Khám phá

Về Đất Mũi thưởng thức loài cá kỳ lạ biết leo cây, chạy nhảy

Là loài cá lưỡng thê biết leo cây với cặp mắt to tròn lồi ra ngộ nghĩnh, cá thòi lòi có nhiều ở Việt Nam, nhưng không đâu ngon bằng nơi bãi bồi Mũi Cà Mau. Loài cá kỳ lạ này đã trở thành biểu tượng ở Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau.

Vì sao cung nữ xưa không dám đụng vào món cá dù rất thích ăn? / Đang câu cá, người đàn ông hoang mang khi kéo lên một "con rồng" không mắt

Cá thòi lòi (Mudhopper, tạm dịch: Cá bò trong bùn) thuộc họ cá bống trắng, được tìm thấy tại khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển ở vùng nhiệt đới trải dài từ Seychelles, Ấn Độ, Bangladesh, Australia, Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Thòi lòi là loài cá sống lưỡng thê, biết leo cây. Ảnh: VOV
Thòi lòi là loài cá sống lưỡng thê, biết leo cây. Ảnh: VOV

Theo tạp chí National Geographic và Tổ chức Sinh vật thế giới, cá thòi lòi được xếp vào 1 trong 6 con vật “kỳ lạ nhất hành tinh”. Bao gồm: Cá cóc (Axopotl), chó chăn cừu hung (Hungarian sheeping dog), heo vòi (Tapir), thỏ Angora (Angora rabbit), khỉ hoàng đế (Emperor tamarin) và cá thòi lòi (Mudhopper).

Sản vật thiên nhiên đặc trưng của Đất Mũi

Cá thòi lòi có hình thù kỳ quặc, lại sống quanh năm ở nơi sình lầy, nhưng thịt của cá thòi lòi lại không tanh. Thịt cá chắc và ngọt, có thể chế biến được nhiều món ngon, hơn hẳn các loài cá nước ngọt thông thường như: Lóc, cá trê, cá chép… Ở Cà Mau, món cá thòi lòi nướng muối ớt (hoặc nướng mọi không ướp) và kho tiêu luôn có mặt trong thực đơn của các nhà hàng địa phương.

Có nhiều cách để bắt thòi lòi, tùy từng địa phương. Ở Đất Mũi, người dân thường dùng cách đào hang, cắm câu vào ban ngày. Ban đêm soi đèn, khi bị đèn pha vào mắt, chúng sẽ nằm yên bất động nên rất dễ bắt. Du khách kiếm cần câu nhỏ, tìm một bãi sông dễ dàng bắt gặp chúng. Với đặc tính háu ăn, thả mồi trước mặt là chúng sẵn sàng cắn câu ngay.

Ngoài câu, có thể bắt cá thòi lòi bằng cách đào hang.
Ngoài câu, có thể bắt cá thòi lòi bằng cách đào hang.

Vùng Cà Mau, cách bắt cá phổ biến nhất hiệu quả nhất là dùng sà di. Còn gọi là hom, được kết bằng lá dừa nước, tựa như chiếc lọp, đặt vào miệng hang. Khi chúng bò trồi ra khỏi miệng hang chui lên mặt đất sẽ lọt vào hom.

 

Cá thòi lòi có thể xào sả ớt, kho tiêu, chiên xù, nấu mẻ, nấu canh chua, hoặc hấp cách thủy cuốn bánh tráng rau sống. Nhưng tiện nhất là nướng muối ớt hoặc nướng mọi thì cá mới thơm, ngọt và dai hơn.

Cá thòi lòi ở Đất Mũi thường to và thơm ngon hơn các nơi khác
Cá thòi lòi ở Đất Mũi thường to và thơm ngon hơn các nơi khác

Để chế biến, phải chọn cá ở vùng đầm lầy nước mặn, nặng từ 100gr/con trở lên thịt mới ngọt. Đặc biệt, những con nặng từ 300gr/com trở lên là ngon nhất. Trọng lượng như trên chỉ riêng vùng Đất Mũi mới có.

Chế biến nhanh và ngon nhất là món cá thòi lòi nướng muối ớt
Chế biến nhanh và ngon nhất là món cá thòi lòi nướng muối ớt

Cá sau khi sơ chế, làm sạch nhớt cá bằng giấm hoặc muối. Bỏ ruột, pha trộn hỗn hợp ướp cá gồm: Hành tím, sả băm nhuyễn, tương ớt, ớt khô, dầu ăn, dầu hào, mật ong, nước mắm, đường, tiêu xay, màu điều, bột ngọt. Tất cả được đảo đều và ướp cá chừng 15 - 20 phút cho ngấm. Sau đó nướng cá trên bếp than khoảng 15 - 20 phút. Khi cá chín, có màu vàng pha đỏ.

Trong khi nướng, liên tục phết hỗn hợp nước ướp cá lên hai mặt để cá không bị khét và càng ngấm gia vị. Cá chín, tách lớp da cháy đen ra để lộ thịt cá trắng tinh, tỏa mùi thơm lừng. Chấm mắm me hay muối ớt, uống kèm với rượu. Vị ngọt và dai của cá, kèm với cay và nồng của rượu sẽ khiến du khách không bao giờ quên.

Ngoài bơi lặn, chạy nhảy trên bờ, cá thòi lòi có khả năng leo cây.
Ngoài bơi lặn, chạy nhảy trên bờ, cá thòi lòi có khả năng leo cây.

Với món thòi lòi kho tiêu, cá được làm sạch, bỏ ruột và mắt. Ướp trong nồi đất chừng 15 phút cùng nước mắm, tóp mỡ, đường, hành băm nhuyễn, tiêu, chút bột ngọt. Kho cá trên bếp than nhỏ lửa, đến khi cạn nước thì cho thêm hành lá xắt nhỏ rồi ăn với cơm nóng.

 

Chi tiền tỷ bảo tồn đặc sản trứ danh

Thưởng thức món ăn đặc sản cá thòi lòi cũng chính là tìm hiểu thêm về những điều kỳ thú nơi đất rừng phương Nam. Thòi lòi có khả năng di chuyển trên mặt bùn khá nhanh, gần như chạy. Với hệ thống hô hấp bằng phổi nên cá thòi lòi có thể thở trên cạn, khi dưới nước thì dùng mang.

Sống trong tự nhiên, lại biết bơi, biết bò, biết đi, biết leo cây, biết đào hang, biết nhảy tới hơn 60cm, khiến cơ thể cá thòi lòi săn chắc. Do đó thịt cá dai mềm, ngọt và thơm ngon, trở thành một trong những đặc sản trứ danh của vùng rừng ngập mặn Đất Mũi.

Món cá khô thòi lòi Cà Mau hiện đã thành đặc sản trong tiêu thụ trong và ngoài nước
Món cá khô thòi lòi Cà Mau hiện đã thành đặc sản trong tiêu thụ trong và ngoài nước

Ngoài nướng, kho tiêu, cá thòi lòi còn làm món nấu chua cũng rất khoái khẩu. Để vận chuyển xa, ngươi dân đã làm ra món hấp dẫn khác, đó là món khô cá thòi lòi. Món khô làm cho thịt cá thòi lòi càng dai và ngọt. Sau khi nướng khô chín, cá lại càng dai và ngọt hơn, mất hẳn mùi tanh của cá. Nhưng để làm được món này, cần tới 4- 5kg cá tươi mới làm được 1kg cá khô. Thời giá hiện nay, 1kg khô cá thòi lòi có giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg.

Ở Cà Mau cá lớn hơn 300gr/con hiện không còn nhiều do khai thác quá mức.
Ở Cà Mau cá lớn hơn 300gr/con hiện không còn nhiều do khai thác quá mức.

Chục năm về trước, tìm mua vài kg cá thòi lòi to ngon tầm 300gr/con trở lên rất dễ dàng. Nhưng hiện ngày càng hiếm, bởi đây là loài cá tự nhiên chưa thể lai giống và nuôi nhân tạo như các loài hải sản khác. Hơn nữa, con cá dị hình này hiện đã thành đặc sản không chỉ của riêng Cà Mau hay miền Tây Nam bộ, mà đang trở thành món đặc sản ở các nhà hàng ở các tỉnh thành khác. Do dễ bắt và con người khai thác săn bắt quá độ nên cá thòi lòi trong tự nhiên hiện giảm mạnh.

 

Do trở thành đặc sản, cá thòi lòi đã bị khai thác trong tự nhiên quá mức.
Do trở thành đặc sản, cá thòi lòi đã bị khai thác trong tự nhiên quá mức.

Trước thực trạng trên, năm 2020, UBND huyện Ngọc Hiển đề xuất Sở KH&CN nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ để khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi trong điều kiện loài cá này đang bị người dân khai thác quá mức.

Mục đích là nhằm xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá thòi lòi, góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá thòi lòi tại tỉnh Cà Mau và các tỉnh ĐBSCL có điều kiện sinh thái tương tự. Đề xuất được tỉnh Cà Mau ủng hộ, và đã trình Bộ KH&CN hỗ trợ nguồn vốn và công nghệ.

Biểu tượng cá thòi lòi ở Vường Quốc Gia Mũi Cà Mau
Biểu tượng cá thòi lòi ở Vường Quốc Gia Mũi Cà Mau

Được biết, Bộ KH&CN đã phê duyệt và chủ trì dự án khôi phục bảo tồn phát triển nguồn lợi cá thòi lòi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hiện Bộ đang phối hợp hoàn tất các thủ tục và trực tiếp ký kết với Viện Thủy sản Nha Trang để triển khai thực hiện. Sau khi nhân giống thành công, Viện Thủy sản Nha trang sẽ tiến hành thực nghiệm trên địa bàn tỉnh Cà Mau và bàn giao công nghệ nhân giống cá thòi lòi cho tỉnh.

- Video: Những cổ vật mang lời nguyền chết chóc ám ảnh nhất lịch sử. Nguồn: CNN/The Sun.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm