Khám phá

Thảm kịch của vị vua duy nhất chết trận trong sử Việt

Vua Trần Duệ Tông luôn chứng tỏ mình là một con người có cá tính và đầy quyết đoán. Chính điều này đã đem lại cho ông một kết cục bi thảm.

Trăn vua 'bất lực' nhìn kỳ đà cắn nát thân mình / Sửng sốt vị vua nổi tiếng thế giới giết người khổng lồ

Trên cương vị người lãnh đạo tối cao của dân tộc Đại Việt, vua Trần Duệ Tông luôn chứng tỏ mình là một con người có cá tính và đầy quyết đoán. Trớ trêu thay, chính điều này đã đem lại cho ông một kết cục bi thảm.

Vua Trần Duệ Tông (1336 – 1377), tên thật là Trần Kính, là con thứ mười một của vua Trần Minh Tông. Ông lên ngôi năm 37 tuổi, trở thành vị vua thứ 9 của nhà Trần.

Trần Duệ Tông là vị vua duy nhất chết trận trong sử Việt

Trần Duệ Tông là vị vua duy nhất chết trận trong sử Việt

Dù chỉ ở ngôi 4 năm, thời gian trị vì vua Trần Duệ Tông đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về tài năng, sự trong sạch, thanh liêm của đội ngũ quan lại và lòng quả cảm, ý thức tự lập, tự cường và thuần phong mỹ tục của dân tộc Đại Việt.

Sau khi lên ngôi, vua Trần Dụê Tông chủ trương chọn người thực tài phục vụ quốc gia, không coi đề cao yếu tố tôn thất. Những nho sĩ thời đó như Trạng nguyên Đào Sư Tích, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ, Thám hoa Trần Đình Thám… đều xuất thân từ bình dân và rất được coi trọng.

Để đối phó với sự quấy rối từ quốc gia lân bang, quân đội dưới thời vua Trần Duệ Tông được tổ chức chặt chẽ. Đặc biệt, ý thức dân tộc ở thời kỳ này rất được chú trọng. Vua hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm – Lào. Bên cạnh đó, ông còn quy định cụ thể về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trượng và y phục…

Trên cương vị người lãnh đạo tối cao của dân tộc Đại Việt, vua Trần Duệ Tông luôn chứng tỏ mình là một con người có cá tính và đầy quyết đoán. Trớ trêu thay, chính điều này đã đem lại cho ông một kết cục bi thảm.

Nǎm 1376, quân Chiêm Thành đánh vào vùng Hoá Châu (Nghệ An). Thấy người Chiêm luôn xâm phạm bờ cõi Đại Việt, vua Duệ Tông quyết định trực tiếp cầm quân đi trừng phạt.

Sau khi đánh dẹp nhiều đồn lũy của đối phương, đầu năm 1377 quân Trần vây thành Đồ Bàn - kinh đô vua Chiêm. Thấy khó chống, quân Chiêm bèn lập mưu cho người trá hàng nói Chế Bồng Nga đã bỏ trốn và chấp nhận mất thành.

Vua Duệ Tông trúng kế, ra lệnh tiến quân vào thành. Khi quân Đại Việt đến chân thành thì quân Chiêm từ 4 phía đổ ra đánh. Đại quân của vua Duệ Tông vỡ trận, bản thân vua bị giết chết khi chiến đấu trong tuyệt vọng.

Về trận đánh ở thành Đồ Bàn, sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại như sau:

“Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thị Nại của Chiêm Thành, sau lên đến Thạch Kiều, đóng lại ở động Ỷ Mang. Chế Bồng Nga cho dựng trại phía ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối là Bồng Nga đã chạy trốn, nay thành trống không. Vậy nên tiến quân gấp, chớ bỏ lỡ cơ may.

Ngày 24, Vua mặc áo đen, cưỡi ngựa đen pha sắc trắng, sai Ngự Câu Vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân. Đại tướng Đỗ Lễ thấy vậy can rằng:

Nó hàng là bởi trước muốn bảo toàn đất nước. Quan quân đi vào sâu để đánh phá thành là việc bất đắc dĩ, vậy xin hãy sai một biện sĩ mang thư đến hỏi tội, cốt xem hư thực ra sao, ấy cũng như kế của Hàn Tín phá nước Yên thuở xưa, không phải khó nhọc mà vẫn thành công vậy. Cổ nhân nói lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xét kĩ lại.

Vua nói:

- Ta mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi để vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu, thế là cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ kháng cự. Cổ nhân nói, dùng binh cốt ở thần tốc, nay nếu dừng lại không tiến, thì đúng là trời cho mà không lấy, giặc lập cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà.

Nói rồi lấy áo đàn bà cho Lễ mặc. Quân lính bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá, cánh trước cánh sau cách biệt, giặc thừa cơ xông ra đánh chặn. Giờ Tị quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết, bọn Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết cả".

Cái chết giữa thành Đồ Bàn khiến vua Trần Duệ Tông trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam bị giết chết trên chiến trường.

Các nhà sử học sau này đã có nhiều nhiều phán xét trái ngược nhau về cái chết của vua Trần Duệ Tông. Có ý kiến cho rằng ông đáng chê trách vì sự hiếu thắng và chủ quan khinh địch dẫn đến hậu quả thảm khốc cho quân đội Đại Việt. Nhưng cũng có người khẳng định Duệ Tông phải được kính trọng vì bản lĩnh, khí phách và cái chết cho lý tưởng chấn hưng dân tộc.

Có một điều không thể phủ nhận, cái chết của vua Duệ Tông là một bước ngoặt lịch sử lớn đối với nhà Trần, và thậm chí là cả tiến trình lịch sử của dân tộc.

Sau cái chết của ông, những người kế vị đều tỏ ra nhu nhược, triều đình ngày càng hỗn loạn. Vua anh Nghệ Tông vốn hoàn toàn dựa vào ông, nay phải dựa vào Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly), kẻ quyền thần nắm quyền thao túng triều chính và sau này này đã làm sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp nhà Trần.

Không còn một người cứng rắn như Trần Duệ Tông, quân Chiêm Thành được thể ngày càng lấn tới, trở thành một mối họa cho Đại Việt. Vua Trần Nghệ Tông tỏ ra bất lực hoàn toàn, sau này hễ vua Chế Bồng Nga tiến đánh lên phía Bắc là chỉ biết cùng Lê Quý Ly bỏ thành tháo chạy.

Theo Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm