Khám phá

Tinh tinh có kiểu ‘lão hóa’ trong quan hệ xã hội giống con người

Các nhà khoa học nhận thấy tinh tinh có xu hướng giống như con người khi về già – chỉ chơi với những người bạn lâu năm và không thích ẩu đả như trước kia. Phát hiện này có thể sẽ giúp mở ra một hướng nghiên cứu mới trong cơ chế hành vi của các loài động vật và cả con người.

Những bí mật về loài linh cẩu: Là động vật ăn thịt tham lam nhất trên cạn nhưng IQ cao hơn cả tinh tinh? / Thí nghiệm hãi hùng vô tình biến con đẻ thành "tinh tinh"

Có nhiều thứ đi kèm với tuổi già hơn là mái tóc bạc và làn da nhăn nheo. Khi con người bước vào những năm tháng cuối đời, họ thích chơi với những người bạn thân thiết hơn và vòng tròn xã hội của họ cũng thu hẹp dần.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra hành vi tương tự ở một loài khác. Sau hơn hai thập kỷ quan sát tinh tinh, họ nhận thấy những con đực lớn tuổi chọn đi chơi với những người bạn lâu năm của chúng thay vì những mối quan hệ không mấy thân thiết.
Ba con tinh tinh đực đang chải chuốt bộ lông cho nhau. Ảnh: John Lower / Harvard University / PA
“Điều này cho thấy tinh tinh và con người có chung một kiểu ‘lão hóa’ trong mối quan hệ xã hội”, ông Zarin Machanda, nhà linh trưởng học tại Đại học Tufts ở Massachusetts, cho biết. “Chúng ta biết rằng khi con người già đi, mạng lưới xã hội của họ thu hẹp lại, nhưng mối liên kết xã hội của họ lại phát triển mạnh mẽ hơn. Và chúng tôi nhận thấy điều tương tự ở loài tinh tinh.”
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi tương tác xã hội của 21 con tinh tinh trong độ tuổi từ 15 đến 58, từ năm 1995 đến năm 2016 – tổng cộng là 78.000 giờ - ở công viên quốc gia Kibale (Uganda). Họ tập trung vào những con đực, vì chúng có mối quan hệ xã hội phát triển hơn con cái và cũng giao du kết bạn thường xuyên hơn.
Nhóm nghiên cứu đã phân loại các mối quan hệ của tinh tinh tùy thuộc vào khoảng thời gian chúng ngồi và chải chuốt bộ lông cho người bạn của mình. Sau đó, họ đưa ra những mối quan hệ như tình bạn thân thiết – cả hai con đều tích cực trong mối quan hệ, tình bạn một phía – một con muốn làm bạn với con kia hơn, và không phải bạn bè – cả hai con đều không thể hiện sự quan tâm đến đối phương.
Khi các nhà khoa học xem xét các mô hình của tình bạn, họ phát hiện ra rằng tinh tinh già có nhiều tình bạn thân thiết và ít tình bạn một phía hơn so với tinh tinh trẻ. Ví dụ, một con đực 40 tuổi có số bạn thân nhiều gấp ba lần và số tình bạn một phía ít hơn một phần ba so với con đực 15 tuổi.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện một điểm giống nữa giữa người già và tinh tinh. Khi những con đực trưởng thành hơn, mức độ hung hăng của chúng giảm dần, nghĩa là chúng bắt đầu ít đánh nhau và không còn gây chiến với những con tinh tinh khác trong bầy nhiều như trước. “Hành vi của chúng thay đổi theo hướng tích cực hơn,” Machanda nói.
Alexandra Rosati - nhà tâm lý học tại Đại học Michigan, Ann Arbor, cũng là tác giả của nghiên cứu - cho biết: “Khác với một con tinh tinh trẻ, chúng không phải lúc nào cũng có thể bị lôi kéo vào các cuộc ẩu đả.”
Mở ra hướng nghiên cứu mới
Các nhà nghiên cứu tỏ ra bối rối trước những gì quan sát được. Theo lý thuyết chọn lọc xã hội, những người lớn tuổi thích các mối quan hệ khăng khít vì họ nhận thức được thời gian sống của họ không còn nhiều nữa. Nhưng các nhà linh trưởng học cho rằng tinh tinh không có nhận thức đầy đủ về cái chết như con người, cho thấy có một cơ chế nào đó đang thúc đẩy hành vi này.
Theo Machanda, những phát hiện – đã được công bố trên Science – chỉ ra rằng nhận thức về thời gian sống không phải là yếu tố quyết định để thu hẹp vòng tròn bạn bè theo tuổi tác, mà một yếu tố nào đó khác mới là tác nhân củng cố hành vi này ở người và tinh tinh.
Robin Dunbar, giáo sư tâm lý học tiến hóa tại Đại học Oxford, không đồng tình lắm với lý thuyết chọn lọc xã hội, ông cho rằng nó có vẻ giống “một thứ tâm lý học ngây thơ”. “Ở con người, sự thu hẹp [vòng tròn mối quan hệ xã hội theo tuổi tác] là do họ không có nhiều cơ hội để ra ngoài và gặp gỡ mọi người”, ông nói.
Ian Gilby, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học bang Arizona, Tempe, người không tham gia nghiên cứu, cho biết, nghiên cứu mới “sẽ khiến chúng ta suy nghĩ lại” về gốc rễ của một số hành vi của con người. Hành vi giống nhau giữa tinh tinh và con người có thể đã xuất hiện ở người từ trước khi họ có khả năng suy ngẫm về các sự kiện có thể xảy đến với cuộc đời mình trong tương lai.
Gilby cho rằng những con đực trẻ chải chuốt cho tinh tinh già đầu đàn nhằm mục đích nâng cao vị trí của mình trong hệ thống cấp bậc của bầy. Thế nhưng, theo thời gian, khi chúng già đi và dần mất đi tiếng nói trong đàn, chúng ngừng cạnh tranh để giành lấy vị trí thống trị và “có xu hướng từ bỏ”. Việc kết giao với những người bạn đồng lứa có thể giúp các con đực lớn tuổi duy trì được vị thế của mình, chống lại sự thách thức từ những con tinh tinh trẻ và nhanh nhẹn hơn.
Rosati cho biết họ đang xem xét liệu các nhóm tinh tinh khác – như tinh tinh cái – có trải qua giai đoạn ‘hiền hòa hơn ở tuổi xế chiều’ hay không. Bà cho rằng các nhà khoa học cũng có thể thử nghiệm ý tưởng này ở các loài động vật sống lâu khác như vượn Bonobo, voi và cá voi sát thủ. Thời gian tới, bà và Machanda sẽ nghiên cứu sâu hơn về lợi ích của những mối liên kết xã hội đối với tinh tinh già – và liệu những cơ chế này có hoạt động tương tự ở người hay không.
1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm