Khám phá

Thiền sư từng hai lần cầm quân đánh bại quân Nguyên Mông

Ông là Thiền sư có tiếng thời Trần, có ảnh hưởng đến thiền học Việt Nam sau này. Ông từng hai lần cầm quân đánh bại quân Nguyên Mông.

Danh tướng chịu tiếng oan nhất Tam Quốc: Đánh bại Quan Vũ nhưng bị La Quán Trung bôi nhọ, cái chết đầy bí ẩn / ‘Chiến thần’ đất Việt giỏi hơn cả Triệu Vân của Tam Quốc có bố vợ là tướng quân vĩ đại bậc nhất lịch sử

tue-trung-thuong-si-1637419688.jpg
Thiền sư Tuệ Trung Thượng sĩ. Ảnh internet

Ông là Tuệ Trung Thượng sĩ (1230[1] – 1291), tên thật là Trần Tung (hay Trần Quốc Tung). Viết về ông, bách khoa toàn thư wikipedia chép:

Tuệ Trung Thượng sĩ là một tôn thất hoàng gia, nhà quân sự, nhà tâm linh Đại Việt đời Trần. Ông có tước hiệu Hưng Ninh Vương, từng cầm quân 2 lần đánh bại Nguyên-Mông xâm lược (năm 1258và 1285), và là một thiền sư Phật giáo Đại thừa. Ông là đạo huynh của vua Trần Thánh Tông, là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đặt nền móng cho sự phát triển Thiền phái Trúc Lâm ở Đại Việt thế kỷ 13 – 14.

Ông là người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông là con trưởng của An Sinh vương Trần Liễu (nguyên tác chép An Ninh vương)[2], anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm húy Thiều, vợ vua Trần Thánh Tông.

Theo Trần triều thế phả hành trạng thì Thiên Đạo Quốc mẫu Trần Thị Nguyệt là người đã sinh ra Trần Quốc Tuấn. Liệu có phải bà cũng là người sinh ra Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung? Theo ông Lê Mạnh Thát thì: “Tên của Hưng Ninh Vương Trần Tung cũng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các con của Trần Quốc Tuấn là Quốc Nghiễn và Quốc Hiệu (Hiện) đều dùng bộ sơn. Cách đặt dùng bộ như thế thường xảy ra trong những gia đình có học ngày xưa”.

Nếu Trần Tung là anh em sinh đôi với Trần Quốc Tuấn thì chắc chắn trong sách Thượng sĩ hành trạng vua Trần Nhân Tông đã ghi điều này. Điểm chú ý là trong sách Thượng sĩ hành trạng chỉ viết: “Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung là con thứ nhất (đệ nhất tử) của Khâm Minh Từ Thiện Vương (Trần Liễu)”, chứ không ghi là con trưởng của vị Đại vương này. Điều đó cho thấy rất có khả năng Trần Tung và Trần Quốc Tuấn là do bà Trần Thị Nguyệt sinh ra.

 

Vì dù cho Trần Liễu có lấy bà Trần Thị Nguyệt trước, sau đó mới lấy công chúa Thuận Thiên; nhưng vì công chúa Thuận Thiên lại là con vua nên theo luật lệ của triều đình xưa, dù con vua có là thiếp hoặc vợ hai thì cũng được đưa lên hàng chính thất (vợ cả). Vì thế, nếu Trần Tung do công chúa Thuận Thiên sinh ra thì ông phải được gọi là trưởng tử (con trưởng - trưởng nam) mới đúng, chứ không phải chỉ ghi là con thứ nhất như trong Tuệ Trung Thượng Sĩ hành trạng đã viết.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 (1285) và lần 3 (1287-1288), ông đều trực tiếp tham gia . Theo các bộ sử Trung Quốc, ngày 10 tháng 6 năm 1285, ông cùng với Hưng Đạo Vương đem hơn hai vạn quân giao chiến với tướng nhà Nguyên là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt (sông Cầu).

Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, từng đến đồn trại đối phương vờ ước hẹn trá hàng, làm cho họ mất cảnh giác, sau đó vua Trần cho quân đến đánh phá. Sau khi kháng chiến thành công, ông được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Nhưng không lâu sau ông lại lui về ấp Tịnh Bang (nay ở huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) lập Dưỡng Chân trang để theo đuổi nghiệp thiền.

Để hiểu hơn về Thiền sư, tài liệu từ tác giả Nguyễn Lang, viết: “Sách Hoàng Việt Văn Tuyển nói Tuệ Trung thượng sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Ðạo. Sự thực thì tuy Tuệ Trung Thượng Sĩ có tước hiệu là Hưng Ninh Vương, nhưng ông không phải tên là Trần Quốc Tảng, cũng không phải là con Trần Hưng Ðạo, và tên ông là Trần Quốc Tung. Trần Nhân Tông, người khảo đính sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, trong bài Thượng Sĩ Hành Trạng in ở cuối sách có nói rõ: “Tuệ Trung Thượng Sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương và là anh cả của hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Ðại Vương mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương”.

Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương là tước hiệu Trần Thái Tông ban cho anh ruột là Yên Sinh Vương Trần Liễu khi ông này mất. Ðó là vào cuối năm 1251. Cũng vào năm ấy Tuệ Trung Thượng Sĩ được 21 tuổi, và được phong tước Hưng Ninh Vương. Hoàng thái hậu Thiên Thánh Thiên Cảm là con thứ năm của Yên Sinh Vương Trần Liễu, tên là Thiều, là vợ của vua Trần Thánh Tông. Trần Hưng Ðạo có một người con tên là Trần Quốc Tảng, nhưng tước hiệu là Hưng Nhượng Vương, chứ không phải là Hưng Ninh Vương.

 

Theo Trần Nhân Tông, Tuệ Trung là một con người có khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Từ lúc nhỏ, ông đã tỏ ra có bẩm chất cao sáng, thuần hậu, và yêu mến đạo Phật. Lớn lên, Tuệ Trung được cử trấn đất Hồng Lộ, tức là Hải Dương bây giờ. Ông có công hai lần trong việc ngăn giặc Bắc xâm lăng. Sau được thăng chuyển giữ chức tiết độ sứ trấn giữ hải đạo Thái Bình. Sau ông lui về ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Lại, làng Yên Quảng) và đổi tên là Vạn Niên, tự hiệu là Tuệ Trung. Tại thực ấp của ông, ông có dựng lên Dưỡng Chân Trang làm nơi tọa thiền và tu niệm.

Là anh vợ của vua Trần Nhân Tông, ông cũng là người bạn thân thiết của vua. Vua Thánh Tông ký thác con là Trần Nhân Tông cho ông dạy dỗ. Ông được Thánh Tông xưng là sư huynh. Tháng Hai năm 1278, hoàng hậu Thiên Cảm qua đời, vua Thánh Tông cúng chay ở trong cung, bảo con là Nhân Tông đi mời Tuệ Trung đến dự. Có mặt trong lễ khai đường là nhiều vị tôn túc, trưởng lão của thiền môn. Thánh Tông thỉnh mỗi vị làm một bài kệ ngắn để tỏ bày kiến giải về Phật pháp của mình. Trong lúc tư tưởng các vị còn như “nước đọng vũng bùn” chưa được khai thông thì vua mang giấy bút tới trước mặt Tuệ Trung. Ông viết liền bài kệ sau đây:

Viết kệ trình kiến giải

Như dụi mắt thấy quái

Dụi mắt thấy quái xong

 

Lại rỡ ràng tự tại.

Vua Thánh Tông đọc xong phê tiếp như sau:

Rỡ ràng và tự tại

Cũng một thứ thấy quái

Thấy quái mà không quái

 

Thì quái ấy tự hoại.

Tuệ Trung đọc, rất bằng lòng. Thánh Tông rất khâm phục đạo học của Tuệ Trung, chính vua là người đầu tiên gọi ông là Thượng Sĩ. Thượng Sĩ cũng có nghĩa tương đương như Bồ tát. Hồi em gái Tuệ Trung, hoàng hậu Thiên Cảm còn sống, một hôm ông được bà mời vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không phân biệt. Hoàng hậu hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?”. Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh; anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?”.

Vua Nhân Tông hồi đó cũng có mặt trong bữa tiệc, và vua không quên câu chuyện này, định một ngày kia sẽ hỏi Tuệ Trung cho ra lẽ. Năm vua 29 tuổi, mẹ mất. Vua Thánh Tông đang bối rối về cái chết của hoàng hậu lại còn bận tâm đối phó với một cuộc xâm lăng của quân Nguyên do Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, mới sai Nhân Tông đi đón Tuệ Trung, trước khi lên đường về cung, Tuệ Trung trao cho Nhân Tông, lúc ấy đã lên ngôi gần 9 năm, hai bộ ngữ lục Tuyết Ðậu và Dã Hiên, để đem về cung học tập những lúc rỗi rảnh. Vua nhớ lại chuyện ăn thịt cá và tính cách “hòa lẫn thế tục” của Tuệ Trung, liền làm bộ ngây thơ hỏi một cách gián tiếp:

“Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?”

Tuệ Trung đã trả lời như sau về vấn đề tội báo: “Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: Người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy.” Rồi ông đọc hai bài kệ sau đây cho vua nghe:

 

Vạn pháp vô thường cả

Tâm ngờ tội liền sinh

Xưa nay không một vật:

Chẳng hạt, chẳng mầm xanh.

Hàng ngày, khi đối cảnh

 

Cảnh đều do tâm sinh

Tâm, cảnh đều không tịch

Khắp chốn tự viên thành.

Nhân Tông thưa với Tuệ Trung rằng ông đã hiểu lời dạy về tội phúc. Nhưng Tuệ Trung biết là Nhân Tông còn thắc mắc. Ông đọc tiếp bài kệ sau đây:

Có loài thì ăn cỏ

 

Có loài thì ăn thịt

Xuân về thảo mộc sinh

Tìm đâu thấy tội phúc?

Nhân Tông liền hỏi câu hỏi ông đã dành sẵn trong tâm tư lâu nay: “Như vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?”. Tuệ Trung cười không đáp. Vua cố nài. Tuệ Trung đọc hai bài kệ sau đây:

Trì giới và nhẫn nhục

 

Thêm tội chẳng được phúc

Muốn siêu việt tội phúc

Ðừng trì giới, nhẫn nhục.

Như người khi leo cây

Ðương yên tự chuốc nguy

 

Nếu đừng leo cây nữa

Trăng gió làm được gì?

Và dặn kỹ Nhân Tông “đừng bảo cho người không ra gì biết”. Ta nên nhớ rằng lúc bấy giờ Tuệ Trung đã 57 tuổi, và tư tưởng thiền của ông đã đến giai đoạn chín chắn siêu việt. Ông mất năm 62 tuổi, vào năm 1291.

Vua Nhân Tông một hôm hỏi về tông chỉ thiền phái của Tuệ Trung. Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết giác ngộ mà Tuệ Trung đã được thiền sư Tiêu Diêu trao truyền, Tuệ Trung nói: “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác”.

Lời nói ấy khiến Nhân Tông thấy được ánh sáng của thiền đạo. Ngày thị tịch, Tuệ Trung không nằm trong phòng riêng mà cho kê giường nằm ở Dưỡng Chân Trang, giữa thiền đường lớn. Ông nằm xuôi theo kiểu cát tường, mắt nhắm. Những người hầu hạ và thê thiếp khóc rống lên.

 

Ông mở mắt ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay súc miệng rồi quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường nhiên, sao lại buồn thảm luyến tiếc để cho chân tính ta náo động?”. Nói xong thì tịch một cách êm ái. Ðó là vào ngày mồng một tháng Tư năm Tân Mão (1291).

Vua Nhân Tông viết: “Thượng Sĩ sống giữa lòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm; trong mọi cuộc tiếp xúc Thượng Sĩ luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường phiền nghịch. Do đó, ngài có thể làm tiếp nối được hạt giống chánh pháp, dìu dắt được những kẻ mới học. Ai đến tham cứu tìm học với ngài cũng được ngài chỉ dẫn sơ lược cho thấy phần cương yếu của đạo pháp khiến tâm họ có chỗ nương tựa. Thượng Sĩ không bị ràng buộc bởi hình thức; khi thì ẩn tàng, khi thì lộ diện, ngài không chấp vào hình thức và danh từ”.

- Video: Ngắm sự kỳ vĩ và lộng lấy của Tử Cấm Thành từ trên cao. Nguồn: Sky Eye.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm