Sau khi Ngụy Trung Hiền chết Hoàng đế nhà Minh bất ngờ có hành động lạ
Tam quốc diễn nghĩa: Đáp lại câu nói nổi tiếng của Tào Tháo, Lưu Bị cũng đưa ra quan điểm khiến hậu thế tâm phục / "Vùng tối" Tam Quốc diễn nghĩa: Nước cờ Đương Dương
Ngụy Trung Hiền, hoạn quan nổi tiếng và quyền lực nhất lịch sử Trung Quốc. (Ảnh minh họa).
Ngụy Trung Hiền (1568-1627) là người Túc Ninh tỉnh Hà Bắc, lúc đầu tên là Ngụy Tiến Trung. Lúc trẻ ông đã máu mê cờ bạc, ăn chơi trác táng, có vợ và một con trai. Vì thua hết tiền, nợ nần chồng chất, ông bèn trốn vào tiệm rượu, bị bọn đòi nợ chửi mắng, đánh đập, thấy hổ thẹn, phẫn uất cùng cực mà quyết định tự thiến rồi thay tên đổi họ là Lý Tiến Trung, trốn đến Bắc Kinh và được tuyển vào cung năm 1589, đổi lại tên cũ là Ngụy Tiến Trung.
Sống trong chốn hậu cung nhiều thị phi, song nhờ tài xu nịnh nên Ngụy Trung Hiền rất được Khách Thị, vú nuôi của vua Minh Hy Tông bấy giờ, thương yêu và nâng đỡ.
Ngay từ khi Hy Tông mới chỉ là một hoàng tử còn nhỏ tuổi, Nguỵ Trung Hiền đã tận dụng chính mối quan hệ với Khách Thị để tạo nên mối quan hệ chặt chẽ. Sự kiện đánh dấu mốc trong cuộc đời ông chính là khi hoàng đế Minh Quang Tông đột ngột qua đời sau chưa đến 1 tháng lên ngôi.
Chu Do Hiệu, con trai cả của Minh Quang Tông lên ngôi Hoàng đế khi mới 15 tuổi, sử gọi là Minh Hy Tông. Sau khi Hy Tông lên ngôi, phong Khách Thị làm Phụng thánh phu nhân, Ngụy Trung Hiền được thơm lây, được cho làm chức Bỉnh bút Thái giám đứng đầu 24 nha hoạn quan, được ở gần hầu cận Hoàng đế, phê đáp tấu chương, truyền đạt thánh chỉ. Ngụy Trung Hiền tuy là kẻ mù chữ nhưng đã được Khách Thị nâng đỡ, nên mới được chức vụ quan trọng này.
Không chỉ vậy, Ngụy Trung Hiền còn được vua ban cho hai chữ "Trung Hiền" nên xét ra quyền hành ngang với Tể tướng, mặc dù nhà Minh đã bãi bỏ chức vụ này từ lâu. Được Hoàng đế thân cận trọng dụng, Nguỵ Trung Hiền lộng quyền, thao túng việc triều chính, lôi kéo vua vào những cuộc ăn chơi hưởng lạc.
Bấy giờ, Nguỵ Trung Hiền được vua tin tưởng giao cho việc trông coi Đông Xưởng, Tây Xưởng và Nội Xưởng. Đây đều là những xưởng có quyền lực rất lớn, có nhà tù riêng để tra khảo với đủ mọi ép cung, nhục hình khiến nhiều người phải ám ảnh.
Chỉ riêng quyền lực của Đông Xưởng, Nguỵ Trung Hiền có thể tra khảo, xét hỏi bất kỳ ai thậm chí là hoàng thân quốc thích. Với các tội nhẹ, Đông Xưởng còn có thể toàn quyền định đoạt mà không cần phải trình báo.
Ngụy Trung Hiền khống chế việc triều chính, nắm lấy các đại quyền trong cung và còn đưa các tay chân thân tín vào nắm lấy Nội các. Các quan trong triều người thì bái lạy Ngụy Trung Hiền để được thăng quan, lên đến "Thủ phụ" (Thủ: đứng đầu, Phụ: quan lớn) hoặc "Nội các đại học sĩ". Thậm chí có người tự xưng là thân thích với Ngụy Trung Hiền vì cùng họ Phùng với vợ trước đây của ông ta nên cũng được làm quan. Những ai không theo phe cánh Ngụy Trung Hiền đều bị loại trừ dần ra khỏi Nội các. Nội các triều Minh biến thành cơ quan riêng của nhà họ Ngụy. Các quan viên tranh nhau đến kết bái Ngụy gia để được làm con nuôi, cháu nội nuôi. Như vậy, từ Nội các, Lục bộ cho đến Tổng đốc, Tuần phủ các nơi đều là phe đảng, vây cánh của họ Ngụy, quyền hành lớn trong ngoài có thể nói đều ở trong tay Ngụy Trung Hiền cả.
Dù Ngụy Trung Hiền lộng quyền trong triều đình, thế nhưng các quan đều không dám chống đối lại Nguỵ Trung Hiền. Những người dám chống đối không phục, ông sẵn sàng ra tay đàn áp, sát hại. Đủ các hình thức tra khảo, ép cung hay nhục hình như đánh đập, dùng còng, dùng kẹp, chém khiến ai nấy đều kinh hãi.
Thậm chí, Ngụy Trung Hiền còn dám thảo ra chỉ dụ, xưng “Trẫm và Xưởng thần”, các quan lại trong triều đình phải tuân theo.
Tuy nhiên những ngày tháng làm mưa làm gió, thao túng triều đình của Nguỵ Trung Hiền cũng sớm kết thúc khi vua Minh Hy Tông băng hà.
Nguỵ Trung Hiền và đồng đảng bị tiêu diệt
Năm Thiên Khởi thứ 7 (1627), Minh Hy Tông lâm bệnh nặng. Hy Tông không có con trai, vì vậy lúc lâm chung đã di chiếu cho Tín vương Chu Do Kiểm lên kế vị.
Hai ngày sau khi Minh Hy Tông qua đời, Chu Do Kiểm lên nối ngôi ở điện Trung Cực, tức là Minh Tư Tông. Ông đổi niên hiệu là Sùng Trinh.
Chỉ hai tháng sau khi đăng cơ, ông liền bắt đầu hạ thủ đối với đại thái giám được hoàng huynh vô cùng tín nhiệm – Ngụy Trung Hiền.
Sau khi xóa bỏ tất cả các chức vụ bên trong, ngoài cung của thái giám họ Ngụy, ông ta ban đầu được Sùng Trinh tha tội chết, bị đưa đến Phượng Dương trông coi mộ tổ vua nhà Minh.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, vị vua cuối cùng của Minh triều bất ngờ hạ lệnh thay đổi hình phạt đối với Ngụy Trung Hiền, hạ lệnh bắt giữ ông ta ngay lập tức.
Thực hiện việc áp giải Ngụy Trung Hiền khi đó là Cẩm Y Vệ. Tất cả những tay chân, đồng đảng của viên đại hoạn quan này đều lập tức bị truy bắt.
Ngụy Trung Hiền nhận được tin này khi đang trên đường đi Phượng Dương. Lúc đó, ông ta đang nghe nhạc trong một nhà trọ.
Lệnh bắt giữ cùng với tiếng nhạc thê lương đã khiến đại thái giám khét tiếng Minh triều vô cùng phiền muộn. Sáng sớm hôm sau, người ta phát hiện họ Ngụy đã treo cổ tự tử bên trong phòng trọ. Thời điểm đó là đầu năm 1628.
Sau khi Ngụy Trung Hiền chết, Sùng Trinh tiếp tục công cuộc thảo phạt bè đảng hoạn quan trong triều đình, bắt đầu một cuộc thanh toán trên quy mô lớn đối với những viên thái giám có manh nha chống đối triều đình.
Khách Thị (vú nuôi của vua Hy Tông và là người đã tiếp tay cho Ngụy Trung Hiền làm mưa làm gió trong cung), gia quyến họ Ngụy và họ Khách, những người cùng cánh với Ngụy, Khách lần lượt bị hạ lệnh bắt và xử tử.
Các chức quan đã được “ban thêm” dưới thời vua Hy Tông đều bị Sùng Trinh ra lệnh triệu hồi – động thái nhằm cắt đứt mọi quyền lực của các hoạn quan.
Do hiểu rõ sự bành trướng của các hoạn quan khi đó hơn bất kỳ ai, nên vị tân vương này liên tục đưa ra các lệnh cấm, hạ lệnh cho các hoạn quan không phụng mệnh Hoàng đế tuyệt đối không được xuất cung, cắt đứt mọi cơ hội tìm kiếm thế lực hỗ trợ từ bên ngoài.
Đồng thời, Sùng Trinh còn hạ lệnh dỡ bỏ hết các từ đường do Ngụy Trung Hiền xây dựng ở các địa phương và khôi phục lại danh dự cho phái Đông Lâm đối địch và bị họ Ngụy hại trước đây.
Tuy nhiên, 17 năm sau đó, Sùng Trinh lại tiến hành an táng cẩn thận cho Ngụy Trung Hiền, việc làm này khiến người đời không khỏi băn khoăn, khó lý giải.
Từ đề phòng đến tin cậy thái giám
Về vấn đề này, có một cách giải thích như sau: Sùng Trinh sở dĩ làm như vậy là vì trong bối cảnh những bài hát của nước Sở vang vọng bốn bề, lại nghe thái giám tùy tùng Tào Hóa Thuần nói rằng “Nếu Ngụy Trung Hiền còn sống, thời thế chắc chắn không đến mức này”.
Hiển nhiên, trong mắt các thái giám, Ngụy Trung Hiền có bản lĩnh và thực dụng hơn người phái Đông Lâm. Phải chăng, Sùng Trinh cuối cùng đã phải mặc nhận điều này?
Điểm đầu tiên có thể khẳng định là: Sùng Trinh chấp chính 17 năm và trong 17 năm ấy, thay đổi lớn nhất chính là sự chuyển biến trong thái độ đối với tầng lớp hoạn quan.
Trong giai đoạn đầu lên nắm quyền, ông đã ra tay giết đại thái giám họ Ngụy, thể hiện thái độ khinh ghét cực độ đối với các thái giám trong triều.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo đó, thái độ của vị vua này đối với hoạn quan dần trở nên tốt đẹp hơn và bắt đầu trọng dụng họ.
Từ một Hoàng đế thù ghét hoạn quan thấu xương, tại sao Sùng Trinh sau đó lại có thể ỷ lại, dựa dẫm vào thái giám, giao cho họ quyền lực cao trong triều?
Không thể bài trừ khả năng các đại thần yếu kém về cả năng lực và lòng trung thành, khiến Hoàng đế thất vọng.
Trong khi đó, thái giám ngày đêm theo gót vua, lại biết nghe lời, phục tùng vô điều kiện. Có thể Sùng Trinh đã nghĩ rằng, các đại thần không đồng tâm nhất trí, chỉ có các thái giám biết nghe lời, đáng tin cậy.
Khi Lý Tự Thành dấy binh tạo phản, thời khắc vô cùng nguy kịch, Sùng Trinh có thể đã dành những phút giây cuối cùng của mình để ngẫm lại việc bài trừ Ngụy Trung Hiền và bè phái hoạn quan.
Ông đã sử dụng người của phái Đông Lâm theo tư tưởng Nho gia để khôi phục xã tắc nhưng khi quốc gia lâm nạn, biến động, đứng trước nguy cơ tồn vong, những người này chỉ biết nói những lời sáo rỗng.
Sự nhu nhược, thối nát và bất lực của họ đã khiến Hoàng đế không khỏi thất vọng.
Trước khi vua Sùng Trinh Chu Do Kiểm tự sát, ông có để lại một đoạn di ngôn nổi tiếng, còn ghi chép lại đến ngày nay: Trẫm chết đi cũng không có mặt mũi nào gặp tổ tông, sống trên đời đã làm điều có lỗi, nguyên nhân cũng vì quá tin cậy vào các đại thần.
Hiển nhiên, trong câu nói này, đối tượng chịu trách nhiệm trước sự diệt vong của Minh triều không được Sùng Trinh đặt lên vai các thái giám, thay vào đó chính là các đại thần trong triều.
Có thể khẳng định một điểm, rằng Ngụy Trung Hiền là một đại diện của tầng lớp thái giám – một nô tài tốt của Hoàng đế.
Thế nhưng, thái giám này lại thiếu một thứ vô cùng cần thiết đó là chữ tâm. Sự thiếu hụt này khiến ông ta không thể trụ vững với giấc mộng thống trị thiên hạ của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ