Khám phá

Top 10 điều thú vị về hệ Mặt Trời

Hệ Mặt Trời chứa đựng nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết. Ví dụ, hành tinh nóng nhất không nằm gần Mặt Trời nhất, núi lửa có thể phun ra băng đá, sao Diêm Vương chỉ có kích thước bằng một nửa chiều rộng nước Mỹ và Mặt Trăng quay quanh tiểu hành tinh.

Hệ Mặt Trời có đến…110 hành tinh? / Có một "Hệ Mặt Trời lỗ đen" sở hữu… 10.000 hành tinh?

1. Hành tinh nóng nhất.
Mặc dù sao Thủy là hành tinh nằm gần Mặt Trời nhất, nhưng sao Kim (hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời) mới là hành tinh nóng nhất. Nguyên nhân là do sao Thủy không có bầu khí quyển nên không thể giữ được nhiệt lượng từ ánh sáng Mặt Trời chiếu đến. Sao Kim sở hữu bầu khí quyển đậm đặc hơn Trái Đất 100 lần, với thành phần chủ yếu là khí nhà kính CO2, nên có khả năng hấp thụ nhiệt rất mạnh. Điều kiện môi trường trên sao Kim cực kỳ khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình trên sao Kim khoảng 468 độ C, đủ nóng để làm tan chảy thiếc và chì. Trong khi đó, nhiệt độ tối đa trên sao Thủy chỉ bằng 427 độ C. Sao Kim là một trong những thiên thể sáng nhất trên bầu trời, khiến nhiều người nhầm lẫn nó với vật thể bay không xác định (UFO).
2. Sao Diêm Vương nhỏ hơn chiều rộng nước Mỹ.
Khoảng cách chiều rộng của nước Mỹ, tính từ Northern California tới Maine là 4.700 km. Theo dữ liệu gửi về từ tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) năm 2015, chúng ta biết rằng sao Diêm Vương có đường kính 2.371 km, nhỏ hơn một nửa chiều rộng nước Mỹ và nhỏ hơn rất nhiều so với bất kỳ hành tinh lớn nào khác. Năm 2006, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) đã quyết định loại sao Diêm Vương ra khỏi danh sách các hành tinh trong hệ Mặt Trời và xếp nó vào nhóm hành tinh lùn.
Hệ Mặt Trời.

3. Vành đai tiểu hành tinh nổi tiếng nhất trong hệ Mặt Trời mà chúng ta biết đến nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.

Tại đó, có hàng chục nghìn tiểu hành tinh bay theo quỹ đạo, nhưng chúng ở cách xa nhau với rất ít khả năng va chạm. Điều này khác hẳn những gì chúng ta thường thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, khi tàu vũ trụ bay qua luôn có nguy cơ bị va chạm với các tiểu hành tinh trong vành đai.
4. Núi lửa sử dụng nước như magma.
Núi lửa hình thành khi bể chứa ngầm (underground reservoir) của một khoáng chất nóng dạng lỏng hoặc khí gas phun trào lên trên bề mặt của một hành tinh hoặc thiên thể khác không phải ngôi sao. Thành phần chính xác của các khoáng chất có thể khác nhau rất nhiều. Trên Trái Đất, hầu hết các núi lửa đều phun trào dung nham (hoặc magma) chứa thành phần silic, sắt, magiê, và nhiều hợp chất phức tạp khác. Các núi lửa trên Mặt Trăng Io của sao Mộc phun trào chủ yếu là lưu huỳnh và lưu huỳnh đioxit. Đặc biệt hơn, yếu tố giúp hình thành núi lửa trên Mặt Trăng Enceladus của sao Thổ, Mặt Trăng Triton của sao Hải Vương, là nước đóng băng. Nước giãn nở khi bị đóng băng dưới mặt đất có thể tạo ra áp lực lớn, giống như áp lực bên trong một ngọn núi lửa bình thường trên Trái Đất. Khi băng phun ra, một ngọn núi lửa băng sẽ hình thành.

5. Kích thước của hệ Mặt Trời.
Nhiều người có thể vẫn nghĩ rằng kích thước của hệ Mặt Trời chỉ mở rộng đến quỹ đạo của sao Diêm Vương. Tuy nhiên, giới khoa học hiện nay đã phát hiện rất nhiều vật thể quay quanh Mặt Trời, nằm cách xa hơn đáng kể so với sao Diêm Vương. Ví dụ như các vật thể ngoài Hải Vương tinh (TNOs) hoặc các vật thể thuộc Vành đai Kuiper (KBOs). Vành đai Kuiper được cho là có thể trải rộng tới 50 hoặc 60 đơn vị thiên văn (AU). Khoảng cách trung bình từ Trái Đất tới Mặt Trời là 1 đơn vị thiên văn(AU), tương đương 150 triệu km. Một phần xa hơn nữa của hệ Mặt Trời là đám mây sao chổi Oort, cách Mặt Trời 50.000 AU, xa hơn sao Diêm Vương 1.000 lần.
6. Hầu hết nguyên tố trên Trái Đất đều hiếm.
Thành phần cơ bản của Trái Đất chủ yếu là sắt, oxy, silic, magiê, lưu huỳnh, niken, canxi, natri và nhôm. Nhưng khi so sánh với vũ trụ, chúng chỉ là các “nguyên tố hiếm” bởi sự phong phú hơn nhiều của hydro và heli có trong vũ trụ.
7. Đá sao Hỏa trên Trái Đất.
Phân tích hóa học nhiều thiên thạch được tìm thấy tại Nam Cực và sa mạc Sahara cho thấy chúng có nguồn gốc từ sao Hỏa. Ví dụ, một số thiên thạch chứa lỗ đọng khí (gas pocket) có thành phần hóa học giống hệt với bầu khí quyển sao Hỏa. Những thiên thạch này bị đánh bật khỏi bề mặt sao Hỏa do một vụ va chạm với tiểu hành tinh hoặc vụ phun trào núi lửa khổng lồ,sau đó bay tới Trái Đất.
8. Sao Mộc có đại dương lớn nhất.
Sao Mộc là hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời, thể tích của nó có thể chứa 1.321 Trái Đất ở bên trong. Sao Mộc nằm xa Mặt Trời hơn 5 lần so với Trái Đất, được cấu tạo chủ yếu từ hydro và heli. Hydro trên sao Mộc tồn tại dưới dạng lỏng, tạo thành một “đại dương hydro” phủ khắp hành tinh với độ sâu 40.000 km.

9. Mặt Trăng của tiểu hành tinh.
Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ những thiên thể lớn như hành tinh mới có Mặt Trăng tự nhiên bay xung quanh. Trên thực tế, khả năng một hành tinh sử dụng lực hấp dẫn để kiểm soát Mặt Trăng trên quỹ đạo đôi khi được dùng như một phần của định nghĩa thế nào là hành tinh thật sự. Tuy nhiên, sao Thủy và sao Kim không có vệ tinh, sao Hỏa chỉ có những vệ tinh rất nhỏ. Năm 1993, khi tàu thăm dò Galileo bay qua tiểu hành tinh Ida rộng 32 km, nó phát hiện mặt trăng của Ida tên là Dactyl có kích thước 1,6 km. Kể từ đó, các nhà khoa học phát hiện thêm rất nhiều Mặt Trăng quay quanh tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời.
10. Chúng ta đang sống bên trong Mặt Trời.
Khí quyển bên ngoài của Mặt Trời kéo dài vượt xa bề mặt nhìn thấy của nó và quỹ đạo Trái Đất nằm trong bầu khí quyển mỏng manh này. Bầu khí quyển bên ngoài của Mặt Trời (nhật quyển) trải rộng ít nhất 100 AU, gần 16 tỷ km.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm