Phục dựng trống Đông Sơn từ nghìn mảnh ghép ở thành cổ
Kỳ lạ loại đất ăn được, giá bán chỉ từ 10.000 đồng/kg / Thánh địa 7.000 năm tuổi ở Ả-rập Xê-út chứa đầy hài cốt người và xương động vật
Sau hơn 20 năm thu thập di vật từ hàng nghìn mảnh ghép của khuôn đúc trống đồng tại thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh), giới khoa học đã phục dựng thành công trống đồng Đông Sơn.
Mảnh đúc trống trong lòng thành cổ
Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và hướng tới kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924 - 2024), Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn” giới thiệu tới công chúng gần 90 hiện vật đặc sắc của văn hóa Đông Sơn mới được sưu tầm.
Theo ban tổ chức, những di vật được giới thiệu sẽ chứng minh sức sống mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn, góp phần giải đáp những bí ẩn liên quan đến kỹ thuật đúc trống đồng từ hơn 2.000 năm trước. Đặc biệt, lần đầu tiên trống đồng Đông Sơn được phục dựng thành công dựa trên các mảnh ghép của khuôn đúc bằng đất nung phát hiện tại thành cổ Luy Lâu.
Theo TS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưng bày “Âm vang Đông Sơn” được chia thành ba chủ đề. Trong đó, chủ đề 1 giới thiệu sưu tầm mới về văn hóa Đông Sơn: Gồm những hiện vật mà những năm gần đây bảo tàng đã nghiên cứu với sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức quốc tế như Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khai quật di chỉ Đình Tràng (Hà Nội) góp phần sáng tỏ nhiều vấn đề về văn hóa Đông Sơn vùng Đồng bằng Bắc Bộ;
Khai quật di chỉ Bãi Cọi (Hà Tĩnh) làm rõ mối giao lưu giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh vùng Đồng bằng sông Cả; phối hợp với Đại học Đông Á (Nhật Bản) khai quật thành cổ Luy Lâu, phát hiện hàng nghìn mảnh khuôn đúc trống đồng.
Chủ đề 2 giới thiệu trống đồng là di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, giúp công chúng hiểu rõ cách đây hơn 2.000 năm tổ tiên chúng ta đã làm thế nào để đúc được những chiếc trống đồng có kích thước lớn với hoa văn tinh xảo. Chủ đề 3 giới thiệu hiện vật thể hiện quá trình thực nghiệm đúc trống đồng, giup người xem hiểu rõ kỹ thuật đúc trống của cư dân Đông Sơn và tính tiếp nối kỹ thuật trong cộng đồng người Việt hiện nay.
Năm 1998, nhà khảo cổ học Nhật Bản là Nishimura Masanari vô tình phát hiện một mảnh khuôn đúc trống tại thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) đã gây tiếng vang lớn trong giới khảo cổ. Tuy nhiên, với chỉ một mảnh đúc nên chưa đủ cơ sở nói lên điều gì.
Ba năm sau, một mảnh khuôn đúc khác cũng được Nishimura tìm thấy trong lớp đất đắp thành ngoại phía Bắc thành Luy Lâu. Từ năm 2014 - 2019, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiếp tục tiến hành nhiều đợt khảo sát và khai quật tại đây.
Theo TS Trương Đắc Chiến, trong hai đợt khai quật năm 2014 và 2015, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm mảnh khuôn đúc trống đồng nằm nguyên vị (in situ) trong tầng văn hóa.
Phát hiện này đã cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy trống Đông Sơn được đúc ở ngay trung châu Bắc Bộ và mở ra cơ hội để tìm hiểu một cách thấu đáo về quy trình đúc trống của người Việt cổ.
Cho đến nay, với hàng nghìn mảnh khuôn đúc trống được phát hiện, cho thấy thành Luy Lâu là nơi duy nhất trên thế giới phát hiện được số lượng lớn các mảnh khuôn đúc trống đồng.
Cận cảnh 1 mảnh khuôn đúc trống đồng.
Thành công nhưng cần nghiên cứu thêm
Nghiên cứu của TS Trương Đắc Chiến cho thấy, trống đồng Heger I hay trống Đông Sơn là sản phẩm tiêu biểu nhất của văn hóa Đông Sơn thời sơ sử. Tuy nhiên, câu hỏi trống Đông Sơn được đúc như thế nào vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Vào các năm 2014 - 2015, 923 mảnh khuôn đúc trống đồng trong 7m2 đất được phát hiện tại Luy Lâu chính là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu.
Trên cơ sở các phân tích kiểu dáng, chất liệu, dấu vết kỹ thuật, hoa văn của các mảnh khuôn để phục dựng lại hình dáng và hoa văn của trống Luy Lâu.
Qua so sánh trống Luy Lâu với các loại hình trống Đông Sơn, kết hợp với kết quả phân tích niên đại C14 mảnh khuôn, các chuyên gia thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phác dựng hình dáng trống, đồng thời khảo sát các làng nghề đúc trên cả nước.
Cuối cùng, các chuyên gia đã quyết định lựa chọn làng Chè Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) làm nơi để thực nghiệm đúc trống, và TS Trương Đắc Chiến chính là người chủ trì đề tài.
Theo ông Chiến, trước đây giới nghiên cứu thiên về phán đoán khuôn trống đồng đặt ngửa để rót đồng, đậu rót được bố trí mở phần chân trống. Tuy nhiên sau những nghiên cứu, tính toán tỉ mỉ, các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhận định vị trí đặt đậu rót chính ở giữa ngôi sao của trung tâm trống.
Không gian trưng bày một số mảnh khuôn đúc trống đồng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Sau khoảng một tháng thực hiện, trống đồng được phục dựng cơ bản đạt các yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật, từ độ dày cho tới trọng lượng, hoa văn họa tiết trang trí cũng như biên độ âm vang. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, như cách tạo văn in trên khuôn, cách tạo tượng cóc, cách xử lý bề mặt khuôn chống dính…
TS Trương Đắc Chiến cho rằng, với hiện vật khuôn đúc Luy Lâu, chúng ta đã có thể giải đáp cách cơ bản vấn đề liên quan đến phương pháp và kỹ thuật đúc trống Đông Sơn. Những hiện vật này cũng khẳng định Luy Lâu là trung tâm đúc đồng ở miền Bắc.
Là trống đồng đầu tiên thành công trong việc phục dựng khảo cổ, tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Việt Nam tiến hành phục dựng trống đồng. Khoảng những năm từ 1964 - 1975, Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thử nghiệm tới 4 lần đúc trống đồng Ngọc Lũ nhưng đều thất bại.
“Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với lịch sử hình thành và phát triển đã gắn liền với các phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn suốt hơn 100 năm qua. Mặc dù di chỉ khảo cổ học Đông Sơn được chính thức phát hiện năm 1924, nhưng trước đó từ năm 1903, nhiều di vật - tiêu biểu nhất là trống đồng Ngọc Lũ. Từ đó đến nay, sưu tập hiện vật về văn hóa Đông Sơn tại bảo tàng ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn và là bộ sưu tập đầy đủ nhất, đã có nhiều dịp trưng bày ở trong và ngoài nước” -TS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Để giải quyết những vấn đề 'sinh lý', người xưa đã phát minh ra một căn phòng như vậy, địa vị phụ nữ thấp đến đáng thương
CLIP: Rắn hổ mang kẹt đầu trong lon bia và hành trình giải cứu đầy kịch tính
CLIP: Cảnh tượng kinh ngạc, cóc thoát chết ngoạn mục từ bụng rắn hổ mang
CLIP: Chó Pitbull anh dũng chiến đấu với rắn hổ mang, cứu mạng nhóm trẻ em đang chơi trong vườn
CLIP: Nai sừng tấm dũng cảm chiến đấu bảo vệ con trước bầy sói, kết thúc đầy cảm động
Lăng Tần Thủy Hoàng không ai dám đào bới bí ẩn ẩn chứa bên trong, nhìn ảnh vệ tinh lại phải 'than trời' cho trí tuệ của người xưa