Khám phá

Vua Khải Định với bốn điều về việc săn bắn ở tỉnh Lâm Viên

Tỉnh Lâm Viên xưa được mệnh danh là tỉnh có nhiều muông thú vật loại, tuy nhiên, do sự săn bắn quá mức giết hại cả con giống bố mẹ, dẫn đến nhiều loại muông thú ngày một giảm dần.

Ảnh động vật: Khốc liệt cảnh sư tử xâu xé voi / Chuyện chưa kể về vị trạng nguyên cuối cùng của Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ muông thú, nhất là con giống bố mẹ là cần kíp, do đó vua Khải Định đã ban hành bốn điều cấm về việc săn bắn muông thú ở tỉnh Lâm Viên.

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ bản chữ Hán (Bản này chưa được khắc in do chiến tranh, vì vậy trong kho lưu trữ quốc gia không có bản này, hơn nữa thực lục đệ thất kỷ cũng chưa được dịch thuật công bố, tư liệu này chúng tôi nghiên cứu từ bản chữ Hán). Sách gồm 10 quyển được viết tay, chữ chân phương. Đây cũng là thực lục cuối cùng của các vua triều Nguyễn về chính sử nước nhà. Bản gốc của bộ sách này hiện lưu trữ tại Thư viện Trường Viễn Đông bác cổ (Paris). Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, chép về đời Khải Định, có 10 quyển, vì Khải Định làm vua 10 năm, mỗi năm một quyển.


Vua Bảo Đại trong một chuyến đi săn tại Tây Nguyên. (ảnh do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp).

Trong di sản thư tịch cha ông ta để lại, Đại Nam thực lục là bộ sử lớn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, gồm hai phần tiền biên và chính biên, chép việc triều Nguyễn qua chín đời chúa Nguyễn, và chín đời vua Nguyễn (từ Gia Long đến Đồng Khánh) trong khoảng 1558 đến 1888. Toàn bộ các sách thực lục trên, ở Đà Lạt hiện đang lưu giữ Thực Lục từ nhất kỷ đến lục kỷ, còn lục kỷ phụ biên và thất kỷ thì không có. Vì hai bộ sách này chưa kịp khắc in vậy nên không có bản ván in mộc bản.

Lệnh về việc săn bắt muông thú của vua Khải Định nằm trong quyển một sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ trang thứ 74 và 75. Nội dung của các điều cấm như sau:

Định ra những điều cấm săn bắn ở tỉnh Lâm Viên. Ban đầu Khâm sứ Đại thần bàn bạc các điều cấm săn bắn ở Lâm Viên, nay làm rõ để định ra các điều khoản cấm làm để bảo vệ các loài muông thú. Làm kế cho các loại thú nhỏ đến các loài cầm thú sinh trưởng ít bị tuyệt diệt. Việc do Viện Cơ Mật tấu trình bàn bạc định ra các điều.

Một là: trong tỉnh Lâm Viên giữ lại phần đất đai rộng lớn để làm nơi săn bắn.

Hai là: phàm trong hạt nhất thiết không được giết hại con thú bố mẹ (con cái và con đực giống).

Ba là: các khoản lệ về săn bắn do Phủ Toàn quyền Đông Dương bàn bạc nghị định.

Bốn là: Người nước Nam ngoài việc tự nguyện nạp tiền ra nếu phạm vào điều cấm khác chiếu theo luật trị tội trách phạt.

Phụng chuẩn thi hành.

Trong các điều khoản về việc săn bắn muông thú ở Lâm Viên, chúng ta có thể nhận ra rằng, trước đây khu vực này được dành hẳn một nơi rộng lớn làm nơi săn bắn, như trong sách thực lục ghi chép. Đó là phải giữ lại một nơi rộng lớn trong tỉnh làm nơi săn bắn. Nhưng săn bắn không nhất thiết là tàn sát hết các loài muông thú mà săn bắn có chọn lọc. Điều luật quy định rõ, phàm tất cả người dân trong hạt nhất thiết không được giết hại con giống đực và giống cái bố mẹ. Từ đó nhằm duy trì nòi giống để không bị tiệt diệt. Cuối cùng là những tội bị trừng phạt, cụ thể là phạt tiền và trừng trị theo như quy định của Phủ Toàn quyền Đông Dương.

Việc quy định các điều khoản về săn bắn ở Lâm Viên phần nào cho thấy tỉnh hạt Lâm Viên cũng được chú trọng quan tâm trong chính sử. Mặc dù ở nơi biên viễn xa xôi nhưng đây lại là nơi được nhiều vua triều Nguyễn để ý tới như vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Lâm Viên không những đẹp về phong cảnh và khí hậu, lại cũng là nơi đất lành chim đậu, thế nên người Pháp đã ví như là một “tiểu Pari” ở Đông Dương. Suy ngẫm lại cũng như thư tịch chính sử đã ghi chép, lời khen ấy thật cũng chẳng phải là ngoa ngôn.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm