Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng một số công trình kiến trúc và lăng mộ hùng vĩ, phức tạp nhất mà con người từng biến đến. Nhưng đối với trang phục, họ thiết kế quần áo khá đơn giản. Quần áo truyền thống của người Ai Cập cổ đại không phân biệt giới tính, nghĩa là phụ nữ mặc quần áo gần giống với nam giới. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ và các thành viên thuộc tầng lớp quý tộc trong xã hội Ai Cập đã biết cách sử dụng thời trang để gây ấn tượng cũng như thể hiện địa vị của họ.
Người Ai Cập luôn khoác lên mình số lượng quần áo ở mức tối thiểu, do vùng đất họ sinh sống có điều kiện thời tiết khá nóng. Những đứa trẻ thậm chí không mặc bất kỳ bộ quần áo nào gần như trong suốt cả năm. Trong khi đó, trang phục của người lớn chủ yếu được làm từ vải bông hoặc vải lanh có nguồn gốc địa phương. Một số nông dân cũng may quần áo từ da động vật.
Vải lanh là chất liệu mà người Ai Cập sử dụng nhiều nhất để thiết kế trang phục, bởi vì nó tương đối nhẹ, thoáng khí, tạo cảm giác thoải mái trong điều kiện nắng nóng gay gắt. Ngoài ra, cây lanh là loại thực vật phổ biến, phát triển mạnh mẽ dọc hai bên bờ sông Nile.
Trong thời kỳ Sơ triều đại (3150 - 2613 trước Công nguyên) và Cổ Vương quốc (2613 - 2181 trước Công nguyên) của Ai Cập, trang phục hằng ngày của cả nam và nữ trông giống một chiếc váy màu trắng dài đến đầu gối, đi kèm với một chiếc thắt lưng. Họ để trần phần còn lại trên cơ thể, mặc dù một số người đi dép bện từ rơm. Những người đàn ông khá giả sẽ mặc cùng một loại trang phục, nhưng chúng được làm bằng vải lanh nhẹ hơn.
Đối với phụ nữ giàu có, quần áo của họ phức tạp hơn một chút. Phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu ở thời kỳ Cổ Vương quốc mặc những chiếc váy dài và thẳng, che kín phần ngực. Họ giữ cố định váy bằng dây đai vắt qua vai, đôi khi sử dụng thêm một chiếc áo trùm hông mỏng phía bên ngoài. Giống như trang phục của đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu, những chiếc váy này làm bằng loại vải lanh nhẹ hơn so với quần áo của người bình thường. Ngoài ra, họ cũng mặc váy làm hoàn toàn từ các loại hạt.
Đồ trang điểm
Nam giới và phụ nữ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội Ai Cập cổ đại đều dùng đồ trang điểm để cải thiện vẻ bề ngoài, ví dụ như dầu thơm, nước hoa, phấn trang điểm khuôn mặt. Tất nhiên, tầng lớp thượng lưu có thể mua những sản phẩm tốt hơn. Người Ai Cập cũng có thói quen kẻ mắt. Họ sử dụng bút làm bằng gỗ, ngà voi hoặc đá để thoa phấn côn [một loại phấn màu đen] vào mí mắt, làm nổi bật kích thước và hình dạng của đôi mắt.
Phấn côn có thành phần chủ yếu là khoáng vật galena, phân bố chủ yếu tại vùng núi Sinai. Người ta sẽ nghiền nhỏ khoáng vật galena cùng với dầu và chất béo, sau đó trộn lẫn với một số khoáng vật khác như malachite. Sản phẩm cuối cùng có dạng bột bão màu đen, tương tự như kem. Phấn côn có giá rất đắt nên chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, những người nghèo cũng có loại phấn côn thay thế cho riêng mình. Ngoài tác dụng trang điểm, phấn côn giúp bảo vệ mắt tránh khỏi tác động có hại của ánh sáng Mặt trời hoặc tình trạng nhiễm trùng do tiếp xúc với bụi, ruồi.
Phụ nữ Ai Cập cổ đại cũng thích sở hữu một đôi môi màu đỏ. Khi quan sát bức tượng bán thân nổi tiếng của nữ hoàng Nefertiti, đôi môi của bà đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp nữ tính. Son môi có thể làm từ đất son, hoặc điều chế từ rong biển, iốt và hợp chất bromine mannite. Một số tài liệu nói rằng, nữ hoàng Cleopatra VII chế tạo son môi từ kiến và bọ cánh cứng nghiền nát.
Phụ kiện thời trang
Tóc giả và đồ trang sức cũng là một phần quan trọng trong trang phục truyền thống của người Ai Cập cổ đại. Điều này đặc biệt đúng với những người thuộc tầng lớp thượng lưu, khi họ sử dụng trang sức để phô trương sự giàu có của mình. Họ cũng tin rằng trang sức sẽ giúp các vị thần chú ý đến họ nhiều hơn. Các loại trang sức phổ biến bao gồm: nhẫn, hoa tai, vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, cúc áo trang trí làm bằng vàng hoặc đá quý.
Những người thuộc lầng lớp thấp hơn cũng đeo đồ trang sức, nhưng đa số chúng được làm từ các vật liệu rẻ hơn, chẳng hạn như các hạt gốm với nhiều màu sắc khác nhau.
Thiết kế đồ trang sức của người Ai Cập cổ đại thường phản ánh các chủ đề liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Các chủ đề xuyên suốt bao gồm biểu tượng của các vị thần, chữ tượng hình, chim chóc, động vật và côn trùng. Chúng đều đóng vai trò quan trọng trong thần thoại sáng thế (creation myth) của người Ai Cập.
Các biểu tượng xuất hiện nhiều nhất trên đồ trang sức có thể kể đến như bọ hung, con mắt thần Ra, hoa sen, cây cói, rắn hổ mang, nút thắt Isis, vòng shen (biểu tượng của sự vĩnh cửu) và ankh (biểu tượng của sự sống).
Khi một người Ai Cập nào đó qua đời, người thân của họ sẽ chôn theo các đồ trang sức với hy vọng người đã khuất có thể sử dụng chúng ở thế giới bên kia.
Tại Ai Cập cổ đại, người dân có thói quen đội tóc giả để giữ cho đầu luôn sạch sẽ, tránh chấy rận. Cách làm này cũng giúp họ mát mẻ hơn trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Tóc giả được làm từ tóc người cho tới Thời kỳ Chuyển tiếp Thứ hai (năm 1782 - 1570 trước Công nguyên), khi ngựa du nhập vào Ai Cập. Sau đó, người ta bắt đầu dùng lông đuôi ngựa bện thêm sợi thực vật để làm tóc giả.
Tóc giả có nhiều kiểu dáng và người dân có thể đội chúng trong những dịp khác nhau, chẳng hạn như buổi họp mặt gia đình hoặc lễ hội. Hầu hết các bộ tóc giả đều dài và nặng, bao gồm nhiều lọn tóc hoặc bím tóc. Những người giàu có thường trang trí tóc giả của họ bằng chuỗi hạt và đồ trang sức lớn. Những người nghèo hơn phải dùng tóc giả làm từ cây cói hoặc chỉ đơn giản là cạo trọc đầu và đội khăn trùm đầu.