Khám phá

Tôn Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành Sơn chính xác bao nhiêu năm?

Đọc truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân hay xem phim truyền hình Tây Du Ký bản 1986 của đạo diễn Dương Khiết, chúng ta đã quá quen thuộc với chi tiết “Tôn Ngộ Không bị giam 500 năm dưới núi Ngũ Hành Sơn”.

Ngoài Như Lai Phật tổ, còn một người khác khiến Tôn Ngộ Không phải chịu núi đè / Bạn đồng hành bí ẩn cùng Tôn Ngộ Không học phép thuật là ai?

Một trong những bài hát đi vào lòng người nhất của Tây Du Ký chính là bản “500 năm bãi bể nương dâu” thể hiện bởi giọng ca gạo cội Vương Lập Quân, với điệu nhạc da diết, ca từ thấm đượm nỗi xót xa của kẻ (Ngộ Không) từng một thời oanh liệt nay bị giam cầm nhưng vẫn cháy bỏng một ý chí quyết tâm chờ ngày được tự do.
Tôn Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành Sơn hơn 500 năm trước khi được Đường Tăng giải cứu.

Tôn Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành Sơn hơn 500 năm trước khi được Đường Tăng giải cứu.

Năm trăm năm bãi bể nương dâu, tảng đá cứng cỏi cũng phủ xanh rêu
Chỉ còn một trái tim là chưa chết, nhìn lại quá khứ tiêu dao tự tại
Nào sợ lửa nội đốt thiêu, nào sợ tuyết băng che phủ
Chí hướng vẫn hiên ngang không đổi, niềm tin vẫn vẹn nguyên không giảm
Đã để phí hoài năm tháng, ngậm ngùi mang hoài bão
Bởi vì sao, bởi vì sao, ta lại chịu cảnh thế này?
Ngay từ hồi 8, chính bản thân Ngộ Không khi gặp Quan Âm Bồ Tát trong lần hạ trần tìm người lấy kinh cũng nói: “Phật Như Lai nói gạt, đè tôi dưới núi nầy. Đã năm trăm năm, cựa mình không đặng. Xin Bồ Tát làm phước, cứu lão Tôn một phen”.
Sau đó, lúc được Đường Tăng gỡ bỏ lá bùa “Án Ma Ni Bác Di Hồng” cứu thoát khỏi núi Ngũ Hành, bỗng đâu gặp một con cọp đói “nhảy ra há miệng đập đuôi, hà hà xốc tới”, Tôn Hành Giả đã nói câu này sau khi rút thiết bảng ra khỏi tai “Vật báu này hơn nửa ngàn năm, chẳng hề xài đến, nay đem ra đánh thử mà kiếm áo quần”.
Chi tiết “500 năm” cũng được nhắc tới rất nhiều lần sau đó, qua lời các Thần Tiên rồi nhiều loại yêu quái – đối thủ của Ngộ Không trong các kiếp nạn. Nhưng “500 năm” thực ra chỉ là một cách nói ước lệ của người xưa, vốn là “khối thời gian linh thiêng” thường được dùng trong các thuyết Âm Dương - Ngũ Hành của Phật Giáo và Đạo Giáo.
Quãng thời gian Đại Thánh bị giam cầm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn trước sau luôn gắn liền với con số 500 năm nhưng theo một số kiến giải lịch sử đáng chú ý, chàng khỉ thực ra chịu cảnh “tù đày” lâu hơn thế.
Ngộ Không thực sự bị giam cầm tới hơn 600 năm

Đầu tiên là sự tích của núi Ngũ Hành Sơn (đừng nhầm lẫn với nhóm núi Ngũ nhạc – Ngũ đại danh sơn nổi tiếng), vì đây chỉ là 1 ngọn núi nhỏ, lần đầu được ghi chép trong lịch sử của Trung Quốc trùng với quãng thời gian Vương Mãng lật đổ nhà Hán sáng lập ra triều đại nhà Tân (năm thứ 8-23 Công Nguyên).
Vương Mãng mang hoài bão phục cổ, tái tạo nền văn minh cổ xưa, xây dựng một thế giới lý tưởng. Ông đã thực hiện hàng loạt cải cách ảnh hưởng toàn diện đến xã hội Trung Quốc khi đó, bao gồm cả việc thay đổi cả tên gọi địa phương, hành chính, đặt tên cho các địa danh, sông núi. Ngũ Hành Sơn, nằm ở khu vực hoang sơ ngoài thành cũ Cũng Châu khoảng 50 dặm: “Nửa bên Ðông nầy, về ranh đất Ðại Ðường, phía bên Tây thuộc về tộc Ðác Ðác” được đặt tên bởi chính Vương Mãng vào khoảng năm 15 Công Nguyên.
Ngay trong Tây Du Ký ở hồi 14, tác gia Ngô Thừa Ân cũng nhắc tới chi tiết này, qua lời kể của chàng thợ săn Lưu Bá Khâm sau khi cứu Đường Tăng thoát khỏi cọp dữ. “Hòn núi nầy khi trước gọi là Ngũ Hành Sơn. Bởi vua Ðường đánh Tây Liêu rồi cải tên lại là núi Lưỡng giới. Ông già bà cả nói lại lúc Vương Mãng soán nhà Hán, thì hòn núi nầy ở trên trời rơi xuống đây, đè một con vượn thần dưới chân non, nằm trong hộp đá. Nghe đồn có thánh thần ở giữ, cho nó ăn sắt cục, và uống nước đồng, chịu đựng năm trăm năm, đến giờ còn sống…”.
Còn Tôn Ngộ Không theo những nghiên cứu lịch sử quan trọng, thực chất là một người có thật, tên Thạch Bàn Đà, quê tại thành Tiên Dương, người dân tộc Hồ. Ông có ngoại hình xấu xí, thô kệch, kỳ quái, nên có biệt danh là "Hầu hình nhân". Tuy nhiên, người dân trong vùng ai cũng yêu quý Thạch Bàn Đà, bởi ông tính tình thực thà, thông minh nhanh nhẹn, võ nghệ cao cường, thường hay cứu mạng dân lành, diệt trừ thú dữ.
Vào năm 629, khi Đường Tăng dừng chân tại vùng núi Tiên Dương, biết tin Trần Huyền Trang đang giảng kinh, người đàn ông xấu xí này liền tìm tới nghe, rồi bị cảm hóa, thấm dần tư tưởng nhà Phật. Ông một người một ngựa, tự nguyện tháp tùng Đường Tăng tới Tây Thiên, cùng sư phụ vượt mọi gian nan, hiểm trở trên đường lấy kinh.
Đối chiếu với danh tác Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, có thể coi việc Đường Tăng cảm hóa Thạch Bàn Đà, rồi cùng nhau tới Tây Thiên chính là hình ảnh “tả chân” của việc Tam Tạng giải cứu Ngộ Không khỏi cảnh bị giam cầm ở núi Ngũ Hành sơn vậy.
Như vậy, từ khi lần đầu cái tên Ngũ Hành Sơn được nhắc đến trong lịch sử Trung Quốc (năm 15) đến khi Thạch Bàn Đà tháp tùng Tam Tạng thỉnh kinh (năm 629), tổng cộng là 614 năm. Đấy chẳng phải chính là tổng số năm mà Đại Thánh bị đày ải dưới núi Ngũ Hành Sơn hay sao?
1
Theo Thanh Xuân/Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm