Khám phá

Vị cựu Thượng thư kể chuyện về quan trường triều Nguyễn

“Lạc viên tiểu sử” là câu chuyện đời, chuyện quan trường thú vị của vị quan từng nắm các chức vụ quan trọng như Tổng đốc Nghệ An, Thượng thư bộ Hình, Tôn nhơn lệnh phủ Tôn Nhơn.

Những bí mật 'kinh rợn' trong Tử Cấm Thành / Bí ẩn về vụ thảm sát tại Đức: Chết chóc bao quanh “trang trại ma ám”

Cuốn tự truyện Lạc Viên tiểu sử của Tôn Thất Đàn (1871-1936) cũng đem lại cho độc giả những câu chuyện thú vị, hấp dẫn như vậy, khi tác giả không những là người trong tôn thất, có nhiều dịp tiếp xúc với các vị vua triều Nguyễn, mà còn từng làm quan đến những chức vụ cao nhất trong chính quyền phong kiến, như Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), Thượng thư bộ Hình, Cơ mật viện đại thần. Ông còn được giao kiêm nhiệm chức Tôn Nhơn lệnh Tôn Nhơn phủ, tức là người đứng đầu cơ quan quản lý tất cả các thành viên trong Hoàng tộc triều Nguyễn.
Câu chuyện thú vị về quan trường
Cuốn tiểu sử cho biết Tôn Thất Đàn là dòng dõi Tôn Thất, thuộc phòng Cương quận công. Cha ông là Tôn Thất Nhẫn, từng làm Tri phủ Khoái Châu (Hưng Yên), sau giữ chức Bang biện tỉnh vụ Thanh Hóa, mất khi đi công cán ở vùng thượng du năm 36 tuổi. Ông sinh ra trong cảnh nhà thanh bạch, neo đơn, dù cố gắng học tập nhưng đường thi cử cũng rất gian nan.
Mãi năm 1897, khi đã 27 tuổi, ông mới thi đậu cử nhân, và là người khai khoa trong phòng Cương quận công. Năm sau, ông đi thi Hội nhưng không đủ điểm lấy học vị Tiến sĩ, và chuyển sang học tiếng Pháp tại trường Quốc học Huế. Sau hai năm, ông thi đỗ thứ nhì và bắt đầu bước chân vào hoạn lộ.
Tự truyện của Tôn Thất Đàn thẳng thắn kể lại những cay đắng trong đời sống riêng của ông, như việc sau khi cưới vợ, sinh được con trai đầu chưa đầy năm thì vợ ông thấy cuộc sống nghèo khó quá, đã xin ly dị, và ông đành tự nuôi con nhỏ.
Ông cũng thẳng thắn kể chuyện khi học ở trường Quốc tử giám, nguyệt bổng được 24 quan đủ tiêu dùng nhưng ông còn làm văn thuê cho các công tử, mỗi tháng cũng thu được 12 quan nữa. Hay trong kỳ thi Hương, thì cũng có người cậy nhờ, nên mới vào trường nhất đã được đền đáp vàng bạc, đủ trả xong khoản vay cưới vợ lần hai.
Sau khi thi đỗ trường Quốc học, Tôn Thất Đàn được bộ Lại ghi vào danh sách những người có khả năng bổ đi làm Tri phủ. Nhưng ông kể lại "tệ mua quan bán chức lúc đó đã thịnh hành, tôi không biết cậy nhờ nên chỉ được bổ Tri huyện Bình Khê (huyện Tây Sơn, Bình Định ngày nay)”.
Đường làm quan của ông cũng rất trắc trở, khi vừa đưa gia đình vào Bình Định nhậm chức được 2 tháng thì mẹ ông bị thương hàn và qua đời tại đây, khiến ông phải xin nghỉ việc đưa linh cữu mẹ về Huế an táng và chịu tang. Đến năm 1902, do sự khuyên bảo của vị Phó Chưởng giáo trường Quốc học Ngô Đình Khả, ông mới được bổ làm Tri huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Quyển 2 và 3 của hồi ký này bị thất lạc nên chúng ta không được biết con đường làm quan của ông từ năm 1903 đến 1920. Đây là thời gian ông liên tục thăng tiến trên quan lộ, lần lượt trải qua các chức Tri phủ phủ Diễn Châu (Nghệ An) từ năm 1907, Phủ thừa phủ Thừa Thiên từ năm 1910, Án sát tỉnh Quảng Bình từ năm 1913, Án sát tỉnh Quảng Nam từ năm 1916, Bố chính tỉnh Nghệ An từ năm 1917, Bố chính tỉnh Bình Thuận từ năm 1919, Tham tri bộ Binh từ năm 1920.
Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Đàn (ở giữa). Ảnh tư liệu.
Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Đàn (ở giữa). Ảnh tư liệu.
Trong quyển 4 của tập hồi ký, Tôn Thất Đàn kể lại những câu chuyện về việc triều đình Huế điều tra vụ án Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt làm trái, hay vụ điều tra kẻ gửi thư nặc danh tố cáo người tụ tập làm loạn với diễn biến ly kỳ không kém trong các sách trinh thám.
Phần kể về giai đoạn ông giữ chức Tuần vũ Trị Bình (Quảng Trị - Quảng Bình), các vụ xử kiện, giải quyết tranh chấp của người dân, các làng, giữa bên lương và bên giáo… cũng được ông ghi chép cẩn thận.
Khi ông giữ chức Tổng đốc An Tĩnh, ông cũng ghi lại câu chuyện phá vụ án phao tin tố cáo làng Nam Kim mưu đồ nổi loạn bằng cách cho gia nhân và thư ký của mình đi do thám, điều tra rất hữu hiệu.
Những cuộc tranh đấu trong triều đình

Quyển 5 của tập hồi ký của Tôn Thất Đàn kể rằng sau khi vua Khải Định qua đời, ông đã muốn từ chức nhưng không được chấp thuận, phải trở lại Nghệ An. Nhưng lúc đó, người con trai thứ của ông bị tai nạn lật xe chết, nên ông khi ông đưa con về Huế an táng đã quyết tâm từ nhiệm Tổng đốc An Tĩnh. Dù Viện cơ mật và Toà Khâm sứ cố khuyên ông trở lại làm Tổng đốc không được, nên đã bổ ông làm Thượng thư bộ Hình sung Đại thần Viện Cơ mật, sau đó là kiêm nhiếp Tôn Nhơn phủ.
Các trang hồi ký của Tôn Thất Đàn cho biết trong thời gian vua Bảo Đại du học bên Pháp, triều đình Huế hoạt động như thế nào, với những sự kết bè kéo cánh của các vị Thượng thư, các cuộc mua quan bán chức, cuộc tranh chấp quyền lực giữa Viện trưởng Viện Cơ mật Nguyễn Hữu Bài và Phụ chính thân thần Tôn Thất Hân, hay sự can thiệp thô bạo của các quan Pháp vào chính quyền Nam triều.
Tháng 3/1931, Tôn Thất Đàn cầm đầu một phái bộ sang Pháp thăm vua Bảo Đại đang du học và dự hội chợ đấu xảo, cũng như báo cáo tình hình trong nước và quan sát nước Pháp. Ông đã đi thăm rất nhiều tỉnh thành của Pháp và đưa ra nhận xét: "Về khéo léo hoa lệ thì chưa dám nghĩ đến, duy việc cần kiệm, kiên nhẫn, thì người nước ta mười phần chưa được hai, ba. Còn như mỹ tục giữ lễ nhượng, ngăn chặn gian phi, thương người xa tới, vui giao tiếp và yêu nước, đoàn kết, người nước ta vạn phần chưa được một, hai".
Sau khi vua Bảo Đại “hồi loan” và chính thức chấp chính, ông hậm hực khi chứng kiến Viện trưởng Viện Cơ mật Nguyễn Hữu Bài trong chuyến đi kinh lý cùng vua Bảo Đại ra các tỉnh Bắc miền Trung cùng vua Bảo Đại: "Chuyến đi này Viện trưởng nhằm khoa trương thanh thế, các tỉnh trọng đãi như phó vương, ngồi nằm sánh ngang chỗ vua ngự".
Đến ngày 2/5/1933, vua Bảo Đại cho cùng một lúc 5 Thượng thư thế hệ cũ về hưu, gồm Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, Bộ Lễ Võ Liêm, Bộ Hình Tôn Thất Đàn, Bộ Binh Phạm Liệu và Bộ Công Vương Tứ Đại. Sự kiện này đã được người đương thời viết thành bài thơ nổi tiếng mở đầu bằng câu “Năm cụ khi không rớt cái ình…”, ghép tên đầy đủ năm vị Thượng thư và năm bộ rất độc đáo.
Chính phủ Nam triều được chuyên giao sang những vị Thượng thư Tây học, như Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn. Về hưu, Tôn Thất Đàn mới được phong tước Phù Nhân nam.
Cuốn hồi ký khép lại bằng sự kiện Tôn Thất Đàn cùng các vị trong hoàng tộc như Tôn Thất Hân, Hồng Thiện, Tôn Thất Trạm, Tôn Thất Tế, Ưng Ân, Ưng Bình... muốn dâng sớ ngăn cản việc vua Bảo Đại cưới Nam Phương Hoàng hậu vì bà là người Công giáo nhưng không thành.
Cuốn hồi ký giúp cho người đọc thấy được bức tranh lịch sử xã hội sinh động của đất nước suốt một thời gian dài từ cuối thế kỷ 19 đến những năm 30 của thế kỷ 20.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm