Khám phá

Sự trở về của những đầu tượng La Hán bị đánh cắp

Trung Quốc có nhiều ngôi chùa rất lớn như chùa Linh Nam Sơn Đông có nghìn pho tượng Phật, chùa Bảo Thánh Tô Châu có 40 vị La Hán... Chùa Tư Thọ ở tỉnh Sơn Tây không lớn nhưng lại rất nổi tiếng vì ngôi chùa này có 18 vị La Hán bị trộm mất đầu và một câu chuyện cảm động liên quan đến việc khôi phục lại những đầu tượng đã mất...

3 cổ vật kỳ bí chưa thể giải mã trên thế giới / Cổ vật ẩn giấu ở nơi không ai ngờ

Sáng sớm ngày 26 tháng 12 năm 1993, ông Triệu Thượng Vinh, 67 tuổi người canh chùa đến điện số 3 để kiểm tra định kỳ nhưng ông không thể tin vào mắt mình: 18 vị La Hán đứng trơ thân không còn đầu nữa.

Ông Triệu vội báo cảnh sát và công an huyện Linh Thạch đã đến ngay hiện trường. Từ điều tra tại chỗ cảnh sát nhận định rằng bọn trộm đã trèo tường vào trong chùa cạy cửa điện và cắt lấy các đầu tượng Phật từ ngang cổ. Căn cứ tình hình hiện trường cho biết bọn trộm phải có nhiều người và bọn chúng thông hiểu về ngôi chùa này. Những tang vật và dấu vết gây án để lại hiện trường không nhiều đã gây khó khăn cho việc điều tra vụ án.

Chùa Tư Thọ.

Vài tháng sau, vì manh mối quá ít nên công tác điều tra tiến triển rất chậm, lãnh đạo Công an huyện Linh Thạch đứng ngồi không yên. Một ngày cuối năm 1994, Phó giám đốc Cục công an huyện Tương Phần đi Tào Gia Trang thăm người thân và vô tình nghe được chuyện trong thôn này có một người tên là Cốc Hồng Văn đã mấy lần lái xe chở hàng đi Quảng Đông.

Với kinh nghiệm của cảnh sát hình sự nhắc nhở ông rằng bên trong những chuyến đi này có vấn đề và ông đã cử cảnh sát kiểm tra hồ sơ đăng ký kinh doanh vận tải thấy có những điểm nghi vấn.

Nhưng sóng này chưa lặng sóng khác đã đến, ngày mùng 2 tháng 5, một vụ trộm đã xảy ra ở khu quản lý văn vật Tư Mã Quang. Trong khi điều tra vụ án này lại phát hiện ra bọn tội phạm có liên quan đến vụ trộm đầu tượng Phật La Hán ở chùa Tư Thọ.

Đúng là “nhất cử lưỡng tiện”, công an huyện Tương Phần vội triệu tập Cốc Hồng Văn. Sau khi bị thẩm vấn hắn đã khai nhận có tham gia vụ trộm ở chùa Tư Thọ cùng với Lý Tài, Tôn Thuận và Trình Sinh. Vụ việc được báo cáo lên công an tỉnh và công an huyện lập tức triển khai việc bắt ba tên đồng phạm với Cốc Hồng Văn nhưng bọn chúng biết có động đã bỏ trốn.

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt

 

Ngày 21 tháng 6, có người báo rằng Tôn Thuận ngã xe máy bị thương đang ở bệnh viện. Trinh sát nghe tin đã đến ngay nhưng không thấy Tôn Thuận đâu, phía bệnh viện cho biết có người rất giống Tôn Thuận ngã xe máy bị thương đến cấp cứu xong lại đi ngay.

Trinh sát cho rằng hắn chưa thể đi xa và vội đến nhà bố vợ hắn. Có điều lạ là bố mẹ vợ hắn thay nhau ngồi canh ở ngoài cửa. Công an phải nói là đến kiểm tra kế hoạch hóa gia đình. Phát hiện trong nhà có một người thanh niên, công an đã xác nhận hắn là Tôn Thuận và bắt hắn ngay sau đó. Tên Lý Tài bỏ trốn đến Sơn Tây sau đó lại đến Hà Nam. Trong 8 tháng hắn chui lui khắp nơi.

Những vị La Hán trong chùa Tư Thọ.

Ngày mùng 10 tháng 2 năm 1995, ở nhà ga Sơn Hải Quan đang là đỉnh điểm của cuộc xuân vận. Trong dòng người hối hả, trinh sát phát hiện một người có tướng mạo giống như tên tội phạm Lý Tài nên đã yêu cầu người này về đồn, sau khi kiểm tra giấy tờ phát hiện anh ta mang giấy tờ tùy thân giả mạo, đối chiếu với ảnh truy nã thì hắn đúng là Lý Tài.

Nhận được tin, công an huyện Tương Phần lập tức cử người đến Sơn Hải Quan di lý hắn về huyện. Tháng 10 năm đó, tên tội phạm cuối cùng Trình Sinh trốn trong nhà người thân ở huyện Tân Phong Hà Nam cũng đã bị bắt. Như vậy cả 4 tên trong vụ án trộm cắp ở chùa Tư Thọ đã bị bắt.

Lời khai của những tên tội phạm

 

Theo lời khai của những tên trộm, trước khi gây án mấy ngày, Lý Tài đến nhà Tôn Thuận chơi thì lại gặp Trình Sinh cũng đang ở đấy.

Khi lật xem một tờ tạp chí giới thiệu về chùa Tư Thọ ở huyện Linh Thạch, những bức ảnh tuyệt đẹp chụp các pho tượng Phật La Hán đời Minh làm cho bọn chúng sáng mắt, và nảy ra ý định trộm cắp. Sau khi bàn bạc với nhau bọn chúng quyết định để cho Lý Tài đi tiền trạm nắm tình hình và ngay hôm sau Lý Tài đến Linh Thạch rồi đến chùa Tư Thọ quan sát kỹ bên trong, bên ngoài.

Nhà điêu khắc Quách Thành Bảo gắn lại đầu tượng La Hán.

Sau khi Lý Tài trở về, cả ba tên lại ngồi với nhau bàn bạc lên kế hoạch thực thi vụ trộm. Sáng sớm ngày 12 tháng 5, Cốc Hồng Văn lái xe đến Triệu Khang chở Lý Tài, Tôn Thuận và Trình Sinh đi thẳng đến Linh Thạch, Tôn Thuận còn mang theo một cái cưa, một dụng cụ cạy cửa và một bó bao tải. Sau khi đến Linh Thạch, bọn chúng cho xe đỗ ở chỗ có bụi cây kín đáo chờ đợi.

Đến nửa đêm, để cho Cốc Hồng Văn ở lại trông xe, ba tên đến chùa đi một vòng bên ngoài xem xét tình hình rồi trèo qua tường vào trong chùa. Trình Sinh dùng dụng cụ cạy cửa và ba tên đột nhập vào bên trong. Trong điện âm u tối tăm, 18 vị La Hán uy phong lẫm liệt như đang trừng mắt nhìn bọn chúng, làm cho bọn chúng cũng cảm thấy sợ.

Bọn chúng sợ làm việc ác sẽ bị báo ứng nên bất giác đều quỳ xuống trước các vị La Hán cầu xin hãy tha tội nhưng không có sự chuẩn mực đạo đức nào ngăn cản được lòng tham. Tiền bạc là sự cám dỗ lớn nhất lúc này. Do dự một lúc, bọn chúng bắt đầu thay nhau cưa đầu các vị La Hán cho vào bao tải, chỉ trong hơn một tiếng, những vị La Hán được thờ cúng mấy trăm năm chỉ còn trơ thân đứng nguyên chỗ cũ ở trong chùa.

 

Sau khi xong việc, ba tên vội vàng cõng những bao tải đựng đầu tượng Phật theo đường cũ trèo tường ra ngoài đến chỗ xe đỗ và cho xe chạy ngay. Khi ra khỏi địa phận huyện Linh Thạch, bọn chúng mới cảm thấy nhẹ nhõm. Giữa đường, sợ những đầu tượng Phật bị xây xát nên bọn chúng tìm một chỗ hẻo lánh lấy cỏ đệm các bao tải cho êm rồi chạy một mạch tới Quảng Châu.

Tối 18 tháng 12, xe của bọn chúng đến khách sạn Vân Thiên Lâu Quảng Châu. Sau khi vào trong khách sạn, bọn chúng gọi ngay cho tên buôn lậu đồ cổ Lâm Thụy Vinh. Ngày hôm sau thông qua mặc cả ngã giá ,18 đầu tượng Phật này bán được 15 ngàn tệ và bốn tên trở về thôn chia số tiền kiếm được: Cốc Hồng Văn công lớn nhất được 10 ngàn tệ, Lý Tài 2 ngàn tệ, Tôn Thuận và Trình Sinh mỗi tên 1.500 tệ. Bọn chúng đâu có ngờ rằng bọn chúng đã phạm tội tày trời là đánh cắp báu vật Quốc gia làm chấn động cả nước và sẽ phải bị pháp luật trừng trị.

Người hảo tâm mua đầu tượng Phật để quyên tặng

Những đầu tượng Phật này qua tay những tên buôn lậu đồ cổ rồi được bán sang Đài Loan và Nhật Bản. Mùa xuân năm 1996, một nhân viên biết ông Trần Vĩnh Tha, giám đốc tập đoàn Chấn Đán Đài Loan là người thích sưu tầm đồ cổ nên tiết lộ với ông một tin là có một số đầu tượng Phật từ đại lục đang muốn bán.

Tuy ông Trần rất thích sưu tầm đồ cổ nhưng ông có một nguyên tắc là nguồn gốc đồ vật phải thật rõ ràng, ông không bao giờ mua những đồ cổ bất minh hoặc đồ trộm cắp. Khi nghe nói những đầu tượng Phật này đến từ Sơn Tây, ông lập tức tìm cuốn album “Tượng phật giáo ở Sơn Tây” của Hội Phật giáo Trung Quốc xuất bản năm 1991 để đối chiếu so sánh.

 

Vợ chồng ông Trần Vĩnh Thái tại chùa Tư Thọ ngày 14 tháng 9 năm 1999.

Sau khi cẩn thận xem xét, ông khẳng định rằng những đầu tượng Phật này là những đầu tượng Phật La Hán ở chùa Tư Thọ, Sơn Tây bị đánh cắp và đây là những báu vật Quốc gia. Khi biết nguồn gốc những đầu tượng này, tâm trạng ông rất nặng nề. Qua một đêm suy nghĩ kỹ càng với niềm tin đạo Phật, ông quyết định làm một việc công đức vô lượng: Bằng mọi giá mua lại tất cả những đầu tượng Phật bị đánh cắp này quyên tặng cho nhà nước để “ngọc được trở về Triệu”.

Nhưng 18 chiếc đầu tượng phật qua hơn 2 năm lưu lạc qua tay không biết bao nhiêu người buôn đồ cổ và giá cả đã tăng lên gấp bội. Trước tiên ông tìm mua hết những đầu tượng Phật đang ở Đài Loan, sau đó mua được mấy cái của một người sưu tầm đồ cổ người Nhật và như vậy ông đã mua lại được 16 cái, còn hai đầu tượng Phật nữa thì không biết ở đâu.

Mùa hè năm 1996, ông Trần tham gia đầu tư vào sự nghiệp phát triển Thượng Hải, ông đã liên hệ với Văn phòng Quan hệ Đài Loan của chính quyền Thượng Hải bày tỏ mong muốn quyên tặng các đầu tượng Phật La Hán cho chùa Tư Thọ. Chính quyền Thượng Hải hoan nghênh việc làm của ông và liên hệ với chính quyền tỉnh Sơn Tây qua bộ ảnh chụp để khẳng định những đầu tượng này là của chùa Tư Thọ bị đánh cắp.

Không lâu sau, qua trung gian, ông lại mua được hai đầu tượng Phật cuối cùng ở trong tay một nhà buôn đồ cổ ở Đông Nam Á, người này biết ông đang cần nên đã ép giá đòi tới 100 ngàn đôla nhưng ông Trần không do dự bỏ tiền ra mua ngay. Đến lúc này thì toàn bộ 18 đầu tượng Phật La Hán đã ở trong tay ông Trần.

Ngày 25 tháng 3 năm 1999 lễ quyên tặng được tổ chức tại Đài Loan có đại biểu của huyện Linh Thạch, thành phố Thượng Hải đến tiếp nhận đồ quyên tặng của ông Trần Vĩnh Thái.

 

Chiều ngày 29 tháng 3 năm 1999,18 đầu tượng Phật đóng gói trong ba hộp tuyết tùng đỏ được vận chuyển từ Đài Loan đến Thượng Hải rồi chuyển tiếp đến sân bay Thái Nguyên vào lúc 10 đêm. Các nhà lãnh đạo tỉnh, huyện và địa phương cùng đông đảo nhân dân đã có mặt để đón những đầu tượng Phật này, sau đó 8 chiếc xe có cảnh sát hộ tống chở những chiếc hộp đựng đầu tượng Phật về huyện Linh Thạch.

Ngày 30 tháng 3, những lá cờ ngũ sắc Phật giáo bay phấp phới trước cửa chùa Tư Thọ, hàng ngàn nhân dân đã vui mừng chào đón sự trở về của 18 đầu tượng Phật La Hán. Trong buổi lễ đón tiếp long trọng này, ông huyện trưởng huyện Linh Thạch đã cảm ơn tấm lòng cao quý của ông Trần Vĩnh Thái để những báu vật được trở về với chùa Tư Thọ, cảm ơn chính quyền và các cơ quan Thượng Hải giúp đỡ chi phí vận chuyển những báu vật từ Đài Loan về địa phương.

Công việc lắp các đầu tượng phật được giao cho nhà điêu khắc Quách Thành Bảo. Sau một tuần làm việc miệt mài, cẩn thận, các đầu tượng Phật đã được ghép nối một cách sống động như ban đầu. Sau vụ việc này, chùa Tư Thọ được đã tân trang lại, bây giờ trở nên tráng lệ và tôn nghiêm chào đón khách du lịch trong và ngoài nước.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm