Khám phá

Việt Nam có hai quân sư vô cùng nổi tiếng, luận tài năng uyên bác không thua gì Gia Cát Lượng

Nếu Trung Quốc có Tôn Tẫn, Gia Cát Lượng thì Việt Nam chúng ta cũng có hai vị quân sư uyên bác, tài giỏi không kém cạnh.

Gia Cát Lượng rõ ràng bồi dưỡng Khương Duy làm người nối nghiệp, tại sao trước khi lâm chung lại đem quân quyền giao cho Dương Nghi? / Quan Vũ, Triệu Vân, ai mạnh nhất? Lưu Bị, Gia Cát Lượng cùng đưa một đáp án, thấy rõ ai thực sự giỏi hơn

Ảnh minh họa

Trong lịch sử Trung Quốc, các danh nhân như Gia Cát Lượng, Tôn Tẫn, Khương Tử Nha… luôn được ngợi ca là những nhà quân sư lỗi lạc, rành chiến thuật quân sự và giỏi tiên đoán những chuyện trong tương lai. Ở Việt Nam cũng có những vị quân sư uyên bác, tài năng không kém, tiêu biểu là danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và danh thần thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên - Đào Duy Từ.

Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, quê ở Chí Linh, Hải Dương sau chuyển đến làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (cũ). Sinh ra trong một gia đình tri thức, lại thông minh ham học nên khi lớn lên, Nguyễn Trãi năm 1400 đỗ Thái Học sinh rồi sau làm quan cùng cha Nguyễn Phi Khanh dưới triều Hồ.

7 năm sau, quân Minh xâm lược nước ta, cha ông cùng nhiều chư thần bị bắt sang Trung Quốc khiến ông đau buồn khôn nguôi. Nhớ lời dặn dò "tìm cách cứu cha, rửa thù cho nước nhà", Nguyễn Trãi nuôi chí báo thù trong 10 năm sau đó. Tương truyền, ông vì nằm mơ thấy vị vua tiếp theo là Lê Thái Tổ mà đã quyết tâm đi theo Lê Lợi, phục vụ hết mình trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Cùng với Bình Ngô Sách (vạch ra 3 kế sách đánh quân Minh chủ yếu là tâm công - đánh vào lòng người), Nguyễn Trãi đã được Lê Lợi phong làm Tuyên phong đại phu – Thừa chỉ Hàn Lâm viện, ngày đêm dự bàn việc quân, trù hoạch mưu lược, viết thư thảo hịch.

Năm 1423, Nguyễn Trãi chính là người viết thư cầu hòa với nhà Minh, được tổng binh nhà Minh là Trần Trí chấp thuận ngay. Thư từ giữa quân Lam Sơn và quân Minh từ đó đều do Nguyễn Trãi chắp bút. Nhờ kế sách hoãn binh mà quân Lam Sơn có thời gian cùng cố lực lượng. Đến năm 1424, nhà Minh "khai hỏa" khi bắt giữ sứ giả Lê Trăn, tuyệt giao với Lê Lợi vì biết rằng không thể chiêu hàng được quân ta. Thế nhưng lúc này nghĩa quân Lam Sơn đã lớn mạnh hơn rất nhiều, liên tiếp giành thắng lợi tại Tân Bình, Thuân Hóa, Nghệ An khiến quân Minh chỉ còn cách cố thủ chờ cứu viện.

Nguyễn Trãi tiếp tục cho thấy sự khôn ngoan khéo léo khi có thể chiêu dụ được hàng loạt tướng Việt lẫn tướng nhà Minh quy thuận quân Lam Sơn. Đến cuối cùng, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi hoàn toàn, đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi, lấy lại thành Đông Quan và lập nên nhà Lê. Vua Lê tiếp tục tin tưởng giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo - tác phẩm được coi như bản tuyên ngôn độc lập thời đó.

 

Thế nhưng những năm cuối đời, Nguyễn Trãi vướng vào thảm án Lệ Chi Viên, bị cho là hại chết vua nên đã bị chu di tam tộc. 22 năm sau, tức là vào tháng 8/1464, vua Lê Thánh Tông mới giải oan cho ông, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và tiếp tục bổ dụng con cháu ông làm quan.

Đào Duy Từ

Đào Duy Từ (1572-1634) được xem là công thần giúp cho thời kì của chúa Nguyễn trở nên hưng thịnh. Xuất thân trong một gia đình bình dân ở Thanh Hóa, lại mồ côi cha từ nhỏ nhưng Đào Duy Từ lại rất thông minh, sáng dạ. Ông đỗ giải Á nguyên trong khoa thi Hương năm 1593 đời vua Lê Thế Tông (1567 – 1584), khi đó mới 21 tuổi. Thế nhưng vì có người tố ông sinh ra trong gia đình phường chèo – dạng “xướng ca vô loài” (bị kỳ thị thời đó) nên ông bị lột áo Á nguyên, mẹ ông là bà Vũ Thị Kim Chi quá phẫn uất nên thắt cổ tự tử mà chết.

Biến cố liên tiếp ập đến khiến Đào Duy Từ lâm bệnh nặng nằm liệt tại nhà trọ. May mắn là sau đó, Nguyễn Hoàng vì nhìn thấy được tài năng của Đào Duy Từ sau khi xem xết bài vở của ông nên đã âm thầm giúp đỡ ông chạy chữa rồi mời vào Nam qua lời thơ đầy ẩn ý. Nhận lời Nguyễn Hoàng, Đào Duy Từ vài năm sau vào Đàng Trong lập nghiệp. Ban đầu ông xin chăn trâu cho một phú ông có tên Trần Đức Hòa tại xã Tùng Châu – một người rất thân thiết với Nguyễn Phúc Nguyên, con trai Nguyễn Hoàng. Thấy Đào Duy Từ học rộng hiểu cao nên ông Trần đã giữ lại và gả con gái cho. Nguyễn Phúc Nguyên sau khi xem Ngọa Long Cương do Đào Duy Từ viết đã lập tức mời vào cung hỏi chuyện. Nhận thấy tư duy sắc bén của họ Đào, Chúa Nguyễn lập tức ban chức Nha úy nội tán trông coi việc quân cơ ở trong ngoài, tham lý quốc chính.

Đào Duy Từ dốc lòng phụng sự, bày mưu tính kế giúp Chúa Nguyễn thành nhiều đại sự, đến mức ngài còn khen ngợi Đào Duy Từ có thể sánh ngang với Tử Phòng và Khổng Minh. Đào Duy Từ cũng là người góp công lớn trong thắng lợi trong cả hai cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn – cuộc chiến Đàng Trong và Đàng Ngoài (1627 và 1630). Cũng nhờ cái lũy dài 18km (bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải) do Đào Duy Từ khởi xướng mà Chúa Nguyễn mới ngăn chặn được quân Trịnh trong bảy lần giao tranh. Ông được ngợi ca là người có công lao to lớn trong việc đặt nền móng vững chắc cho nhà Nguyễn lưu truyền 9 chúa 13 đời vua.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm