Khám phá

Trên cao nguyên trà có một ngọn Linh Sơn

Từ ngôi nhà ở phường B’lao (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng), chỉ cần bước về cửa sau, núi Đại Bình đã hiện ra trước mắt. Vào buổi sáng hoặc chiều, trước núi là mây. Thung lũng Nam Phương nối phố với núi bằng biển trắng bồng bềnh. Cuối “biển”, ngọn núi đội mây cao lên, trắng muốt một vùng trời.

Vị tướng đen đủi nhất Tam Quốc: Bán mạng trên chiến trường mãi mới thành danh, thành quả lại bị Lưu Bị trắng trợn 'phỗng tay trên' / Tham lam ngang ngửa nhưng thông minh hơn Hòa Thân vài phần, viên quan Thanh triều dùng 1 mánh khóe, riêng tiền lãi tiêu cả đời không hết

Núi Đại Bình - Ảnh Hoàng Linh

Nhìn cảnh thần tiên đó, một câu hỏi nhiều năm lại thúc giục: “Ai đã đặt tên cho núi?”. Cái tên khiến người ta lần giở những trang sử cũ mới, mở khóa huyền thoại của những tộc người, chu du trong mọi cuộc liên văn bản, rồi giật mình nhận ra câu hỏi đã bước ra từ tự tính nơi mình…

Tên gọi từ cố vương?

Núi Đại Bình bấy giờ đã được biết đến như một điểm săn mây. Nếu những vùng núi cao mù khơi phía Bắc, hay cả Cầu Đất, Đà Lạt, mây vẫn thất thường, thì mây Bảo Lộc ê hề quanh năm. Núi Đại Bình trở thành một “thang mây”. Vào những giờ mây, chỉ cần leo đến lưng chừng núi, người ta cũng thấy biển mây trước mặt, gần như mỗi ngày.

Vẻ đẹp của Đại Bình đã được giới du lịch kể tên thật kỹ. Đồi bát úp. Cổng trời. Những con đường núi đẹp rụng rời. Những “cánh rừng” dã quỳ chiếm đóng suốt mấy tháng cuối năm. Không khí dịu mát quanh năm. Đặc biệt, tất cả những nét đẹp đó đều có lúc phủ một tấm chăn mây, trắng xóa, rồi lại hiện ra dần lúc mây tan. Nhiêu đó đã làm người yêu núi, yêu mây mê mệt.

Người “nhiễu sự” hơn một chút thì thấy Đại Bình hấp dẫn với quá khứ linh thiêng gắn với tập tục của người Châu Mạ. Nhưng nhắc đến người Châu Mạ, lại thấy cái tên “Đại Bình” như một sai số cần giải mã. Bởi ngọn núi vốn được người Mạ đặt tên là Sapung. Bây giờ, người xứ B’lao, đặc biệt là người dân ở cánh Lộc Thành, Bảo Lâm vẫn còn dùng tên Sapung để gọi ngọn núi vẫn che chắn họ. Một số giả thuyết cho rằng chữ “Đại” trong “Đại Bình” có gốc gác từ chữ “Đạ Bin” trong tiếng Mạ, là tên của con sông chạy quanh chân núi. Dần dà, người Kinh đọc trại thành Đại Bình, rồi gọi tên núi theo tên sông. Nghe có vẻ hợp lý. Nhưng so với “logic đọc trại” mà ta vẫn còn thấy rõ ở những địa danh như Đạ Tẻ, Đạ Nghịch, Đạ Tồn… ở xứ này - cũng là những cái tên xuất xứ từ chữ “đạ” là “con suối” trong tiếng Mạ - thì Đại Bình lại nằm ngoài quy luật. Bản thân từ Đại Bình cũng rõ nghĩa, và hoàn toàn thuần Việt.

Rốt cục thì, ai đã đặt tên cho núi? Đại Bình có phải là tên gọi từ một cuộc “chơi trội” của người Kinh nào đó, để thay tên đổi họ ngọn núi thiêng của người Châu Mạ? Kẻ “mọt sách”, từng đọc hàng trăm cuốn sách về văn hóa, lịch sử nước Việt, vẫn chưa gặp cái tên “núi Đại Bình”. Tra cứu khắp nơi, ông khẳng định đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có ngọn núi tên “Đại Bình”. Sóng âm của chữ “Đại Bình” mách bảo ở ông một sự “liên văn bản” giữa vô số các văn khố đã đọc về các nền văn minh, nhưng vẫn chưa thể gọi ra được.

 

Và ta gặp cái tên “Dabi”. Hóa ra, người xứ B’lao từng gọi núi Sapung - Đại Bình bằng cái tên Dabi. Theo lời kể, những năm 1950 - 1960, khi Bảo Lộc còn là vùng đất thuộc địa phận Hoàng triều Cương thổ, vua Bảo Đại từ thủ phủ Hoàng triều là Đà Lạt vẫn thường xuống đây chơi, vào núi Sapung săn bắn. Một lần, đứng trên núi Sapung nhìn xuống, thấy dưới chân núi một thung lũng phóng khoáng, xinh đẹp, vua đã xúc động đặt tên là thung lũng Nam Phương - tên của nàng hậu mà vua yêu quý. Hồ nước bên thung lũng cũng có tên hồ Nam Phương. Và như để “tác hợp” cho núi, người dân gọi tên ngọn núi bên cạnh thung lũng Nam Phương bằng tên vua Bảo Đại, đọc trại thành Dabi. Để người sau đọc trại tiếp, thành Đại Bình.

Câu chuyện thật lãng mạn, nhưng cũng chỉ là một giai thoại. Không một bằng chứng nào còn lưu giữ thể hiện tính xác thực của những sự kiện này. Hai chữ Đại Bình vẫn vọng ra cái sóng âm của đại ngàn, thôi thúc một kiến giải.

"Lưu lạc" đến... Linh Sơn

Tôi có nhiều lối để đi vào mạch chuyện về núi Đại Bình. Có thể viết về ngọn núi này theo hành trình của một du khách từng nhiều lần vào núi săn mây. Có thể kể từ cái nhìn của một kẻ từng trầy vi tróc vảy vì đi lạc trên đường đi săn ảnh Đại Bình. Cũng có thể tường thuật thật lộng lẫy những khoảnh khắc người ta chụp được mây trời phả vào những cánh rừng trên đồi bát úp, đẹp như một kỳ quan.

Mà, trải nghiệm mê hoặc ở Đại Bình thì ê hề như mây. Chỉ cần đến Bảo Lộc, khám phá Đại Bình, du khách dễ dàng có một câu chuyện riêng bao gồm đầy đủ những nét đẹp người ta có thể miêu tả về nơi này. Nhưng du khách đi đâu để biết nhiều hơn về núi? Con đường nào, dịch vụ nào dẫn họ về với những ưu tư lẫn những linh cảm khác lạ về Đại Bình, để có thể đi sâu hơn, kể dài hơn về lai lịch của núi?

Người đàn ông tôi gặp là một người yêu Bảo Lộc, trân trọng văn hoá, lịch sử và bị cuốn hút bởi những biểu tượng. Ông đã gặp phần đông những trí thức, nhà nghiên cứu từng viết về vùng đất B’lao. Không ai biết chính xác tên Đại Bình xuất phát từ đâu. Ông từng đi tìm ông Sơn Núi - một gương mặt văn nghệ nổi tiếng cả trước và sau 1975 sống ẩn mình ở đồi thông phía nam Bảo Lộc để hỏi. Ông Sơn Núi cũng lắc đầu, không biết. Nhưng khi ấy, nhà thơ tinh tường cũng đồng tình rằng cái tên Đại Bình không dưng mà có, càng không phải là một cái tên võ đoán. Ngoài nghĩa của từ, Đại Bình hẳn phải mang một ý nghĩa biểu tượng. Họ cùng ưu tư.

 

Hết tài liệu để tra cứu. Không còn ai để hỏi. Tưởng những ưu tư về hai chữ “Đại Bình” sẽ dừng ở đó. Nhưng tình cờ, trong chuyến du lịch Ấn Độ về vùng đất Phật, ông gặp lại cái sóng âm đặc biệt nọ trong hai chữ “Hoà Bình”.

Trên đỉnh Linh Thứu - nơi Phật dành 1/2 thời gian hành đạo để giảng pháp có một toà tháp được xây với kiến trúc Nhật. Toà tháp màu trắng mọc trên đỉnh núi, in giữa nền trời, được đặt tên là “tháp Hòa Bình” (Shanti Stupa). Bên trong tòa tháp là nội thất kiểu Nhật, đồ dùng kiểu Nhật. Tất cả thuộc quyền quản lý của người Ấn Độ. Hướng dẫn viên cho biết, tháp Hòa Bình được người Nhật xây từ những năm 1960, như một biểu tượng thúc đẩy hòa bình, an vui cho nhân loại. Lần theo dòng lịch sử Nhật Bản, có thể bắt gặp nhiều thông tin cho rằng ý tưởng xây dựng công trình của người Nhật tại Tứ động tâm Ấn Độ - 4 thánh tích thiêng liêng của Phật giáo - đã có từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để đến nửa sau của thế kỷ 20, ý tưởng này mới được người Nhật hiện thực hóa.

Các tháp Hòa Bình lần lượt được dựng lên ở Tứ Động Tâm, trên đỉnh Linh Thứu. Hoạt động này được Viện Viễn đông Bác cổ đánh giá như một biểu tượng của niềm tin về năng lượng tâm linh của Nhật Bản. Những nhà thông thái Nhật Bản đã nhận ra việc dựng một “công trình Nhật Bản”, để những “vật dụng Nhật Bản” hiện diện trên những vùng đất thiêng có thể tạo ra một kết nối năng lượng mạnh mẽ, mang đến những điều tốt đẹp cho vận mệnh của nước Nhật, dân tộc Nhật. Người Nhật vẫn mải miết thực hành niềm tin này. Đến năm 2000, đã có 80 tháp Hòa Bình được xây dựng khắp thế giới.

Vùng địa đàng có mây bay thấp

Nghe chuyện “Hòa Bình” tại Linh Sơn mà nhớ đến ngọn núi ở quê nhà, thấy giữa mây trắng là một danh xưng gọi còn rắn rỏi, bàng bạc hơn: Đại Bình. Chẳng có manh mối thế tục nào minh chứng cho sự liên hệ giữa Đại Bình của Bảo Lộc, với Hòa Bình trong công cuộc gieo “Nhật tính” vào đất thiêng. Nhưng, cảm thức về một nơi chốn linh thiêng là điểm chung rõ nhất của tiền nhân về những vùng đất này.

Thực tế, Bảo Lộc hay vùng B’lao xưa chính là nơi tập trung đông nhất cộng đồng người Châu Mạ. Theo truyền thuyết di cư của tộc người này, tổ tiên của họ từng lâm nạn đại hồng thủy tại cố hương. Sau biến cố, già làng K’rưng phải dẫn đường đưa con cháu đi tìm đất vùng mới. K’rưng cúng Giàng, xin Giàng cho đất. Giàng bảo phải đi đến vùng đất có mây bay thấp, nơi hội tụ của ba con nước lớn, đó chính là vùng đất thiêng mà người Châu Mạ có thể an cư.

 

Và B’lao chính là tiếng Mạ có nghĩa là “mây bay thấp”. Trong bản đồ thuộc loại xưa nhất của Bảo Lộc do quân đội Mỹ vẽ từ thập niên 60, vùng đất này là nơi gặp nhau của 03 con nước lớn: sông Đại Bình, sông Đại Nga và Đại Brim - một nhánh sông nay đã hẹp dòng, chảy từ hồ Nam Phương qua thủy điện Lộc Phát. Điểm gặp nhau của 3 con sông chính là phần giao nhau của Lộc Sơn, Lộc Nga và Tân Lạc.

Bảo Lộc mà ta có thể dễ dàng lui tới bây giờ, chính là “đất thiêng” trong hành trình di cư hàng ngàn năm của người Châu Mạ. Trong truyền thuyết lẫn ký ức còn tinh tươm của người Mạ đương thời, núi Sapung chính là ngọn núi thiêng. Các buôn làng Mạ từ xưa đã chia nhau những vùng đồi quanh núi để trồng trọt. Nhưng với núi, họ một lòng thành kính. Họ chỉ vào rừng để cúng Giàng, làm những việc linh thiêng. Không ai tự tiện vào dù là để chơi, hay để đốn củi…

Chợt nhận ra, Đại Bình chính là “linh sơn” trong cõi tịnh độ của người Mạ. Và tiềm thức chợt rung lên mấy câu hát quen thuộc:

Mới hôm nào bão trên đầu

Lời ca đau trên cao

 

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần

Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo

Đó là lời bài hát Dấu chân địa đàng của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc này khi đang sống tại B’lao - vùng đất có mây về ngang bên lưng đèo. Dù chưa có tài liệu nào nhắc đến, nhưng từ tựa đề cho đến nội dung, Dấu chân địa đàng như mô phỏng hành trình di cư của người Mạ. Lúc này, không ai có thể xác tín cho ta về mối liên quan giữa ca từ và truyền thuyết. “Tác giả đã chết”, đúng như triết lý mãnh liệt trong tiếp nhận nghệ thuật của Roland Barthes. Chỉ có tác phẩm vẫn không ngừng hiện diện, đợi tri âm…

 

Khung cảnh thần thoại thường thấy khi nhìn TP Bảo Lộc từ trên cao - Ảnh - Đại Lộc.

"Thuở hồng hoang đã thấy"

Người ôm thắc mắc về núi Đại Bình như vừa đến núi, nhưng không “đến” trong không gian, không lọt thỏm giữa những mê cung huyền hoặc của một Đại Bình bốn mùa mây phủ. Mà mà đã “đến” qua thời gian. Cơn rung động chưa nguôi, tôi chợt nghe người đối diện cất lời:

- Cô có biết ông Ba Hưng không?

Tôi có biết. Ba Hưng là một đại tá quân đội được Hà Nội cử vào chỉ huy T14 - đơn vị đứng chân tại núi Đại Bình từ năm 1954. Trong một bút ký về núi Đại Bình, tác giả Ninh Thế Hùng có nhắc đến chi tiết, người dân có thời còn gọi núi Đại Bình là núi Ba Hưng - ý nói đến sự quen thuộc của con người này với ngọn núi này.

Người đối diện tôi lại nói:

- Đơn vị của ông Ba Hưng hoạt động bí mật tại núi Đại Bình vào năm 1954. Đến năm 1975 thì họ xuống tiếp quản B’lao, không một tiếng súng. Cô có thể thấy, vùng đất này suốt 20 năm không thay tướng nửa chừng.

 

Trong mọi huyền môn lẫn các binh pháp cổ xưa của người Á Đông, một vùng đất suốt 20 năm không thay tướng nửa chừng chính là vùng đất giàu linh khí.

Câu chuyện từ binh pháp, huyền môn, truyền thuyết, từ những mật ngôn (hay hiển ngôn) nơi ca từ của một nhạc sĩ nhiều linh cảm, đều vang lên những tin lành của đất: địa đàng, linh khí, đất thiêng, đất lành... Hay, có thể gói gọn tất cả bằng tên ngọn “linh sơn” của B’lao: Đại Bình.

Câu hỏi thẳm sâu về núi đã tự hóa giải. Khách đi núi chợt thấy nơi mình một cảm trạng lạ lùng đã từng được viết ra, cũng bởi Trịnh:

- Ôi quê hương thần thoại, thuở hồng hoang đã thấy, đã xanh ngời liêu trai…

Ảnh: Hoàng Linh

Không có gì lạ khi giữa vùng lặng yên có một con sông đang chảy, một ngọn núi bình thản nhìn trời. Bên thành phố, con sông Đại Bình vẫn ôm chân núi. Nước non luôn là một cảm thức lớn. Núi sông luôn ẩn tàng câu chuyện về những cõi bờ. Tên núi cũng chỉ là một cái tên. Nhưng cái tên nào không chất chứa một cảm thức, một điệu cảm, một cách nhìn, hay một sự ký thác? Người Nhật xây “Hoà Bình” dưới hình hài một ngọn tháp ở khắp nơi, mà ở xứ sở mình, “Đại Bình” tự nhiên nhi nhiên giữa trời đất. Đi được một đoạn vào những ưu tư về “Đại Bình”, mọi thứ như đồng hiện, những cánh cửa hiện ra, như những lối vào một mạch chuyện về đất, về B’lao, về người Mạ - mà Trịnh Công Sơn cũng từng linh cảm.

 

Cửa vào đã thấy. Chỉ còn chờ tiếng gõ và những bước chân của những người biết thao thức nguồn cội…

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm