Trận Vạn Kiếp: 30 vạn quân Đại Việt quyết chiến 50 vạn quân Nguyên
Cái chết bí ẩn của ông nội Tần Thủy Hoàng: Tại vị đúng 3 ngày, lý do khiến sử gia điên đầu / Thêm bằng chứng người ngoài hành tinh điều UFO theo dõi Trạm Vũ trụ Quốc tế
Quân Nguyên sau khi thắng trận ở Nội Bàng, về cơ bản đã chiếm trọn vùng Lạng Châu. Tuy nhiên ngay tại vùng này vẫn còn những đội quân nhỏ của các thủ lĩnh n gười dân tộc thiểu số phối hợp với quân triều đình hoạt động quấy rối. Trên các đoạn đường vận lương dài từ biên giới đến nơi đóng đại doanh của Thoát Hoan luôn phải tổ chức những cụm quân đóng giữ. Thoạt đầu tại Lạng Châu, binh lực quân Nguyên vẫn tập trung. Nhưng khi vùng chiếm đóng rộng ra, giặc sẽ càng phải phân tán một lực lượng lớn chỉ dùng để đóng giữ những nơi đã chiếm và canh giữ đường hậu cần.
Ảnh minh họa
Trận Vạn Kiếp
Tại Vạn Kiếp, Hưng Đạo vương hội quân hơn 20 vạn thì Thoát Hoan cũng hội quân ở Nội Bàng một lực lượng lớn gần 50 vạn quân. Tựu chung, binh lực của quân Nguyên vẫn đông đảo hơn quân ta rất nhiều. Cả hai bên đều ra sức tranh thủ chỉnh đốn đội ngũ. Về phía quân ta, Hưng Đạo vương bố trí thế trận phòng thủ mới ở các vùng Bắc Giang (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, một phần Hà Nội ngày nay), Vạn Kiếp (thuộc Chí Linh, Hải Dương ngày nay).
Thoát Hoan cùng đầu não quân Nguyên đã lên một kế hoạch mới để đánh một trận lớn tấn công vào Vạn Kiếp, hòng đánh tan lực lượng chủ lực của Đại Việt trước khi tấn công Thăng Long. Chúng hy vọng sẽ đánh một trận quyết định thành bại ngay tại Vạn Kiếp. Ngoài việc chuẩn bị các lực lượng kỵ bộ là lực lượng tấn công chủ chốt, quân Nguyên tìm cướp các ván gỗ, nguyên vật liệu trong vùng, lập xưởng đóng thuyền dã chiến. Cùng với các chiến thuyền quân Nguyên đã cướp được trong trận Nội Bàng và các thuyền tìm cướp trong dân, Thoát Hoan cho lập một đội thủy quân với khoản vài trăm chiến thuyền. Ô Mã Nhi được giao chỉ huy đội thủy quân, nhận nhiệm vụ phối hợp với quân trên bộ và đánh chặn đường rút lui của quân Đại Việt. Ô Mã Nhi là một tướng dũng mãnh, có tài về thủy chiến bậc nhất trong quân Nguyên, được phong danh hiệu Bạt Đô (nghĩa là dũng sĩ vô địch, theo binh chế nước Nguyên).
Ngày 11/2/1285, Thoát Hoan giao cho Ô Mã Nhi làm tiên phong, cầm đầu 30 vạn quân chia làm nhiều hướng tấn công vào Vạn Kiếp. Thoát Hoan thì dẫn mười mấy vạn quân còn lại theo sau làm lực lượng dự bị. Mở màn là đòn tấn công của thủy quân do Ô Mã Nhi cầm đầu đánh vào phòng tuyến Bình Than. Bộ binh địch cũng tiến dọc bờ sông phối hợp, đồng thời tiến đánh núi Phả Lại. Hưng Đạo vương đem hơn 1.000 chiến thuyền bày trận trên các ngã sông Lục Nam, Lục Đầu, ngay tại bến Bình Than, gọi là trận Dực Thủy, ứng chiến với Ô Mã Nhi. Thủy quân Nguyên cậy vào cung tên ở trên bộ hỗ trợ, hùng hổ tiến vào. Quân Đại Việt không hề nao núng, dựa vào hạm thuyền hùng hậu, thủy quân tinh nhuệ bẽ gãy các đợt tấn công của địch.
Quân Nguyên không tiến lên được, bị thiệt hại nặng. Quân ta giết được viên Vạn hộ Nghê Thuận tại Lưu Thôn. Tuy nhiên quân Nguyên cậy đông nối nhau tấn công dồn dập. Các tướng Nguyên là Na Khai, Tôn Đức Lâm cùng đem quân phối hợp với Ô Mã Nhi, tấn công quân của Đại Việt từ nhiều hướng. Dưới sông, thủy quân địch tỏ ra yếu thế hơn do thuyền của quân Đại Việt nhiều và thủy quân thiện chiến hơn, nhưng trên bộ thì kỵ binh địch lại chiếm thế thượng phong.
Vua Trần Nhân Tông được tin cấp báo, thân đem 1.000 chiến thuyền, 10 vạn quân dự bị chiến lược từ Thăng Long lên tiếp viện cho quân của Hưng Đạo vương. Tổng cộng quân số Đại Việt tại Vạn Kiếp lúc này đã lên tới gần 30 vạn quân, tuy vậy vẫn ít hơn quân của Thoát Hoan nhiều. 30 vạn quân Đại Việt cùng gần 50 vạn quân Nguyên kịch chiến dữ dội, ba ngày trời bất phân thắng bại. Đến ngày 14/2/1285, nhận thấy quân ta dần yếu thế hơn, Hưng Đạo vương cùng vua Trần Nhân Tông hạ lệnh lui quân, theo đúng như phương châm mà ngài đã đề ra trong Binh Thư Yếu Lược: “Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng”.
Lần này, do giữ được vững chắc các tuyến sông lớn nên quân ta có thể rút lui nhanh chóng bằng đường thủy, thuận lợi theo đường sông Đuống về Thăng Long. Hạm thuyền hùng hậu đến hàng ngàn chiếc đủ sức chở một đạo quân khổng lồ hàng chục vạn quân rút lui. Tuy nhiên, phía quân ta vẫn phải chấp nhận hy sinh một số lực lượng nhất định để ở lại đánh chặn hậu cho toàn quân có đủ thời gian rút lui an toàn. Mặc dù thủy quân của Ô Mã Nhi rất cố gắng đánh cắt đường lui của quân Đại Việt nhưng không thành công. Tuy không có số liệu về thương vong sau trận kịch chiến tại Vạn Kiếp, nhưng ắt hẳn cả hai phía đều bị thiệt hại nặng với mức độ giao tranh ác liệt, kéo dài như thế.
Quyết tâm bảo vệ kinh thành
Chiếm được Vạn Kiếp rồi, quân Nguyên nối nhau tiến quân vào lộ Bắc Giang. Tại vùng này Hưng Đạo vương chỉ bố trí những lực lượng cảm tử với quân số ít, chủ yếu để đánh cầm chân giặc. Các châu Vũ Ninh, Đông Ngàn có khá ít quân phòng giữ nên nhanh chóng rơi vào tay giặc. Quân Nguyên chiếm được Đông Ngàn, lại bắt cầu phao tung bộ binh vượt sông Đuống đánh chiếm châu Gia Lâm, uy hiếp kinh thành Thăng Long từ mặt phía đông, thanh thế vô cùng lớn.
Tại các vùng quân Nguyên đi qua, chúng thả sức làm điều bạo ngược, tàn hại sinh linh Đại Việt. Thoát Hoan bắt được quân ta, thấy trên cánh tay có thích chữ “Sát Thát”. Hắn giận lắm, sai giết hết những tù binh. Người nước Nguyên theo đuổi một thứ ảo tưởng việc bành trướng lãnh thổ, thậm chí thống nhất thế giới bằng bạo lực. Bất luận máu chảy thành sông, xương chất thành núi chúng cũng không ngần ngại. Những việc giết hại nhân dân các nước không chịu lệ thuộc, bọn chúng coi là lẽ đương nhiên.Thoát Hoan mới vào nước ta không lâu, dựa vào quân đông tướng mạnh thắng liền mấy trận, cho là quân Đại Việt tất nhụt chí. Hắn bèn bảo A Lý Hải Nha thảo thư dụ hàng, sai người gởi cho vua Trần.
Thư viết rằng: “Triều đình điều binh chinh phạt Chiêm Thành, nhiều lần đưa thư cho thế tử (1), bảo mở đường, chuẩn bị lương thực, nào ngờ trái mệnh triều đình, để bọn Hưng Đạo Vương đem quân nghênh chiến, bắn quân ta bị thương, khiến cho sinh linh An Nam gặp họa, đó là do nước người làm vậy. Nay đại quân đi qua nước ngươi thảo phạt Chiêm Thành, đó là thánh chỉ. Thế tử hãy nghỉ cho kĩ, nước ngươi quy phục đã lâu, nên vì cái đức khoan hồng từ bi của hoàng đế mà ra lệnh rút quân mở đường, khuyên bảo trăm họ ai nấy cứ sinh sống làm ăn, quân ta đi qua sẽ không gây chút phiền nhiễu nào, thế tử hãy ra nghênh tiếp Trấn Nam Vương, cùng bàn việc quân. Nếu không, đại quân sẽ dừng ở An Nam mở phủ”.
Dù giặc mạnh như cuồng phong, vua tôi nhà Trần vẫn không nao núng. Tại Thăng Long, quân Đại Việt lại chuẩn bị trận địa mới đón đánh giặc. Một mặt, triều đình tổ chức sơ tán nhân dân, cung thất, lương thảo, kho tàng đi nơi khác, chủ yếu là về lộ Thiên Trường (thuộc Nam Định ngày nay), Trường Yên (thuộc Ninh Bình ngày nay) để đề phòng bất trắc.Mặt khác, quân ta điều các chiến thuyền phòng giữ các ngả sông quanh thành Thăng Long, dọc bờ sông dùng gỗ và tre làm hàng rào, sau lớp rào đặt máy bắn đá (2), gia cố hào lũy ngoài tường thành, sẵn sàng nghênh chiến quân Nguyên để bảo vệ kinh thành. Quân Đại Việt đặt trọng binh trấn giữ tại Đông Bộ Đầu, đối trận với quân Nguyên phía bên Gia Lâm, chỉ cách nhau một con sông Hồng. Tiên phong quân Nguyên trong nhất thời không dám vượt sông tiến sang, dừng quân chờ tập kết thủy bộ đông đủ.
Qua việc tìm hiểu những bước chuẩn bị chiến đấu của quân Đại Việt tại Thăng Long, chúng ta cần hiểu rằng quân đội nhà Trần đã có cố gắng nhất định để bảo vệ kinh thành khỏi sự chiếm đóng của giặc. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số nhận định chủ quan cho rằng nhà Trần không chú trọng việc bảo vệ kinh thành, dễ dàng để ngỏ cho quân Nguyên vào chiếm thành để thực hiện “vườn không nhà trống”. Thực tế, kế “vườn không nhà trống” nổi tiếng chỉ là phương án dự phòng trong chiến lược của vương triều Trần. Cuộc chiến tại thành Thăng Long sẽ lại là một trận chiến quy mô khá lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?