Tào Tháo: Một mình chống lại... “mafia”
Rắn "khoe" bản lĩnh cắn chặt cá trong mồm / Khoảnh khắc bình yên đến lạ của mẹ con báo đốm
Không muốn làm kẻ ác cũng khó
Người đời rất khen Tào Tháo về chuyện giết Kiển Thạc. Một số sử gia gọi Tháo là con người “không sợ cường bạo”, “nghiêm chỉnh thực thi pháp luật”. Kẻ bị Tháo giết là người nhà của hoạn quan, hơn nữa là một hoạn quan có quyền thế. Nhưng nếu kẻ phạm pháp là người khác thì sao? Chắc chắn Tháo vẫn giết, không có gì phải bàn. Điều này đã tỏ rõ cái oai, cái chính nghĩa, cái tính hiếu sát của Tào Tháo.
Đây có thể coi như mở đầu cho giai đoạn sau này Tháo giết rất nhiều người mà không hề chùn tay. Nó chứng minh tính cách cứng rắn đi đôi với biện pháp quyết liệt của ông ta, một khi quyền lực trong tay, ông ta không hề run tay trong việc giết người. Đây là cái ác tiềm ẩn trong con người ông ta. Tuy nhiên, thời của Tào Tháo là thời loạn. Thời loạn thì hình phạt phải nặng. Tào Tháo không muốn làm kẻ ác cũng khó.
Nói gì thì nói, ta không thể biết chính xác Tào Tháo khi đó nghĩ gì? Chỉ biết chính xác rằng, ông ta đã đắc tội với bọn quyền quí, với tập đoàn quan hoạn. Có điều, chúng không thể làm gì ông, vì ông có chính nghĩa, và lại có “ô dù” ở trong triều, nên chỉ bị điều đi Đốn Khưu (nay là huyện Thanh Phong, tỉnh Hà Nam) làm Huyện lệnh. Chuyện này chép trong Tào Man truyện.
Tào Tháo tại nơi trị nhậm mới cũng rất tốt. Theo Tam quốc chí. Tào Man truyện, Tào Tháo có một đoạn hồi ức về thời kỳ này khi nói chuyện với con trai là Tào Thực: “Năm 23 tuổi, ta làm Huyện lệnh Đốn Khưu, nhìn lại những việc làm ngày ấy, không có gì phải hối hận”.
Liên tục bị bãi chức, từ quan
Tiếc rằng sau đó không lâu, Tào Tháo bị liên lụy trong vụ anh rể Tống Kỳ, nên bị miễn chức Huyện lệnh, bị triệu hồi về triều làm Nghị lang. Về sau còn đảm nhiệm các chức vụ như Tế Nam tướng (Tế Nam là một thành cũ hiện còn ở phía đông Lịch Thành, tỉnh Sơn Đông).
Trong thời kỳ này, Tháo bị một lần miễn chức, hai lần từ quan, ba lần bị triệu về Kinh làm Nghị lang. “Nghị lang” là “cán bộ nghiên cứu”. Dù ở chức vụ nào, Tào Tháo cũng làm tốt chức phận. Làm nghiên cứu thì nghiên cứu và đề xuất chính sách, làm quan địa phương thì ra sức giữ gìn pháp luật. Nhưng tất cả những sớ biểu của Tháo dâng lên triều đình đều không một hồi âm.
Những chuyện ông thực thi pháp luật, đả kích cường hào, nghiêm trị bọn tham nhũng, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, đều như châu chấu đá xe, trứng chọi với đá (theo cách gọi ngày nay như thể một mình chống lại mafia). Sở dĩ ông không bị tai họa, là vì ông có “ô dù” trong triều. Nhưng triều đình lại tuyên dương ông có công “làm rạng rỡ cổ học”, đủ thấy dụng ý của tầng lớp quyền quí như thế nào.
Không phải là kẻ biết thời thế
Thực ra, có lẽ do còn quá trẻ, Tào Tháo không hiểu một chân lý đơn giản: Muốn làm “năng thần” (bề tôi giỏi) thì phải có điều kiện.
Thứ nhất là phải xem thời thế. Nếu như giặc giã nổi như ong, thì còn cách như Gia Cát Lượng viết trong xuất sư biểu: “Mong giữ được tính mạng trong thời loạn, không cần nổi tiếng với chư hầu”.
Thứ hai, phải xem tình hình chính trị. Nếu như nay đúng mai sai, lúc thế này lúc thế khác (Thành đầu biến ảo đại vương kỳ) thì giả ngây giả dại là tốt nhất, vì rất dễ “đứng nhầm chỗ”, toi mạng như chơi.
Thứ ba là phải xem ý tứ các bậc bề trên. Nếu các vị bề trên hèn yếu ngu si, không phân biệt được đúng sai hay dở, người tốt kẻ xấu, thì mình có giỏi đến mấy cũng không được dùng.
Và cuối cùng, thì dù là thời thịnh trị, gặp minh quân, thì cũng phải xem cá tính và tình cảm bề trên như thế nào. Tỉ như Hán Văn Đế không thể coi là con người hồ đồ (triều đại ông ta rất nổi tiếng trong lịch sử). Ông ta cũng rất thích Giả Nghị (cất nhắc ông này đến chức Đại trung đại phu). Ấy vậy mà do tính tình không hợp, Giả Nghị bị biếm trích đi Trường Sa, để suốt ngày thở vắn than dài, rồi chết bệnh ở đó.
Khi Tào Tháo ra làm quan, chưa có thể gọi là thời loạn, nhưng đã rất nhốn nháo. Tháo sinh vào thời Hoàn Đế, lớn lên thời Linh Đế, tức sinh năm Vĩnh Thọ thứ nhất đời Hoàn Đế (155 sau công nguyên), làm quan năm Hi Bình thứ ba đời Linh Đế (174 sau công nguyên).
Tự sát vì triều đình bắt phải... làm quan
Hoàn Đế và Linh Đế là hai đời vua tệ hại nhất trong lịch sử hơn bốn trăm năm nhà Hán. Gọi “thời Hoàn - Linh” là chỉ thời đại vua mê muội, quan gian giảo, chính trị thối nát.
Thí dụ, thời Hoàn Đế, triều đình mua quan bán tước, mà lại có giá công khai, niêm yết hẳn hoi. Phẩm trật thì mỗi thạch là một vạn tiền. Chức huyện phó, phẩm trật bốn trăm thạch là bốn triệu tiền; phẩm trật hai ngàn thạch là hai mươi triệu tiền; nếu muốn xếp vào hàng tam công thì thêm mười triệu. Khi nhậm chức chính thức, nộp một nửa. Đương nhiên khi người ta mua quan bằng tiền, không ai bỏ tiền túi ra mua, mà sau khi nhậm chức sẽ tìm mọi cách moi của dân để bù lại, triều đình có biết cũng lờ đi, không can thiệp.
Thí dụ, một vị tên là Tư Mã Trực được bổ nhiệm làm Thái thú, phải nộp tiền, nhưng được giảm ba triệu vì hoàn cảnh gia đình có khó khăn. Tư Mã Trực thở dài nói, là cha mẹ của dân mà vơ vét của dân để thu hồi số tiền đã bỏ ra mua quan thì tàn nhẫn quá. Bèn xin thôi không nhận chức Thái thú. Triều đình thấy rất có thể xôi hỏng bỏng không, bèn không cho ông ta từ chức. Không còn lối thoát, Tư Mã Trực đành tự sát trên đường đi. Trước khi chết, ông ta để lại di thư, lên án cảnh mua quan bán tước, coi đó là cái điềm mất nước. Chuyện này kinh động cả triều đình.
Bố Tào Tháo lên chức Thái úy nhờ... bám váy phụ nữ
Xem ra, Tư Mã Trực chết vô ích. Vì rằng thời Linh Đế, việc mua quan bán tước không những không chấm dứt, mà ngày càng tệ hại. Bố Tào Tháo là Tào Tùng mua chức Thái úy hết 100 triệu, tương đương mười vạn nén vàng, giấc mơ “tam công” coi như đã đạt (nhưng sau đó lại bị bãi miễn).
“Tam công” địa vị rất cao, nhiều người thèm muốn. Khi ấy có Thôi Liệt, danh sĩ Quí châu, dòng dõi thư hương, xa gần đều nể trọng. Bằng vào nỗ lực bản thân, Thôi Liệt nhiều năm đảm nhiệm chức Quận thú, hàm Cửu khanh. Thấy mọi người mua quan, ông ta cũng không thể ngồi yên.
Khi ấy, bảo mẫu của nhà vua là Trình phu nhân bảo Thôi Liệt, bà ta có thể chạy cho ông ta với giá ưu đãi. Thôi Liệt giao cho bà ta một nửa số tiền. Nhà vua lập tức triệu tập công khanh, phong Thôi Liệt làm Tư Đồ. Có điều, nhà vua ngay sau đó tỏ ý tiếc rẻ, nói trước mặt quần thần, rằng vụ này triều đình bị lỗ. Trình phu nhân nghe nói vậy đâm cuống, nói chức quan của Thôi Liệt không phải mua, mà do bà ta giúp. Mọi người nghe nói vậy cười ồ, bám váy phụ nữ để được một chức quan, chẳng thà bỏ tiền ra mua!
Chuyện mua quan khiến Thôi Liệt bẽ mặt, ngay cả con trai ông ta cũng khó chấp nhận. Con trai Thôi Liệt là Thôi Quân, giữ chức Hổ bôn Trung lang tướng. Một hôm, Thôi Quân mặc khôi giáp từ doanh trại về nhà. Thôi Liệt hỏi con trai: Ta từ khi ở ngôi Tam công có ai nói gì không?
Thôi Quân nói, đại nhân từ nhỏ đã thành danh, nhiều năm làm quận thú, mọi người đều bảo đại nhân ở ngôi tam công cũng không có gì đáng hổ thẹn. Nhưng lần này, đại nhân khiến thiên hạ thất vọng. Thôi Liệt hỏi vì sao? Thôi Quân nói, bởi vì trên người đại nhân có mùi tanh của đồng. Thôi Liệt cả giận, vác gậy đánh con. Thôi Quân bỏ chạy. Thôi Liệt chửi, bố đánh mà con bỏ chạy thì hiếu đạo để đâu? Thôi Quân nói, xưa kia vua Thuấn hầu hạ bố đẻ, bị đánh roi thì còn chịu, nhưng đánh bằng gậy thì bỏ chạy, vậy mà không bị coi là bất hiếu. Thôi Liệt cứng họng, ông ta tự cảm thấy xấu hổ. Có thể nói thời Hoàn Đế, Linh Đế cực kỳ thối nát.
“Tú tài không biết chữ, Hiếu liêm đuổi bố đi”
Nhưng nói rằng nhà Đông Hán diệt vong là do Hoàn Đế và Linh Đế thì không công bằng. Trên thực tế, kể từ Vương Mãng cướp ngôi, Quang Vũ trung hưng trở đi, vương triều Hán đã không còn sức sống.Ngoại thích lộng quyền, hoạn quan lũng đoạn, quân phiệt xưng hùng, gian thần nắm hết các chức vụ quan trọng, quan tham mặc sức vơ vét, dân chúng chỉ còn cạp đất mà ăn. Đạo đức suy đồi, tình hình xã hội càng nát bét. Khi ấy, người dân có câu: “Tú tài không biết chữ, Hiếu liêm đuổi bố đi/Cương trực chết bên đường/Lèo lá làm quan lớn”, đủ thấy sự vô liêm sỉ, miệng phật tâm xà đã trở thành thời thượng lúc bấy giờ.
Năm 142 sau công nguyên, năm Hán An thứ nhất đời Hán Thuận Đế, triều đình cử 8 Ngự sử đi tuần tra toàn quốc, hi vọng chấn chỉnh tệ nạn ở các địa phương. Trong đoàn có viên quan ngự sử trẻ nhất tên là Trương Cương. Vừa ra khỏi kinh thành, Trương Cương liền sai đào một cái hố rồi tháo bánh xe vứt xuống đó. Bộ hạ hỏi nguyên do, Trương Cương cười nhạt đáp: “Chó sói đứng đường, thì cầy cáo có nghĩa gì?” (sài lang đương đạo, an vấn hồ li) ý nói, quyền lực triều đình đều do bọn đại gian, đại ác nắm giữ, bắt bớ mấy viên quan tép riu ở các địa phương phỏng có tác dụng gì.
Khiến phường gian ác phải bỏ trốn sang quận khác
Thời đại của Tào Tháo là như thế. Khi làm quan ở địa phương, ông ta quyết tâm thực thi những biện pháp quyết liệt để duy trì trật tự kỷ cương, không nương tay với kẻ ác. Ông ta cách chức bọn tham quan, trừng trị bọn coi thường luật pháp, bọn gian ác khi nhắc đến ông đều tái mặt, thậm chí bỏ trốn sang quận khác (tiểu đại chấn bố, gian cứu tuần đào, xuyến nhập tha quận - Tam quốc chí. Võ đế kỷ ), kết quả “chính giáo được thực thi khắp quận, dân tình yên ổn” (chính giáo đại hành, nhất quận thanh bình – Tào Man truyện). Vậy mà thư nặc danh và những lời tố điêu liên tiếp đến tai nhà vua, triều đình nhiều lần triệu ông về kinh hoặc điều động đi trị nhậm nơi khác. Nếu không có bố là Tào Tùng che chở, chắc chắn Tào Tháo đã bị bọn gian thần hãm hại.
Lúc này, Tào Tháo đã quá hiểu triều đình và quan trường. Ông hiểu vương triều Hán đã đến lúc không thể cứu vãn. Thiên hạ đại loạn là không tránh khỏi.. Mà dù không loạn thì triều đình và quan trường thối nát cần gì “năng thần “(bề tôi giỏi)? Từ đó, Tào Tháo không dâng thư, dâng sớ, kiến nghị chuyện này chuyện khác nữa (Thái tổ tri bất khả khuông chính, toại bất phục hiến ngôn - Tam quốc chí. Võ đế kỷ) và từ chối triều đình cất nhắc ông lên chức Thái thú lương 2.000 thạch, cáo bệnh về quê (xưng tật qui cố lý- Tào Man truyện), dựng nhà, đóng cửa đọc sách, khi rỗi rãi đi săn giải khuây. Tuy vậy, ông vẫn chăm chú theo dõi tình hình đất nước.
Thời cơ tái xuất
Tào Tháo tái xuất là lúc tình thế đã vô cùng hỗn loạn. Năm 189 sau công nguyên, Hán Linh Đế chết, để lại hai con trai là Lưu Biện 14 tuổi và Lưu Hiệp 9 tuổi, không đủ năng lực chấp chính, khống chế tình hình. Tập đoàn sĩ phu do đại tướng Hà Tiến cầm đầu đấu đá quyết liệt với tập đoàn hoạn quan mà đại diện là “Thập thường thị”, khiến chính quyền trung ương rơi vào tay Đổng Trác.
Dưới con mắt các sĩ đại phu, bọn Đổng Trác không phải giống người, chỉ là một lũ sài lang, không hơn không kém. Người ta kể rằng, Đổng Trác rất thích trong cảnh đại yến quần thần, Trác vừa ôm cung nữ sờ mó hôn hít, vừa bất chợt sai võ sĩ lôi một viên quan trong đám tiệc ra đánh chết tươi, hoặc dùng cực hình tra tấn một kẻ chống đối, ngay trước mặt bá quan văn võ.
Đổng Trác phế Lưu Biện xuống Hoằng Nông Vương rồi đầu độc chết; lập Lưu Hiệp lên ngôi (tức Hiến Đế); giết hại các quan; dâm loạn hậu cung. Quân lính của Trác giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ. Kinh thành Đông Hán thực sự trở thành địa ngục trần gian.
Con đường trở thành bề tôi tốt đi vào ngõ cụt
Đổng Trác mất lòng dân, không được các địa phương ủng hộ và trở thành mục tiêu chống đối của cả nước. Trác không thể đối phó tình trạng trong triều hỗn loạn, bốn phương nổi dậy. Vì vậy có thể nói, kể từ sau khi Đổng Trác đem quân vào kinh, vương triều nhà Hán trên thực tế đã diệt vong. Từ đó trở đi, thiên hạ đại loạn.
Chính quyền trung ương mất sức khống chế, giặc giã nổi lên như ong, những kẻ có vũ khí tụ tập đi ăn cướp, quan lại địa phương tự trang bị trở thành quân phiệt. Trên toàn bộ lãnh thổ xuất hiện tình hình địa phương tự trị, quân phiệt cát cứ, chư hầu thanh toán lẫn nhau.
Trước tình hình như vậy, Tào Tháo không còn điều kiện để trở thành “năng thần”. Ông ta buộc phải xem xét lại lí tưởng đời mình. Trước mắt chỉ có ba con đường: Anh hùng, kiêu hùng, gian hùng. Đổng Trác, Viên Thiệu, Viên Thuật chọn “kiêu hùng”, trở thành các “trùm sò”, “đại ca”. Lưu Bị chọn “anh hùng” nhưng lực bất tòng tâm, mặc dù có Khổng Minh cúc cung tận tụy. Anh em Tôn Sách, Tôn Quyền chỉ là quân phiệt địa phương cỡ bự. Còn Tào Tháo thì sao?
End of content
Không có tin nào tiếp theo