Khám phá

Sống sót thần kỳ sau 11 giờ ngồi ở càng máy bay để vượt biên từ Nam Phi đến Anh

Một người đi lậu vé, bằng cách ôm càng máy bay và may mắn sống sót sau 11 tiếng hành trình từ Nam Phi tới London (Anh), lần đầu tiên lên tiếng về hành trình bão táp của mình.

Bí ẩn về đoàn thám hiểm Bắc Cực ăn thịt nhau để sống sót / Phi công rơi 5.500m không dù sống sót "kỳ diệu"

Sống sót thần kỳ sau 11 giờ ngồi ở càng máy bay để vượt biên
Cabeka (phải) sống sót thần kỳ sau 11 tiếng ngồi ở càng máy bay. Ảnh: Daily Mail

Người đàn ông này đã nhắc lại chuyện mình tỉnh dậy ra sao sau nhiều tháng hôn mê và biết bạn thân nhất của anh ta đã tử vong do rơi khỏi máy bay từ độ cao hơn 1.500m.

Theo Daily Mail, Themba Cabeka - lần đầu tiên được tiết lộ danh tính, đã bất tỉnh trong bệnh viện suốt 6 tháng sau khi được tìm thấy trên sàn đất của sân bay Heathrow, Anh. Người đàn ông này bị thiếu oxy, chịu đựng nhiệt độ -60 độ C khi máy bay của hãng British Airway bay từ Johannesburg, Nam Phi tới Anh vào ngày 18/6/2015.

Vài phút trước khi máy bay hạ cánh, Carlito Vale - bạn của Themba, người đã cùng anh ta trốn khỏi một khu trại ở Nam Phi và bò vào vòm bánh xe của máy bay Boeing 747-400 đã rơi khỏi chiếc máy bay mang số hiệu BA Flight 54. Thi thể người đàn ông này được tìm thấy tại khu vực điều hòa không khí của một khu văn phòng ở Richmond, cách sân bay Heathrow khoảng 9km.

Cabeka, 30 tuổi, nhớ lại và nói: "Khi máy bay cất cánh, tôi có thể nhìn thấy mọi thứ dưới mặt đất, ô tô, những con người bé nhỏ. Sau đó, tôi bị ngất vì thiếu oxy. Điều duy nhất mà tôi còn nhớ là ngay sau khi máy bay cất cánh, Carlito nói với tôi: Chúng ta đã làm được".

Cabeka kể, sau khi thoát khỏi tình trạng hôn mê, một cảnh sát đã cho anh ta xem hộ chiếu của Carlito và hỏi có biết người này không. Cabeka cho hay: "Dĩ nhiên tôi biết anh ta. Đó là bạn tôi. Carlito". Lúc đó, viên cảnh sát cho hay: "Anh ấy đã không tới đích được. Anh ấy đã rơi xuống nóc một tòa nhà".

Trên thế giới, các nước ghi nhận được 109 âm mưu vượt biên bằng cách đi lậu vé máy bay và London là một trong số các điểm đến được ưa chuộng. Trong số này, chỉ có 24 người may mắn sống sót khi vượt biên bằng cách ôm càng máy bay. Trường hợp may mắn đầu tiên là Bas Wie, 12 tuổi, trốn trên chuyến bay từ Indonesia tới Australia vào năm 1946.

Trong khi đó, chỉ có 2 người may mắn còn sống và tới được Anh bằng cách đi lậu vé. Đó là một kỹ sư ô tô ở bang Punjab, Ấn Độ. Anh chàng Pardeep Saini đã trải qua chuyến bay kéo dài 10h từ New Delhi tới London vào năm 1996 và người thứ hai là Cabeka.

Ngay cả tới giờ, 25 năm sau chuyến vượt biên bằng đường không, Saini - hiện đã có vợ và 2 con, làm lái xe ở sân bay Heathrow, vẫn thường bị ám ảnh bởi chuyến đi bão táp đó. Khi đó, em trai anh ta bị lạnh cóng tới chết.

Sống sót thần kỳ sau 11 giờ ngồi ở càng máy bay để vượt biên
Ảnh: Daily Mail

Các thông tin về Cabeka rất hiếm cho tới khi nhà sản xuất Rich Bentley của Kênh 4 lần theo dấu của người đàn ông này tới một căn hộ ở Liverpool và làm bộ phim tài liệu "Người đàn ông từ trên trời rơi xuống". Bộ phim được chiếu vào tối 3/1. Cabeka hiện đã được định cư ở Anh và lấy tên Anh là Justin.

Các chuyên gia hàng không cho biết, hiếm có một người đi lậu máy bay nào nào có thể sống sót tại một bộ phận không được sưởi ấm, phi áp suất của máy bay. Cabeka kể, anh ta buộc mình vào máy bay bằng một sợi dây điện nhưng không lâu sau anh ta đã ngất vì thiếu ô xy.

Cho tới giờ, Cabeka vẫn không thể tin nổi làm sao anh ta có thể sống sót khi nhiệt độ tụt xuống -60 độ C. Điều đầu tiên mà Cabeka nhớ được là mình nằm trên đường băng với một cái chân trầy xước. "Tôi tỉnh dậy khi tôi rơi xuống đường băng. Tôi tự hỏi mình, làm thế nào mà tôi rơi khỏi máy bay. Rồi tôi nhìn thấy những người bảo vệ, họ tới chỗ tôi và tôi lại bị ngất một lần nữa. Rồi tôi tỉnh dậy sau 6 tháng hôn mê trong bệnh viện".

Các bác sĩ tin rằng, Cabeka có thể sống sót vì nhiệt độ đóng băng đã giữ anh này trong trạng trái "tạm dừng sinh học". Khi nhiệt độ cơ thể hạ thấp, tim, não và các cơ quan quan trọng khác cũng được đặt vào tình trạng chờ. Khi đó, các bộ phận cơ thể không cần nhiều ôxy và vì thế nó hạn chế những tổn thương gây ra cho các tế bào và các bộ phận cơ thể.

"Tôi thật may mắn vì không bị thương ở đầu. Tôi bị hai vết bỏng ở tay nhưng hiện giờ đã ổn vì tôi đã được phẫu thuật. Tuy nhiên, có gì đó không ổn lắm ở chân của tôi", Cabeka cho hay.

Dù bị thương và bạn đi cùng thiệt mạng song Cabeka cho hay, quyết định đánh cược với mạng sống và bắt đầu cuộc sống mới tại Anh của anh ta là hoàn toàn xứng đáng. "Tôi phải rời châu Phi để sống sót. Nhưng tôi muốn cho những người khác một lời khuyên: Chuyến đi không an toàn. Đó là sống hoặc chết".

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm