Khám phá

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật sau việc Lưu Bị nhận con nuôi ở Kinh Châu rồi lại ra tay xử tử

Trong khoảng thời gian ở Kinh Châu, Lưu Bị từng thu nhận Lưu Phong là con nuôi. Có ý kiến cho rằng việc này thực chất là 1 nước cờ thâm độc và đầy toan tính của vị quân chủ họ Lưu.

Gia Cát Lượng hay Lỗ Túc chia ba thiên hạ thời Tam quốc? / Tam quốc diễn nghĩa: Không phải thần y, vì sao Gia Cát Lượng có thể chữa được bệnh cho Chu Du?

Năm Kiến An thứ 6, Lưu Bị xuôi nam nương nhờ vào thế lực của một tôn thất nhà Hán ở Kinh Châu là Lưu Biểu. Tính đến trước năm 211 khi được Lưu Chương mời nhập Xuyên, ông đã có tới 10 năm gây dựng lực lượng trên mảnh đất này.

Trong khoảng thời gian ấy, Lưu Bị đã chiêu mộ được không ít nhân tài xuất chúng như Gia Cát Lượng, Ngụy Diên… Bên cạnh đó, vị quân chủ họ Lưu còn quyết định một việc được nhiều người cho là đại sự. Đó chính là thu nhận người con nuôi Lưu Phong.

Thế nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn nằm ở chỗ, vì sao Lưu Bị lại nhìn trúng Lưu Phong – một người vốn là hậu duệ của gia tộc họ Khấu không mấy nổi danh thời bấy giờ?

Đây phải chăng là một quyết định được tạo dựng bởi lòng nhân nghĩa, hay thực chất là một vở kịch mang đầy toan tính của Lưu Huyền Đức năm ấy?

Lý do chủ yếu khiến Lưu Bị thu nhận con nuôi ở Kinh Châu: Ám ảnh vì nỗi lo... tuyệt tự?

1

Lưu Phong được sử cũ miêu tả là người có sức khỏe, học võ nghệ, từng cùng Lưu Bị xông pha trận mạc và lập nhiều chiến công. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Lưu Phong (? – 220) vốn có tên thật là Khấu Phong, là tướng nhà Thục Hán và cũng là con nuôi của Lưu Bị - vị vua sáng lập nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Về thân thế và mối lương duyên của người dưỡng tử này với Lưu Huyền Đức, "Tam Quốc chí" phần "Lưu Phong truyện" có ghi lại:

"Lưu Phong, vốn là con của La hầu họ Khấu, là cháu ngoại của Lưu thị ở Trường Sa. Tiên chủ (chỉ Lưu Bị) đến Kinh Châu, bởi chưa có người kế tự, mới nhận Phong làm con nuôi".

Theo phân tích của tờ báo QQ News, thông tin trong "Tam Quốc chí" đã chỉ rõ lý do bề nổi mà Lưu Bị thu nhận Lưu Phong, đồng thời cũng khẳng định về vị trí ban đầu của người con nuôi này trong tập đoàn chính trị Thục Hán.

Tờ báo trên nhận định, Lưu Bị thu nhận Lưu Phong làm "dưỡng tử" chứ không phải "nghĩa tử", điều này đồng nghĩa với việc bản thân quân chủ họ Lưu ban đầu đã có ý định cho Lưu Phong quyền lợi thừa kế đại nghiệp của mình.

 

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật sau việc Lưu Bị nhận con nuôi ở Kinh Châu rồi lại ra tay xử tử - Ảnh 2.

Phải tới năm 207, người kế nghiệp của Lưu Bị là Lưu Thiện mới ra đời. Do đó với vào thời điểm năm 201 khi tới Kinh Châu, ông dù đã ở tuổi tứ tuần nhưng vẫn chưa có con nối dõi. (Ảnh minh họa).

Mặc dù mốc thời gian chính xác của sự kiện ông nhận con nuôi cũng không được chính sử đề cập cụ thể, nhưng có thể khẳng định đó là vào trước năm 207 khi Lưu Thiện ra đời.

Sử cũ ghi lại, Lưu Bị sinh năm 161, ở vào thời điểm tới Kinh Châu và thu nhận Lưu Phong thì tuổi đã bước sang 40.

Trong quan niệm của cổ nhân Trung Hoa xưa, một người đàn ông bước qua tuổi tứ tuần mà chưa con nối dõi như Lưu Bị thì rất có thể sẽ không có hậu duệ đời sau. Lưu Bị có lẽ cũng bởi lo ngại điều này, vì thế đã quyết định nhận Lưu Phong làm con nuôi và cho người dưỡng tử này tư cách kế thừa gia nghiệp.

Như vậy ở vào thời điểm ban đầu, quyền lợi và địa vị mà Lưu Bị cho Lưu Phong quả thực không khác mấy so với con đẻ. Thậm chí vị quân chủ này trong những năm tháng hàn vi khi ấy cũng từng có ý coi Lưu Phong làm người kế thừa, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nỗi lo sợ bị tuyệt tự của Lưu Huyền Đức.

 

Gia thế không tầm thường của người con nuôi Lưu Phong: Xuất thân là hậu duệ của khai quốc công thần Đông Hán

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật sau việc Lưu Bị nhận con nuôi ở Kinh Châu rồi lại ra tay xử tử - Ảnh 3.

Mặc dù "Tam Quốc chí" chỉ nói đề cập rất ngắn gọn về gia thế của Lưu Phong, nhưng theo phân tích của các học giả hiện đại thì người con nuôi này lại sở hữu lai lịch không hề tầm thường. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Mặc dù Lưu Bị vì tình thế bắt buộc nên mới phải thu nhận Lưu Phong, thế nhưng có nhiều ý kiến cho rằng một người cẩn thận như ông chắc chắn không thể tùy tiện lựa chọn con nuôi, nhất là đối với người dưỡng tử có khả năng sẽ kế thừa cơ nghiệp của mình.

Về lý do Lưu Phong được Lưu Bị nhìn trúng, QQ News cho rằng yếu tố đầu tiên bắt nguồn từ lai lịch gia tộc vốn không tầm thường của người con nuôi này.

Đối với dòng dõi bên nội của Lưu Phong, "Tam Quốc chí" chỉ gói gọn trong mấy chữ: "Vốn là con của La hầu họ Khấu".

 

Điều này đã khẳng định, Lưu Phong vốn mang họ Khấu, là con ruột của một vị La hầu xuất thân từ Khấu thị. Điểm đáng nói hơn là gia tộc này dù không mấy nổi danh nhưng lại có lai lịch không hề đơn giản.

Theo giải thích của QQ News, huyện La là một trong 12 huyện thuộc quận Trường Sa ở đất Kinh Châu. Vì thế tước vị "La hầu" thực chất là một huyện Hầu.

Vào thời Đông Hán, người có thể được phong Hầu, hơn nữa còn là huyện Hầu vốn không thể có xuất thân đơn giản. Những nhân vật được hưởng tước vị này chủ yếu có 2 loại: Là người lập công được phong thưởng hoặc nằm trong dòng dõi ngoại thích.

Ghi chép của các tài liệu lịch sử thời kỳ này cũng cho thấy, Đông Hán quả thực có tước vị La hầu. Tuy nhiên người được phong chức vị này là 2 hậu duệ của hai gia tộc ngoại thích là Đậu thị và Đặng thị chứ không có Khấu thị.

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật sau việc Lưu Bị nhận con nuôi ở Kinh Châu rồi lại ra tay xử tử - Ảnh 4.

Có gia tộc của cha làm chỗ dựa vững chắc về thanh thế, Lưu Phong nhanh chóng được Lưu Bị nhìn trúng và chọn làm con nuôi vì nhiều mục đích. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

 

Nhân vật lịch sử mang họ Khấu nổi danh thời bấy giờ là Khấu Tuân, vị tướng đứng hàng 5 trong 28 tướng Kim Vân Đài có công giúp Hán Quang Vũ Đế kiến lập nhà Đông Hán. Thế nhưng sử liệu không ghi lại mối quan hệ của dòng họ này với La hầu Khấu thị.

Do đó, theo lý giải của các học giả hiện đại, tước vị La hầu Khấu thị của gia tộc Lưu Phong rất có thể thuộc về 1 trong 2 giả thiết dưới đây.

Giả thiết thứ nhất cho rằng, hậu nhân của tướng Khấu Tuân là Khấu Vinh năm xưa bị vu oan và xử tử vào thời Hán Hoàn Đế. Tuy nhiên vào các đời vua sau đó đã được phục vị và ban cho chức La hầu.

Giả thiết thứ hai lại khẳng định, do họ Đậu và họ Khấu trong tiếng Hán có âm đọc tương tự nhau nên đã bị người đời đọc sai. Vì thế Lưu Phong vốn mang họ Đậu và là hậu duệ của danh tướng Đậu Dung - người cũng nằm trong danh sách 28 tướng Kim Vân Đài có công lập quốc.

Và dù cho sự thật có thuộc về giả thiết nào thì Lưu Phong vẫn là hậu duệ của một trong vị đại tướng quân khai quốc công thần nhà Đông Hán. Điều này cũng khẳng định xuất thân con nuôi Lưu Bị vốn chẳng hề tầm thường.

 

Một nửa dòng máu của Hán thất - yếu tố chủ chốt giúp Lưu Phong trở thành con nuôi Lưu Bị

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật sau việc Lưu Bị nhận con nuôi ở Kinh Châu rồi lại ra tay xử tử - Ảnh 5.

So với gia tộc họ Khấu, Lưu Bị có lẽ càng để tâm hơn tới dòng dõi bên ngoại có xuất thân là tôn thất nhà Hán của Lưu Phong. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Không chỉ sở hữu bệ đỡ là gia tộc bên nội rất có thanh thế, mẫu tộc của Lưu Phong lại càng trở thành lý do khiến Lưu Bị nhất quyết thu nhận ông làm dưỡng tử.

Đề cập tới họ ngoại của người con nuôi này, "Tam Quốc chí" khẳng định ông là "cháu ngoại của Lưu thị ở Trường Sa". Điều này đồng nghĩa với việc Lưu Phong ngay từ đầu đã mang trong mình một nửa dòng máu của tôn thất nhà Hán.

Về chi nhánh hoàng tộc họ Lưu tại Trường Sa, những người này vốn là hậu duệ của Lưu Hưng – người họ hàng được Hán Quang Vũ Đế phong làm Trường Sa vương sau khi lập ra nhà Đông Hán.

 

Mặc dù Lưu Hưng sau đó bị giáng xuống làm Lâm Tương Hầu, thế nhưng gia tộc Lưu thị tại đây trước sau vẫn mang dòng dõi hoàng thất và từ sớm đã có thanh thế ở mảnh đất này.

Luận tới mối quan hệ thân – sơ trong dòng tộc, thì Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú và Lưu Hưng này đều là hậu duệ của Định vương Lưu Phát – một trong số những người con trai của Hán Cảnh Đế.

Chưa dừng lại ở đó, Lưu Bị lúc sinh thời thường tự xưng là hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, mà Lưu Thắng và Lưu Phát đều là con của Hán Cảnh Đế và cũng là anh em cùng cha khác mẹ.

Như vậy thì có thể thấy, Lưu Phong và Lưu Bị từ ban đầu cũng đã sở hữu mối quan hệ họ hàng được tính là gần nếu so với những chi, nhánh khác của tôn thất nhà Hán.

Đây rất có thể cũng là lý do khiến Lưu Bị nhận người họ hàng này làm con kế nghiệp để phòng trừ trường hợp dòng họ của mình không có người nối dõi.

 

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật sau việc Lưu Bị nhận con nuôi ở Kinh Châu rồi lại ra tay xử tử - Ảnh 6.

Mặc dù được Lưu Bị thu nhận làm con nuôi, thế nhưng Lưu Phong lại phải chịu kết cục bi thảm. Có nhiều người cho rằng cái chết của ông chính là nước cờ của Lưu Bị nhằm dọn đường cho người con đẻ Lưu Thiện kế nghiệp sau này. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Đối với quyết định nhận Lưu Phong làm con nuôi của Lưu Bị, có nhiều ý kiến cho rằng người dưỡng tử này thực chất cũng chỉ là một nước cờ trên bàn cờ chính trị đầy toan tính.

Theo đó, vị quân chủ họ Lưu muốn thu nhận một người con có thân thế không tầm thường nhằm nâng cao danh tiếng và củng cố địa vị của mình ở vùng đất Kinh Châu – một trong những mảnh đất chiến lược quan trọng mà Khổng Minh đã chỉ rõ trong "Long Trung đối".

QQ News cũng cho rằng, một người có tính cách thận trọng, lại nuôi hùng tâm tráng chí như Lưu Huyền Đức ắt cũng không thể tùy tiện nhận con nuôi, chứ chưa kể tới việc ông từng coi đó là người kế nghiệp.

Và cũng bởi Lưu Phong là hậu duệ của khai quốc công thần, lại thêm mẫu tộc là hoàng thất chính thống, nên nhân vật này mới được Lưu Bị nhìn trúng chứ không phải ai khác.

 

Chỉ tiếc rằng lịch sử đem tới cho hai người họ mối duyên cha con, nhưng lại không thể ưu ái cho Lưu Phong thực sự trở thành người kế nghiệp của Thục Hán.

Bởi lẽ sau này, Lưu Bị đã có tới 4 người con trai ruột. Còn bản thân Lưu Phong cũng phụ lòng tin tưởng của ông, từ chối hiệp trợ Quan Vũ trong sự biến Kinh Châu và bị chính cha nuôi mình xử tử.

Theo PV/Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm