Khám phá

Vì sao Na Uy bí mật khai quật mộ của hàng ngàn chiến sĩ Hồng quân Liên Xô?

Na Uy từng tiến hành một chiến dịch bí mật khai quật mộ của hàng ngàn chiến sĩ Hồng quân, rồi đưa lên một hòn đảo. Khi vụ việc vỡ lở, dân chúng Na Uy và chính quyền Liên Xô đã phản đối dữ dội.

Hồ sơ vụ Mỹ nghe lén cáp biển của Liên Xô / 'Quái vật biển' thời Chiến tranh Lạnh của Liên Xô trôi dạt trên biển

Theo lệnh của chính phủ Na Uy, hài cốt của những người lính Xô viết được cho vào các túi xây dựng còn các đài tưởng niệm chiến công của họ cũng bị cho nổ mìntrước sự ngạc nhiên và thất vọng của chính người dân địa phương, chứ chưa nói đến Liên Xô.

Hình ảnh các tù binh Liên Xô gầy ốm trước các bia mộ và đài tưởng niệm ở Na Uy. Ảnh và đồ họa: RBTH.
Hình ảnh các tù binh Liên Xô gầy ốm trước các bia mộ và đài tưởng niệm ở Na Uy. Ảnh và đồ họa: RBTH.

Vào mùa hè năm 1951, Na Uy tiến hành một trong những chiến dịch bí mật nhất trong lịch sử nước này. Chiến dịch mang mật danh “Nhựa đường”. Trong chiến dịch này, hài cốt của hàng ngàn người lính Hồng quân Liên Xô (được chọn ở nhiều vùng khác nhau của Na Uy) đã bị khai quật một cách bí mật rồi đưa đi chôn tập trung trong một nghĩa trang trên một hòn đảo ở biển Na Uy.

Đâu là lý do khiến quốc gia Scandinavia này quyết định thực hiện một biện pháp tàn nhẫn như vậy?

Nguồn gốc xung đột

Trong Thế chiến 2, khoảng 100.000 tù binh Liên Xô bị giam giữ ở Na Uy. Nước Đức Quốc xã sử dụng họ cho lao động khổ sai, như làm việc tại các hầm mỏ, công trường xây dựng, hay xây dựng công sự, pháo đài để để phòng một cuộc tấn công của quân Đồng minh.

Hơn 13.000 người trong số các tù binh này đã tử vong và được chôn cất tại vài trăm nghĩa trang khác nhau, chủ yếu là ở miền bắc Na Uy. Sau chiến tranh, Na Uy và Liên Xô cùng giám sát các ngôi mộ này, bảo đảm các mộ được chăm nom chu đáo.

 

Tuy nhiên, năm tháng qua đi, Chiến tranh Lạnh bắt đầu ngày càng căng thẳng, và cùng với đó là tình trạng thù địch ngày càng gia tăng ở Na Uy đối với Liên Xô, quốc gia láng giềng nằm về phía đông. Na Uy mới gia nhập khối quân sự NATO vào năm 1949. Mà công việc chăm sóc mộ đòi hỏi các đại biểu Liên Xô phải thường xuyên ghé thăm Na Uy. Trong bối cảnh đó, có thể hiểu được Oslo ngày càng cảnh giác trước khả năng Liên Xô cài điệp viên vào giữa lòng Na Uy thông qua hoạt động nói trên.

Đối với Na Uy lúc đó, việc theo dõi các công dân Xô viết rải rác khắp đất nước khi họ đi thăm vô số ngôi mộ là điều không thể. Nhằm kiểm soát hoàn toàn quá trình này và ngăn ngừa nguy cơ Liên Xô xây dựng một mạng lưới gián điệp rộng khắp và chắc chắn, Bộ Quốc phòng Na Uy lựa chọn phá hủy vô số nghĩa trang, khai quật hài cốt và chở số hài cốt đó tới một nghĩa trang quân đội được xây riêng cho mục đích này trên hòn đảo mang tên Tjøtta.

Các tù binh Liên Xô ở trại Bjørnelva, Na Uy thời Thế chiến 2. Ảnh: Tàng thư Quốc gia Na Uy.
Các tù binh Liên Xô ở trại Bjørnelva, Na Uy thời Thế chiến 2. Ảnh: Tàng thư Quốc gia Na Uy.

Chiến dịch “Nhựa đường”

Sau khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra thì vào mùa hè 1951, mối quan hệ Đông-Tây trở nên căng thẳng hơn nữa. Bộ Quốc phòng Na Uy liền hối thúc việc tiến hành nhanh chóng “Chiến dịch Nhựa đường”.

Chiến dịch được thực hiện bí mật, chủ yếu vào ban đêm. Nhiều đài tưởng niệm ở nhiều nghĩa trang đã bị thổi bay để người ta có thể lấy được hài cốt bên dưới.

 

Tor Steffensen nằm trong số các công nhân tham gia đào hài cốt ở Finnmark. “Chúng tôi thu gom hài cốt, thi thể vào các túi khác nhau. Chân, xương, xương sườn ở khắp mọi nơi, thường là của những người khác nhau. Một số bộ phận thuộc về cùng một người nhưng lại dễ dàng nằm phân tán ở nhiều túi”.

Steffensen cho biết, một số lượng lớn công nhân làm việc này về sau đã bị chứng rối loạn cảm xúc.

Tàu chở hàng mang các hài cốt này từ nhiều vùng của Na Uy tới đảo Tjøtta. Các tàu này sau đó phải khử trùng bằng clo, natri hydroxit, và phenol.

Jan Brovold, một công nhân bốc dỡ trên tàu nhớ lại cảnh tượng các túi xếp như gạch trên tàu từ mũi đến đuôi.

Phản đối

 

Bất chấp thực tế chiến dịch này được giữ bí mật, thông tin vẫn bị rò rỉ ra báo chí. Thời gian sau đó, cả xã hội Na Uy biết tới chiến dịch “Nhựa đường” và sau đó nổ ra một vụ scandal quy mô lớn.

Phong trào cánh tả, dẫn đầu là đảng cộng sản, tiên phong trong việc công khai phản đối. Nhưng ngay cả các đối thủ chính trị của họ cũng phản ứng lại chiến dịch của bộ quốc phòng nước này. Thủ lĩnh đảng Bảo thủ, Carl Joachim Hambro, đã gọi đây là “một hành động vô cùng đáng sợ”.

Tuy nhiên chính dân chúng Na Uy mới là những người phản đối dữ dội nhất, đặc biệt là những cư dân sống ở khu vực diễn ra việc khai quật. Thế chiến thứ 2 mới qua đi, ký ức về nó vẫn sống động trong tâm trí nhiều người – họ vẫn nhớ cảnh các tù binh được người dân cố gắng cung cấp thức ăn. Chính nhờ sự giúp đỡ này mà phần lớn tù binh Hồng quân sống sót.

Những người biểu tình phản đối chính phủ đã báng bổ các ngôi mộ. Họ đã ngăn thành công hoạt động khai quật ở Mo I Rana.

Liên Xô đương nhiên cực lực phê phán chiến dịch trên. Họ chỉ biết về chiến dịch “Nhựa đường” ở giai đoạn cuối, khi chính quyền Xô viết hay tin về các cuộc biểu tình.

 

Lý do chính thức mà Na Uy đưa ra là để chôn cất gọn gàng ở một chỗ duy nhất và dễ tiếp cận.

Công hàm phản đối của các nhà ngoại giao Liên Xô bao gồm việc tố cáo Na Uy “giẫm đạp lên ký ức về những người lính Xô viết” cũng như xem đó như một “hành động thù địch chống lại Liên Xô”.

Chiến dịch “Nhựa đường” đã hoàn toàn được khép lại vào mùa đông 1951. Chiến dịch được tiến hành ở khoảng 200 điểm chôn cất trên khắp đất nước Na Uy. Theo Bộ Ngoại giao Na Uy, nghĩa trang trên đảo chứa hài cốt của 8.804 tù binh Liên Xô, trong đó mới chỉ có 978 bộ hài cốt là được nhận diện.

Dù cho sau này Liên Xô và Na Uy tiếp tục hợp tác trong việc tái chôn cất các binh sĩ Xô viết, mối quan hệ giữa 2 nước vẫn cứ xấu đi trong nhiều năm sau đó.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm