Vua Lý Thần Tông băng hà ở tuổi 23, Cảm Thánh phu nhân vợ ông còn đang tuổi xuân sắc. Bà tư tình với Đỗ Anh Vũ để cho tên quan này lũng đoạn triều đình.
Thời xưa, các vua chúa trăng hoa gió nguyệt dư luận ít phê phán, bởi họ là “thiên tử” (con trời) quyền nghiêng thiên hạ. Nhưng bậc mệnh phụ mà có mối tư tình khác thì đó là việc trái luân thường. Cái “vòng kim cô” “công, dung, ngôn, hạnh” của Nho giáo thít chặt lắm giới quần thoa.
Riêng ở nước Việt dưới thời Lý, sử cũ ghi nhận có hai trường hợp Thái hậu tư tình riêng với quan dưới trướng của mình, để lại không ít điều tiếng cho chính họ và bản triều. Điều đáng chú ý là những kẻ dám làm trò hoa nguyệt với bậc mẫu nghi thân lại vẫn bảo toàn được tính mạng và danh phận chứ không lâm vào cảnh đầu cổ lìa nhau.
Mối tình giữa thân mẫu của vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) với quan đại thần Đỗ Anh Vũ được xem là một trong những vết gợn trong thời trị vì của vị vua thứ sáu nhà Lý. Nhưng việc ấy cũng nào có trách vua được.
Vua băng hà sớm, quan tư tình với thái hậu
Nói thế, bởi khi vua Lý Thần Tông băng hà năm Mậu Ngọ (1138) ở tuổi 23, lúc ấy Cảm Thánh phu nhân vợ ông cũng đương còn ở thì xuân sắc, sức sống dồi dào. Con trai Thiên Tộ lên ngôi lúc mới ba tuổi, tức vua Lý Anh Tông. Thiếu vắng bóng chồng, con nhỏ thơ dại, gối chiếc chăn đơn, Cảm Thánh lúc này là Lê Thái hậu vò võ một mình chốn hậu cung. Nhưng không vì thế mà bà buồn, bởi sau khi đấng kim thượng xa rời dương thế, bà vẫn có một bóng hình khác bên cạnh để bầu bạn, tâm sự, hương lửa mặn nồng: Đỗ Anh Vũ.
Lại nói về Đỗ Anh Vũ, có chị gái Đỗ thị, là mẹ của hoàng đế Lý Thần Tông. Đỗ Anh Vũ được biết đến là kẻ có tướng mạo đẫy đà, đẹp đẽ. Lúc nhỏ, được tuyển vào trong cung làm thượng lâm tử đệ. Sau đó, vua Lý Thần Tông cho vào trong Đại Nội hầu nơi màn trướng. Lê Thái hậu buổi ấy đang là Cảm Thánh phu nhân, thấy dung mạo của họ Đỗ thì đã cảm mến, liếc mắt đưa tình rồi.
Là kẻ bề tôi, nhưng vốn có nhiều tham vọng, lại không thoát khỏi cái bản năng vốn có của đàn ông, nên Đỗ Anh Vũ cũng đáp lại. Hiềm nỗi hoàng đế vẫn còn đó, nên tình trong của con chim loan (Cảm Thánh phu nhân) với con chim cắt đang ra ràng (Đỗ Anh Vũ) như đã chín mà mặt ngoài còn chưa dám làm điều lỗi đạo.
Khi vua Lý Thần Tông băng hà, vua Lý Anh Tông nối ngôi ở tuổi lên ba chưa hiểu biết gì, nên cái tình riêng trái đạo càng được dịp thổ lộ. Để tiện việc gặp gỡ người trong mộng, tháng 3 năm Canh Thân (1140), Lê Thái hậu bổ cho Đỗ Anh Vũ làm Cung Điện lệnh tri nội ngoại sự quản lĩnh cả công việc trong và ngoài Đại Nội. Họ Đỗ thỏa sức ra vào nội cung mà không gặp trở ngại gì, hai người tư thông với nhau ngày càng trơ trẽn, trong triều ngoài trấn biết hết nhưng không làm gì được.
Thái hậu Lê thị còn cho sửa lại cung Quảng Từ xa xỉ đẹp đẽ, ngày đêm ăn nằm với Anh Vũ như phu phụ, giải quyết những bức xúc của người phụ nữ đương xuân lại vắng hơi chồng. Được người tình ưu ái, Đỗ Anh Vũ vì thế chẳng coi ai ra gì: “Ở triều đình hắn vén tay, quát tháo, chỉ huy người bằng cách hất hàm, sai bảo người bằng khí sắc. Mọi người đều hé mắt sợ sệt, không ai dám nói gì”.
Việc trái tai gai mắt, nhưng thế lực của Đỗ Anh Vũ có Lê Thái hậu nâng đỡ nên ngày một lớn, không ai dám đứng ra can ngăn, hắn được tiến phong tới Thái úy. Lo cho an nguy của xã tắc vì Anh Vũ lộng hành, một nhóm quan lại gồm Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái, Nguyễn Dương, Đàm Dĩ Mông, Dương Tự Minh… cùng nhau họp lại, bàn mưu tính kế để trừ khử Anh Vũ.
Sau khi kế sách đã định, Vũ Đái cầm quân đến cửa thành, hô lớn: “Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều điều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau”. Ngay sau đó, lại có chiếu chỉ cho cấm quân bắt Anh Vũ. Anh Vũ đã bị cấm quân bắt trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, chờ định tội. Việc xảy ra năm Canh Ngọ (1150).
Thái hậu Lê thị nghe tin nhân tình bị bắt, lấy làm xót xa lắm nên tìm mọi cách để cứu. Bà sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng trong đồ đựng món ăn để đút lót cho Vũ Đái. Được của đút lót, Vũ Đái quên cả việc lớn nên nhẹ tay cho tên tội đồ họ Đỗ.
Không bị xử tử, được ân xá
Bấy giờ vua Anh Tông xét án Anh Vũ. Nhưng vây quanh vua toàn là tay chân của hắn, lại có mẹ là Thái hậu Lê thị nói thêm vào, nên thay vì định tội chết đối với tên “gian phu” như trường hợp Tần Thủy hoàng giết người tình của mẹ (Triệu Cơ) là Lao Ái, thì Anh Vũ chỉ bị biếm làm Cảo điền nhi đi làm ruộng nhà nước.
Thái hậu Lê thị lo buồn lắm, nghĩ cách làm cho người tình được về bên mình nên thường mở hội to, tha tội nhân để Anh Vũ được dự ân xá. Anh Vũ nhiều lần được ân xá thành ra cũng chỉ trong năm ấy, hắn khỏi tội, lại làm Thái úy phụ chính như trước. Từ đó, càng được cưng yêu, hắn nắm hết quyền sinh sát trong tay, chăm làm những việc báo oán, lũng đoạn cả triều đình.
Những người từng bắt hắn trước kia, đều bị tống ngục, hoặc bắt đi đày, hoặc giết. Mà nào có làm bí mật gì, hắn công khai lợi dụng sự nhẹ dạ, mượn luôn tay vua để thực hiện bằng cách nói riêng với vua, khơi việc Vũ Đái dám cầm cấm quân xông vào cửa khuyết, phải trừ đi kẻo để họa về sau.
Thế là tội những người can dự vụ giết hụt Đỗ Anh Vũ được tuyên: “Giáng Trí Minh vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước Minh tự, Bảo Thắng hầu làm phụng chức; bọn Vũ Đái 20 người bị chém, bêu thủ cấp ở đầu sông; bọn Đồng Lợi 8 người bị chém ở chợ cửa tây; bọn (Dương) Tự Minh 30 người bị phát lưu đi các nơi nước độc ở viễn châu; còn những người dự mưu đều bị bắt tội đồ”.
Thật là:
Nết Anh Vũ ngẫm càng quá cỡ,
Trêu vợ vua lại khử tôi vua .
Chỉ đến tháng 8 năm Mậu Dần (1158), Đỗ Anh Vũ chết, nước nhà mới được yên, trăm họ chắc cũng vui mừng, quan viên hồ hởi. Nhưng Lê Thái hậu thì nỗi buồn đong đầy khôn xiết.
Trích sách "Việt án lần theo trang sử cũ"/Trần Đình Ba