Khám phá

Vì sao Thành Cổ Loa là kiệt tác quân sự "bất khả xâm phạm"?

Kể cả các dấu tích còn lại chỉ có 3 vòng thành thay vì 9 như tương truyền, Thành Cổ Loa vẫn được giới khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn nhất, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử thành lũy người Việt".

Ngôi nhà cổ trên 300 năm ở cố đô Hoa Lư / Giải mã truyền kỳ về sư tổ phái Vịnh Xuân Việt Nam

Thành Cổ Loa là một trong những công trình phòng thủ vĩ đại nhất trong lịch sử người Việt cổ. Tương truyền, Thành Cổ Loa được xây dựng dưới thời vua An Dương Vương của Nhà nước Âu Lạc vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Qua hàng ngàn năm lịch sử, Thành Cổ Loa ngày nay chỉ còn tồn tại trên các văn thư và các di chỉ khảo cổ cùng một vài đền đài. Theo giới khảo cổ, thành lũy của An Dương Vương nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

Về cấu trúc, truyền thuyết cũng như các thư tịch cổ mô tả “Thành Cổ Loa rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành…”.

Thư tịch cổ Trung Hoa chép rằng: “Thành Cổ Loa có chín vòng, hình con ốc”. Dẫu vậy, qua các cuộc khai quật, cũng như căn cứ vào văn thư thì cấu trúc Thành Cổ Loa chỉ còn 3 vòng gồm: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại.

Thành Cổ Loa được xây dựng dựa vào địa thế tự nhiên nên không đề cao cái đẹp, các tường thành không tròn mà theo hình gấp khúc.

Thành Cổ Loa được xây dựng dựa vào địa thế tự nhiên nên không đề cao cái đẹp, các tường thành không tròn mà theo hình gấp khúc.

Tương truyền 9, nay còn 3 mà vĩ đại không tả nổi!

Dẫu vậy, xem xét cấu trúc này các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng quy mô của những di chỉ sót lại “lớn không thể tưởng tượng nổi”, xứng đáng là công trình quân sự vĩ đại nhất lịch sử người Việt cổ.

Cụ thể, theo cuốn Lịch sử Kỹ thuật Quân sự Việt Nam (giản yếu) của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Thành Ngoại của Thành Cổ Loa là một vòng thành khép kín được đắp nối những gò đồi thiên nhiên với nhau, nên không có hình dáng rõ ràng. Độ dài của vòng thành khoảng 8.000m.

Tường thành được đắp có mặt cắt hình thang với chiều cao trung bình từ 3-4m, chỗ cao nhất là gò Cột Cờ - mặt phía đông nam thành, cao tới 8m. Bề mặt của tường thành rộng khoảng 12-15m, chân thành rộng 12-20m.

 

Đoạn tường thành còn được bảo quản tốt nhất là đoạn phía cửa tây, đoạn bị phá nhiều nhất là đoạn thành phía bắc, trong địa phận hai xã Dục Tú, Dục Nội.

Thành Trung cũng là một vòng tròn khép kín nằm bên trong thành Ngoại. Cũng giống như thành Ngoại, tường thành được đắp theo kiểu nối các đồi gò tự nhiên mà thành. Chu vi thành Trung dài 6.500m. Tường thành cao 6-12m, mặt thành rộng trung bình 10m, chân thành rộng 20-22m.

Do cách đắp phải lựa theo địa hình nên vòng thành Ngoại và thành Trung gần sát nhau ở đoạn phía nam. Tại đây có một cửa ra vào gọi là Trấn Nam Môn.

Tường thành Trung còn nguyên vẹn nhất trong cả ba vòng thành. Nhờ vậy, người ta có thể thấy rõ hình dáng của tường thành: mặt phía ngoài dốc đứng, ngược lại bên trong lại thoai thoải dễ lên xuống.

 

Với cấu trúc như vậy, kẻ thù bên ngoài khó leo vào nhưng quân dân trong thành dễ vận động đánh đánh. Ngay dưới chân thành còn có dấu vết một con đường rộng 2-3m – có thể là đường của binh sĩ khi cần tăng viện chống địch.

Thành Nội có hình chữ nhật khá vuông vức, chu vi khoảng 1.650m, tường thành cao 5m, mặt thành rộng 10m, chân thành rộng 20m. Chung quanh tường thành có 12 ụ đất nhô ra gọi là “hỏa hồi” có thể dùng để phòng thủ đánh địch khi cần.

Các vòng thành có nhiều cửa ra vào, duy chỉ có Thành Nội có một cửa quay về hướng nam, trông ra đình Cổ Loa. Thành Trung mở 4 cửa: Nam, Bắc, Tây Bắc, Tây Nam. Thành Ngoại chỉ có 3 cửa gồm: Nam, Bắc và Tây Nam.

Ngoài 8 cửa thành, còn có 2 cửa đường thủy: cửa thứ nhất mở ra hướng Đông, nơi nối các dòng chảy trong thành qua cống Cửa Song ra sông Hoàng; Cửa thứ 2 dưới chân gò Cột Cờ, cắt ngang tường thành Ngoại đưa nước sông Hoàng hòa vào hào thành Ngoại và thành Trung.

Vi sao Thanh Co Loa la kiet tac quan su
Đền An Dương Vương được cho là cung Vua thành Cổ Loa năm xưa. Ảnh: Quốc Lê.

Việc bố trí cung thất trong thành đến nay cũng không thể xác định vì hầu như thời gian, chiến tranh đã tàn phá tất cả. Theo nhân dân Cổ Loa thì khu vực đền An Dương Vương hiện nay chính là cung vua, khu vực thành Nội là nơi ở của Hoàng gia, còn Đình Cổ Loa là nơi vua thiết triều…

 

Rải rác trong thành còn có một số thao trường luyện cung nỏ, luyện thủy chiến nhưng ngày nay cũng không còn vết tích.

Dưới chân các lũy thành còn có hào nước để ngăn cản quân địch, đồng thời là đường giao thông thủy quan trọng nối liền các khu vực trong thành, và cũng là đường thoát thân khi có biến.

Đáng chú ý, theo các nhà khảo cổ, hào nước Thành Cổ Loa như những chỉ lưu của sông Hoàng. Vào mùa nước, khi nước sông dâng cao, các lòng hào đầy ắp nước cho phép thuyền bè ra vào dễ dàng.

Có thể nói, các “kiến trúc sư” thành Cổ Loa đã kết hợp cực kỳ khéo léo địa thế tự nhiên với việc xây thành tạo nên công trình phòng thủ vĩ đại.

 

Tòa thành bất khả xâm phạm!

Theo nhận xét của các nhà sử học Cổ Loa là một công trình phòng vệ kiên cố trong điều kiện chưa có hỏa khí bắn xa. Nếu như kẻ địch tấn công từ bên ngoài vào, chúng sẽ gặp phải đòn đánh phủ đầu từ những lũy tiền vệ bên ngoài.

Qua lũy tiền vệ này, để tiến vào tường thành còn phải vượt qua một khoảng trống lớn. Với tầm bắn của cung nỏ cứng, quân đứng trên tường thành Ngoại có thể ngăn chặn được bước tiến kẻ thù.

Vi sao Thanh Co Loa la kiet tac quan su
Tường thành Cổ Loa tồn tại tới ngày nay. Nguồn ảnh: Wikipedia.

Một khi vượt qua được khoảng trống đó, trước mặt kẻ địch là hệ thống ngoại hào rộng từ 20-30m mà không dễ vượt qua vì quân trên mặt tường thành bắn uống, thuyền nhỏ thủy quân xông ra phối hợp tác chiến.

 

Kể cả vượt qua được hào nước, đối mặt với quân xâm lược là tường thành Ngoại kiên cố, cao từ 8-10m. Vượt qua thành Ngoại để vào nơi Vua và hoàng tộc ở, kẻ thù phải vượt qua hai lớp hào và thành kiên cố khác, chưa kể các trận địa xung quanh bố trí giữa hai lớp thành tạo thế liên hoàn.

Thế mới thấy, mới chỉ 3 vòng thành mà Cổ Loa Thành đã khó công phá tới vậy thì với 9 vòng thành thì ai địch nổi?

Không chỉ là căn cứ bộ binh hiểm yếu, Cổ Loa cũng được xem là căn cứ thủy quân lợi hại. Sông Hoàng – ngoại hào thiên nhiên của Cổ Loa, đầu trên nối sông Hồng, đầu dưới nối sông Cầu, quả cửa Lục Đầu ở Phả Lại có thể tiến thẳng ra biển.

Nước hai con sông lớn nhất châu thổ đã qua sông Hoàng, đổ vào hào rồi chảy ra Đầm Cả cho phép nơi đây chứa được hàng trăm thuyền bè.

Với hệ thống đường thủy tự nhiên kết hợp sự khống chế của con người, thuyền chiến có thể di chuyển trong thành và khi cần những đạo quân trong thành có thể ra ngoài bằng đường thủy. Việc tiếp cứu khi thành bị vây hãm bằng đường thủy cũng dễ dàng hơn.

 

Cho nên, khó có thể phản biện khi nói Cổ Loa Thành xứng đáng là thành tựu kỹ thuật quân sự đặc biệt nhất, nổi bật nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của nước Việt ta.

Theo Hoàng Lê/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm