Khám phá

UAE phóng tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên

Rạng sáng 20/7, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã thực hiện sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên.

Có đại dương và sự sống ở hành tinh "thần chết"? / Vật liệu lạ ngoài hành tinh giúp tìm ra sự sống

Tàu vũ trụ của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã được phóng đi vào ngày 20/7 trong chuyến hành trình kéo dài 7 tháng tới sao Hỏa, khởi động sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của các quốc gia Arab. Tàu vũ trụ Hope đã được phóng đi từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản.

UAE phóng tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên - Ảnh 1.

Tàu được phóng đi từ Trung tâm Tanegashima của Nhật Bản. (Ảnh: AP)

Ông Omran Sharaf, Giám đốc dự án Emirates Mars Mission, cho biết, khoảng 1,5 giờ sau vụ phóng, tàu thăm dò đã bắt đầu gửi tín hiệu. Theo ông Sharaf, nhóm của ông hiện liên tục kiểm tra dữ liệu, nhưng mọi thứ có vẻ tốt cho đến thời điểm hiện tại.

UAE phóng tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên - Ảnh 2.

Ông Omran Sharaf, Giám đốc dự án Emirates Mars Mission. (Ảnh: AP)

Tàu vũ trụ Hope của UAE sẽ có hành trình 7 tháng tới "hành tinh đỏ" với nhiệm vụ gửi về Trái đất các dữ liệu khí quyển của sao Hỏa. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học UAE, dự án khám phá sao Hỏa có chi phí 200 triệu USD với mục tiêu lần đầu tiên đưa ra bức tranh toàn cảnh về khí quyển và những thay đổi của bầu khí quyển trên "hành tinh đỏ". Trước đó, sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của UAE dự kiến diễn ra vào ngày 14/7, nhưng đã phải trì hoãn 2 lần do thời tiết xấu.

UAE phóng tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên - Ảnh 3.

Theo dõi vụ phóng qua màn hình. (Ảnh: AP)

Dù là một "tân binh" trong ngành phát triển không gian, UAE đã phóng thành công 3 vệ tinh quan sát Trái đất lên quỹ đạo. Hai vệ tinh được phát triển bởi Hàn Quốc và Nga, chiếc thứ 3 được phóng bởi Nhật Bản. UAE đang tìm cách phát triển năng lực khoa học và công nghệ của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu thô. UAE đã đặt mục tiêu xây dựng nền tảng con người trên sao Hỏa vào năm 2117.

 

Cùng với UAE, cả Mỹ và Trung Quốc đều dự kiến phóng tàu thăm dò sao Hỏa trong năm 2020.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm