Khám phá

Truyền thuyết phong thủy về cái chết của Lâm Bưu

Quê hương của Lâm Bưu là nơi Phượng Hoàng bảo địa. Đã là phượng hoàng tức mang mệnh âm thì chỉ làm tốt khi là bề tôi, không thể xưng đế.

Những “quả bom sốt rét” của Đức Quốc xã / 5 dự đoán ngớ ngẩn về Ngày Tận thế thời Trung cổ

Được coi là “Phó Thống soái” trong bộ máy quyền lực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người kế vị Mao Trạch Đông, nhưng Lâm Bưu lại tổ chức ám sát người đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc. Sự việc bị bại lộ Lâm Bưu cùng vợ và con trai lên máy bay dự định trốn sang Liên xô, chuyến bay đã gặp nạn tại Mông Cổ để lại bao nhiêu nghi vấn và cả những câu chuyện huyền hoặc trong dư luận. Sau gần 40 năm cái chết của Lâm Bưu, một tài liệu đã công khai về cái chết của ông.

Năm 2006, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, nhà xuất bản Thanh niên Trung Quốc cho xuất bản cuốn sách: Chuyện xảy ra ở Đại sa mạc, tác giả của nó là Tôn Nhất Tiên, Cựu Bí thư Đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ. Đây có lẽ là tài liệu duy nhất được coi là công khai về cái chết của Lâm Bưu. Chuyện kể rằng vào sáng ngày 13 tháng 9 năm 1971, Bộ Ngoại giao Mông Cổ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hứa Văn Ích tới để thông báo về một máy bay Trung Quốc bị rơi ở đồng cỏ trên lãnh thổ Mông Cổ cách biên giới với Trung Quốc hơn 350 cây số. Cả chín người có mặt trên chuyến bay đã chết và được chôn cất ngay sau đó tại một địa điểm gần nơi máy bay rơi. Mông Cổ yêu cầu phía Trung Quốc giải thích rõ vụ việc. Theo cuốn sách, ngay sau khi trở về Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc tại Mông Cổ Hứa Văn Ích đã bị quản thúc ở Bộ Ngoại giao để không tiết lộ chuyện cơ mật. Trong những ngày ở đây ông được gặp và báo cáo với Thủ tướng Chu Ân Lai về địa điểm rơi máy bay. Lúc ấy ông Hứa mới được biết chiếc máy bay gặp nạn chở theo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lâm Bưu đang trên đường trốn chạy sang Liên Xô. Máy bay rơi là do hết nhiên liệu. Về phía Liên Xô ngay sau nhận được tin đã cho người đến nơi máy bay gặp nạn lấy hộp đen và mẫu hài cốt Lâm Bưu về giám định đối chiếu với hồ sơ bệnh án của ông ta được lưu giữ hồi Lâm Bưu chữa bệnh tại Liên Xô.

Lâm Bưu là ai và vì sao trốn chạy ?

Lâm Bưu sinh năm 1907 tại Hồ Bắc, trở thành đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1925 và tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố. Giữa những năm 30 thế kỷ XX, Lâm Bưu nổi danh với cuộc Vạn lý Trường chinh. Ông chỉ huy sư đoàn 115 lập công lớn trong chiến dịch đánh bại quân Nhật tại chiến trường Bình Hình Quan. Năm 1938, Lâm Bưu bị thương nặng và sang Liên Xô chữa trị. Trong thời gian này ông làm đại diện cho Trung Quốc tại tổ chức quốc tế Cộng sản. Năm 1945, Lâm Bưu dẫn quân vào Mãn Châu thành lập Đệ tứ lộ quân tham gia cuộc chiến tranh Quốc- Cộng và lập nên nhiều công trạng. Ông được coi là một nhà chỉ huy quân sự tài năng, cẩn trọng và tự tin. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, Lâm Bưu được phong hàm Nguyên soái, Năm 1959, khi Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài bị thất sủng, Lâm Bưu nổi lên như một ngôi sao sáng đảm nhận chức vụ chỉ huy quân đội, Phó Thủ tướng chính phủ và 10 năm sau được Mao Trạch Đông chỉ định làm người kế nghiệp. Ở cương vị thứ hai sau Mao Trạch Đông, Lâm Bưu xuất hiện thường xuyên bên cạnh nhà lãnh đạo số một Trung Quốc và được gọi là “ Phó Thống soái”. Ông ta cũng chính là một trong những tác giả của cuộc Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc.


Lâm Bưu.

Lý do sự phản trắc dẫn tới cuộc tháo chạy của Lâm Bưu bắt nguồn từ nhiều lý do nhưng nguyên nhân chính được giải thích từ câu chuyện tại hội nghị trung ương Trung Quốc diễn ra ở Lư Sơn năm 1970. Lâm Bưu có đề xuất phục hồi chức vụ Chủ tịch nước mà trước đó do Lưu Thiếu Kỳ nắm giữ. Từ khi Chủ tịch Lưu bị thanh trừng, chức này vẫn còn khuyết. Lâm Bưu đề nghị Mao Trạch Đông kiêm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước. Biết chắc Mao sẽ từ chối, Lâm Bưu hy vọng nó sẽ được trao vào tay mình. Nhưng đề xuất của Lâm Bưu bị Mao gạt đi và Mao cũng nhanh chóng hiểu ra tham vọng của Lâm Bưu. Trước tình hình đó Lâm Bưu quyết định giao cho con trai mình là Lâm Lập Quả cùng các đệ tử là Chu Vũ Trì, Vu Tân Dã...cho nổ tung đoàn xe lửa riêng của Mao Trạch Đông nhằm ám sát ông vào khoảng từ 22 đến 24 tháng 3 năm 1971, khi Mao Trạch Đông có chuyến công du phía Nam. Kế hoạch này mang tên “Kỷ yếu công trình 571”. Âm mưu bại lộ, Lâm Bưu cùng vợ là Diệp Quần, con trai và vài tùy tùng đã cướp chiếc máy bay Trident mang số hiệu 256 tại sân bay Sơn Hải Quan thuộc khu vực Bắc Đới Hà với ý định chạy trốn sang Liên Xô vào đêm 12 tháng 9 năm 1971. Lúc ấy mối quan hệ Liên xô – Trung Quốc đang trong thời kỳ căng thẳng. Sau hơn 3 giờ bay chiếc máy bay chở Lâm Bưu phải hạ cánh khẩn cấp xuống sa mạc trên lãnh thổ Mông Cổ vì hết xăng. Tai nạn đã khiến tám người đàn ông và một người đàn bà bị chết cháy.

Cái chết nhiều nghi vấn và câu chuyện phong thủy

Kết cục số phận Lâm Bưu được giải thích như vậy, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi tỏ ra nghi ngờ về nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của nhân vật được gọi là “Phó Thống soái” này. Người ta không tin một người lãnh đạo quân sự tài năng và cẩn trọng như Lâm Bưu lại giao phó trọng trách nặng nề ám sát Mao Trạch Đông cho người con trai còn trẻ tuổi và chưa có kinh nghiệm. Lúc xảy ra vụ ám sát, Lâm Bưu được giải thích đang nghỉ ở Bắc Đới Hà cách xa Bắc Kinh hơn 200 cây số, rồi cả chuyện chiếc máy bay thiếu nhiên liệu... Thời điểm ám sát Mao Trạch Đông và hành động trốn chạy cách nhau tới 6 tháng đều là những điều khiến dư luận khó tin trong khi có tin vào thời gian đó Lâm Bưu đang ở Bắc Kinh. Một người nắm giữ trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng mà chủ động trốn chạy một cách vội vã, sơ suất như thế là câu hỏi đến nay vẫn không có câu trả lời thỏa đáng. Sau cái chết của Lâm Bưu người ta còn bỏ công phân tích về mặt phong thủy khiến ông ta chết không toàn thây. Chuyện rằng Lâm Bưu sinh ra tại làng Lâm Gia Đại Loan, thuộc trấn Hồi Long, Hồ Bắc, Trung Quốc.

Xác chiếc chuyên cơ Trident 256.

Nơi đây có truyền thuyết về việc Đông Hải Long Vương giam cầm 9 vị hoàng tử mắc trọng tội trên núi Hồi Long với lời nguyền chỉ khi nào cây cọc sắt yểm trên núi nở hoa thì các hoàng tử mới được về biển. Cây sắt rồi cũng nở hoa, 8 hoàng tử trở về đại dương nhưng có một hoàng tử lưu luyến nơi này nên đã ở lại. Từ đó núi có tên Hồi Long. Ngọn núi giam cầm 9 vị hoàng tử còn có tên khác là Bạch Sơn Dương, vốn do một con dê chết mà hóa thành. Nơi ở của gia tộc Lâm Bưu dựng ở Thần Tiên Não liền với núi Bạch Sơn Dương nên mới sinh ra Lâm Bưu thành danh như vậy. Nhưng con đường thăng tiến của Lâm Bưu bị đứt mạch được giải thích rằng vào năm 1950, làng Lâm Đại Gia Loan xây một con đường lớn đã làm hỏng bố cục phong thủy của khu vực này. Hơn nữa quê hương của Lâm Bưu là nơi Phượng Hoàng bảo địa. Đã là phượng hoàng tức mang mệnh âm thì chỉ làm tốt khi là bề tôi, không thể xưng đế. Lâm Bưu không hiểu điều này nên âm mưu phế truất Mao Trạch Đông thành ra gặp vạ như vậy. Rồi các lý do khác như năm 1970, quân đội Trung Quốc xây một trạm phát sóng trên núi Bạch Dương, người ta lại đào một cái giếng dưới chân núi này... khiến huyết mạch bị hủy hoại nghiêm trọng. Lâm Bưu sinh năm 1907, cầm tinh con dê, dê gắn liền với Bạch Dương nên các xâm phạm trên như sự báo trước về kết cục của Lâm Bưu...và còn rất nhiều câu chuyện khác được kể sau sự cố dẫn đến cái chết của nhân vật nổi tiếng này.

Tài liệu chính thức về cái chết của Lâm Bưu chỉ có vậy. Những câu chuyện phong thủy chỉ là cách giải thích mê tín lúc “ trà dư tửu hậu”. Còn thực hư câu chuyện ra sao thì đến nay vẫn chỉ là phỏng đoán của những người quan tâm đến sự kiện chấn động Trung Quốc một thời.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm