Khám phá

Thực hư lời nguyền “mạo phạm là chết” của ngôi mộ ngàn năm tuổi ở Tokyo

Bên cạnh một thành phố phồn hoa còn nhiều lời đồn đại xung quanh việc còn có rất nhiều những linh hồn giận dữ không siêu thoát. Một trong số đó là lời nguyền tàn độc “mạo phạm là chết” liên quan đến ngôi mộ của samurai - Taira no Masakado.

Bí mật của hòn đảo chết chóc, đến thăm phải đeo mặt nạ chống hơi độc / Sở hữu vẻ đẹp nên thơ nhưng "hồ tử thần" này từng khiến 1.700 người tử vong

Taira no Masakado - Samurai đầu tiên của Nhật Bản
Để có được một Tokyo giàu sang vào bậc nhất, nơi đây đã trải qua bao sóng gió song hành cùng mỗi thời kỳ lịch sử. Nhiều người Nhật tin rằng do máu đã đổ khá nhiều ở khu vực này nên ngày nay vẫn còn những linh hồn giận dữ lang thang trên các con phố Tokyo náo nhiệt.

Ảnh minh họa.

Nếu có dịp trò chuyện với dân bản địa, du khách sẽ được kể về Taira No Masakado, ông là một trong những Samurai đầu tiên và khi chết đi ông biến thành một trong những hồn ma nổi tiếng tàn ác trong tín ngưỡng và tâm hồn người Nhật, hồn ma mang theo lời nguyền: bất kỳ ai mạo phạm nơi yên nghỉ của ông đều sẽ bị trừng phạt.

Một ngân hàng tại Tokyo đã từng mở tài khoản đứng tên một người đàn ông đã mất cách đây... hơn 1.000 năm. Ngân hàng này là một nhánh của Tokyo-Mitsubishi UFJ (giờ đây là một phần của MUFG - ngân hàng lớn nhất Nhật Bản), tọa lạc gần một ngôi mộ kỳ bí - nơi yên nghỉ của một người đàn ông.

Nhân viên làm việc tại ngân hàng này được căn dặn kỹ lưỡng rằng không được mở những cửa sổ hướng về ngôi mộ, và không được quay lưng về ngôi mộ - ngay cả khi ngồi ở bàn làm việc. Tài khoản ngân hàng được thiết lập nhằm xoa dịu cơn giận dữ của linh hồn người đàn ông này.

Người này là ai? Taira no Masakado là một trong những samurai đầu tiên của Nhật Bản, Taira no Masakado sớm có tiếng tăm vang dội khi còn trẻ. Người ta cho rằng, sau khi nổi loạn và tử nạn vào năm 940 nhưng linh hồn vẫn vất vưởng tại vùng này. Qua nhiều thế kỷ đắm chìm trong bạo loạn, mê tín và những sự trùng hợp, truyền thuyết về hồn ma Masakado đã gắn liền với thành phố Tokyo và những người dân nơi đây.

Taira no Masakado - một trong những hồn ma nổi tiếng nhất trong tín ngưỡng của người Nhật.

Vào thời của Masakado, vùng đất Kanto (ngày nay là thủ đô Tokyo) không có gì khác ngoài đầm lầy và cỏ dại. Nhật Bản lúc này được cai quản bởi thủ đô Kyoto xa xôi, trong khi Tokyo vẫn còn là vùng hỗn loạn vô pháp, nơi hội tụ những con người bị xã hội ruồng bỏ và sẵn sàng chinh chiến. Những chiến binh này tự xưng là samurai – “người phụng sự” - và lấy lòng trung thành với đức vua làm kiêu hãnh.

Thời điểm đó, Masakado là một tia sáng nhen nhóm góp phần chuyển quyền lực từ Kyoto sang những samurai tại Tokyo. Ông chống đối lại sự cai trị của triều đình ở Kanto và tự xưng hùng xưng bá ở vùng này. Không những thế, Masakado còn tự phong cho chính mình là “Hoàng đế nước Nhật” - người được Nữ thần Mặt trời lựa chọn, giết một lãnh chúa và chiếm lấy hai tỉnh phía Nam.

Trước sự bội bạc ngông cuồng này và để trừng trị kẻ nổi loạn, Nhật hoàng đã treo giải thưởng hậu hĩnh cho ai lấy được cái đầu của chàng samurai trẻ. Hai tháng sau đó, Masakado đã tử nạn vì một mũi tên bắn trúng trán trong một trận đấu quyết liệt tại khu vực mà bây giờ là tỉnh Saitama. Thủ cấp của ông được đưa tới Kyoto và treo lên nhằm thị uy dân chúng.

Tuy thủ cấp lìa thân nhưng hành động của Masakado đã để lại một dư âm không thể chối bỏ: ông đã thách thức quyền lực tối cao của Nhật hoàng. Tương truyền, cảnh tượng bêu đầu kinh hoàng cho dân chúng xem đó diễn ra không lâu. Quá tức giận vì bị tách rời khỏi cơ thể, chiếc đầu của Masakado tự động trở về đất mẹ Kanto. Nó điên cuồng tìm kiếm thi thể của mình nhưng vô ích. Cuối cùng, chiếc đầu đã rơi xuống. Dân làng kinh hãi trước sự việc này nên đã chôn thủ cấp và dựng lên trên ngôi mộ một hòn đá tưởng nhớ, nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của vị samurai dữ tợn.

Tin đồn về lời nguyền tàn độc

 

Không lâu sau, những truyền thuyết về ông được dựng lên. Người ta kể rằng Masakado mình đồng da sắt, chỉ có một điểm yếu là ở đỉnh đầu, nơi mẹ ông - thuộc loài mãng xà - chưa kịp ban phước. Nạn dịch bươm bướm được xem là dấu hiệu Masakado chuẩn bị làm càn.

Chính quyền thời ấy thường chế giễu ông, nói rằng ông bị xiên bởi những cành cây lá kiếm dưới địa ngục, lá gan ông bị thiêu cháy vĩnh viễn. Nhưng càng tuyên truyền gièm pha, sự lo ngại của chính quyền đối với ông càng rõ mồn một.

Tương truyền rằng con gái của ông, Takiyasha, đã sống sót tại một pháo đài cổ, học “thuật gọi hồn” (necromancy), và gầy dựng nên một đội quân ếch. Trong tiếng Nhật, ếch (kaeru) đồng âm với “trở về”, ám chỉ rằng Masakado sẽ trở lại để báo thù.

Để ngăn chặn điều này, chính quyền đã mang thủ cấp của ông về Kyoto và treo lên cao nhằm thị uy dân chúng. Nhưng không lâu sau, chiếc đầu giận dữ đã tự bay về vùng Kanto để tìm lại cơ thể. Trên đường về, một chiến binh tại tỉnh Gifu đã bắn mũi tên trúng chiếc đầu, nhưng rồi nó vẫn điên cuồng bay đi tìm về thi thể. Về sau, thủ cấp của ông đã ngã xuống tại một làng chài vô danh tại Shibazaki.

Dân làng đã rửa thủ cấp thật sạch sẽ, chôn cất đầy kính cẩn và dựng lên một ngôi mộ có khắc bùa nhằm phong ấn thủ cấp của Masakado. Nhưng sau này những đợt sấm chớp và bóng ma kỳ lạ liên tục xuất hiện - và mỗi khi dân làng gặp vận rủi, họ đều đổ lỗi cho ông.

 

Cũng vào lúc này, cái chết của Masakado danh nổi như cồn đối với những samurai trẻ nổi loạn chống đối chính quyền. Họ đã sống theo châm ngôn đầy tai tiếng của ông: Người ở cõi này giành lấy quyền lực thông qua những thắng lợi trên chiến trường. Sau này nhóm samurai chống đối đã biến châm ngôn ấy thành hiện thực, và Masakado được vinh danh là “vị samurai đầu tiên”. Ngôi mộ của ông tại đền thờ Phật Kanda đã trở thành một phần của thủ đô mới: một Edo tráng lệ dưới quyền của các Tướng quân (Shogun).

Chiếc đầu biết bay của Taira no Masakado

1.000 năm sau đó, chính phủ đã rất cố gắng để di chuyển ngôi mộ sang một vị trí khác nhằm quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại bởi một lời nguyền ở ngôi mộ ngàn năm tuổi này.

Vào năm 1923, trận động đất kinh hoàng diễn ra ở Kanto đã hủy hoại phần lớn thành phố. Bộ Tài chính nắm bắt cơ hội này đổ đất lấp chiếc ao nơi người dân từng dùng để “tắm rửa” cho chiếc thủ cấp, dựng lên một tòa nhà văn phòng thay thế. Thế nhưng trong vòng 2 năm, các quan chức cấp cao lẫn nhân viên trong bộ đều gặp tai nạn, bệnh tật và một số bất hạnh khác.

Các nhân viên đều bị thương một cách khó lý giải. Sau đó, người ta đã phải xây dựng lại lăng mộ đàng hoàng và tổ chức nghi lễ Shinto (nghi lễ trong Thần đạo để cầu nguyện hay cảm tạ các thần thường được tổ chức tại các nơi linh thiêng) nhằm xoa dịu cơn giận giữ của linh hồn. Nghi lễ này diễn ra hàng năm cho đến khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ hai.

Câu chuyện về lời nguyền “mạo phạm là chết” tại ngôi mộ của vị lãnh chúa tạo phản một thời vẫn chưa dừng lại đó. Khi quân Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, họ đã cố gắng san bằng nơi đây để xây dựng khu để xe quân sự. Trong quá trình xây dựng, một chiếc xe ủi đất bất ngờ bị lật, giết chết người lái. Sau đó là một chuỗi các tai nạn thương tâm khác xảy ra. Người dân và chính quyền Nhật đã thuyết phục người Mỹ hủy dự án và nhờ đó yên bình mới quay trở lại nơi đây.

Người dân Nhật Bản đều tin vào những câu chuyện ma quái này, ngoài câu chuyện về vị samurai trẻ tuổi còn có nhiều truyền thuyết về những tồn tại của nhiều hiện tượng siêu nhiên. Tuy nhiên nhiều du khách thì cho rằng đó là những hư cấu để tăng thêm huyền bí và hấp dẫn cho miền đất này, nhằm tăng lượng du khách về Nhật Bản.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm