bị ác tật, nhà nghèo, người chủ nợ ưa thích sắc đẹp, muốn tư thông với Dương Thị, hoặc đem lợi dụ, hoặc dùng uy quyền để dọa nạt. Dương Thị cương quyết không chịu, sau bị đâm chết.
Thành thần (tức quan đứng đầu thành Gia Định) đem việc ấy tâu lên, Hoàng đế truyền lịnh cấp cho biển ngạch (biển khắc 4 chữ: “Dương Thị trinh phụ”: Đàn bà trinh tiết họ Dương)
Hoàng đế ban dụ rằng:
“Vì phong tục thành Gia Định, mượn việc nầy để khuyên người ta giữ trinh tiết, nếu người hạt khác, chưa xứng đáng”…”.
Tra cứu thêm trong sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh An Giang, cũng do Quốc Sử Quán biên soạn, trong phần Liệt nữ viết cụ thể hơn:
“Dương Thị Ư, người huyện Đông Xuyên, lấy chồng là Nguyễn Văn Nhị, nhà nghèo, chồng lại bị chứng phong, người chủ nợ là Dương Thìn, thấy thị có nhan sắc, nhiều lần muốn cưỡng ép, thị một mực không chịu, sau bị nó (tức Dương Thìn) giết. Năm Minh Mạng thứ 10 được biểu dương”.
Vậy sự trạng về bà Dương đã rõ, bà tên Dương Thị Ư (楊氏於), có chồng là Nguyễn Văn Nhị, nhà nghèo khó, vì giữ tiết trinh nên được vua Minh Mạng ban bảng vàng “Dương Thị trinh phụ” (楊氏貞婦) các tài liệu trước đây dựa vào nguồn giai thoại dân gian là không đúng.
Mộ bà Dương ngày nay vẫn còn ở Sa Đéc, tuy nhiên ngôi mộ qua nhiều biến thiên thời cuộc đã bị kẻ xấu đào trộm tìm vàng bạc, chỉ còn tấm bia mộ hoang tàn mà thôi.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm