Thái giám xui xẻo nhất Trung Quốc: Phải nhờ cha 'thiến', vừa thành hoạn quan đã gặp điềm dữ
Hại chồng, giết con, Võ Tắc Thiên làm trò cười cho thiên hạ vì muốn làm "người tốt" / 'Màn bí mật' quanh cái chết đầy khuất tất của Võ Tắc Thiên
Vào thời phong kiến, hoàng cung Trung Hoa từng có xuất hiện một tầng lớp dù mang thân phận nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò không thể thiếu đối với các sinh hoạt của hoàng tộc. Đó chính là tầng lớp hoạn quan, thái giám.
Mặc dù đã từng có giai đoạn, lịch sử nước này ghi nhận nhiều trường hợp hoạn quan lũng đoạn triều chính, tham ô, lộng hành. Thế nhưng đó vẫn chỉ là số ít những trường hợp may mắn có cơ hội phất lên từ thân phận thái giám.
Nếu đánh giá một cách khách quan, đại đa số những người thuộc tầng lớp này đều có một cuộc sống chẳng hề dễ dàng, nếu không muốn nói là vô cùng bất hạnh.
Trong số đó, bi kịch nhất phải kể tới trường hợp của Tôn Diệu Đình – hoạn quan cuối cùng của Thanh triều và cũng là thái giám cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Con đường đến Tử Cấm Thành đầy gian nan của thái giám Tôn Diệu Đình
Chân dung Tôn Diệu Đình - vị thái giám cuối cùng của vương triều Mãn Thanh nói riêng và Trung Hoa phong kiến nói chung. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Tôn Diệu Đình (1902 – 1996) sinh ra trong một gia đình nghèo khó có ba anh em tại huyện Tĩnh Hải thuộc Thiên Tân xưa. Khi còn nhỏ, gia cảnh thuần nông của gia đình ông vốn đã chẳng hề khá giả, cha mẹ dù quanh năm cày cấy vẫn chẳng thể nuôi nổi mấy miệng ăn.
Tới lúc đất đai bị chiếm đoạt, cả nhà họ Tôn rơi vào cảnh thất nghiệp, họ buộc phải lang thang khắp đầu đường cuối ngõ ăn xin mới may mắn có được miếng cơm cầm cự qua ngày.
Vào thời điểm bấy giờ, vương triều Mãn Thanh dù đã suy vi nhưng ít ra vẫn còn nắm quyền thống trị trên lãnh thổ Trung Hoa. Vì vậy, con đường trở thành thái giám tuy có nhiều thiệt thòi nhưng vẫn sáng sủa hơn việc ngày ngày đi xin ăn từng bữa.
Khi gia cảnh đã bần hàn tới cùng cực, Tôn Diệu Đình không còn cách nào khác ngoài việc hy sinh cuộc đời của một người đàn ông chân chính để trở thành hoạn quan.
Thế nhưng cũng bởi hoàn cảnh quá túng bấn, ông thậm chí còn không có đủ tiền để vào cung báo danh và trải qua quá trình "tịnh thân" (hoạn) một cách cẩn thận như những người khác.
Bấy giờ, để có thể khoác trên mình tấm áo của thái giám, Tôn Diệu Đình không còn cách nào khác ngoài việc cắn răng ở nhà để cha mình dùng dao cạo dâu để... thiến!
Tuy nhiên cũng vì điều kiện quá thiếu thốn, lại thêm vết thương đau đớn, ông đã ngất xỉu và bất tỉnh tới tận mấy ngày sau khi thực hiện quá trình cắt da cắt thịt ấy.
Tới khi tỉnh lại, Tôn Diệu Đình càng không khỏi rụng rời vì nghe được một tin "sét đánh ngang tai": Vua Phổ Nghi tuyên bố thoái vị, Thanh triều đã chính thức sụp đổ trên lãnh thổ Trung Hoa.
Điều này đồng nghĩa với việc những người mang thân phận hoạn quan như ông dường như đã chẳng còn chốn dung thân ở trên đất nước này. Hoàn cảnh trớ trêu diễn ra năm ấy cũng là mở đầu cho con đường làm hoạn quan đầy rẫy những bi kịch của vị thái giám cuối cùng của Thanh triều.
Số phận long đong và kết thúc thầm lặng của vị thái giám tận tụy tới lúc cuối đời
Phải trải qua quá trình "tịnh thân" từ khi còn nhỏ, nhưng Tôn Diệu Đình sau nhiều năm làm chân chạy vặt ở một số phủ đệ mới có cơ hội bước chân vào Tử Cấm Thành làm thái giám. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Sau khi chế độ phong kiến sụp đổ, Tôn Diệu Đình mất một khoảng thời gian chật vật mới móc nối được với thái giám Hạ Đức Nguyên trong phủ Thuần Thân vương. Sau đó, ông được sắp xếp tới làm việc trong phủ của Bối lặc gia Tải Đào.
Trải qua một thời gian dài làm việc vặt ở phủ Bối lặc, Tôn Diệu Đình nhờ có được một chút quan hệ nên đã chính thức được vào làm trong Tử Cấm Thành.
Bấy giờ, mặc dù Thanh triều trên danh nghĩa đã diệt vong, nhưng một số nhân vật hoàng tộc vẫn ở lại hoàng cung và duy trì nếp sinh hoạt không mấy khác biệt so với trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người thái giám như Tôn Diệu Đình ít ra cũng vẫn có "đất dụng võ".
Nhờ vào vốn liếng được học hành lúc nhỏ và kinh nghiệm làm việc trong phủ bối lặc, hoạn quan họ Tôn này chẳng mấy chốc đã nằm trong số ít những thái giám có tiền đồ nhất lúc bấy giờ. Thế nhưng tiền đồ tưởng như xán lạn của ông lại bất ngờ bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi chỉ sau một đêm.
Năm đó sau khi Phổ Nghi thoái vị, hoàng tộc Mãn Thanh cũ mặc dù vẫn lưu lại Tử Cấm Thành, nhưng chế độ quản lý trong cung từ sớm đã chẳng thể nghiêm ngặt như trước. Cũng bởi vậy mà hoàng cung thời đó thường xuyên xảy ra nhiều vụ việc thái giám lén ăn trộm đồ và mang ra ngoài bán.
Một đêm nọ, Tử Cấm Thành đột nhiên xảy ra hỏa hoạn khiến rất nhiều tài vật bị thiêu hủy. Phổ Nghi khi đó vô cùng phẫn nộ và cho rằng các hoạn quan đã cố tình phóng hỏa để che giấu vết tích ăn trộm.
Dưới cơn nóng giận, ông đã hạ lệnh đuổi toàn bộ các thái giám ra khỏi Tử Cấm Thành, chỉ lưu lại một số rất ít thân tín nhằm phục vụ vài công việc hàng ngày. Trớ trêu thay, Tôn Diệu Đình cũng nằm trong số những hoạn quan không may bị đuổi khỏi hoàng cung.
Thế nhưng sau đó người làm trong Tử Cấm Thành quá ít, nên hoàng tộc lại chiêu mộ thái giám, ông cũng nhờ vậy mà được quay trở lại kinh thành và tới Trữ Tú cung phục vụ Uyển Dung hoàng hậu.
Từng hầu hạ qua những nhân vật hoàng tộc nổi tiếng như vua Phổ Nghi, Uyển Dung Hoàng hậu... Tôn Diệu Đình cũng là một trong số ít những người biết được nhiều ẩn tình trong cuộc đời của họ. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Sau này, Phổ Nghi cùng gia tộc Ái Tân Giác La bị đuổi khoảng Tử Cấm Thành. Tầng lớp thái giám như Tôn Diệu Đình một lần nữa rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thời đại bấy giờ đang quá mức nhiễu loạn, vị thái giám họ Tôn ấy chỉ còn cách trở về quê cũ, cắn răng sống trong sự đàm tiếu và dè bỉu của họ hàng, làng xóm.
Mấy năm sau, chính quyền "Ngụy Mãn châu quốc" được thành lập ở phía đông bắc lãnh thổ Trung Hoa. Ông lại lặn lội từ quê nhà tới đây để phục vụ cho hoàng tộc của chính quyền bù nhìn này.
Thế nhưng chẳng được bao lâu, Tôn Diệu Đình vì mắc phải bệnh lao phổi mà bị "sa thải". Sau lần này, ông đã quyết định không trở về quê cũ mà tới Bắc Kinh tá túc tại chùa Hưng Long.
Vì những biến cố lịch sử liên tiếp diễn ra, cuộc sống của ông càng lúc càng sa sút. Thậm chí đã từng có những giai đoạn, Tôn Diệu Đình dù già cả, ốm yếu nhưng vẫn còn phải đi thu gom phế liệu để có tiền trang trải qua ngày.
Tới khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, Tôn Diệu Đình ở tuổi ngoài bát tuần đã trở thành vị hoạn quan cuối cùng của Trung Hoa phong kiến còn sống vào thời điểm đó.18:50 ngày 17 tháng 12 năm 1996, vị thái giám cuối cùng ấy đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 94, khép lại một cuộc đời đầy biến cố và bi kịch.
Thứ giá trị nhất mà ông để lại cho hậu thế chính là tập tự truyện "Vị thái giám cuối cùng của Trung Quốc" – cuốn tư liệu quý giá cất chứa nhiều bí mật cung cấm thời xưa trong những năm tháng đầy biến động của lịch sử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vị đại tướng đốt toàn bộ bản kiểm điểm của các cán bộ, là huyền thoại được đích thân Bác Hồ đặt bí danh
Profile khủng của sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên làm Chánh Văn phòng cố vấn Cảnh sát LHQ ở New York
Tiết lộ 1 nơi ở Trung Quốc, nơi 'vàng' mọc trên cây
CLIP: Bị 3 con báo săn bao vây, linh dương nổi điên húc thủng bụng kẻ đi săn, thành công thoát thân
Khám phá loài động vật có khả năng đi lộn ngược 180 độ trên cây, hạ gục con mồi bằng chiêu tuyệt đỉnh
Nổi tiếng đa nghi, tại sao Tào Tháo lại đặt trọn niềm tin vào Hạ Hầu Đôn?