Khám phá

Tranh cãi về chiến dịch Cầu vồng của Israel

Năm 2004, dư luận thế giới từng chấn động trước bản tin của Reuters và New York Times với hình ảnh một người Palestine ôm trên tay xác một bé trai sau khi Israel tấn công vào đám đông tại khu trại tị nạn Rafah ở phía Nam Dải Gaza.

Hé lộ 4 chiến dịch phản gián hàng đầu thời Liên Xô / Ảnh: Cuộc đổ bộ Walcheren của Anh-Canada mở màn chiến dịch Infatuate

Những nhân chứng và nhân viên y tế ở thời điểm đó xác nhận đã có 8 người Palestine thiệt mạng, hơn 50 người khác bị thương trong một cuộc tấn công được cho là bằng trực thăng và xe tăng. Một chiến dịch có tên rất hoa mỹ - Chiến dịch Cầu vồng- cho đến nay vẫn đi kèm với rất nhiều tranh cãi mỗi khi được nhắc tới.

Chiến dịch khởi động trong bối cảnh xung đột giữa Israel và người Palestine ở Gaza căng thẳng với hàng loạt vụ nã rocket Qassam và lựu đạn từ Gaza vào cộng đồng người Do Thái.

Israel tuyên bố phát động “Chiến dịch Cầu vồng” chủ yếu tại Rafah, nhằm tìm kiếm và phá hủy các đường hầm mà họ cáo buộc là được phiến quân sử dụng để vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc lá, linh kiện điện tử, hàng hóa, ngoại tệ, vàng, thuốc phiện và thậm chí là cả quần áo từ Ai Cập.

Diễn biến đẫm máu

Từ năm 2001, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) vẫn định kỳ phá hủy các ngôi nhà của người Palestine tại Rafah để thiết lập cái gọi là vùng đệm. Thực tế, tất cả những người tiếp cận khu vực này, từ các nhân viên nhân đạo, tình nguyện viên nước ngoài và các thanh sát viên Liên Hợp Quốc (LHQ) đều bị hạn chế.

Năm 2002, IDF đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà ở Rafah để mở rộng vùng đệm và dựng lên một bức tường bằng hàng rào thép gai cao 8m, dài 1,6km dọc biên giới, sâu 2m trong lòng đất.

Bức tường này được dựng lên cách biên giới khoảng 80-90m, gấp đôi chiều rộng hành lang tuần tra. Sau khi hoàn thành tường rào vào đầu năm 2003, Israel tiếp tục các hoạt động phá dỡ, và thậm chí còn đẩy mạnh hơn. Theo tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW), bức tường được dựng lên để làm bàn đạp cho việc hợp thức hóa các hoạt động phá dỡ quy mô hơn về sau.

Dải Gaza.

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc IDF hợp pháp hóa việc phá dỡ tại Rafah còn rất nhiều điểm gây tranh cãi, và là một phần mục tiêu thiết lập một khu vực biên giới rộng hơn và “trống vắng” để từng bước tiến tới kiểm soát toàn bộ Dải Gaza.

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 12/5/2004, khi 5 binh sỹ Israel thiệt mạng tại Hành lang Philadelphi. Một ngày sau đó, chính phủ Israel thông qua kế hoạch mở rộng hành lang này bằng cách phá hủy hàng chục, hoặc có lẽ là hàng trăm ngôi nhà.

Ngày 17/5/2004, IDF chính thức khởi động “Chiến dịch Cầu vồng” với những mục tiêu được nêu rõ là “tìm kiếm, phá hủy những đường hầm buôn lậu; truy quét khủng bố; và đảm bảo Tuyến Philadelphi”.

Ngày 14/5/2004, một nhóm binh sỹ IDF tiến vào “Khu Brazil” tại thành phố Rafah. Giao tranh ác liệt nổ ra khiến 12 người Palestine thiệt mạng và 52 người khác bj thương. Quân đội Israel bắt đầu phá dỡ các ngôi nhà ở khu dân cư Qishta. Đêm cùng ngày, Tòa án Tư pháp Tối cao Israel ban sắc lệnh lâm thời cấm IDF phá hủy những ngôi nhà trong khu tị nạn, trong trường hợp không “liên quan tới chiến dịch quân sự thông thường”.

Tuy nhiên, tới ngày 16/5, Tòa án Tối cao lại phán quyết rằng IDF có thể căn cứ vào nhu cầu chiến dịch để tiến hành các hoạt động của mình, một thông tin khiến nhiều người dân Palestine lo ngại và nhanh chóng tìm cách trốn chạy. Chiến dịch Cầu vồng chính thức bắt đầu một ngày sau đó.

 

Một giờ chiều ngày 17/5/2004 (giờ địa phương), IDF đóng cửa tuyến đường duy nhất nối Rafah và Khan Yunis, triển khai lực lượng bao vây khu vực. Các xe bọc thép, xe tăng và xe phá dỡ được điều tới Rafah qua cửa khẩu Sofa, cắt đứt liên lạc giữa thành phố này với phần còn lại của Dải Gaza.

Ngày 18/5, IDF bao vây trại tị nạn Tel al-Sultan, cô lập khu vực này với các vùng lãnh thổ khác. Xe cứu thương bị chặn ở bên ngoài. Người Palestine thậm chí còn không được phép tới các trạm y tế của Cơ quan Hành động và Cứu trợ LHQ (UNRWA). Nhiều ngôi nhà, đường sá, các hạ tầng công cộng và cánh đồng bị tàn phá nặng nề.

Trước sức ép từ làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế thời điểm đó, chính phủ Israel phải tuyên bố kế hoạch mở rộng vùng đệm tại biên giới với Ai Cập đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, quân đội vẫn tiếp tục chiến dịch phá dỡ của mình.

Ngày 19/5, Hội đồng Bảo an LHQ ban hành “Nghị quyết 1544” lên án việc giết hại người dân Palestine và phá hủy nhà cửa với số phiếu 14-0. Mỹ vắng mặt trong cuộc họp bỏ phiếu nhưng không dùng đến quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, nghị quyết này không đủ để khép lại chiến dịch khi IDF vẫn viện cớ truy quét khủng bố và yêu cầu các nam thanh niên trên 16 tuổi tại trại tị nạn Tel al-Sultan tập trung tại một trường học do UNRWA bảo trợ. Trong khi đó xe tăng và máy bay trực thăng của IDF tấn công một nhóm người biểu tình trong khu vực, khiến con số thương vong lên đến hơn 50 người. Một số người Palestine cho biết quân đội Israel còn phá dỡ các ngôi nhà trước khi người dân kịp sơ tán.

 

Ngay khi vừa bước sang ngày 20/5, một trực thăng của Israel đã nã tên lửa vào trại tị nạn ở Rafah làm 3 người Palestine thiệt mạng. Vài giờ sau đó, hai tay súng Palestine trúng đạn. Cùng ngày, quân đội Israel phá hủy một tòa nhà bốn tầng của Nafez Azzam - một thủ lĩnh Hồi giáo thánh chiến địa phương - và một câu lạc bộ thể thao Hồi giáo nhỏ.

Một gia đình ngồi bên ngoài căn nhà bị phá hủy.

Trong ba ngày càn quét thành phố phía Nam Dải Gaza của người Palestine, Israel đã khiến 42 người Palestine thiệt mạng, làm bị thương hơn 100 người, đẩy hàng nghìn người ra đường sau khi phá hủy nhà cửa của họ.

Đến ngày 21/5, xe tăng và xe bọc thép vẫn án ngữ lối vào, trong khi IDF rải truyền đơn yêu cầu người dân trong vùng ngăn cản các phần tử "khủng bố" không được triển khai các hoạt động chống Israel. Lệnh giới nghiêm vẫn còn hiệu lực tại những nơi này.

Mãi cho đến rạng sáng ngày 24/5/2004, quân đội Israel mới rút khỏi Tel al-Sultan, song IDF vẫn duy trì sự hiện diễn tới tận một tuần sau đó.

Vào ngày 1/6/2004, Chiến dịch Cầu vồng chính thức khép lại. Điều mà người ta nhận thấy là IDF đã lựa chọn tấn công khu vực nơi các cuộc đấu tranh vũ trang của người Palestine không quá mạnh mẽ để tránh phải đối mặt với phản ứng gay gắt từ phía các nhóm vũ trang.

 

Mục đích sâu xa

UNRWA cho biết ngay từ đầu tháng 5/2004, Israel đã đẩy mạnh chương trình tái cấu trúc và truy quét tại Rafah. Báo cáo đề ngày 10/5/2004 của UNRWA có đoạn: “Các hoạt động phá hủy trong 10 ngày đầu tháng 5 đã khiển tổng số người mất nhà cửa tại Dải Gaza lên tới 17.594. Phần lớn các hoạt động phá dỡ trong tháng này diễn ra tại Rafah, phía Nam Dải Gaza, nơi 11.215 người đã không còn nơi ở từ khi chiến dịch bắt đầu”.

Israel tuyên bố các chiến dịch quân sự mà họ tiến hành tại Rafah là vì “các lý do an ninh”, tuy nhiên nhiều báo cáo của các tổ chức nhân quyền lại vẽ nên một bức tranh khác với những vụ tấn công nhằm vào người dân thường, thậm chí là cả trẻ em, hay các vụ nã súng vào ban đêm từ chòi canh của Israel.

Một xe ủi của IDF.

Thậm chí, có 3 công dân nước ngoài là Rachel Corrie (nhà hoạt động hòa bình, quốc tịch Mỹ, Tom Hurndall (nhiếp ảnh gia, quốc tịch Anh), và James Miller (phóng viên quay phim, quốc tịch Anh) đã thiệt mạng bởi quân đội Israel tại Rafah.

Tổ chức nhân quyền BTselem cho biết chỉ trong vài ngày trung tuần tháng 5/2004, “IDF đã phá hủy 116 căn nhà tại Rafah, khiến 198 gia đình phải rời bỏ nhà cửa”.

 

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Tham mưu trưởng IDF là Tướng Moshe Yaalon và Bộ trưởng Quốc phòng Shaul Mofaz đều nhấn mạnh rằng mục đích của Israel chỉ là phá vỡ “hàng trăm ngôi nhà” tại Rafah “theo kế hoạch nhằm mở rộng Tuyến Philadelphi”. Tướng Moshe Yaalon thậm chí còn nói rằng những ngôi nhà nằm trong diện phá dỡ đã được đánh dấu trên ảnh chụp từ trên cao.

Tờ Christian Science Monitor ngày 17/5/2004 đưa tin: “Nhà lập pháp Arye Eldad, thuộc liên minh cánh hữu, thành viên Ủy ban Quốc phòng và các Vấn đề Đối ngoại, cho biết ý định của chính phủ Israel là mở rộng bề ngang Hành lang Philadelphia thành 500 yard (gần 500m), từ chiều rộng ban đầu là 250 yard”.

Dù những tuyên bố này liên tục được nhấn mạnh với báo chí khu vực song thực tế những sự kiện diễn tại Rafah sau đó lại cho thấy những gì Israel tuyên bố lại không đi cùng với các diễn biến trên thực tại.

Trong tài liệu đề ngày 18/5/2004 trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Israel, Israel thậm chí còn nói rằng hoạt động phá dỡ được tiến hành theo một căn cứ khác.

Cụ thể, tài liệu có đoạn: “Một trong những biện pháp an ninh là tháo dỡ những hạ tầng có nguy cơ đe dọa an ninh thật sự đối với quân đội Israel. Những kẻ khủng bố trà trộn trong các hạ tầng dân sự hay các lùm cây bên đường. Vì vậy quân đội nhận thấy sự cần thiết của việc phá dỡ các địa điểm này. Theo luật quốc tế, các hạ tầng đó được xem là mục tiêu quân sự hợp pháp. Vì vậy, trong trường hợp giao chiến, vì sự cần thiết của chiến dịch, lực lượng an ninh có thể có quyền phá hủy các hạ tầng mà quân khủng bố sử dụng”.

 

Một tài liệu khác của Bộ Ngoại giao Israel lại đưa ra thêm một lý do: “Một ví dụ cho thấy sự cần thiết của việc phá hủy các tòa nhà này là vì chúng được các nhóm khủng bố tận dụng để che giấu việc đào các đường hầm nhằm buôn lậu vũ khí, thuốc nổ hay đưa những kẻ khủng bố từ Ai Cập vào Dải Gaza. Tương tự như vậy, các tòa nhà ở Bờ Tây và Dải Gaza cũng được dùng để sản xuất và che giấu rốc két, lựu đạn, vũ khí hoặc các thiết bị nổ dùng để tấn công Israel. Việc phá hủy và tháo dỡ các hạ tầng này luôn là cách duy nhất để xử lý mối đe dọa ấy”.

Dù những lý do kể trên thoạt nhìn rất hợp lý, đặc biệt là việc Israel luôn nhấn mạnh tới việc Israel sẽ chỉ phá hủy những ngôi nhà mà họ xem là “cần thiết về mặt quân sự”, và được phép tháo dỡ theo luật quốc tế, song rõ ràng những phát biểu trước đó của Tướng Yaalon và Bộ trưởng Mofaz đều nói rõ rằng các vụ tấn công của Israel là để “ngăn chặn” và đề phòng.

Israel tuyên bố không dùng vũ khí hạng nặng nhằm vào dân thường Palestine. Cụ thể, theo các thông báo chính thức từ Israel, họ “thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng chỉ có những kẻ khủng bố và những hạ tầng mà chúng sử dụng mới bị đưa vào tầm ngắm. Hơn thế nữa, dù là điều được chấp nhận trong xung đột vũ trang song Israel vẫn hạn chế tấn công các kẻ khủng bố bằng hỏa lực từ trên không, nhằm hạn chế thương vong cho dân thường, một chính sách đổi lại khiến quân đội Israel đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Sự hy sinh của 13 binh sỹ trong các chiến dịch bộ binh tại Dải Gaza đầu tháng 5/2004 là ví dụ tiêu biểu cho những gì mà Israel phải đánh đổi để hạn chế tối đa thương vong cho người dân Palestine”.

Chủ tịch Palestine khi đó là Yasser Arafat gọi Chiến dịch Cầu vồng là một vụ “thảm sát”, trong khi các tổ chức quốc tế đều lên án hành động của Israel. Tổng thống Mỹ George W Bush bình luận thương vong rất “đáng lo ngại”, song phát biểu trước cộng đồng Mỹ gốc Do Thái rằng Israel có “quyền tự vệ trước khủng bố”.

 

Cho đến nay các bên vẫn tiếp tục có nhiều ý kiến về việc IDF hợp pháp hóa việc phá dỡ tại Rafah, song đa phần đều cho rằng đây là một phần trong kế hoạch thiết lập một khu vực biên giới rộng hơn và “trống vắng” để từng bước tiến tới kiểm soát toàn bộ Dải Gaza, vùng đất cho đến nay vẫn chưa thực sự bình yên.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm