Khám phá

Hồ sơ vụ Mỹ nghe lén cáp biển của Liên Xô

Trong những năm 1960 và 1970, Mỹ đã tiến hành các hoạt động gián điệp táo bạo nhất, bí mật nhất và nguy hiểm nhất trong thời kỳ chiến tranh Lạnh nhằm vào các đường cáp thông tin liên lạc dưới biển của Liên Xô và do nắm được tin tức tình báo, Mỹ đã giành được ưu thế trong việc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân với Liên Xô.

Ba thất bại tình báo lớn nhất của Liên Xô / Top 5 boongke ở Nga từng là căn cứ tối mật thời Liên Xô

Ngày nay, công nghệ nghe lén dưới nước dường như đã lỗi thời, nhưng với giá trị chiến lược của cáp ngầm, quân đội Mỹ có thể không buông tay việc giám sát và nghe trộm này.

Mùa hè năm 1972, khi “Hiệp ước giai đoạn I về hạn chế vũ khí chiến lược” được ký kết trong vài tháng trước đó đã áp đặt các hạn chế đối với số lượng tên lửa hạt nhân của hai siêu cường này. Đồng thời với hiệp ước được ký kết làm cho thế giới thở phào nhẹ nhõm thì một tàu ngầm Mỹ lại ẩn dưới đáy biển cách lãnh thổ Liên Xô khoảng vài dặm.

Ở một góc của biển Okhotsk, chiếc tàu ngầm “Cá thờn bơn” đang nghe lén các thông tin liên lạc cơ mật của Liên Xô. Việc Hoa Kỳ nghe trộm đường cáp thông tin dưới biển của Liên Xô có thể đã kéo dài 10 năm hoặc hơn và nhiều chi tiết đến nay vẫn chưa được công khai. Đây cũng là một trong những hoạt động gián điệp tham vọng nhất trong lịch sử quân sự thế giới.

Đánh cắp bí mật dưới mắt của người khác

Dưới mực nước biển, việc lắp đặt các thiết bị nghe trộm những thông tin tình báo đang được tiến hành, trên mặt biển, một cơn bão đang hoành hành.

Mặc dù đang ở dưới nước nhưng chiếc tàu ngầm bị rung lắc dữ dội và người thợ lặn không có cách nào trở lại tàu. Đột nhiên, sợi dây xích rất to bị giằng đứt và chiếc tàu ngầm nặng hàng ngàn tấn bắt đầu nổi lên mặt nước đối diện với nguy cơ bị Liên Xô phát hiện.

Một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ.

“Nếu chúng ta bị phát hiện có đủ lý do tin rằng Liên Xô sẽ bắn nát con tàu ngầm này ngay tại chỗ”. Ông Sheri Sontag, nhà văn lịch sử quân sự Mỹ đã nói về tình huống nguy hiểm này.

Thấy tình hình không ổn, viên chỉ huy Mỹ khẩn cấp ra lệnh bơm nước vào tàu và chỉ trong vài giây, tàu ngầm “Cá thờn bơn” lại lặn xuống dưới đáy biển và các thợ lặn cũng trở về tàu một cách suôn sẻ.

Sau khi bão tan, tàu ngầm “Cá thờn bơn” quay về căn cứ. Nhiệm vụ đã thu được thành công lớn, chiếc tàu ngầm trở về Hoa Kỳ với một cuốn băng ghi âm những cán bộ cấp cao của Liên Xô trò chuyện về những bí mật quân sự. Nhà văn quân đội Mỹ Craig Reid đã đề cập vấn đề này trong cuốn sách "Tháng 11 màu đỏ” của mình, điều này giống như “Áp tai vào tường của Liên Xô và ghi lại từng chữ từng câu họ trò chuyện”.

Vụ nghe lén dưới đáy biển này chỉ là một trong vô số mắt xích trong hoạt động tình báo của Mỹ đối với Liên Xô. Cuộc chiến tình báo bí mật giữa Mỹ và Liên Xô (Liên bang Nga hiện nay) kéo dài mấy chục năm và cho đến nay vẫn đang tiếp diễn nhưng điều này thì không bao giờ là một bí mật.

Đại tá James Bradley là người đầu tiên nghĩ đến việc thực thi việc nghe lén này. Năm 1966, với tư cách là người đứng đầu các hoạt động dưới nước của Cơ quan tình báo hải quân Hoa Kỳ, ông đã bắt đầu có những ý tưởng về vấn đề này với mục đích là để tìm hiểu các bố phòng vũ khí hạt nhân của Liên Xô ở vùng Viễn Đông.

 

Hai năm sau, Bradley cử “Cá thờn bơn” đến Thái Bình Dương để thực hiện một nhiệm vụ: Tìm kiếm chiếc tàu ngầm hạt nhân K-129 của Liên Xô bị tai nạn chìm dưới đáy biển. Tàu ngầm “Cá thờn bơn” mang theo một chiếc máy ảnh chụp dưới nước nặng hai tấn có giá 5 triệu USD. Máy ảnh do Công ty điện lực Westinghouse sản xuất này được lắp đặt trong một chiếc tàu ngầm nhỏ và gắn vào thân “Cá thờn bơn” để có thể có trượt dưới đáy biển và chụp ảnh.

Biển Okhotsk của Nga, nơi Mỹ thực hiện điệp vụ nghe lén nhiều năm liền.

Chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm hạt nhân K-129 chỉ thành công một phần nhưng nó đã chứng minh tính khả thi của việc tìm kiếm các vật thể nhỏ dưới đáy biển tối đen, từ đó mở đường cho các hoạt động nghe lén quan trọng hơn.

Các cơ quan tình báo Mỹ ý thức được rằng có một đường dây liên lạc không được mã hóa giữa căn cứ hải quân trên bán đảo Kamchatsky và đất liền của Liên Xô, đường dây liên lạc này có khả năng đi qua biển Okhotsk. Sự phán đoán này dựa vào nhận định là hệ thống mật mã của Liên Xô hiệu quả thấp và quân đội cần đảm bảo sự liên lạc nhanh chóng giữa Điện Kremlin và căn cứ hải quân quan trọng nhất ở phía đông.

Các cửa ải khó khăn lần lượt được vượt qua

Để thúc đẩy việc thực hiện chương trình nghe lén, người Mỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc đầu tiên là phải tìm cách xác định vị trí của đường dây cáp trong một vùng biển rộng khoảng 1,58 triệu km².

 

Buổi sáng một ngày, trong văn phòng của Lầu Năm Góc, trong đầu Bradley chợt lóe lên cảm hứng khi nghĩ lại thời thơ ấu trên sông Mississippi, ông đã nhìn thấy một số biển cảnh báo ở bên bờ sông báo cho những người đi thuyền không được thả neo để tránh gây ra thiệt hại cho đường dây điện thoại đặt dưới đáy sông.

Căn cứ hải quân Kamchatsky của Nga.

Quả nhiên, khi “Cá thờn bơn” lẻn vào biển Okhotsk, nó nhận được thông báo từ các sĩ quan tình báo bên trong rằng một đoạn bờ biển của bán đảo Kamchatka có đặt những biển cảnh báo cấm ngư dân không được đi vào một số khu vực nhất định.

“Người Liên Xô không có ý định che giấu” - Sontag nói: “Họ không ngờ chúng tôi lại đến gần như vậy… Chúng tôi sẽ cử thợ lặn đến một nơi sâu dưới dưới biển… hoặc chúng tôi có công nghệ nghe trộm, trước đây chưa ai nghĩ đến điều này”.

Chỉ mất vài ngày, nhờ có máy quay dưới nước chiếc tàu ngầm đã xác định được vị trí của dây cáp và công việc tiếp theo là các thợ lặn phải làm việc ở đáy biển sâu trong một vài giờ để gắn các thiết bị nghe trộm.

Để không làm hư hỏng dây cáp và giữ bí mật không để phía Liên Xô phát hiện, các thợ lặn đã cài đặt thiết bị nghe trộm cảm ứng ở bên ngoài sợi dây cáp. Để làm được điều này, họ phải cố định một thiết bị kết nối đặc biệt lên dây cáp, sau đó kết nối thiết bị này với một máy ghi âm.

 

Tàu ngầm “Cá thờn bơn” của Mỹ.

Có tới hàng chục đường dây liên lạc được truyền trong một dây cáp, trong đó gồm các từ tiếng Nga với nhiều giọng nói khác nhau cộng với tạp âm nên không có cách nào lấy được thông tin ở trong đó bởi vì khi bật máy ghi âm họ thấy rằng đây là một mớ hỗn độn.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ truyền thông đã sớm có sự chuẩn bị và sau một số lần phân tích và xử lý cuối cùng họ đã rút ra được những thông tin hữu ích, còn việc họ làm như thế nào đây là một bí mật.

"Mỏ vàng tình báo" mang lại lợi ích cho Washington

Trước khi nghỉ hưu, David Lejeune là một thợ lặn của hải quân Hoa Kỳ đã tham gia các hoạt động nghe trộm nguy hiểm dưới nước. Mặc dù không thể trả lời quá nhiều vấn đề nhưng Lejeune tự hào tuyên bố rằng công việc của ông ta đã góp phần hoàn thành giai đoạn hai của cuộc đàm phán Mỹ-Xô về việc hạn chế vũ khí chiến lược. Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn II được ký kết vào năm 1979, hạn chế hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của hai nước, người ta cho rằng hiệp ước này đã kết thúc cuộc chiến tranh Lạnh.

Ngày 18 tháng 6 năm 1979, Hoa Kỳ và Liên Xô ký giai đoạn II của Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược.

Trong hàng nghìn ngày đêm trước đó, phía Mỹ luôn để mắt đến bất kỳ thông tin nhạy cảm nào truyền đi từ đường dây cáp dưới đáy biển Okhotsk. Tàu ngầm “Cá thờn bơn” và các tàu ngầm khác một năm phải lặn xuống lãnh hải Liên Xô hai hoặc ba lần để bảo dưỡng và thay thế thiết bị nghe trộm bằng các mẫu tiên tiến hơn. Điều này được ví như một mỏ vàng của trí tuệ cho phép Washington có được lợi thế của mình trên bàn đàm phán.

 

Tuy nhiên vào năm 1980, một người Mỹ tên Ronald Pelton đã bước vào đại sứ quán Liên Xô tại Hoa Kỳ và tiết lộ bí mật hoạt động nghe trộm với giá 35.000 đôla, kể từ đó hoạt động nghe trộm dưới nước đã phải ngừng lại.

Ông Craig Reid cho rằng quân đội Mỹ chưa bao giờ có chủ ý ngừng những hoạt động nghe trộm cáp ngầm. Ông nói: “Những chiếc tàu ngầm vẫn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tương tự và những nhân viên kỹ thuật vẫn đang được đào tạo”. Ông nói tiếp: “Liệu hoạt động nghe trộm có còn tiến hành hay không thì tôi không có bình luận gì”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm