Các nhà nghiên cứu đang phân tích hóa thạch và cảnh quan thời cổ đại và nhận thấy rằng, sự giống nhau giữa con người hiện đại với tổ tiên của chúng ta chính là khả năng thích nghi được với những điều kiện môi trường khắc nghiệt, từ sa mạc khô cằn nóng bức cho đến rừng nhiệt đới mưa ẩm hay những núi băng lạnh giá.
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Max Planck của Đức cho biết, khả năng này quan trọng hơn nhiều so với kỹ năng về nghệ thuật, ngôn ngữ hay công nghệ, chúng khiến loài người tinh khôn khác biệt so với các loài người khác như người Neanderthal hay Homo erectus, là những loài người dù có nền văn hóa phong phú nhưng vẫn bị tuyệt chủng.
Người tinh khôn không chỉ tồn tại được ở các vùng có điều kiện khắc nghiệt mà còn phát triển mạnh mẽ vì họnhanh chóng nắm được tình hình của môi trường xung quanh để cạnh tranh sinh tồn với các loài người khác.
“Chúng ta thường tập trung vào các kỹ năng như ngôn ngữ, xã hội và phát triển nhận thức để so sánh với các loài người khác và cho rằng đó là điều khiến chúng ta tồn tại, nhưng chúng ta ít thảo luận về lý do tại sao chúng ta sinh tồn được trên hành tinh này mãi cho đến tận hôm nay,” Tiến sĩ Patrick Robert tại Viện nghiên cứu Max Planck, cho biết.
Mặc dù ngày nay chỉ có duy nhất một loài người đó là loài người tinh khôn, nhưng trước đây đã từng có rất nhiều loài người khác nhau sinh sống ở khắp nới trên thế giới. Ở Châu Phi từng có một loài người sống cách đây 3 triệu năm, rải rác khắp nơi từ Tây Ban Nha, Trung Quốc hay Indonesia, thậm chí ở Anh Quốc vào khoảng 700.000 năm trước.
Cũng giống như người tinh khôn, những nhóm người khác bao gồm cả người Neanderthal và Homo erectus cũng có các hành vi khéo léo, hệ thống tượng hình, khả năng chế tạo công cụ bằng đá và giao tiếp xã hội.
Tuy vậy, những nhóm người này chỉ sống được trong một môi trường sinh thái nhất định, họ chỉ tiếp thu và phát triển được kiến thức tại chính nơi họ sống. Thí dụ, người Neanderthal chủ yếu săn bắt thú trong rừng và trên các đồng cỏ, trong khi người Homo floriensis nhỏ bé chỉ sống được ở rừng mưa nhiệt đới Indonesia.
Trước đây, các nghiên cứu chỉ ra người tinh khôn chỉ sống tập trung ở các thảo nguyên hay bờ biển, mãi đến khoảng 15.000 năm trước tổ tiên của chúng ta mới đi sâu vào các vùng có điều kiện sống khắc nghiệt. Nhưng các nghiên cứu mới cho thấy, người tinh khôn đã sống trong môi trường khó khăn từ rất lâu trước đó.
Trong khi các nhóm người khác chỉ sống thu hẹp trong môi trường sống của riêng họ, thì người tinh khôn đã có ít nhất 45.000 năm lịch sử sống khắp nơi trên Trái Đất này. Người tinh khôn đã sớm chiếm được các vùng sa mạc Châu Phi, Bán đảo Ả Rập, tây bắc Ấn Độ và Cao nguyên Tây Tạng hay Dãy núi Andes cao chót vót.
Khả năng sinh sống được ở khắp nơi giúp loài người tinh khôn nhanh chóng sinh sản và phát triển rộng lớn cộng đồng của mình, nhờ vào tập tính sống theo cụm xã hội và chia sẻ kiến thức để cùng nhau phát triển.
“Chính sự trao đổi thực phẩm từ các khu dân cư khác nhau nằm ở xa nhau đã khiến loài người tinh khôn thích ứng được với các điều kiện môi trường khác nhau, các mối quan hệ và quy tắc ứng xử ở từng nơi giúp não bộ thêm phát triển. Người tinh khôn đã sớm chấp nhận sự khác biệt của đồng loại, nhờ vậy nó vượt trội và sớm thế chỗ các loài người khác,” Tiến sĩ Brian Stewart, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.